Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Bài học thứ 6: THÀNH CÁT TƯ HÃN

Ngày xưa, Thành Cát Tư Hãn đi đâu cũng mang theo một con chim ưng. Một hôm, ông đi săn cùng đoàn tùy tùng, nhưng mải mê săn bắn ông đã lạc vào rừng sâu, con chim ưng rời khỏi tay ông bay đi tìm đường ra, nhưng khi trở về thấy Thành Cát Tư Hãn đang hứng nước từ trên khe đá rỏ xuống để uống, vì sau nhiều giờ quần thảo trên ngựa dưới sức nóng của buổi chiều hè.

Rất lâu mới được nửa cốc nước, trong khi Thành Cát Tư Hãn quá khát nước, vừa kê cốc nước vào miệng để uống thì ngay đó chim ưng bay xuống làm rơi chiếc cốc.

Thành Cát Tư Hãn nhặt chiếc cốc lên và một lần nữa đưa vào hứng từng giọt nước, khi cốc nước vừa được một phần hai, ông định uống thì chim bay xuống làm chiếc cốc rơi đổ nước sạch.

Thành Cát Tư Hãn lắc đầu tức giận, nhưng ông vẫn tiếp tục hứng nước lần nữa.

Và lần thứ ba, khi ông kê cốc nước lên miệng chưa uống được thì chim ưng bay xuống làm đổ cốc nước. Thành Cát Tư Hãn tức giận hét lớn:

- Con vật khốn kiếp. Sao ngươi làm đổ nước của Ta, một lần nữa Ta sẽ chém đầu ngươi đó? Lần này, khi cốc nước kê vào miệng, tay cầm thanh gươm chờ sẵn, nhưng chim ưng vẫn lao xuống hất mạnh ly nước. Một lằn gươm sáng vút lên, thanh gươm đã chém trúng. Con chim đáng thương nằm giãy chết dưới chân chủ nó, rồi im lặng. Trong lúc đó, Thành Cát Tư Hãn còn đang tức giận nên gằn giọng:

- Đồ khốn kiếp, thật xứng đáng với tội láo xược của nhà ngươi.

Lần này, chiếc cốc rơi xuống vực sâu, Thành Cát Tư Hãn không thể lấy được.
Nhưng cơn khát vẫn còn, vì thế ông định theo ngược dòng nước chảy để đến con suối, nhưng khi đến nơi chỉ là một vũng nước nhỏ, và trong vũng nước một con rắn độc đã chết.

Thành Cát Tư Hãn quên cả cơn khát nước, ông hối hận và đau đớn khi nghĩ đến hành động chém chết con chim yêu quý của mình, chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Ông nhìn xác chết con chim và tự nhắc nhở mình đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn tức giận.

NHỮNG CÂU HỎI

Câu hỏi 1: 

Hành động con chim ưng làm đổ cốc nước của Thành Cát Tư Hãn là hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 1, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời câu 1 làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 1:

Hành động con chim ưng hất đổ cốc nước của Thành Cát Tư Hãn là một hành động đạo đức hiếu sinh thân hành. Một hành động rất đáng ca ngợi.

Lòng thương yêu chủ thà chết chứ không để người thân mình chết, nên bốn lần hất đổ cốc nước, khiến Thành Cát Tư Hãn tức giận.

Do tức giận, Thành Cát Tư Hãn không còn sáng suốt tự hỏi: “Tại sao chim ưng lại hất nước uống của ta?” Nếu không tức giận, thì Thành Cát Tư Hãn đã sáng suốt khám phá ra trong nước có chất độc. Vì tức giận nên tâm trí u tối, mới nỡ tâm giết hại con vật thân yêu của mình.

Hành động đạo đức hiếu sinh của con chim ưng đối với người nuôi mình thật đáng khen.

Cái chết của con chim ưng là cái chết dũng cảm vì lòng yêu thương người nuôi mình. Biết mình sẽ bị chết dưới lưỡi gươm của người thân những vẫn lao vào để cứu Thành Cát Tư Hãn. Một hành động đạo đức hiếu sinh cao thượng tuyệt vời. Phải không quý học viên? Loài động vật còn có đức hiếu sinh huống là con người. Vậy mà con người không có đức hiếu sinh thì không chỗ nào để nói. Con người không có đạo đức hiếu sinh thì cuộc đời này đen tối và đau khổ. Có đúng như vậy không thưa quý học viên?

Câu hỏi 2:

Hành động vung gươm giết chết con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn là hành động gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 2, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời câu hỏi về hành động vung gươm giết chết con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn là hành động tức giận làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 2:

Hành động vung gươm giết chết con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn là hành động sân giận dữ dội, là hành động mất trí tuệ, là hành động không sáng suốt, là hành động của người không còn bình tĩnh sáng suốt. Cho nên tất cả những người sân hận là những người không còn sáng suốt, vì thế đạo đức hiếu sinh làm sao ngự trị trong tâm họ được trong những giờ phút này. Đức hiếu sinh không có trong lòng người thì con người là ác quỷ; đức hiếu sinh không có trong lòng người thì biết bao tai họa và muôn sự khổ đau sẽ mang đến cho con người.

Thành Cát Tư Hãn là một vị anh minh lãnh đạo đất nước Mông Cổ, đánh Nam dẹp Bắc, người mở rộng bờ cõi giang sơn cho đất nước Mông Cổ. Cho nên mỗi khi ai nghe danh quân Mông Cổ đến đều khiếp đảm. Vậy mà ông không đủ trí sáng suốt nên giết con chim thân thương dám hy sinh thân mình để cứu ông. Ông và con chim ưng không lìa nhau nửa bước trên khắp mọi chiến trường, thế mà trong cơn tức giận, ông lại giết con chim chết một cách thảm thương.

Nhìn cảnh đau lòng này, chúng ta hãy cố gắng diệt trừ tâm sân hận, tâm sân hận là một ác quỷ đang dẫn mọi người vào chỗ giết người, vào chỗ tù tội mà trong xã hội đang là một tệ nạn đáng cho chúng ta lưu ý.

Câu hỏi 3:

Hành động chửi mắng con chim của Thành Cát Tư Hãn: “Đồ khốn kiếp, thật xứng đáng với tội láo xược của nhà ngươi”, là hành động gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 3, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý về lời mắng chửi con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn là làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức hiếu sinh khẩu hành rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 3:

Hành động chửi mắng con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn: “Đồ khốn kiếp, thật xứng đáng với tội láo xược của nhà ngươi”, là một hành động về lời nói thiếu đạo đức hiếu sinh, lời nói ấy chỉ thỏa mãn cho lòng đang căm tức; lời nói ấy không ái ngữ; lời nói ấy không có tình thương của con người có đạo đức từ bi thương xót chúng sinh; lời nói ấy đầy sức lực căm giận, thù ghét.

Làm người, chúng ta nên từ bỏ và tránh xa những lời không ái ngữ ấy. Chính lời nói ấy là nói lên sự đau khổ của người thốt ra lời nói; lời nói ấy đến tai người nghe là một nỗi đau xót cho người khác. Vì thế quý học viên hãy cố gắng từ bỏ những lời nói không ái ngữ, nói ra những lời nói làm cho người khác buồn phiền khổ đau, không ích lợi gì cho mình, cho người, chỉ có thỏa mãn lòng căm tức sân hận trong lòng mà thôi.

Câu hỏi 4:

Thành Cát Tư Hãn quên cả cơn khát nước, ông hối hận và đau đớn khi nghĩ đến hành động chém chết con chim yêu quý của mình, chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Sự tư duy suy nghĩ của Thành Cát Tư Hãn trên đây là đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 4, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức nhân quả hối hận hiếu sinh của Thành Cát Tư Hãn rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 4:

Thành Cát Tư Hãn quên cả cơn khát nước, ông hối hận và đau đớn khi nghĩ đến hành động chém chết con chim yêu quý của mình, chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Sự tư duy suy nghĩ của Thành Cát Tư Hãn trên đây là đạo đức HIẾU SINH Ý HÀNH. Đạo đức hiếu sinh ý hành của ông ở đây là lòng hối hận, nên lòng thương yêu của ông trong ý hành đối với con vật đã chết rất là thấm thía vô cùng, là một bài học cho những ai thiếu suy tư trước khi hành động.

Về đạo đức thương yêu ý hành, trước khi muốn làm một điều gì và muốn nói một điều gì thì phải tư duy suy nghĩ cho chín chắn rồi mới nói hoặc hành động. Còn khi thấy mình có tâm sân hận thì không nên nói hay làm một hành động nào cả, mà hãy cố giữ tâm mình im lặng như Thánh. Chỉ có im lặng như Thánh thì chúng ta mới chuyển hóa được nhân quả từ vô lượng kiếp.

Quý học viên nên nhớ, muốn im lặng như Thánh thì chỉ có pháp như lý tác ý là tuyệt vời. Khi lâm trận, dùng pháp như lý tác ý liên tục thì tâm sẽ bất động hoàn toàn mà không một ác pháp nào tác động được.

Câu hỏi 5:

Thành Cát Tư Hãn nhìn xác chết con chim và tự nhắc nhở mình đừng bao giơ hành động điều gì trong cơn tức giận. Đây la hành động đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 5, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.

Câu hỏi này rất tuyệt vời, chỉ rõ sự hối hận thương cảm của Thành Cát Tư Hãn là một đạo đức hiếu sinh hối hận thương mình, thương tình nghĩa trung thành của con chim ưng mà phải chết dưới tay của mình.

Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:

- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa Thành Cát Tư Hãn nhìn xác chết con chim và tự nhắc nhở lòng mình đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn tức giận rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.

Trả lời câu hỏi 5:

Sự tư duy của Thành Cát Tư Hãn là một sự ăn năn hối hận chân thật, để ngăn chặn tính sân hận xấu ác của mình. Đó là đức hạnh hiếu sinh ý hành.

Nếu trong cuộc đời này ai cũng biết hối hận ăn năn như Thành Cát Tư Hãn, khi lỡ làm một điều tội lỗi ác đức nào bằng cách sửa sai những lỗi lầm ấy là thực hiện tình thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác.

Trong cuộc sống này nếu ai cũng biết thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của kẻ khác thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc, con người sống hạnh phúc biết bao.

Thành Cát Tư Hãn đã thực sự ăn năn sám hối lỗi lầm của mình, nên đã dùng ý hành hiếu sinh tư duy suy nghĩ, thầm nói lên đức yêu thương tận trong đáy lòng mình: “Thành Cát Tư Hãn nhìn xác chết con chim ưng va tự nhắc nhở mình đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn tức giận”.

Đây là một gương sáng để soi lại mình, để nhắc nhở lại mình từ bỏ và tránh xa lòng giận dữ, luôn luôn thực hiện đức hiếu sinh.

Một sự hối hận ăn năn trong lòng là một hành động đạo đức hiếu sinh ý hành, thường hối hận về những việc làm sai trái của mình để cố gắng khắc phục, không cho tái phạm những lỗi lầm đó nữa.

Cho nên sự hối hận ăn năn là một đạo đức hiếu sinh ý hành rất tuyệt vời, nếu trên đời này ai có làm lỗi mà biết xấu hổ, ăn năn hối hận và cố gắng khắc phục sửa sai thì người đó là người có đạo đức thương mình, thương người.

Một hành động lầm lỡ mà cố sửa sai là một hành động đạo đức hiếu sinh ý hành rất tuyệt vời mà mọi nguời ở đời cần phải rèn luyện, để đem lại sự bình an cho mình, cho người.

------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét