Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường chứng kiến những sự xung đột, ẩu đả, chửi mắng, đánh nhau, v.v... Do những tâm giận dữ, không kiềm chế được đã biến thành thù hận, nên thường xảy ra những sự xung đột, ẩu đả. Những sự xung đột, ẩu đả ấy có thể đi đến chỗ giết người không chút lòng thương xót. Vì thế, hàng ngày báo chí thường đăng tin tức xảy ra những vụ án giết người vì cơn giận dữ, thù hận.
Khi gặp những trường hợp này xảy ra với những người khác thì quý phật tử hãy tư duy, suy nghĩ cho thật kỹ và còn tác ý để nhắc nhở tâm mình: Nếu gặp người nào muốn đánh mình, chửi mình hay nói xấu mình thì quý phật tử hãy tập im lặng như Thánh, và cố gắng tránh trước những sự xung đột, đừng để xảy ra là tốt nhất. Nhịn người không phải là quý phật tử hèn nhát, đó là một sự chiến thắng với nội tâm của mình rất lớn. Trong kinh Pháp Cú thời xa xưa đức Phật dạy:
“Thắng trăm trận không bằng thắng mình”.
Đúng vậy, thắng mình khó lắm. Khi nghe người ta nói xấu, vu khống, vu oan giáng họa cho mình điều này, thế kia. Thường người thế gian ăn miếng trả miếng, cho nên họ minh oan, bào chữa và nói xấu kẻ khác lại. Ở đây quý phật tử là đệ tử của Phật giáo nên không bào chữa, không minh oan, vẫn thản nhiên, im lặng như Thánh, mọi người hiểu sao cũng được, nhưng thời gian ai đúng, ai sai sẽ trả lời họ. Quý phật tử cứ ung dung tự tại sống thanh thản, an lạc và vô sự cho thân tâm mình. Đó là chiến thắng mình. Khi người ta gây gổ cố ý muốn đánh mình thì mình lo chạy trước, không chống cự lại. Đó là chiến thắng mình. Còn quý phật tử tức giận đánh lại họ thì đó là một việc thường tình của người thế gian, ai làm chẳng được, ăn miếng trả miếng như trên đã nói rất dễ dàng.
Cho nên khi họ đánh mình, mình không đánh lại mà chỉ lo chạy đi, đó là người khôn ngoan nhất, người sống có đạo đức thương mình, thương người. Ngay khi thấy người ta nói xấu mình, chửi mình, muốn đánh mình là mình biết ngay những người này là những người có mắt như mù, có sự hiểu biết nhưng vô minh, nông cạn, sự hiểu biết ấy là sự hiểu biết chấp ngã. Họ là những người không có trí tuệ nhân quả. Những người như vậy là những người đáng thương, chúng ta không nên ghét họ.
Bởi chúng ta là những người đang sống và rèn luyện nhân cách đạo đức theo Phật giáo, nên chúng ta biết rất rõ: Một người đang giận dữ là một người mất trí khôn, một người như điên khùng, không còn khôn ngoan, họ tự làm khổ mình, khổ người mà không biết.
Lúc bấy giờ họ chỉ còn biết chửi mắng, đánh đập hoặc giết người cho hả cơn tức giận mà thôi. Chứ họ là người đang sống trong đau khổ, trong địa ngục. Nếu hiểu được như vậy, chúng ta hãy thương yêu và tha thứ cho họ những lỗi lầm.
Bởi họ không còn sáng suốt, mất bình tĩnh, nên tự họ đã biến họ mất nhân tính để trở thành một con ác thú hung dữ; tự họ đã biến họ trở thành con người ngu si, khờ dại.
Khi gặp một người đang giận dữ như vậy, chúng ta nên tư duy suy nghĩ: “Người đang tức giận là người đang thọ quả khổ, ta nên thương xót họ chứ không nên ghét họ. Họ la những người đang ở trong hỏa ngục”. Lửa sân hận đã thiêu đốt họ, họ là những người khổ đau tận cùng.
Tội nghiệp họ lắm! Nếu chúng ta tự đặt mình trong họ và tư duy suy nghĩ được như vậy thì lòng yêu thương sẽ rộng lớn bao la vô cùng, tâm chúng ta sẽ an vui và sung sướng một cách kỳ lạ. Điều này nếu quý vị không tin chúng tôi nói thì quý vị hãy cố gắng thực hiện, và ban cho họ lòng yêu thương ấy thì quý vị sẽ nhận rõ những điều chúng tôi nói là sự thật.
Khi tức giận, một người không học đạo đức nhân bản - nhân quả thì họ phải chửi mắng hoặc đánh người, hoặc nói xấu người, mạ lị mạt sát người, có khi họ còn cầm dao giết người khác một cách dễ dàng mà không sợ sệt gì cả.
Một câu chuyện thương tâm xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng Đà Lạt:
“GIẬN CHỒNG, NGƯỜI VỢ TRẺ ĐANG TÂM ĐỐT NHÀ LÀM CON TRAI CHẾT CHÁY”
“Vào lúc 23 giờ ngày 09/10/2006, bà Hồ (64 tuổi, trú tổ 15 khu phố 2 phường 7, thành phố Đà Lạt) vừa chìm vào giấc ngủ, chợt nghe tiếng khóc thét của cháu nội Phan Anh Nhựt (12 tháng 9 ngày tuổi) ở với bố mẹ nhà bên cạnh. Vội vàng mở cửa bước ra, bà điếng hồn khi thấy nhà con trai mình bốc cháy.
Chồng bà, con cháu và hàng xóm cũng vừa kéo đến chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: cháu Nhựt lồm cồm bò, khóc ngất dưới nền gạch với những vết bỏng nặng nơi mặt và thân thể. Ông nội của Nhựt vội bồng cháu ra để mọi người đưa đi cấp cứu. Công, cha Nhựt đi vắng, còn Nguyễn Thị Kim Thùy, vợ Công ngất xỉu nơi góc nhà cũng được chuyển đến bệnh viện. Căn nhà gỗ mái giấy bốc cháy, thiêu rụi tất cả bên trong... 5 giờ ngày 10/10/2006 cháu Nhựt chết vì vết thương quá nặng, Thùy bỏ trốn khỏi bệnh viện lúc nào không ai biết. Chỉ đến khi anh Công nghe tin dữ trở về với nỗi đau tột cùng, mọi người mới biết nguyên nhân vụ cháy mà Thùy chính là thủ phạm, cô chỉ bỏng nhẹ ở tay và ngạt khói. Vì mâu thuẫn với chồng, Thùy đang tâm đốt nhà làm chết con ruột mình.
Thùy quê ở Quảng Ngãi. Gần đây giữa vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn hàng xóm và gia đình bà Hồ thỉnh thoảng lại chứng kiến cảnh hai người gây gổ cãi vã. Mỗi lần như vậy, Thùy đóng cửa lại không cho Công vào, Công bỏ đến chỗ làm rồi ở luôn chỗ đó.
Hôm ấy vợ chồng cãi nhau, Thùy bỏ mặc con nằm khóc, sang nhà mẹ chồng chửi Công một trận rồi về viết đơn ly dị. Công không ký bỏ đi, Thùy ở nhà với con và chuyện xảy ra như đã kể trên”.
Đây là một bài học cảnh báo cho những ai xem nhẹ đạo đức hạnh phúc gia đình. Hậu quả để lại quá lớn đối với những người thân của cháu Nhựt.
Một cơn sân dữ dội, người mẹ đành lòng giết con. Đứa bé có tội tình gì mà phải thọ lãnh một cái chết thương tâm “MẸ GIẾT CON”. Người xưa nói: “Hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con”. Sao con người lại đành lòng giết con mình như vậy sao? Nhân quả sao mà quá khắc nghiệt. Trước cảnh này ai mà không đau lòng. Nhất là nỗi đau của những người thân trong gia đình này.
Lương tâm của người mẹ trẻ này sẽ không bao giờ tha thứ và để yên, suốt đời sẽ ân hận cho đến ngày xuống đáy mồ.
Câu chuyện trên đây là một sự thật xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt, do báo Thanh Niên đăng tin.
NHỮNG CÂU HỎI
Bây giờ, xin quý học viên hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi 1:
Vợ chồng Công gây gổ do nhân quả gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi thứ 1, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa nhân quả của vợ chồng Công rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý thêm để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 1:
Vợ chồng Công gây gổ là do một chùm nhân quả đời trước đã do tâm sân hung dữ, mà đời nay phải trả những quả quá khắc nghiệt khổ đau. Nhất là cháu Nhựt, trả nhân quả yểu tử trong cái chết đau đớn vô cùng.
Cho nên kinh dạy: “Nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai”, có nghĩa là một tâm giận dữ thì muôn sự đau khổ xảy đến.
Câu chuyện trên đây là để cảnh giác cho những ai có gia đình phải biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, mọi sự việc khi xảy ra; phải biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau; phải biết diệt trừ tâm tham, sân, si. Vì tâm tham, sân, si là một khởi điểm cho muôn vàn ác pháp và mọi sự khổ đau. Khi nó khởi lên không có một việc ác nào mà nó không làm. Cho nên làm người chúng ta rất sợ tâm tham, sân, si, vì tâm tham, sân, si sẽ giết chết mình, chết người và làm khổ đau mình và khổ đau nhiều người.
Con cái là máu mủ của cha mẹ, vậy mà khi giận dữ người mẹ vẫn còn giết con được như thường.
Xét trong trường hợp này, chúng ta thấy quy luật nhân quả quá khiếp đảm, gia đình tan nát, con chết và bản thân còn bị tù tội, hậu quả để lại không lường được, những hậu quả còn kéo dài từ đời này sang đời khác, từ trường này đến từ trường khác, chứ không phải đến đây chấm dứt, nó còn tiếp tục diễn biết bao những điều đau khổ khác nữa, trong biết bao nhiêu đời không thể tính đếm được.
Ví dụ: Trong hiện tại Công quá buồn khổ nên sinh ra rượu chè, bê tha, bệnh tật, tai nạn có thể xảy đến trong hiện kiếp này và tương lai còn tiếp diễn nữa...
Người còn tâm giận dữ là người không có lòng yêu thương rộng lớn, hay nói cách khác là người đã đánh mất tình yêu thương. Câu chuyện trên đây là nói về người mẹ vì giận dữ hại gia đình, giết con ruột của mình; vì giận dữ tạo cho mình cảnh tù tội lao lý; vì giận dữ không sáng suốt nên không nghĩ đến hậu quả kinh khủng để lại trong lòng mọi người thân một sự đau buồn không bao giờ quên.
Chúng ta đã thấy tâm giận dữ là một tai hại quá lớn. Vậy từ đây có ai làm cho chúng ta giận dữ thì chúng ta nên khởi lòng tha thứ và yêu thương họ. Chỉ có lòng tha thứ và yêu thương thì mới diệt trừ tâm giận dữ.
Tâm giận dữ sẽ biến chúng ta trở thành ác quỷ, ác thú, vì tâm giận dữ lồng lộng lên ghê gớm không khác con ác thú, tâm giận dữ chỉ có nhìn thấy máu đổ, người chết thì mới hả cơn tức giận.
Quý học viên hãy nhớ luôn luôn giữ gìn tâm tha thứ và yêu thương thì tâm giận dữ sẽ bị diệt trừ. Tâm giận dữ chỉ có liều thuốc thương yêu thì mới dứt bệnh.
Câu hỏi 2:
Cháu Nhựt chết là do nhân quả gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 2, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa nhân quả của cháu Nhựt chết rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 2:
Cháu Nhựt chết bỏng nặng là do nhân quả đốt rừng, nướng cá, chiên nấu thực phẩm động vật, gieo quả yểu tử nên đời nay mới 12 tháng 9 ngày tuổi mà phải chết bỏng một cách thảm thương.
Cháu Nhựt chết bỏng nặng là do nhân quá khứ thiếu đức hiếu sinh, thường hay giết hại chúng sinh bằng cách thiêu đốt.
Câu hỏi 3:
Thùy vợ Công la người phụ nữ đáng thương hay đáng ghét. Câu này dạy đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 3, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa nhân quả của Thùy là người phụ nữ đáng thương rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 3:
Thùy là người phụ nữ đáng thương, vì không học đạo đức nhân bản - nhân quả nên làm theo bản tính sân hận vô minh, ngu ngốc, đến nỗi đốt nhà, giết con, làm khổ mình, khổ mọi người mà không biết, chỉ làm theo quán tính hung dữ đã huân tập nhiều đời, trở thành bản tính hung ác của loài thú dữ. Thật đáng thương.
Thùy là người phụ nữ thiếu đức hiếu sinh nên mới giận dữ không còn thương ai, cả ngay chính bản thân cũng làm cho nó khổ đau. Người thiếu đức hiếu sinh rất là tai hại, đem đến quả khổ cho mình, cho người. Vậy làm người chúng ta hãy nuôi dưỡng lòng yêu thương, nhờ lòng yêu thương chúng ta thoát ra biết bao nhiêu khổ ách, tai nạn, bệnh tật khổ đau.
Câu hỏi 4:
Công la người chồng đáng thương hay đáng ghét. Công thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 4, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa nhân quả của vợ chồng Công rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 4:
Công là người chồng đáng thương, vì không biết cách đối nhân xử thế; vì không học đạo đức gia đình; vì không học đạo đức nhân bản - nhân quả nên không biết cách sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế khi vợ chồng gây gổ cãi nhau thì bỏ đi chứ không biết cách giải quyết, do đó mới xảy ra cửa mất nhà tan, con chết, vợ ở tù, còn bản thân của mình sống thì như đã chết, nỗi buồn đau đớn dằn vặt này sẽ kéo dài, cho đến khi xuôi tay xuống lòng đất lạnh chưa hẳn nỗi đau buồn này đã tan.
Éo le thay! Nhân quả phải trả vay nên gặp cô vợ chỉ biết tức giận và thực hiện những hành động dại khờ để thỏa cơn tức giận nên đi đến chỗ giết con, làm tan nát gia đình của mình và bản thân còn bị tù tội.
Công là người chồng thiếu đức hiếu sinh nên mới không chuyển đổi nhân quả, nên mới con chết, vợ ở tù, cửa nhà tan nát, thật đáng thương!
Câu hỏi 5:
Do nhân duyên gì mà những người này gặp nhau để chịu nhiều khổ đau? Họ sống thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 5, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ ý nghĩa chùm nhân quả của những người trong gia đình Công để trả vay nhân quả tiền kiếp rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 5:
Nhân quả là một quy luật chung của vũ trụ luôn luôn xét xử rất công minh. Cho nên những ai làm những điều ác sẽ tương ưng với những điều ác, tương ưng với những điều ác thì sẽ gặp nhau trong một không gian, cùng xảy ra trên một thời điểm nhất định chung quanh toàn ác pháp, vì thế họ phải trả vay, vay trả những hành động ác mà đời trước họ đã gieo và hiện giờ họ phải trả những hậu quả ác nghiệt và tàn khốc. Gia đình vợ chồng Công là một bằng chứng nhân quả cụ thể để mọi người lấy đó làm gương, để thực hiện lòng thương yêu mình, thương người và thương tất cả chúng sinh. Chỉ có lòng yêu thương mới diệt trừ tâm sân hận; chỉ có lòng yêu thương mới đem lại sự bình yên cho mình cho người; chỉ có lòng yêu thương mới chuyển đổi được nhân quả ác độc khắc nghiệt.
Một người có đầy đủ nhân cách làm người thì nhân cách tình yêu thương mọi người, mọi sự sống trên hành tinh này là một hành động nhân cách đạo đức hàng đầu trong tất cả nhân cách đạo đức làm người. Vì thế, quý học viên hãy tu tập lòng thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác, luôn luôn ban cho họ lòng tha thứ và yêu thương, đó là một hành động đạo đức cao thượng nhất trong tất cả những hành động đạo đức cao thượng khác. Nhờ lòng yêu thương và tha thứ mỗi lỗi lầm nên chuyển đổi được tất cả nhân quả. Thiếu lòng yêu thương nên nhân quả càng lúc càng tăng trưởng cao hơn, khiến cho cuộc sống đã khổ đau lại càng khổ đau hơn.
Câu hỏi 6:
Thùy mắng chửi chồng tại nhà cha mẹ chồng là hành động gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 6, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý câu hỏi 6 làm sáng tỏ đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 6:
Hành động chửi mắng chồng là hành động thiếu đức hiếu sinh về khẩu hành. Một người còn nói xấu, nói ly gián, nói không thật, chửi mắng, mạ li, mạt sát người khác là người không có khẩu hành hiếu sinh Khẩu hành hiếu sinh tức là lời nói ái ngữ, lời nói ái ngữ là lòng thương yêu về lời nói.
Thùy mắng chửi chồng là khẩu hành ác, là con người có ác khẩu. Vì thế rèn nhân cách đạo đức hiếu sinh khẩu hành thì chúng ta nên tránh nói xấu, nói li gián, chửi mắng, mạt sát, mạ lị người khác, vì đó là ác ngữ, lời nói ác. Muốn rèn nhân cách khẩu hành thì nên tránh xa và từ bỏ những khẩu hành ác này, luôn luôn phải thực hiện ái ngữ, nói lời ôn tồn, êm dịu, nhẹ nhàng, ngọt ngào mang đầy đủ tính an ủi xoa dịu nỗi đau buồn, tức giận của người khác.
Thùy mắng chửi chồng tại nhà cha mẹ chồng là hành động nhân quả ác khẩu. Một hành động chửi mắng người khác là hành động thiếu đạo đức hiếu sinh khẩu hành.
Câu hỏi 7:
Thùy đốt nhà giết con là hành động gì? Thiếu đạo đức gì? Quý học viên hãy trả lời câu hỏi 7, để góp phần làm sáng tỏ lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống trên hành tinh này.
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý câu hỏi 7 làm sáng tỏ đức hiếu sinh rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 7:
Hành động đốt nhà làm con chết là hành động thiếu đạo đức hiếu sinh thân hành, hành động gây ra đau khổ cho mình và cho người là hành động ác, thiếu đức thương mình, thương người.
Làm người phải cảnh giác và chủ động từng hành động thân, miệng, ý của mình, không nên có những hành động gây tác hại cho người khác. Những hành động gây tác hại cho người khác là những hành động thiếu đạo đức hiếu sinh, thiếu lòng yêu thương.
Ở trên đời, nếu ai cũng có lòng yêu thương thì bản thân an ổn, gia đình hạnh phúc và xã hội có trật tự an ninh.
Đạo đức yêu thương là một hành động đức hạnh cao thượng tuyệt vời, vì nó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét