Một thời, thái tử ở trong cung thành Ca Tỳ La Vệ. Một buổi mai mùa xuân, một đàn ngỗng trắng bay ngang cung liền bị Đề Bà Đạt Đa bắn rơi một con. Thái tử thấy vậy liền đến cứu chữa, ôm ấp vào lòng, rút mũi tên ra và săn sóc một cách rất âu yếm.
Hoàng thân Đề Bà Đạt Đa cho người qua đòi, Ngài không chịu trả. Câu chuyện đem ra cho các lão thần phân xử, mỗi người mỗi ý, không biết đâu mà định đoạt. Giữa lúc ấy, có một ông già thưa rằng:
“Nếu sự sống có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật đáng gìn giữ hơn là người đã định tâm giết nó. Nên đem chim giao cho người săn sóc nuôi dưỡng”.
Đến kỳ lành mạnh, Ngài liền đem trả lại tự do cho con chim bị nạn.
Thái tử chưa tu hành mà đã sẵn có hạt giống từ bi, thật là một bậc đại hiếu sinh!
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Một buổi mai mùa Xuân, một đàn ngỗng trắng bay ngang cung liền bị Đề Bà Đạt Đa bắn rơi một con”. Hành động Đề Bà Đạt Đa bắn rơi một con ngỗng trắng là thiếu đạo đức gì? Hành động ấy có ác không?
Câu hỏi 2: “Thái tử thấy vậy liền đến cứu chữa, ôm ấp vào lòng, rút mũi tên ra và săn sóc một cách rất âu yếm”. Hành động thái tử cứu chữa con ngỗng trắng là đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Hoàng thân Đề Bà Đạt Đa cho người qua đòi, Ngài không chịu trả”. Thái tử không trả con chim là hành động đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “Nếu sự sống có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật đáng gìn giữ hơn là người đã định tâm giết nó. Nên đem chim giao cho người săn sóc nuôi dưỡng”. Câu nói trên đây là đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Đến kỳ lành mạnh, Ngài liền đem trả lại tự do cho con chim bị nạn”. Thái tử trả tự do cho con ngỗng trắng là đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Một buổi mai mùa Xuân, một đàn ngỗng trắng bay ngang cung liền bị Đề Bà Đạt Đa bắn rơi một con”.
Hành động Đề Bà Đạt Đa bắn rơi một con ngỗng trắng là hành động THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH. Hành động như vậy là hành động cực ác.
Một đàn ngỗng trắng đang tự do tung cánh trên nền trời, an vui, hạnh phúc biết bao. Thình lình một con bị bắn rơi xuống, thì tất cả những con khác đều hoảng sợ và đau xót, nhất là ngỗng vợ hoặc chồng, cùng các con của nó làm sao không buồn khổ, các con ngỗng con mất cha hay mất mẹ thì làm sao tìm lại những sự chăm sóc, nuôi dưỡng, âu yếm bảo bọc của cha hay mẹ. Trước cảnh mồ côi không ai bảo vệ, những con ngỗng con sẽ sợ hãi, lo lắng khi bị những con ngỗng khác hoặc những con vật khác hiếp đáp. Nhìn cảnh ấy thật là đau lòng xót dạ.
Một hành động ác của Đề Bà Đạt Đa đã để lại một sự sợ hãi và đau khổ cho một đàn ngỗng trời và có một người đau khổ nữa đó là thái tử Tất Đạt Đa.
Hành động ác của Đề Bà Đạt Đa là một hành động đáng chê trách, một hành động mà người có đạo đức hiếu sinh không thể nào chấp nhận. Chúng ta là những đệ tử của Phật, thì phải sống như thế nào cho xứng đáng với lòng từ bi của Phật giáo.
Trả lời câu hỏi 2:
“Thái tử thấy vậy liền đến cứu chữa, ôm ấp vào lòng, rút mũi tên ra và săn sóc một cách rất âu yếm”. Hành động thái tử cứu chữa con ngỗng trắng là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH. Một hành động thương yêu tuyệt vời, thương con vật như chính thương con mình, thương bản thân mình.
Chúng ta là đệ tử của Người, phải học theo gương hạnh đức hiếu sinh này, khi gặp người hay con vật nào đang bị nạn thì phải ra tay cứu chữa, giúp đỡ, an ủi để vượt qua những khó khăn. Dù con kiến, con trùng... bất cứ con vật nào khi rơi trong vũng nước; khi bị con vật khác đuổi bắt để ăn thịt, thì chúng ta hãy mau mau cứu giúp hết sức mình để cứu thoát con vật yếu đuối hơn.
Ví dụ: Một con kiến rơi trong vũng nước, hay trong hầm cầu, chúng ta hãy mau mau đưa tay vớt lên để cứu chúng thoát chết đuối, đó là đức hiếu sinh thân hành.
Nghe tiếng kêu của một con nhái cầu cứu, chúng ta biết ngay con nhái bị con rắn bắt, nếu không cứu kịp thì con nhái sẽ bị giết chết bằng miệng của con rắn. Vì thế, khi nghe tiếng kêu cầu cứu thì mau mau chạy ra nơi xuất phát tiếng kêu, để rồi dùng cây đập bụi, đập bờ, làm cho con rắn sợ bỏ con nhái.
Lúc bấy giờ con nhái còn sống. nhảy được thì chúng ta nên đi vào lấy một ít thực phẩm đem cho con rắn ăn, còn con nhái không đi được, chúng ta hãy đem con nhái vào chỗ đất ẩm ướt để con nhái nằm an dưỡng, chừng nào con nhái phục hồi sống lại được thì chúng ta cho thêm một ít nước để con nhái uống. Hành động cứu giúp con nhái sống được như vậy gọi là đức hiếu sinh thân hành.
Trong cuộc sống của chúng ta chỉ có lòng thương yêu là đệ nhất pháp xả tâm tuyệt vời.
Vậy Thầy mong các con hãy tu tập cho được lòng yêu thương ấy.
Trả lời câu hỏi 3:
“Hoàng thân Đề Bà Đạt Đa cho người qua đòi, Ngài không chịu trả”. Thái tử không trả con chim là hành động ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Thường người ta bảo: “Chim trời cá nước, ai bắt được là của người đó”. Như vậy con chim này là của Đề Bà Đạt Đa, chứ không phải của thái tử, cớ sao thái tử không chịu trả cho Đề Bà Đạt Đa, như vậy thái tử cướp giựt con chim của người khác ư?! Ở đây thái tử không cướp giựt con chim, mà sợ Đề Bà Đạt Đa giết con chim, nên thái tử không trả, để con chim lại chăm sóc, chừng nào con chim lành vết thương rồi thả con chim về với đàn của chúng. Hành động này là hành động đạo đức hiếu sinh thương yêu và quý trọng tất cả chúng sinh, cũng giống như chúng ta cứu sống con nhái khỏi miệng con rắn vậy.
Khi học đạo đức hiếu sinh, từ đây về sau, chúng ta đứng trước cảnh đau khổ của bất cứ người hay con vật nào thì chúng ta hãy mở rộng vòng tay thương yêu cứu giúp chúng.
Trước cảnh con vật lớn mạnh hiếp đáp con vật bé nhỏ yếu đuối, vì đạo đức hiếu sinh chúng ta can thiệp cứu lấy con vật yếu đuối bé nhỏ hơn, để đem lại sự sống bình an cho nhau.
Một con chim bị bắn chưa chết, một con cá mắc câu, một con nhái bị con rắn bắt sắp ăn thịt, một con kiến rơi vào vũng nước, một người đang bị tai nạn, một người khác đang đói khổ, cùng một người khác đang cơn giận dữ. Tất cả người và loài vật trên đây đang sống trong đau khổ, vậy chúng ta hãy đưa vòng tay thương yêu ra cứu giúp họ, đem lại sự bình an cho họ.
Cho nên khi học đạo đức hiếu sinh, đối với những người mắng chửi, mạ lị, mạt sát, nói xấu chúng ta thì chúng ta nên thương họ nhiều hơn, vì họ cũng giống như con chim bị thương, con cá mắc câu, con kiến rơi trong vũng nước, chỉ cần chúng ta mở rộng vòng tay thương yêu mới cứu họ được. Thực hiện được như vậy mới gọi là đức hiếu sinh.
Trả lời câu hỏi 4:
“Nếu sự sống có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật đáng gìn giữ hơn la người đã định tâm giết nó. Nên đem chim giao cho người săn sóc nuôi dưỡng”. Câu nói trên đây là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH của một vị quan trong triều lý luận sắc bén và vững chắc, đúng tinh thần đạo đức nhân bản - nhân quả.
Lời nói này lý luận xác định vững chắc về giá trị sự sống của muôn loài. Nếu ai chạm đến sự sống của muôn loài là người vô đạo đức hiếu sinh, không xứng đáng làm con người. Làm con người phải có lòng yêu thương rộng lớn mới được được gọi là con người.
Lời bình luận đức hạnh hiếu sinh và không hiếu sinh rất tuyệt vời: “Nếu sự sống có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật đáng gìn giữ hơn là người đã định tâm giết nó”.
Muốn câu này nói cho dễ hiểu hơn thì xin nói lại như thế này: “Nếu sự sống có giá trị thật, thì chỉ có lòng thương yêu mới bảo vệ giá trị sự sống ấy được”. Vì sự sống không có lòng yêu thương, nên giá trị sự sống bị chà đạp, bị đánh mất. Trên đời ai cũng có sự sống và muốn sống, nhưng lại xem thường giá trị sự sống, nên vì sự sống mà chà đạp lên sự sống, đành phải đánh mất lòng yêu thương.
Chúng tôi xin nhắc lại, quý vị nên nhớ câu này mãi mãi, vì mỗi khi có gặp mọi chướng ngại trong cuộc đời thì lòng thương yêu sẽ giúp cho quý vị đem lại sự sống bình an.
Trả lời câu hỏi 5:
“Đến kỳ lành mạnh, Ngài liền đem trả lại tự do cho con chim bị nạn”. Thái tử trả tự do cho con ngỗng trắng là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Ôm ấp nuôi dưỡng chăm sóc, chờ cho con ngỗng lành vết thương rồi đem thả về với đàn ngỗng, thật là một hành động thương yêu chúng sinh vô bờ bến! Chúng ta là đệ tử của Người, hãy lấy gương hạnh này mà sống với lòng yêu thương của mọi sự sống, đừng viện cớ một lý do nào để mất lòng thương yêu. Lòng thương yêu mất là quý vị mất mạng. Quý vị sống mà như chết chưa chôn, có thân mà không làm chủ.
Như quý vị đều biết, đức Phật đã dạy TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Tứ vô lượng tâm là bốn pháp, nhưng LÒNG THƯƠNG YÊU (từ tâm) là pháp môn thứ nhất. Trong giới luật đức hạnh đức Phật dạy giới thứ nhất “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Như vậy đạo Phật lấy đức hiếu sinh làm pháp môn thứ nhất để diệt trừ ngũ triền cái, tức là diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi.
Hành động trên đây của thái tử đều thể hiện đức hiếu sinh. Nhờ đức hiếu sinh sẵn có trong tâm, khi thái tử tu hành thành đạo cũng do từ lòng yêu thương này.
Trước tiên chưa tu hành, Ngài thương yêu bản thân mình đang bị sinh, già, bệnh, chết, kế đó thương yêu vợ con mình đang bị sinh, già, bệnh, chết, rồi thương yêu cha mẹ cũng đang bị sinh, già, bệnh, chết, rồi nghĩ xa hơn Ngài thương yêu mọi người cũng đang bị sinh, già, bệnh, chết, và cuối cùng Ngài thương yêu tất cả chúng sinh cũng đang bị sinh, già, bệnh, chết.
Trước cảnh khổ đau của nhân loại như vậy, vì lòng thương yêu Ngài ra đi, từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con xinh và hy sinh thân mạng của mình, nhất định vượt đời tìm đạo để giải quyết tất cả nỗi khổ đau của loài người, trong LÒNG THƯƠNG YÊU.
Ngài xứng đáng là một người cha lành của nhân loại; là một vị thầy trời người của khắp cõi nhân gian; là một bậc vĩ nhân của nhân loại; là một ân nhân to lớn vô cùng, vô tận trên trái đất này.
Ngài vạch trần chân lí loài người để mọi người đều thông suốt, Ngài để lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; Ngài để lại lòng thương yêu phủ trùm vạn hữu.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét