Có lần, trong lúc vội bước lên xe lửa, Mahatma Gandhi đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray và không thể nào lấy lên được, vì xe lửa đã lăn bánh. Ông Gandhi bèn cởi ngay chiếc giầy còn lại và ném xuống đường ray, gần nơi chỗ chiếc giầy đã rớt, trước sự ngạc nhiên của những hành khách trên xe.
Một hành khách không kiềm được thắc mắc, đã lên tiếng hỏi ông:
- Tại sao lại làm như vậy? Gandhi đáp:
- Một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giầy trên đường ray thì họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để dùng.
Vị hành khách bảo:
- Tuyệt vời! Ít ai nghĩ đến.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Có lần, trong lúc vội bước lên xe lửa, Mahatma Gandhi đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray và không thể nào lấy lên được, vì xe lửa đã lăn bánh”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 2: “Ông Gandhi bèn cởi ngay chiếc giầy còn lại và ném xuống đường ray, gần nơi chỗ chiếc giầy đã rớt”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Trước sự ngạc nhiên của những hành khách trên xe. Một hành khách không kiềm được thắc mắc đã lên tiếng hỏi ông:
- Tại sao lại làm như vậy?” Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “Một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giầy trên đường ray thì họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để dùng”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Có lần, trong lúc vội bước lên xe lửa, Mahatma Gandhi đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray, và không thể nào lấy lên được, vì xe lửa đã lăn bánh”.
Câu này nói lên THIẾU ĐẠO ĐỨC CẨN TRỌNG TỈNH GIÁC, người có đức hạnh cẩn trọng, tỉnh giác thì không bao giờ đánh rơi giày dép, bóp xách, của cải, tiền bạc. Ông Gandhi vì lật đật bước lên tàu hỏa đánh rơi chiếc giày, đó là nói lên ông Gandhi thiếu đức hạnh cẩn thận tỉnh giác thân hành.
Chúng ta là những người tu hành theo Phật giáo, thì phải sống trong đức hạnh hiếu sinh thương mình, thương người, nên lúc nào cũng phải cẩn thận, tỉnh giác trong mọi tình huống. Người sống trong đức hiếu sinh thương mình, thương người thì không bao giờ thiếu đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác thân hành.
Vì thế người có đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác là có đức hiếu sinh thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh. Trong cuộc đời này chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự bình an cho hành tinh.
Ví dụ: Có một người đang chửi mắng mình, mình tức giận chửi mắng lại người ấy.
Trước tiên mình nhận xét thấy mình thiếu đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác, mà thiếu đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác là mình đánh mất đức hiếu sinh thương mình, thương người. Do đó mình mới chửi lại người. Chửi lại người là mất cả hai đức.
Cho nên đức hiếu sinh thương mình, thương người thì phải có đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác. Có đức cẩn trọng tỉnh giác là có tất cả đức hạnh khác, nhất là đức hiếu sinh.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta rèn nhân cách đức hiếu sinh thành tựu thì đời sống lúc nào cũng biết thương yêu tất cả mọi người, mọi sự sống trên hành tinh này, thì chúng ta đều có đầy đủ các đức hạnh khác như đức cẩn trọng tỉnh giác, đức ly tham từ bỏ lấy của không cho, đức chung thủy, đức thành thật, đức minh mẫn, v.v...
Chúng ta chỉ cần thấm nhuần một đức hiếu sinh thì chúng ta sẽ trở thành người toàn thiện, không có đức hạnh nào mà chúng ta không có. Xưa ông Phú Lâu Na chỉ có đức hiếu sinh mà đã trở thành bậc A La Hán.
Hiểu biết Phật pháp như vậy, nên chương trình giáo dục đào tạo rèn nhân cách ra đời đem lại sự bình an cho loài người, cho muôn vật. Chỉ còn có một điều là chúng ta chuyên cần đến lớp học tập để tiếp thu những đức hạnh cao thượng tuyệt vời, mà con người từ lâu thờ ơ vì không hiểu biết sự lợi ích của nó.
Đến đỗi đức hạnh cẩn trọng tỉnh giác mà họ cũng chẳng biết, chẳng hiểu. Chỉ biết qua những lời khuyên PHẢI CẨN THẬN.
Trả lời câu hỏi 2:
“Ông Gandhi bèn cởi ngay chiếc giầy còn lại và ném xuống đường ray, gần nơi chỗ chiếc giầy đã rớt”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH thương người nghèo khó. Hành động của thánh Gandhi ít có ai làm được, ít có ai nghĩ đến. Khi chiếc giày rơi không thể lấy lại được, nên ông nghĩ ngay sẽ có người nghèo lượm, nhưng có một chiếc không thể dùng được, vì thế ông ném chiếc còn lại cho người nghèo nào đó khi lượm được chiếc này thì sẽ lượm được chiếc kia, Và như vậy mới có đủ cả hai chiếc. Chiếc giày còn lại ông cũng không mang được, và người khác lượm chiếc giày kia cũng không mang được, vì chỉ có một chiếc. Với lòng yêu thương người, ông xét thấy: người ta mang cũng như mình mang, vì thế ông ném chiếc giày còn lại để người lượm sẽ có được hai chiếc giày. Do lòng yêu thương đã biến ra hành động ném lại chiếc giày khiến cho mọi người ngạc nhiên. Hành động ném chiếc giày xuống xe là đức hiếu sinh thân hành tuyệt vời, mang theo đức hạnh bố thí không phí bỏ vật chất.
Ở đời người ta cứ tưởng nghĩ kêu gọi mọi người đóng góp tiền của gạo thóc, rồi đem cho người nghèo mới gọi là bố thí. Bố thí như thánh Gandhi mới thật tâm bố thí, bố thí có tư duy suy nghĩ hẳn hòi, dù một chiếc giày không có giá trị nhưng có ý thức biết ném bỏ bố thí đúng lúc cho người nghèo lượm. Thánh Gandhi bố thí thật là tuyệt vời. Bố thí bằng ý thức thương người, bằng đức hiếu sinh ý hành.
Nếu đức hiếu sinh đã trở thành sự sống của một con người thì không còn một ác pháp nào tác động vào tâm họ được, thì ngay lúc đó họ là người chứng đạo.
Cho nên đạo Phật tu hành không khó, chỉ cần thấu triệt, thấm nhuần một đức hạnh trong năm đức NGŨ GIỚI này thì sự chứng đạo sẽ ở trong tay.
Một giới đức hiếu sinh thông suốt và thấm nhuần thì tất cả những giới đức khác đều thông suốt. Cho nên chúng ta chỉ học cho thấm nhuần một đức hiếu sinh khi đã trở thành như da thịt của chúng ta, thì lúc bấy giờ đụng đâu cũng là lòng thương yêu của chúng ta, chừng đó tâm chúng ta giải thoát hoàn toàn mà không cần phải tự tu tập một cách khó khăn như trước kia nữa. Trước kia tu tập thường hay phạm giới và bị ức chế tâm sinh ra nhiều chướng ngại, nhiều tưởng giải.
Còn ở đây chỉ học đạo đức hiếu sinh để thấu triệt và thấm nhuần, để thân tâm trở thành một thói quen đạo đức, nhờ đó mà tâm thanh tịnh, hoàn toàn bất động không còn phóng dật. Đây là một phương pháp tu học mới mẻ bằng một chương trình giáo dục đào tạo chứng quả A La Hán hơn là tự tu, tự chứng như từ xưa đã tu tập đến nay, kết quả dường như không đạt được mấy người.
Trả lời câu hỏi 3:
“Trước sự ngạc nhiên của những hành khách trên xe.
Một hành khách không kiềm được thắc mắc, đã lên tiếng hỏi ông:
- Tại sao lại làm như vậy?” Câu này nói lên những hành động THIẾU ĐỨC TỈNH GIÁC SÁNG SUỐT, nên mới có những thắc mắc. Thường những người không có trí thông minh sáng suốt thường có những thắc mắc để tìm hiểu, nhưng lại có một số người muốn tỏ ra mình là người thông minh sáng suốt nên dùng tưởng giải nói không đúng nghĩa của đề tài bài học đạo đức, nói sai sự thật, biến họ trở thành con người vọng ngôn nói dối, nói không đúng sự thật, đưa ra nhiều ý kiến phi đạo đức, phản lại đạo đức.
Mục đích của chúng ta tu học ở đây là triển khai đạo đức hiếu sinh, để tâm thấm nhuần lòng yêu thương, nhờ đó mới diệt ngã xả tâm, quét sạch lòng tham, sân, si, mạn, nghi.
Sự thắc mắc cũng là một đạo đức hiếu học, có đạo đức hiếu học mới thưa hỏi để hiểu biết, có hiểu biết mới trở thành người thông suốt, nhờ thông suốt mới thấm nhuần mọi đạo đức hiếu sinh, ly tham, chung thủy, thành thật và minh mẫn.
Cho nên những người hay thắc mắc thưa hỏi là những người có đức hiếu học. Đức hiếu học cũng rất cần cho tri kiến giải thoát. Vì thế câu dạy trên đây để chúng ta hiểu thêm một đức hạnh mới, đó là đức hiếu học.
Trả lời câu hỏi 4:
“Một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giầy trên đường ray thì họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để dùng”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH, nghĩa là tất cả mọi sự việc luôn luôn phải tư duy suy nghĩ thương những người nghèo khổ: thiếu phước cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; thiếu phước sống nay đau, mai ốm; thiếu phước sống trong tật nguyền, khuyết tật, câm ngọng, cụt tay, cụt chân, đui mù, rối loạn thần kinh, không bình thường.
Làm một việc gì chúng ta cũng cần phải tư duy suy nghĩ cho kỹ lưỡng. Đó là đức hiếu sinh cẩn trọng tỉnh thức. Bởi vậy, người tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng là người có đức cẩn trọng tỉnh thức. Đức cẩn trọng tỉnh thức trợ giúp cho đức hiếu sinh thương mình, thương người không lầm lạc, không sai lệch. Nên người có đức cẩn trọng là sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có như vậy đức hiếu sinh mới trọn vẹn.
Lời nói của thánh Gandhi có tư duy, suy nghĩ kỹ lưỡng: “Một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giầy trên đường ray thì họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để dùng”. Lời nói đầy đủ đức hiếu sinh thương người mà tất cả hành khách trên xe đều kính trọng con người có lời nói như vậy.
Lời nói tuy tầm thường nhưng mang tính tâm hồn cao thượng.
Đúng là lời nói của một bậc Thánh. Trong cuộc đấu tranh bất bạo động để giành độc lập cho quê hương đất nước, ông là người nêu cao ngọn đuốc đức hiếu sinh sáng chói tuyệt vời.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét