Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Bài học thứ 14: ĐỪNG HƯỚNG TÌNH THƯƠNG VÀO MỘT CHỖ

Một thời, Phật thuyết pháp tại thành Xá Vệ. Bấy giờ một phú trưởng giả có một người con gái đẹp. Tất cả lòng thương yêu của ông đều hướng về người con gái ấy, nên đem gả cho một thiếu niên dòng thế phiệt. Tất cả tình yêu của đôi vợ chồng thiếu niên ấy chỉ trút cho nhau. Nhưng tuy rất thương vợ mà thiếu niên lại rất ăn chơi. Chơi hết gia tài rồi, thương chàng, vợ chàng về xoay của cha.
Xoay lần này hết lần khác. Nhưng càng cho càng hết, tức quá, ông bèn thầm tính đem con về gả cho người khác. Vì trút hết tình thương cho chồng, nên người con gái ấy thổ lộ và hỏi chồng mưu kế.
Người chồng vô kế khả thi, nhưng bao nhiêu tình thương đều hướng cả về vợ, nghĩ không thể xa nhau được, bèn dụ vợ vào phòng rồi dùng dao giết vợ và tự sát. Theo phép nước thì cả nhà đôi vợ chồng kia và ông phú trưởng giả đều phải tù tội. Nghe thế, ông tuy rất khiếp sợ, nhưng không đau đớn bằng mất người con thương yêu. Ông bèn tìm đến chỗ Phật, người mà xưa nay ông không để ý tới.
Đức Phật dạy:
- Đời khổ chỉ vì người ta hướng lòng thương của mình vào một chỗ. Phóng rộng tình thương, yêu thương tất cả thì cuộc đời làm chi có tự sát và sát hại nhau.
Kinh Pháp Dụ
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: Lòng thương của ông Phú hộ chỉ hướng về người con gái của mình. Cho nên mới xảy ra cái chết đau thương cho con gái, con rể và bản thân bị tù tội. Như vậy lòng thương của ông Phú Hộ là lòng thương yêu gì?
Câu hỏi 2: Vì chỉ có thương chồng nên cô gái mới bàn mưu lập kế với chồng để cha khỏi gả cho người khác, nhưng không ngơ tình thương một hướng về chồng nên cái chết mới xảy ra vô cùng thảm khốc. Như vậy lòng thương chồng của cô gái là lòng yêu thương gì?
Câu hỏi 3: Người chồng vì thương vợ, không muốn vợ mình rơi vào tay người khác, nên đóng cửa giết vợ, giết mình. Đó chỉ la tình thương một chiều hướng, đưa đến cái chết đau thương. Như vậy lòng thương vợ la lòng thương gì?
Câu hỏi 4: Ba người chỉ có đặt tình thương một hướng như: ông Phú Hộ chỉ đặt tình thương hướng về con gái; cô con gái chỉ đặt tình thương một hướng về chồng; người chồng chỉ đặt tình thương một hướng về vợ.
Cho nên cả ba người chỉ đặt tình thương có một hướng. Như vậy cả ba tình thương này thuộc về tình thương gì? Có phải là đức hiếu sinh không?
Câu hỏi 5: Lòng yêu thương đặt nhiều hướng là lòng yêu thương gì? Nó có phải la đạo đức hiếu sinh không?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
Lòng thương của ông Phú Hộ là lòng thương yêu ích kỷ, thuộc về cá nhân nhỏ hẹp. Lòng thương yêu ấy nằm trong thất tình lục dục.
Trong xã hội loài người, vì lòng thương yêu ấy mà người ta có thể đâm giết nhau không gớm tay. Ông Phú Hộ chỉ biết thương con gái mình, đặt tình thương có một chỗ, vì thế vô tình ông đã gián tiếp giết con gái, giết con rể và làm cho mình ở tù. Thật là đáng thương thay!
Trả lời câu hỏi 2:
Lòng thương chồng của cô gái là lòng yêu thương ích kỷ nhỏ hẹp, chỉ đặt có một hướng về chồng. Do đó mới đem đến cái chết do chồng giết.
Lòng yêu thương ấy là lòng thương yêu trong thất tình lục dục chỉ có một hướng, cho nên mới đem đến cảnh chết thương tâm và làm tan nát một gia đình đang hạnh phúc an vui.
Trả lời câu hỏi 3:
Lòng thương vợ là lòng thương ích kỷ nhỏ hẹp trong thất tình lục dục, nên khi gặp những cảnh ngang trái khó khăn không giải quyết được, nên thường đi đến chỗ tự sát hoặc sát hại những người thân. Đó là một thứ tình thương chiếm hữu. Chiếm hữu có nghĩa vợ hay chồng là vật sở hữu của riêng mình, không thể để cho người khác xâm chiếm. Do lòng yêu thương chiếm hữu ích kỷ ấy mà cảnh gia đình tan nát.
Trả lời câu hỏi 4:
Cả ba tình thương này thuộc về tình thương ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, nó thuộc về tình thương trong thất tình lục dục. Tình thương một hướng.
Trả lời câu hỏi 5:
Lòng yêu thương đặt nhiều hướng là lòng yêu thương thuộc về ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, nó là một thứ tình thương yêu rộng lớn như trời cao, như biển rộng.
Bởi làm người chúng ta cần phải tu học và rèn luyện nhân cách ĐỨC HIẾU SINH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM này, để luôn luôn lúc nào cũng sống với đức HIẾU SINH. Nhờ có sống với ĐỨC HIẾU SINH rộng lớn như vậy mới đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả sự sống trên hành tinh này.

------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét