Năm tôi 18 tuổi, một buổi sáng cha tôi nhờ tôi lái xe đưa ông đến một ngôi làng Vĩnh Phúc cách đó khoảng 18 dặm, với điều kiện tôi phải đưa xe đi tu sửa lại tại một nơi sửa xe gần đó. Vừa mới biết lái, lại ít khi được chạy xe nên tôi vui vẻ đồng ý ngay. Tôi đưa cha đến làng Vĩnh Phúc, hứa sẽ quay lại đón ông vào 4 giờ chiều, rồi lái xe đến nơi sửa xe và để lại đó.
Được tự do đến chiều, tôi quyết định đi xem vài bộ phim tại một rạp chiếu bóng cách đó không xa.Những thước phim hấp dẫn đã cuốn hút tôi đến nỗi tôi quên cả thời gian.
Khi bộ phim sau cùng kết thúc, tôi mới giật mình nhìn xuống đồng hồ. Sáu giờ tối! Tôi đã trễ hẹn với cha cả hai tiếng đồng hồ! Chắc cha sẽ giận lắm nếu biết tôi đi coi phim! Ông sẽ không bao giờ cho tôi đi xe nữa. Tôi quyết định sẽ lấy lý do là chiếc xe cần sửa thêm vài thứ, nên đã tốn nhiều thời gian hơn. Tôi đến nơi sửa xe, lấy xe rồi chạy đến nơi hẹn gặp cha. Ông đang đứng kiên nhẫn đợi tôi tại góc đường. Tôi xin lỗi và bào chữa cho mình như đã sắp đặt. Cha nhìn tôi bằng một ánh mắt mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi quên!
- Ba thất vọng vì con đã nói dối ba, Minh ạ!
- Ba nói gì cơ? Con nói thiệt mà ba.
Cha nhìn tôi:
- Khi thấy con đến muộn, ba đã gọi điện cho nơi sửa xe để hỏi xem có chuyện gì không, họ bảo với ba là con chưa tới lấy xe.
Vậy là chiếc xe không bị trục trặc gì cả, đúng không? Một cảm giác tội lỗi vây bủa quanh tôi, tôi lí nhí thú nhận với cha là đã đi đến rạp chiếu bóng, cha lắng nghe, gương mặt hiện lộ vẻ buồn bã.
- Ba không giận con, mà giận chính bản thân mình. Ba đã không làm tròn bổn phận của người cha, khi sau từng ấy năm con vẫn cảm thấy rằng con cần phải nói dối ba. Ba đã thất bại! Bây giờ ba sẽ đi bộ về nhà, và suy nghĩ xem mình đã làm gì không đúng trong suốt bao nhiêu năm qua.
- Nhưng từ đây về nhà đến 18 dặm lận.
Trời đã tối rồi, ba không thể làm điều đó được! Mặc cho tôi can ngăn, xin lỗi và nói gì đi nữa, cha vẫn không hề lay chuyển. Tôi đành phải để cha xuống xe và đón nhận một bài học đau đớn trong đời. Cha bắt đầu đi dọc theo con đường đầy bụi. Tôi nhảy vội lên xe và lái theo sau, hy vọng cha sẽ nghĩ lại.
Những lời biện hộ, ăn năn của tôi suốt dọc đường như chẳng hề lọt vào tai cha, Ông cứ phớt lờ, im lặng và trầm ngâm buồn bã. Tôi đã lái xe theo cha đến hết quãng đường.
Nhìn cha tự vầy vò về thể xác lẫn tinh thần, lòng tôi đau đớn vô hạn. Nhưng đó cũng là bài học thành công nhất của cha tôi.
Tôi không bao giờ dám nói dối cha nữa.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: Minh nói dối với cha là hành động thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 2: Người cha nói: “Ba thất vọng vì con đã nói dối ba, Minh ạ!” Lời nói này la đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Một cảm giác tội lỗi vây bủa quanh tôi, tôi lí nhí thú nhận với cha là đã đi đến rạp chiếu bóng, cha lắng nghe, gương mặt hiện lên vẻ buồn bã”. Câu này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “Ba không giận con mà giận chính bản thân mình. Ba đã không làm tròn bổn phận của người cha, khi sau từng ấy năm con vẫn cảm thấy rằng con cần phải nói dối ba. Ba đã thất bại!” Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Ông cứ phớt lờ, im lặng va trầm ngâm buồn bã”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Nhìn cha tự dày dò về thể xác lẫn tinh thần, lòng tôi đau đớn vô hạn”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Nhưng đó cũng là bài học thành công nhất của cha tôi. Tôi không bao giờ dám nói dối cha nữa”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
Minh nói dối với người cha là hành động THIẾU ĐỨC THÀNH THẬT HIẾU SINH KHẨU HÀNH, nó thuộc về bài học lớp học thứ tư: ĐỨC THÀNH THẬT TỪ BỎ NÓI DỐI. Nhưng ở đây, lấy bài học này để chỉ cho người cha dạy con về ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Người nói dối là người không có đức thương mình, thương người, tự mình làm khổ mình và làm khổ người khác. Quý học viên cứ nghĩ rằng: Khi nói dối là người ta không biết sao? Người ta không biết ngay liền, nhưng người ta sẽ phát hiện trong những ngày sắp tới, vì trên đời này không có điều gì che dấu ai được cả. Có khi người ta biết mình nói dối nhưng người ta không nói ra, lòng tin tưởng đối với người nói dối sẽ bị mất. Cho nên người nói dối không thể dối được ai, nhất là không thể dối được mình. Mình nói một điều không có là nói dối, mình chỉ nghi ngờ người khác chứ chưa biết chắc rõ ràng mà nói ra cũng là nói dối.
Trả lời câu hỏi 2:
Người cha nói: “Ba thất vọng vì con đã nói dối ba, Minh ạ!” Lời nói này là THIẾU ĐỨC TIN TƯỞNG HIẾU SINH KHẨU HÀNH, người cha thương con mới nói lời này. Đây là đức hiếu sinh khẩu hành. Lời nói đầy ái ngữ với một lòng yêu thương, mong muốn con trở thành một người có đầy đủ đức hạnh thành thật và đức hiếu sinh.
Một người cha thô lỗ không có đạo đức, khi chờ đợi con suốt 2 tiếng đồng hồ mà biết con nói dối thì tức giận vô cùng, liền chửi mắng:
- Đồ mất dạy, nói dối cha mầy như vậy.
Nếu người cha dùng lời chửi mắng con là những lời ác ngữ thì người cha không có đạo đức hiếu sinh khẩu hành. Ngược lại, người cha dùng lời ngọt nào đầy lòng ái ngữ: “Ba thất vọng vì con đã dối ba, Minh ạ!” Lời nói này rất nghiêm khắc, nhưng rất ái ngữ nhẹ nhàng, ngọt ngào mang đầy lòng yêu thương.
Trả lời câu hỏi 3:
“Một cảm giác tội lỗi vây bủa quanh tôi”.
Câu này nói lên ĐỨC HỐI HẬN HIẾU SINH Ý HÀNH, nói lên một sự tư duy suy nghĩ ăn năn, hối hận của người con.
Khi muốn nói hay làm điều gì thì phải tư duy suy nghĩ hậu quả của nó. Trước khi nói dối cha, Minh không suy nghĩ hậu quả: Nếu khi cha phát hiện lời nói dối của mình thì còn dám nhìn mặt cha nữa hay không? Nếu Minh tự hỏi được câu ấy thì không bao giờ có nói dối với cha, bằng cách thành thật xin lỗi cha vì xem phim lỡ quên giờ rước cha. Người cha sẽ tha thứ và không trách con. Cho nên tội nói dối là tội rất nặng.
“Tôi lí nhí thú nhận với cha là đã đi đến rạp chiếu bóng”. Câu nói này là ĐỨC NHẬN LỖI HIẾU SINH KHẨU HÀNH, thương mình đã biết mình làm tội lỗi dối cha.
“Người cha lắng nghe, gương mặt hiện lên vẻ buồn bã” là ĐỨC THIẾU HOAN HỶ HIẾU SINH Ý HÀNH, người cha thương mình có đứa con thiếu đạo đức hiếu sinh và không thành thật.
Trả lời câu hỏi 4:
“Ba không giận con, mà giận chính bản thân mình. Ba đã không làm tròn bổn phận của người cha, khi sau từng ấy năm con vẫn cảm thấy rằng con cần phải nói dối ba. Ba đã thất bại!” Câu nói này dạy ĐỨC TỰ HỐI HIẾU SINH KHẨU HÀNH rất là tuyệt vời.
Trả lời câu hỏi 5:
“Ông cứ phớt lờ, im lặng và trầm ngâm buồn bã”. Câu này dạy ĐỨC IM LẶNG NHƯ THÁNH HIẾU SINH Ý HÀNH của người cha rất tuyệt vời. Đó là một hành động giáo dục con rất hay.
Trả lời câu hỏi 6:
“Nhìn cha tự vầy vò về thể xác lẫn tinh thần, lòng tôi đau đớn vô hạn”. Câu này dạy ĐỨC HỐI HẬN HIẾU SINH Ý HÀNH, đó là một sự hối hận ăn năn trong lòng người.
Thật là một bài học đạo đức giá trị tuyệt vời cho những ai còn nói dối.
Trả lời câu hỏi 7:
“Nhưng đó cũng là bài học thành công nhất của cha tôi. Tôi không bao giờ nói dám dối cha nữa hay dù bất cứ với ai”. Câu này dạy ĐỨC KINH NGHIỆM HIẾU SINH Ý HÀNH muôn đời không quên cho những ai nói dối.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét