Trên đường vắng, thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy qua. Bỗng một chiếc xe hơi đang phóng nhanh, đột ngột thắng gấp và tấp vào lề đường. Không biết ai đã ném đá vào cửa xe anh. Bác tài xế bước xuống xe nhìn về phía chỗ xe bị ném thấy một đứa bé đang đứng tại đó. Chắc chắn nó chớ không còn ai. Trước đó thấy nó vẫy tay để đón xe đi nhờ, nhưng bác tài xế không dừng xe, vọt chạy luôn nên nó mới ném đá.
Bác tài xế hét lên:
- Không cho đi nhờ mày ném đá xe tao hả? Đồ nhóc con! Tao sẽ cho mày một bài học biết tay.
Vừa nói, bác tài xế tóm cổ áo thằng bé lôi đi đến bên chiếc xe chỉ cho nó thấy vết trầy.
Cậu bé sợ hãi lắp bắp, giọng nói run run:
- Em...! Em...! xin lỗi anh! Nhưng em không biết làm sao cho xe ngừng? Nếu em không ném vào xe anh thì anh cũng không bao giờ ngừng xe...
Bác tài ngắt lời:
- Mầy thấy xe tao trầy không? Cậu bé tiếp:
- Nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có xe nào chịu dừng.
Nói đến đó, nước mắt nó giàn giụa lăn dài trên má. Cậu bé nghẹn ngào chỉ tay về phía bên kia vệ đường, có một bà cụ già tật nguyền nằm bên chiếc xe lăn. Cậu bé lại tiếp nói qua hai hàng nước mắt, giọng ngắt quãng, vì em vừa sợ vừa khóc nên tiếng nấc liên tục:
- Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy, nhưng em không đủ sức đỡ nổi bà cụ dậy, vì bà ấy nặng quá.
Cậu bé nài nỉ nói tiếp:
- Anh có thể giúp em đỡ bà cụ lên chiếc xe lăn được không? Tội nghiệp bà ấy lắm anh ạ! Dường như bà ấy bị rỉ máu ở mặt và nằm bất động, em gọi mãi bà mới tỉnh dậy, xin anh giúp em, nhé anh! Lời nói của cậu bé khiến bác tài xế không thể thốt lên được lời nào, thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động.
Bác tài xế đến đỡ bà cụ bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn, và cùng cậu bé kéo chiếc xe lăn cho bà cụ lên đường. Bà cụ cảm ơn anh rồi chiếc xe lăn bắt đầu lăn đi về phía ngược chiều với xe anh, cậu bé phụ đẩy phía sau. Bác tài dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn.
Bác tài xế bước thật chậm về chiếc xe của mình, cảm giác giận dữ trong anh không còn nữa, và những bước chân ngập ngừng cũng không thể diễn tả hết tâm trạng của anh lúc này. Anh quyết định không sửa lại vết trầy trên xe. Anh muốn vết trầy trên xe sẽ nhắc nhở anh về câu chuyện xúc động hôm nay; về một điều mà từ trước đến nay anh không để ý và cũng không có thời gian để nghĩ đến.
Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé kia, anh đã tiếc thời gian và đi qua nhanh đến nỗi phải có ai đó ném một viên đá mới làm anh dừng lại và thức tỉnh lòng trắc ẩn yêu thương đối với mọi người, mọi vật chung quanh mình.
Lòng trắc ẩn của cậu bé kia đã cho anh bài học đạo đức hiếu sinh rất xúc động, mà suốt cuộc đời không bao giờ quên.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1:
Đại ý bài này nói về đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 1, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh, tức la lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 1:
Bài học này chỉ rõ đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành rất rõ ràng của cậu bé, nhờ đức hiếu sinh này đánh thức đức hiếu sinh của người tài xế thật là tuyệt vời.
Bài này đã gây cho chúng ta ấn tượng đức hiếu sinh khó quên.
Bài này nói về đạo đức hiếu sinh, tức là lòng yêu thương của một cậu bé thực hiện lòng yêu thương của mình bằng ý hành, thân hành, khẩu hành.
Một câu chuyện làm mọi người rất xúc động, khiến chúng ta luôn luôn nhớ mãi không quên một cậu bé có tâm hồn cao thượng sống vì mọi người, vì tình người, vì nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Ước mong quý học viên là những đệ tử của Phật, mãi mãi sống trong lòng yêu thương không làm khổ mình, khổ người, lúc nào cũng quyết tâm tha thứ những lỗi lầm và luôn luôn thương yêu tất cả mọi người và mọi sự sống trên hành tinh này.
Câu hỏi 2:
Hành động ném đá vào xe đáng trách hay là đáng thương? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 2, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này. Có đóng góp nhiều ý kiến thì lớp học mới sống động, đạo đức hiếu sinh được mổ xẻ tận gốc thì sự hiểu của tu sinh mới thấu triệt, mới thấm nhuần. Còn lớp học không có ý kiến đóng góp thì lớp học chỉ là học tư chương, không sâu sắc về đạo đức, cứ dạy đâu học đó thì sự thực hành kết quả không bao nhiêu.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa hành động ném đá vào xe là đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 2:
Hành động ném đá vào xe là một hành động thông minh của một cậu bé, tìm cách dừng xe để có người giúp mình đưa bà cụ lên xe lăn, một hành động đáng khâm phục, nếu không có trí thông minh thì không thể làm việc này được; một hành động đáng ca ngợi, lòng thương người biến ra hành động thật tuyệt vời! Kể ra cậu bé này cũng gan thật, nếu nhát gan không dám làm điều này.
Câu hỏi 3:
Hành động ném đá vào xe là đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 3, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này. Vậy hành động ném đá vào xe là đạo đức gì?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý với quý học viên để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 3:
Hành động ném đá vào xe là hành động đạo đức hiếu sinh vì lòng thương yêu người, thương bà cụ tàn tật bị lật xe.
Biết hành động ném đá vào xe là hành động sai, nhưng không còn có cách thức nào khác hơn để có người giúp cậu đưa bà cụ tàn tật lên xe lăn. Đúng là một hành động thông minh, đạo đức thương người.
Câu hỏi 4:
“Nước mắt cậu bé giàn giụa lăn dài trên má, cậu nghẹn ngào chỉ tay về phía bên kia vệ đường có một bà cụ già tật nguyền nằm bên chiếc xe lăn”, đó là hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 4, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 4:
“Nước mắt cậu bé giàn giụa lăn dài trên má, cậu nghẹn ngào chỉ tay về phía bên kia vệ đường có một bà cụ già tật nguyền nằm bên chiếc xe lăn”, đó là hành động đạo đức thương người của cậu bé.
Nước mắt của cậu bé vì sợ bác tài xế đánh, nhưng nó nói lên được đức hiếu sinh của cậu thật sự thương người. Lòng thương người như cậu bé này khó có ai làm được, dám làm một điều mà ít có người nghĩ đến.
Câu hỏi 5:
“Anh có thể giúp em đỡ bà cụ lên chiếc xe lăn được không?” Lời nói của cậu bé nhờ phụ giúp đỡ bà cụ là đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 5, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này, đối với đề tài đạo đức này, làm cho nó rõ nghĩa hơn.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 5:
“Anh có thể giúp em đỡ bà cụ lên chiếc xe lăn được không? ” Lời nói này là một đạo đức hiếu sinh khẩu hành. Lời nói của một cậu bé đầy lòng yêu thương, nghe xúc động lòng người. Trước tấm lòng hiếu sinh của một cậu bé biết thương người, ai mà không ngẹn ngào thương cảm.
Câu hỏi 6:
“Bác tài xế thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động”, đó là những hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 6, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này. Lớp học chúng ta cần phải có nhiều ý kiến sống động, mổ xẻ bài học để giúp chúng ta thấu triệt đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 6:
“Bác tài xế thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động” trước hành động thương người của cậu bé. Đó là một hành động đạo đức hiếu sinh ý hành đang trỗi dậy trong lòng bác tài một cách đột ngột, xảy đến không ngờ trước được.
Nghe lời nói của cậu bé, ai mà không xúc động trước lòng trắc ẩn thương người của cậu.
Nó khiến chúng ta nhớ mãi không quên.
Câu hỏi 7:
“Bác tài xế đỡ bà cụ bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn”, đó là hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 7, để góp phần làm sáng tỏ đức hiếu sinh thân hành của bác tài xế. Bài học này giúp chúng ta thực hiện lòng thương yêu đối với tất cả sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 7:
“Bác tài xế đỡ bà cụ bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn”. Đó là hành động đạo đức hiếu sinh thân hành.
Đọc qua bài này, quý học viên nhận ra từng hành động đạo đức rõ ràng, cụ thể nơi miệng là lời nói; nơi ý thức là suy nghĩ, tư duy; nơi thân là hành động nâng đỡ, dìu dắt, v.v...
Câu hỏi 8:
“Bác tài xế dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn”.
Đoạn này nói hình ảnh bác tài xế trông theo chiếc xe và cậu bé là đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 8, để góp phần làm sáng tỏ hình ảnh đạo đức hiếu sinh đầy lòng thương yêu của bác tài xế. Nếu lòng yêu thương ấy luôn luôn đối với tất cả sự sống trên hành tinh này thì thế gian này đẹp biết mấy.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 8:
“Bác tài xế dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn”.
Hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn là một bài học đạo đức thương người cao đẹp nhất, và cũng là một bài học đạo đức khéo nhắc nhở cho những ai thờ ơ với với nền đạo đức nhân bản - nhân quả, mà luôn luôn lúc nào nó cũng hiện hữu, sống trong lòng của mọi người.
Hình ảnh cậu bé là một hình ảnh đạo đức thương yêu mà suốt đời bác tài xế không thể nào quên được.
Một hình ảnh cậu bé đạo đức hiếu sinh cao vòi vọi phủ trùm vạn vật, còn bé nhỏ đã sống đạo đức như vậy thì người lớn chúng ta so sánh có sống đạo đức hiếu sinh bằng cậu bé này không? Trong cuộc sống trên hành tinh này, nếu mọi người ai cũng sống với lòng yêu thương thì hạnh phúc biết bao. Làm sao còn có sự khổ đau nữa. Phải không quý học viên? Chỉ có đức hiếu sinh tuyệt vời.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét