Một thời, đức Phật ở Xá Vệ, tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thuyết pháp cho chư Thiên nghe.
Lúc bấy giờ ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân học tỳ kheo muốn yết kiến đức Phật, giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời tiết hạn hán, nên suối hồ đều cạn. Hai người đi ngang qua, bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ nhưng lại bị đầy những loài trùng không thể uống được.
Hai người mới bàn với nhau rằng:
- Chúng ta từ xa lại, cốt trông mong chiêm ngưỡng đức Phật, không ngờ ngày nay lại bị chết khát ở giữa đường.
Một người nói rằng:
- Thôi! Ta hãy tạm uống để khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật. Vả lại ta có uống cũng không ai biết cả.
Người kia đáp rằng:
- Giới luật đức Phật chế ra, lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để tự sống thì dầu thấy Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà được sống.
Người đầu theo ý riêng của mình: “Uống nước đỡ khát và đi đến chỗ đức Phật ở”.
Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nên được sanh lên cõi Đao Lợi Thiên.
Thật là do lòng tin mạnh nên phước báo chẳng xa vậy. Nghĩ đoạn ông bèn đem hương hoa đến lễ Phật rồi đứng hầu một bên.
Còn người uống nước, phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở, thấy đấng Thế Tôn oai nghiêm, liền cúi đầu đảnh lễ, khóc lóc bạch Phật rằng:
- Con còn có người bạn cũng muốn đến yết kiến Phật, nhưng chẳng may giữa đường bị bệnh lâm chung. Dám mong đức Thế Tôn biết cho.
Đức Phật trả lời:
- Ta đã rõ rồi.
Bèn lấy tay chỉ vị tiên nhơn đứng hầu một bên mà nói rằng:
- Tiên nhơn này chính là người bạn của người đó. Người này vì giữ trọn giới luật nên được sanh lên cõi trời và được gặp ta trước người.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn chỉ tay vào ngực và bảo người kia rằng:
- Người tuy thấy hình Ta mà không giữ giới luật của Ta, thời tuy người thấy Ta mà Ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa Ta vạn dặm nhưng vẫn giữ giới luật, thời người ấy đứng trước mặt Ta.
Lúc bấy giờ đức Phật bèn thuyết bài kệ rằng:
Học nhiều lại nghe nhiều.
Trì giới chẳng sai phạm.
Hai đời được ngợi khen
Chỗ sở nguyện được thành tựu.
Học ít lại nghe ít
Giữ giới không chu toàn
Hai đời bị đau khổ
Chỗ sở nguyện bị táng mất.
Phàm học nên nghe nhiều
Xét lí nhận ý nghĩa
Dầu gặp nhiều tai nạn
Không gì đáng can ngại.
Lúc bấy giờ vị tỳ kheo nghe bài kệ xong tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối, im lặng suy nghĩ lời Phật dạy. Còn vị tiên nhơn tâm sanh hoan hỷ, chứng được pháp nhãn, chúng hội hoan hỷ phụng hành.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Thôi! Ta hãy tạm uống để khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật”. Lời nói này thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 2: “Vả lại ta có uống cũng không ai biết cả”. Lời nói này thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 3: Người bạn khuyên ngăn không nên uống nước có trùng là phạm giới. Lời nói như vậy là đạo đức gì?
Câu hỏi 4: Người tu sĩ đầu tiên theo ý riêng của mình: “Uống nước đỡ khát và đi đến chỗ đức Phật ở”. Lời nói này thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát, nên được sanh lên cõi Đao Lợi Thiên”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Ngươi tuy thấy hình Ta ma không giữ giới luật của Ta, thời tuy ngươi thấy Ta mà Ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa Ta vạn dặm nhưng vẫn giữ giới luật, thời người ấy đứng trước mặt Ta”. Đức Phật dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Lúc bấy giờ vị tỳ kheo nghe bài kệ xong tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối, im lặng suy nghĩ lời Phật dạy”, đó là đạo đức gì?
Câu hỏi 8: “Còn vị tiên nhơn tâm sanh hoan hỷ, chứng được pháp nhãn”, đó là đạo đức gì?
Câu hỏi 9: Bài này nói lên đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Thôi! Ta hãy tạm uống để khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật”. Lời nói này là lời nói THIẾU ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH. Trong khi đức Phật dạy “không nên giết hại chúng sinh”, vậy mà chúng ta nỡ lòng nào khi thấy trong nước rất nhiều chúng sinh mà uống nước cho đành. Vả lại giới luật dạy: ‘Thà chết chứ không hề vi phạm giới luật”. Vì đạo đức hiếu sinh không cho phép chúng ta ăn thịt hay uống nước có chúng sinh.
Khi thọ năm giới, người cư sĩ thọ giới nào trước tiên, có phải là GIỚI KHÔNG NÊN SÁT SINH không? Đúng vậy, đầu tiên người cư sĩ tu theo Phật giáo phải chấp nhận thọ và học tập ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH, tức là rèn nhân cách lòng thương yêu sự sống của muôn loài đang sống trên hành tinh này.
Đức Hiếu Sinh là một bộ sách dạy về lòng thương yêu sự sống. Cho nên người cư sĩ còn không vi phạm huống là người tu sĩ. Vậy mà trong bài kinh này, vì muốn gặp Phật, người tu sĩ phải chấp nhận phạm giới sát hại chúng sinh (uống nước có trùng), tức là đánh mất lòng yêu thương chúng sinh. “Đánh mất lòng thương yêu chúng sinh là đánh mất mạng sống của mình”. Người không còn lòng thương yêu là người đã chết rồi chưa chôn, vì có sống cũng bằng sống thừa, sống thường làm khổ mình, khổ người. Sống như vậy để làm gì? Đạo Phật dám xác định rõ ràng: “Người không có lòng thương yêu chúng sinh la người đang sống trong cảnh địa ngục”. Quý phật tử hãy học hai lời dạy trên đây cho thuộc lòng, để khéo nhắc nhở tâm mình đừng bao giờ quên: “Lòng thương yêu đối với tất cả chúng sinh trên hành tinh này là đem lại cho hành tinh một sự sống bình an và hạnh phúc”.
Trả lời câu hỏi 2:
“Vả lại, ta có uống cũng không ai biết cả”.
Lời nói này THIẾU ĐỨC THÀNH THẬT HIẾU SINH KHẨU HÀNH. Người dối trá là người không có đức hiếu sinh thương mình và thương chúng sinh, cho nên nhà sư này phạm tội giết hại chúng sinh nên phải chịu vất vả dầm sương ngủ tuyết, băng qua sa mạc rất là gian nan. Nhưng khi gặp Phật lại nhận được lời kết án về hai tội phạm: một là tội sát sinh; hai là tội vọng ngữ. Hai tội này thuộc về tội Ba La Di, tội Ba La Di là không bao giờ gặp Phật, là tội đứt đầu như tội tử hình vậy.
Tội vọng ngữ là một tội chung thân, suốt đời mình đã tự làm mất lòng tin của mình đối với mọi người; tội rất nặng, vì mình nói dối là tự mình chà đạp lên giá trị của mình, khiến cho người khác không quý trọng mình.
Một nhà vua dù có uy quyền, thế lực làm cho mọi người sợ sệt, chứ không bắt buộc làm cho người ta kính trọng và mến phục mình được.
Nếu nhà vua đó không có đức hiếu sinh thương dân, xem toàn dân như con mình thì một ngày nào đó nhân dân sẽ nổi lên chống đối và lật đổ.
Cho nên đức yêu thương và đức thành thật rất quan trọng đối với giá trị của con người.
Người có yêu thương mình và người khác thì không bao giờ nói dối. Vị tỳ kheo này phạm vào hai giới rất nặng, đó là sát sinh và nói dối.
Vậy quý học viên hãy đề cao cảnh giác, trước khi nói hay làm điều gì thì phải cẩn thận suy nghĩ cho kỹ rồi mới phát ngôn hay làm, nếu chưa suy nghĩ chín chắn thì hãy làm thinh, im lặng như Thánh, để khi nào bình tĩnh và sáng suốt thì mới nói và làm. Có như vậy mới tránh những hậu quả đau buồn làm khổ mình, khổ người.
Trả lời câu hỏi 3:
Người bạn khuyên ngăn không nên uống nước có trùng là phạm giới. Lời khuyên như vậy là ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Có một người bạn tốt biết khuyên ngăn và chính bản thân của người bạn ấy còn can đảm, gan dạ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, thà chết chứ không uống nước có trùng. Một tấm gương sáng chói đức hạnh giới luật hiếu sinh thật là cao cả và tuyệt vời. Vậy mà có vị tỳ kheo này phạm giới đức hiếu sinh thật đáng chê trách, thật không xứng đáng là đệ tử Phật.
Trả lời câu hỏi 4:
Người tu sĩ đầu tiên theo ý riêng của mình: “Uống nước đỡ khát và đi đến chỗ đức Phật ở”. Lời nói này THIẾU ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, phạm vào giới cấm sát sinh.
Người tu sĩ phát ngôn phạm vào giới cấm sát sinh thì không còn xứng đáng là đệ tử của Phật.
Như chúng ta ai cũng biết, đức Phật là tượng trưng cho tâm từ bi, tức là lòng yêu thương rộng lớn thênh thang vô bờ bến. Vì thế kẻ nào phạm vào giới sát sinh thì kẻ ấy đánh mất lòng từ bi. Đánh mất lòng từ bi tức là đánh mất đức hiếu sinh rộng lớn như trời biển.
Đứng trước mọi người chúng ta xác định rất rõ:
1- Người nào giết hại và ăn thịt chúng sinh là người không đạo đức hiếu sinh, thường làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.
2- Người nào nói dối, lừa đảo người, nói đâm thọc, nói xấu người khác, nói lời hung dữ là người không đạo đức hiếu sinh, thường làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Những người như vậy không xứng đáng là những đệ tử của Phật.
Trả lời câu hỏi 5:
Người thứ hai không chịu uống nước có trùng nên phải chết vì khát nước. Chết giữ gìn giới luật đức hạnh hiếu sinh, tức là chết trong lòng yêu thương của mình, nên được sanh lên cõi Đao Lợi Thiên. Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH không chịu uống nước.
Hành động không chịu uống nước có trùng trong lúc quá khát nước, một hành động đạo đức thương yêu cao thượng thật đáng làm gương cho chúng ta soi. Vị tỳ kheo này gan dạ chấp nhận chết, chứ không vì sự sống của mình mà uống nước giết hại chúng sinh, lòng thương yêu chúng sinh của vị tỳ kheo thật là cao cả thay! Thật là đáng cho chúng ta ca ngợi và tán thán lòng yêu thương ấy.
Vị tỳ kheo ấy rất xứng đáng là đệ của Phật, nhờ lòng thương yêu ấy mà vị tỳ kheo thoát ra mọi sự khổ đau của quy luật nhân quả, nên được sống an vui và thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Trả lời câu hỏi 6:
“Ngươi tuy thấy hình Ta mà không giữ giới luật của Ta, thời tuy ngươi thấy Ta ma Ta không thấy ngươi. Còn người kia tuy cách xa Ta vạn dặm nhưng vẫn giữ giới luật, thời người ấy đứng trước mặt Ta”. Câu này đức Phật dạy QUẢ VỊ ĐỨC HIẾU SINH THÂN, KHẨU, Ý HÀNH. Người nào sống biết thương yêu mọi sự sống trên hành tinh này là người ở gần bên Phật, người nào đánh mất lòng yêu thương là người sống xa Phật. Đó là điều đúng như vậy, vì Phật là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến, cho nên người nào có lòng yêu thương thì sẽ tương ưng với lòng yêu thương của Phật, tức là sống bên Phật.
Trả lời câu hỏi 7:
“Lúc bấy giờ vị tỳ kheo nghe bài kệ xong tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối”. Câu này đức Phật dạy ĐỨC HỐI HẬN HIẾU SINH Ý HÀNH, đó là sự hối hận tội lỗi về những việc làm sai phạm giới của vị tỳ kheo đánh mất lòng yêu thương của chính mình.
Người nào khi đánh mất lòng yêu thương của mình mà không biết hối hận ăn năn, thì người ấy phải chịu mọi sự khổ đau từ đời này sang đời khác. Khi đánh mất lòng thương yêu là đánh mất hạt giống lành, và người ấy sẽ sống như một đời sống động vật tự làm khổ mình, khổ người khác và khổ tất cả loài vật khác. Người nào khi đánh mất lòng yêu thương của mình là đánh mất mạng sống của mình, sống mà như chết.
Trả lời câu hỏi 8:
“Còn vị tiên nhơn tâm sanh hoan hỷ, chứng được pháp nhãn”, là kết quả của người trì giới. Đó là QUẢ VỊ ĐỨC HIẾU SINH TỪ BỎ GIẾT HẠI CHÚNG SINH.
Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người toàn thiện, một người không còn bị ác pháp chi phối tâm, luôn luôn bất động thật là tuyệt vời.
Chỉ có lòng yêu thương mà con người trở thành một người chứng quả giải thoát vô lậu.
Bởi vậy ông Phú Lâu Na và em ông, Cấp Cô Độc chỉ có thành tựu lòng yêu thương mà chứng quả A La Hán, mà trong kinh sách nguyên thủy thường nhắc đến. Đó là những gương hạnh tu tập TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, tức là tu hạnh HIẾU SINH.
Trả lời câu hỏi 9:
Bài này đại ý nói lên đạo đức HIẾU SINH Ý HÀNH, KHẨU HÀNH và THÂN HÀNH TỪ BỎ GIẾT HẠI CHÚNG SINH.
Bài này căn cứ vào giới luật để xác định người tu sĩ Phật giáo đúng và người tu sĩ Phật giáo sai. Người tu sĩ không phạm giới là người tu sĩ Phật giáo còn người tu sĩ phạm giới là tu sĩ của ngoại đạo mang hình sắc tu sĩ Phật giáo mà thôi, họ không bao giờ được gần Phật, dù có ở bên Phật nhưng vẫn cách xa Phật muôn trùng vạn dặm.
Một người tu sĩ giữ giới luật trọn vẹn liền chứng được PHÁP NHÃN THANH TỊNH; còn một người tu sĩ phạm giới liền đọa ĐỊA NGỤC KHỔ ĐAU.
Như vậy giới luật đức hạnh rất quan trọng, xin quý học viên lưu ý và hãy đề cao cảnh giác, khi tu hành thì đừng để vi phạm vào bất cứ một giới luật nào.
Hãy tôn trọng giới luật đức hạnh, nó là đời sống của người đệ tử Phật. Giới luật là một vị Thầy vĩ đại sẽ hướng dẫn chúng ta đi đến nơi đến chốn bình an và hạnh phúc; giới luật là vòng tay thương yêu của người mẹ hiền. Nó sẽ bảo bọc, chăm sóc chúng ta, trong lúc gặp nhiều khó khăn.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét