Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
LỜI NÓI ĐẦU
Dựng lại chánh pháp của Phật giáo không phải chỉ giảng dạy suông những bài kinh trong tạng kinh Nikaya cho tu sinh học thuộc lòng. Điều này cũng giống như chúng ta dạy những con chim học nói tiếng người.
Dựng lại chánh pháp của Phật giáo là phải soạn thảo theo chương trình giáo dục đào tạo của các lớp từ Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Bát Quan Trai Giới cho đến Bát Chánh Đạo.
Trước tiên, người biên soạn phải biết biên soạn giáo án cho cư sĩ tu học vào những lớp đạo đức cơ bản nhất như: các lớp Tam Quy, các lớp Ngũ Giới, các lớp Tu Thập Thiện và các lớp Thọ Bát Quan Trai.
Sau khi hướng dẫn những cư sĩ đã tu học thuần thục trong bốn lớp đạo đức này, thì mới cho họ xuất gia tu học theo các lớp Bát Chánh Đạo. Còn chưa tu học các lớp cơ bản này mà vào tu học các lớp Bát Chánh Đạo thì mất căn bản. Mất căn bản khi vào tu tập thiền định tỉnh giác sẽ bị ức chế tâm.
Bảy lớp đầu tiên của Bát Chánh Đạo là những lớp học về giới luật đức hạnh, nên mỗi lớp phải được biên soạn giáo án rõ ràng cụ thể, để giảng viên hướng dẫn tu sinh rèn luyện nhân cách đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh được dễ dàng hơn.
Những việc biên soạn giáo án và đứng lớp dạy là chấn chỉnh Phật giáo, dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người.
Đây là Giáo Án rèn luyện nhân cách lớp Ngũ Giới cho mọi người, không chỉ dành riêng cho những người cư sĩ phật tử tu học, mà còn cho tất cả mọi người có tôn giáo hay không tôn giáo, vì nó là đạo đức nhân bản - nhân quả như trên đã nói.
Ngũ Giới gồm có năm đức hạnh:
1- Đức hiếu sinh, lòng thương yêu sự sống, thuộc về đạo đức bản thân.
2- Đức ly tham, từ bỏ lấy của không cho, thuộc về đạo đức bản thân.
3- Đức chung thủy, không gian díu với người khác, thuộc về đạo đức gia đình.
4- Đức thành thật, không nói dối, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt, không nói lật lọng, thuộc về đạo đức xã hội.
5- Đức minh mẫn, không say sưa rượu chè bài bạc, không nghiện ngập thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, v.v... thuộc về đạo đức xã hội.
Năm đức này được thực hiện trong ba hành động thân, miệng, ý của một con người, nó mang lại lợi ích rất lớn cho hành tinh này; nó đem lại sự an vui hạnh phúc cho mình, cho người và cho sự sống của tất cả muôn loài vạn vật, cho gia đình và xã hội.
Khi biên soạn giáo án này, chúng tôi mong rằng tất cả mọi người trên hành tinh này đều được học tập và rèn luyện nhân cách, để xứng đáng làm người là một con người có đầy đủ tâm hồn cao thượng, biết bao dung tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác, biết yêu thương và ban rải lòng thương yêu ấy đến mọi sự sống trên hành tinh này.
Với việc biên soạn giáo án của Phật giáo là một việc làm quá lớn lao, không thể một người gánh vác trọn vẹn. Cho nên việc làm này không thể tránh khỏi những sự khuyết điểm, mong những bậc thạc đức, trí tuệ cao minh chỉ dạy cho những chỗ sai lầm, để bộ sách Giáo Án dạy đạo đức của Phật giáo được hoàn chỉnh và tốt đẹp hơn.
Cuối cùng, chúng tôi xin có lời thăm và chúc sức khỏe của quý vị phật tử được dồi dào và chân thành tri ân quý vị.
Kính ghi
Tu Viện Chơn Như
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Bài học thứ 1: NIỆM PHẬT
Giảng viên bước vào lớp học, tất cả tu sinh đều đứng dậy, mặt hướng về tượng Phật.
Khi giảng viên đứng vào vị trí của mình, mặt cũng hướng về tượng Phật và chắp tay lên, thì tất cả các tu sinh khác cũng đều chắp tay.
Giảng viên nói:
- Xin mời tất cả tu sinh hãy niệm hồng danh đức Phật ba lần: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.
(Giảng viên niệm trước: “NAM ... MÔ”, đến chữ MÔ thì tất cả tu sinh niệm tiếp chữ MÔ, chứ không đọc chữ NAM lại, để mọi người cùng bắt một nhịp với nhau cho câu niệm Phật phát âm đồng đều). Sau khi niệm Phật xong, giảng viên và tu sinh xá tượng Phật và xá hình Trưởng Lão.
Sau khi xá xong, giảng viên tay vẫn chắp, quay mặt nhìn xuống các tu sinh, đồng thời xá chào nhau. Giảng viên liền nói:
- Xin mời quý sư, quý thầy và quý phật tử ngồi xuống. (Hoặc nói ngắn gọn: “Xin mời tất cả tu sinh ngồi xuống”) Tất cả tu sinh đều ngồi xuống, giữ gìn im lặng, không nên nói chuyện trong giờ học.
Trong buổi học đầu tiên, giảng viên giải thích thêm:
- Phần nghi lễ đến đây là xong, nhưng chúng tôi xin giải thích thêm để quý tu sinh hiểu biết cho rõ ràng hơn, nếu ai có thắc mắc về phần nghi lễ sao đơn giản quá, thì quý tu sinh hãy trả lời cho đúng ý nghĩa.
Đối với tôn giáo, phần nghi lễ như thế này rất đơn giản, gọn gàng, chỉ còn có một câu niệm hồng danh đức Phật ba lần mà thôi, nhưng ý nghĩa câu niệm Phật rất đầy đủ, nói lên được lòng biết ơn sâu sắc và cũng nói lên được lòng cung kính tôn trọng của mọi người đối với đức Phật.
Nói về chương trình giáo dục đào tạo văn hóa đạo đức, thì nghi lễ là hàng đầu. Nghi lễ đầu tiên mà mọi người ai cũng biết, đó là lễ chào quốc kỳ. Khắp nơi trong đất nước, chúng ta đến bất cứ một ngôi trường học nào, cũng đều thấy học sinh chào cờ mỗi sáng trước khi vào lớp.
Quốc kỳ tượng trưng cho non sông, đất nước; quốc ca tượng trưng lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu tổ quốc của mọi người dân trong nước đó. Khi mắt nhìn quốc kỳ, tai nghe bài quốc ca vang lên âm điệu hùng hồn, khiến cho tâm hồn mọi người dân đều xúc động, nhớ đến bao công lao của những anh hùng dân tộc đã xông pha trận mạc, vì tổ quốc hy sinh.
Nhìn quốc kỳ tung bay phấp phới trên nền trời, nghe lời quốc ca trong tiếng nhạc trầm hùng, cùng tiếng bước chân đoàn quân đi dập dồn khiến lòng yêu nước, yêu quê hương tổ quốc dâng cao lên tuyệt vời.
NHỮNG CÂU HỎI
Bây giờ, xin quý tu sinh hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi 1:
Hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước mặt quý tu sinh là tượng trưng cho ý nghĩa gì? Nghĩ sao quý tu sinh cứ trả lời như vậy, như trên đã nói, chúng ta là những người còn đang tu học, cho nên càng trả lời thì lại càng thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của sự tu học.
(Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa quý tu sinh đã trả lời góp phần làm sáng tỏ hình tượng đức Phật rất hay, và chúng tôi xin đọc câu trả lời để chúng ta cùng nhau tu học)
Trả lời câu hỏi 1:
Theo giáo án dạy, ý nghĩa hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hình ảnh tượng trưng cho nền đạo đức nhân bản - nhân quả, một nền đạo đức của loài người mà con người không thể thiếu được. Cho nên hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hình ảnh đạo đức cao thượng sống không làm khổ mình, khổ người, luôn luôn ghi khắc trong tâm hồn của mọi người. Quý tu sinh hãy ghi nhớ hình ảnh này!
Câu hỏi 2:
Vậy câu niệm Phật tượng trưng cho ý nghĩa gì?
(Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Khi tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Ý nghĩa câu niệm Phật quý tu sinh đã trả lời rất sống động, rất hay, và chúng tôi xin đọc câu trả lời để chúng ta cùng nhau tu học)
Trả lời câu hỏi 2:
Câu niệm Phật tượng trưng cho lòng biết ơn sâu xa của loài người đối với đức Phật, vị ân nhân của nhân loại mà hành tinh này không thể có một người thứ hai như vậy nữa.
Vì thế câu niệm Phật phải có âm điệu như bài quốc ca, vang lên như những lời khuyên nhẹ nhàng, thắm thía tình thương yêu rộng lớn như trời, như biển của Người cha lành đối với tất cả sự sống trên hành tinh này. Hạnh phúc thay cho những ai tìm về nền đạo đức ấy!
Bài học thứ 2: CÁCH XƯNG HÔ TRONG LỚP HỌC
1- GIẢNG VIÊN XƯNG HÔ VỚI TU SINH
Trong lớp học, giảng viên nên xưng hô với học viên bằng cách tự xưng pháp danh của mình, ví dụ như GIA HẠNH, LIỄU HUỆ...
Ví dụ: - Gia Hạnh xin mời Sư Cô.
Ví dụ: - Liễu Huệ dạy theo giáo án của Trưởng Lão Thông Lạc chỉ dạy.
TU SINH LÀ TU SĨ NỮ:
Nếu tu sinh là tu sĩ nữ mặc áo Đại thừa, y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là SƯ CÔ.
Ví dụ: - Gia Hạnh xin mời Sư Cô.
Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Liễu Huệ xin mời Sư Cô Liễu Nhẫn.
Ví dụ: - Xin mời Sư Cô Liễu Nghĩa.
TU SINH LÀ TU SĨ NAM:
Nếu tu sinh là tu sĩ nam mặc áo Đại thừa, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là THẦY.
Ví dụ: - Gia Hạnh xin chào Thầy.
Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Liễu Huệ xin chào Thầy Minh Tánh.
Nếu tu sinh là tu sĩ nam mặc y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là SƯ.
Ví dụ: - Gia Hạnh xin chào Sư.
Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Liễu Huệ xin chào Sư Minh Nhẫn.
TU SINH LÀ CƯ SĨ:
Đối với tu sinh là cư sĩ nam hay nữ, không biết pháp danh, giảng viên gọi chung nhiều người hay gọi riêng từng người đều dùng từ PHẬT TỬ, hay dùng danh xưng bác, cô...
Ví dụ: - Xin phật tử cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.
Ví dụ: - Xin bác cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.
Ví dụ: - Xin cô cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.
Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh có danh xưng chú, bác, cô, anh, chị, em, cháu, v.v... để tạo sự thân mật trong danh từ xưng hô của tiếng Việt Nam.
Ví dụ: - Xin mời Chú Minh Thiện.
Ví dụ: - Xin mời Cô Liễu Minh.
Ví dụ: - Xin mời Bác Liễu Tâm.
Ví dụ: - Xin mời Anh Tâm Minh.
Ví dụ: - Xin mời Chị Liễu Minh.
Ví dụ: - Xin mời Em Liễu Châu.
2- HỌC VIÊN XƯNG HÔ VỚI GIẢNG VIÊN
Trong lớp học, học viên xưng hô với giảng viên bằng cách tự xưng pháp danh của mình, ví dụ như LIỄU THANH, MINH THÀNH...
Ví dụ: - Thưa Cô, Liễu Thanh xin hỏi.
Ví dụ: - Minh Thành có điều này muốn xin thưa hỏi Thầy.
GIẢNG VIÊN NỮ:
Nếu giảng viên là tu sĩ nữ mặc y áo Đại thừa, y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, thì học viên gọi giảng viên là SƯ CÔ.
Ví dụ: - Thưa Sư Cô, Minh Thành xin hỏi.
Ví dụ: - Liễu Thanh có điều này muốn xin hỏi Sư Cô.
Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Thưa Sư Cô Liễu Nhẫn.
Nếu giảng viên là cư sĩ, không biết pháp danh, thì học viên gọi giảng viên là CÔ.
Ví dụ: - Thưa Cô, Liễu Hạnh xin thưa hỏi.
Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Thưa Cô Từ Hạnh.
GIẢNG VIÊN NAM:
Nếu giảng viên là tu sĩ nam mặc y áo Đại thừa thì học viên gọi là THẦY. Hoặc giảng viên là cư sĩ nam thì học viên cũng nên gọi là THẦY.
Ví dụ: - Thưa Thầy, Minh Thành xin hỏi.
Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Thưa Thầy Minh Nghĩa.
Nếu giảng viên là tu sĩ nam mặc y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, học viên gọi là SƯ.
Ví dụ: - Liễu Thanh xin hỏi Sư.
Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.
Ví dụ: - Thưa Sư Tâm Nhẫn.
3- GIỮ GÌN OAI NGHI TRONG GIỜ HỌC
Tu sinh phải có mặt trước giờ học là 5 phút, không được đến trễ giờ học. Khi vào lớp, tu sinh vào ngay ghế của mình ngồi, không ngồi ghế của người khác. Khi giảng viên bước vào cửa lớp thì tất cả tu sinh đứng dậy, nghiêm chỉnh hướng về tượng Phật. Khi giảng viên đứng vào vị trí của mình thì cả lớp làm nghi lễ niệm Phật như đã trình bày trong phần 1. Sau khi xá chào nhau thì giảng viên mời các tu sinh ngồi xuống để bắt đầu buổi học.
Trong buổi học, tất cả tu sinh đều giữ gìn im lặng, không nên nói chuyện riêng. Khi phát biểu ý kiến hiểu biết của mình về bài học đức hạnh, thì bằng cách xưng hô như sau:
Ví dụ: - Kính thưa cô (thầy...)! Kính thưa toàn thể tu sinh! Theo Mỹ Linh hiểu đạo đức của câu hỏi này như sau...
Sau khi tu sinh trả lời xong thì tất cả tu sinh và giảng viên đồng vỗ tay khuyến khích.
Sau đó, giảng viên tiếp tục gọi tu sinh khác trả lời.
Mỗi khi học viên trả lời câu hỏi nào trong bài học đều phải đứng dậy, trừ những người già, tật nguyền không đứng được, giảng viên cho phép ngồi.
Đứng dậy trả lời là một hành động tôn kính những người có mặt trong lớp học, tôn kính giảng viên, tu sinh, và nhất là tôn kính hình tượng đức Phật và bài pháp giới luật đức hạnh mà tất cả tu sinh đều đang học.
Trong kinh Nikaya có nói về chủ khách, đức Phật không chấp nhận chủ ngồi mà khách đứng nói chuyện, tiếp chuyện với nhau như vậy là thiếu đạo đức lễ độ.
Một hôm có một Bà La Môn tên là Ambattha đến chỗ Phật, Ông không ngồi mà đứng, đi qua, đi lại, lời nói nhát gừng vấn nạn Phật, đức Phật quở trách đó là một hành động thiếu đạo đức tôn kính. (Kinh Trường Bộ tập I, trang 164) Nếu đức Phật ngồi, vị Bà La Môn cũng ngồi một bên thấp hơn, đó là hành động chủ khách ngồi tôn kính, nhưng khi thưa hỏi một điều gì thì đứng lên hoặc quỳ xuống thưa hỏi, đó là hành động đạo đức tôn kính Phật và pháp, còn khi đức Phật chưa cho phép ngồi mà ngồi thưa hỏi là thiếu đạo đức tôn kính.
Các con đọc kinh Nikaya lướt qua không nhận xét rõ ràng, cho Phật giáo bình đẳng thì không có đạo đức tôn ti trật tự, nên phát biểu theo tưởng giải của mình mà vô tình phạm vào nền đạo đức lễ nghĩa văn hoá của Phật giáo thật đáng tiếc! Sự hiểu kinh sách của các con như vậy là cái hiểu nông cạn, khiến cho người đời sau hiểu Phật giáo sai lạc. Khi nào các con tu chứng mới hiểu kinh Nikaya đúng nghĩa.
Trong phòng họp Quốc hội, các dân biểu có ý kiến đều đứng lên phát biểu, không có ai ngồi mà phát biểu bao giờ, đó là một lễ độ lịch sự mà con người có văn hoá không thể nào thiếu được.
Nói chung tất cả các buổi họp từ ấp, xã, huyện, tỉnh và các buổi họp Giáo Hội Phật Giáo, khi phát biểu đều đứng dậy, đó là một đạo đức văn hoá lễ độ mà loài người đều công nhận.
Chúng ta nên xét lại đạo đức lễ nghĩa trong các trường học, nơi mà đào tạo giáo dục con người có kiến thức và văn hoá, mà lễ nghĩa không có thì biết rằng nền giáo dục đó còn thiếu khuyết.
Cho nên càng học lên lớp cao thì học sinh và sinh viên càng thiếu đạo đức tôn trọng thầy, cô giáo và bạn bè.
Tiểu học, khi cô giáo bước vào cửa lớp thì trưởng lớp hô: “Nghiêm!” Tất cả học sinh đều đứng dậy nghiêm chỉnh. Cô giáo đứng vào vị trí của mình liền đưa tay ra dấu bảo:
- Các em ngồi xuống.
Trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp còn giữ lễ nghĩa tôn trọng ấy.
Đại học thì lễ nghĩa tôn trọng ấy không còn. Như vậy chúng ta biết rằng: nền giáo dục còn thiếu văn hóa đạo đức lễ độ rất nhiều. Vì thế chúng ta nên lo lắng cho nền giáo dục hiện tại của đất nước, quê hương.
Đạo đức đang xuống cấp.
Chúng ta là người Việt Nam, không nên dùng Hán Việt chưa được Việt hoá như: Hiền giả, Hiền huynh, Hiền tỷ, Hiền đệ, Sư huynh, Sư tỷ, Sư đệ, Đạo hữu, Đạo huynh, Tôn giả, Thánh giả, v.v...
Sau ba tháng học tập đạo đức hiếu sinh, tu sinh được dự thi lên lớp RÈN NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC LY THAM TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO, bằng những bài luận:
- Tháng thứ nhất với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Ý Hành”.
- Tháng thứ hai với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Khẩu Hành”.
- Tháng thứ ba với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Thân Hành”.
- Sau ba tháng có kỳ thi tổng kết với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Thân, Khẩu, Ý Hành”.
Kết quả bốn kỳ thi và có sự ứng dụng thực hành đạo đức đã học trong lớp học, trong đời sống hằng ngày được giảng viên theo dõi kỹ lưỡng, ghi thành tích học tập của tu sinh để tuyển chọn lên lớp mới. Nếu tu sinh chưa đủ điểm lên lớp thì được ở lại học lớp cũ.
TAM QUY có 3 lớp học.
NGŨ GIỚI có 5 lớp học.
THẬP THIỆN có 10 lớp học.
Sau khi hết giờ học, giảng viên nói:
- “Buổi học của chúng ta chấm dứt ở đây, xin quý tu sinh đứng dậy chắp tay xá chào nhau rồi chúng ta về thất”.
Nói xong, giảng viên và tu sinh xá chào nhau rồi giảng viên ra trước, các tu sĩ có hạ lạp cao và lớn tuổi ra trước, kế tiếp những tu sĩ có hạ lạp thấp ra kế, rồi đến cư sĩ lớn tuổi ra trước và nhỏ tuổi theo sau.
(Hết giờ học, giảng viên và tu sinh không nên đọc bài hồi hướng và niệm hồng danh đức Phật. Chỉ chào nhau rồi theo thứ tự về thất trong sự im lặng và trang nghiêm)
4- CÁCH CHÀO HỎI KHI ĐI NGOÀI ĐƯỜNG VÀ TRONG LỚP HỌC
1: Hai người đi khất thực ngược chiều nhau, hai tay ôm bát thì không chào nhau, nhưng khi đi cách nhau chừng hai bước mỗi người đều dừng lại, thời gian chỉ một hơi thở ra vào thì bước đi trở lại trong im lặng.
2: Người ôm bát và người không ôm bát cùng đi ngược chiều cách nhau chừng 2 bước hai người đều dừng lại, người không ôm bát chắp tay lên xá chào người ôm bát, người ôm bát chỉ đứng im lặng cúi đầu, người kia xá xong thì hai người tiếp tục đi trong im lặng.
3: Hai người đi ngược chiều, tay không ôm bát, đi cách nhau hai bước thì dừng lại, chắp tay cúi đầu chào nhau thật sâu rồi im lặng bước đi.
4: Tu sĩ với tu sĩ ở trong lớp học khi chào nhau hai người đều đứng dậy chắp tay, cúi đầu chào nhau trong im lặng, không nên nói ra tiếng, dù là tiếng chào.
5: Tu sĩ với tu sĩ ở ngoài đường đi ngược chiều, khi cách nhau chừng hai bước mỗi người đều dừng lại chắp tay, cúi đầu chào nhau trong im lặng, không nên nói ra tiếng, dù là tiếng chào.
6: Cách chào nhau của tu sĩ với cư sĩ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường giống như tu sĩ với tu sĩ.
7: Cách chào nhau của cư sĩ với cư sĩ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường giống như tu sĩ với tu sĩ.
8: Cách chào nhau của tu sĩ nam với tu sĩ nữ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường chào nhau giống như tu sĩ với tu sĩ.
Nam nữ chào nhau phải bình đẳng, nhưng trong các pháp yết ma thì quy định tu sĩ nữ chắp tay chào tu sĩ nam còn tu sĩ nam không chào lại, đó là theo Bát Kỉnh Pháp. Theo Thầy thiết nghĩ, một người khác chào mình, dù là đệ tử của mình thì cũng phải chắp tay chào lại, huống là mọi người đồng đệ tử Phật, dù nam hay nữ chào nhau nên giữ bình đẳng là tốt nhất.
9: Cách chào nhau của tu sĩ nam với cư sĩ nữ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường chào nhau giống như tu sĩ với tu sĩ.
Sự chào nhau phải bình đẳng là lễ độ văn hóa kính trọng nhau.
10: Nam chào trước hay nữ chào trước? Theo đúng pháp yết ma thì cư sĩ nữ chào trước cư sĩ nam, tu sĩ nữ chào trước tu sĩ nam, nhưng ở đây thì bình đẳng nên chào nhau đồng một lượt.
11: Một người cầm đồ đạc trên tay, một người không cầm đồ đạc thì người không cầm đồ đạc chào trước.
Sự chào hỏi không mất hạnh độc cư, chỉ khi nào đi đến thất hoặc đi ngoài đường nói chuyện với nhau mới là phá hạnh độc cư.
Trong tu viện, mỗi tu sinh giới tướng phải nghiêm chỉnh, không đươc vi phạm, oai nghi tế hạnh phải hẳn hoi khi đi, đứng, nằm, ngồi.
Còn giới thể, tu sinh phải đến lớp học đức giới, hạnh giới, để thấu triệt và thấm nhuần giới thể thì mới xứng đáng là đệ tử Phật, nếu không học giới đức thì giới thể không bao giờ có trọn vẹn.
Đây là một chương trình giáo dục đào tạo giới luật đức hạnh, cho nên bài học rất sống động, mọi tu sinh đều đóng góp nhiều ý kiến đạo đức nhân bản - nhân quả, nếu những ý kiến đó chưa được ngã ngũ thì giảng viên xin viết thư hỏi ý Thầy, chứ không được cắt ngang dẹp bỏ những ý kiến đó, kẻo lớp học sẽ mất hết ý nghĩa đào sâu đạo đức. Nhưng những tu sinh góp ý đừng góp ý ngoài đề, phải nhắm vào chủ đề đạo đức của bài học.
Lớp học cần có những ý kiến trái nghịch nhau trong chủ đề, để làm sáng tỏ nền đạo đức nhân bản - nhân quả, khiến cho lớp học càng sống động hơn, nhờ đó mà tu sinh càng học càng tiến bộ, càng thấu triệt và thấm nhuần đạo đức nhiều hơn.
Giới luật đức hạnh chưa thấm nhuần, chưa thông suốt mà muốn ngồi thiền, nhập định để có Tam Minh thì đó là một ảo tưởng. Vì thế trải qua hơn 2000 năm, đã xác định rõ ràng không có ai tu chứng quả A La Hán, vì bỏ giới luật mà tìm thiền định thì không bao giờ có chánh thiền định.
Hôm nay lớp học giới luật đức hạnh được triển khai để đào tạo, rèn luyện tu sinh trở thành những bậc giới luật đức hạnh vô lậu, vậy mà có một số tu sinh cố chấp ngồi tu trong thất thật là tội nghiệp. Nếu ngồi trong thất tu được thì hơn 20 năm qua đã có nhiều người tu chứng quả A La Hán vô lậu rồi. Ngồi trong thất tu mà giới luật vi phạm thì làm sao tu chứng quả A La Hán được.
Bên hệ phái Khất sĩ, người tu sĩ rất khiêm hạ, họ thường xưng là trò. Sư Giác Toàn trụ trì Trung Tâm Tịnh Xá của hệ phái Khất sĩ thường xưng là “Trò Con”.
Chúng ta ở đây toàn là anh em, chị em với nhau, nên phải biết cách xưng hô cho hợp lý.
Các tu sinh nam cũng như nữ nên biết đoàn kết, biết thương nhau như con một nhà, biết tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau, chị ngã em nâng.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Bài học thứ 3: GIỚI THIỆU RÈN NHÂN CÁCH LÒNG YÊU THƯƠNG CỦA PHẬT GIÁO
Hôm nay chúng ta học bài thứ nhất trong năm giới: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Không nên giết hại chúng sinh là một lời khuyên của đức Phật từ ngàn xưa được lưu giữ trong kho tàng kinh điển nguyên thủy bằng tiếng Pàli tại Tích Lan.
Lời dạy này đi ngược lại đời sống con người trên hành tinh này. Vậy chúng ta tự hỏi: Tại sao đức Phật lại khuyên chúng ta không nên giết hại chúng sinh như vậy? Như quý tu sinh đã biết: khắp nơi trên hành tinh này không có nơi nào, không có ngày nào mà con người không giết hại chúng sinh để ăn thịt. Máu của chúng sinh chảy như sông, xương của chúng sinh chất như núi.
Sự đau khổ lăn lộn dưới dao trên thớt của loài người, sự chết chóc ghê rợn của chúng sinh trùng trùng, điệp điệp vô lượng vô biên, làm sao chúng ta kể cho hết những hình ảnh đau thương ấy. Ôi! Đau thương vô cùng tận, biết nói làm sao bây giờ. Và nói với ai đây? Vì sự sống của con người đã huân tập thành một thói quen ác độc giết hại các loài động vật mà không chút lòng thương xót, nhất là thói quen ăn thịt động vật.
Nhìn thấy được sự chết chóc đau khổ của chúng sinh, với lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến như trời, như biển của đức Phật, làm sao Ngài không có lời khuyên ngăn chúng ta:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Lời khuyên ấy là vì đức Phật thương xót loài người như người cha thương đứa con một, nếu con người giết hại chúng sinh ăn thịt sẽ gặt lấy quả khổ đau.
Đức Phật còn thấy rất rõ do nhân quả ác nghiệp của con người, vì vô minh con người không thấy nên tạo ra vô vàn ác pháp, vì thế phải thọ lãnh những quả khổ đau từ vô lượng kiếp, nên mỗi lần sinh ra cho đến khi chết, cuộc sống hoàn toàn khổ đau, khổ đau vô cùng, vô tận.
Đứng trước cảnh vô minh con người tự tạo nhân quả ác rồi tự gặt lấy những quả khổ đau cho chính mình, vì thế đức Phật thương xót bảo: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Mình tự làm điều ác thì mình phải tự chuốc lấy mọi sự khổ đau, làm sao có ai cứu mình được!? Muốn hiểu rõ điều này, chúng ta hãy quán xét tư duy và tự hỏi cho đúng nghĩa sự đau khổ này do từ đâu sinh ra? Do từ sự giết hại chúng sinh để ăn thịt.
Đúng như vậy, đó là do nhân giết hại và ăn thịt chúng sinh mà phải trả quả quá đắt, là chịu mọi sự khổ đau suốt từ đời này sang kiếp khác, chứ không phải chỉ riêng cho một kiếp này.
Trong góc độ nhân quả ai cũng nhìn thấy:
Từ nhân ác mà phải chịu mọi sự khổ đau; từ nhân thiện mà hưởng được sự an vui và hạnh phúc. Khổ vui trên đời này đều là do nhân quả. Do nhân quả thiện ác khổ vui như vậy, nên các pháp trên thế gian này thay đổi liên tục, do thay đổi liên tục nên gọi các pháp là vô thường. Các pháp trên thế gian vô thường thay đổi liên tục, nên sự khổ đau của loài người cũng triền miên bất tận từ khổ đau này đến khổ đau khác.
Con người không hiểu quy luật nhân quả thay đổi như vậy, nên cho các pháp là thường hằng, bất biến, là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do hiểu sai lầm nên đắm mê chạy theo dục lạc vật chất vô thường của thế gian, cho rằng những vật chất là có thật, nên lấy đó để cung cấp và phụng dưỡng cho cái ngã, tạo biết bao nhiêu điều tội ác và biết bao nhiêu điều tội lỗi.
Với đôi mắt của đức Phật nhìn thấy mọi sự sống trên hành tinh đều do các duyên nhân quả tác thành, vì thế mới có sự thay đổi liên tục, đó là sự tất yếu không thể phủ nhận, do sự thay đổi ấy mà mọi sự sống của tất cả các loài vật trên hành tinh này hoàn toàn phải chịu mọi sự khổ đau. Con người cũng là một loài động vật đều có sự cảm nhận đau khổ, sống chết như nhau. Vì thế đức Phật khuyên: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”, thật là thấm thía biết bao.
Phải không quý tu sinh? Ý nghĩa câu: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” còn mang theo một hành động đạo đức cao đẹp tuyệt vời của con người, đó là ĐỨC HIẾU SINH. Đức Hiếu Sinh có nghĩa là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này.
Đây chính là bài học rèn luyện nhân cách đạo đức đầu tiên của lớp NGŨ GIỚI Phật giáo, để chúng ta biết cách sống làm người với một tâm hồn cao thượng, một con người đầy lòng tha thứ và yêu thương mọi sự sống của nhau trên hành tinh này. Vì vậy, khi hiểu như thế nào thì quý cô cứ trả lời như vậy. Như trên đã nói, chúng ta là những người còn đang tu học, cho nên càng trả lời thì lại càng thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của sự tu học; càng trả lời lại càng huân tập lòng thương yêu rộng lớn. Người có lòng thương yêu rộng lớn là người có hạnh phúc nhất trần gian.
NHỮNG CÂU HỎI
Bây giờ, quý tu sinh hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi 1:
Tại sao đức Phật lại có lời khuyên chúng ta “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên khuyến khích:
- Các tu sinh hãy cho một tràng pháo tay.
- Những ý nghĩa trả lời của tu sinh góp ý làm sáng tỏ đạo đức nhân bản - nhân quả câu “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý về câu hỏi này để chúng ta cùng nhau tu học và rèn luyện nhân cách.
Trả lời câu hỏi 1:
Đức Phật có lời khuyên chúng ta “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”.
Vì người biết rất rõ quy luật của nhân quả, nếu ai làm những điều ác giết hại và ăn thịt chúng sinh thì phải gặt lấy những hậu quả khổ đau. Do lòng thương yêu chúng sinh nên đức Phật khuyên chúng ta: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”.
Không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh là một hành động thương yêu, thương yêu tất cả sự sống trên hành tinh này, đó là đạo đức hiếu sinh mà mỗi người đều phải học tập, trau dồi và rèn luyện cho thấm nhuần đạo đức này, để cuộc sống không còn làm khổ cho nhau nữa; để biến cuộc sống thế gian này thành cuộc sống an lạc, yên vui trên cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.
Giết hại và ăn thịt chúng sinh là một tội rất nặng, đó là cướp lấy mạng sống của sự sống.
Hành động giết hại và ăn thịt chúng sinh là một hành động làm cho cuộc sống trên thế gian này bất an, làm cho hành tinh này máu chúng sinh chảy như sông, xương chúng sinh chất như núi. Vì thế, hành tinh này lúc nào cũng biến động, biết bao nhiêu tai họa thảm khốc xảy ra: thiên tai, động đất, lũ lụt, sóng thần, bão tố, v.v... Những công trình của loài người bao nhiêu công lao, bao nhiêu năm tháng xây dựng chỉ trong một phút giây động đất, bão tố thì để lại đống gạch vụn ngổn ngang; biết bao nhiêu năm tháng để xây dựng chỉ trong vòng tíc tắc tan tành như mây khói; biết bao công trình của con người xây dựng từ xưa đến nay mà loài người hãnh diện cho đó là những kỳ quan thế giới, nhưng một trận động đất, một cơn bão tố thì đâu còn gì nữa? Bởi vậy, con người cứ giết hại và ăn thịt chúng sinh thì không thể nào tránh khỏi những hậu quả thảm khốc.
Câu hỏi 2:
Do nguyên nhân gì mà con người phải chịu sự khổ đau?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ “nguyên nhân gì mà con người phải chịu sự khổ đau” rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý trả lời câu 2, để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 2:
Do nguyên nhân vô minh, không hiểu biết, không thông suốt luật nhân quả nên con người giết hại và ăn thịt chúng sinh, ngoài ra còn tạo vô vàn ác pháp khác nữa, từ những hành động ác của mọi người mà những từ trường ác phóng xuất trong không gian, vì vậy con người phải chịu muôn vàn sự khổ đau, từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt.
Câu hỏi 3:
Do nguyên nhân gì các pháp thường thay đổi?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ “nguyên nhân gì các pháp thường thay đổi” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận, trả lời câu 3 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 3:
Do nguyên nhân các pháp vận hành theo quy luật nhân quả từ thiện sang ác, từ ác sang thiện tạo thành ra thời gian và không gian trong sự thành, trụ, hoại, không. Vì thế các pháp thường thay đổi từng sát na, nên kinh sách Phật giáo gọi các pháp trong vũ trụ là pháp VÔ THƯỜNG. Các pháp không có ngã do duyên hợp tạo thành nên sinh diệt liên tục. Do các pháp sinh diệt liên tục nên con người phải chịu khổ đau từ kiếp này đến kiếp khác không bao giờ dứt.
Vô thường là chỉ cho các pháp thường thay đổi, không đứng yên một chỗ, cho nên trong đời sống của con người không có pháp nào bất di bất dịch cả. Cho nên ngày nay như thế này, ngày mai như thế khác.
Câu hỏi 4:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” la đạo đức gì?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH là đạo đức gì” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin trả lời câu 4 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 4:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” là đạo đức hiếu sinh, tức là lòng yêu thương tất cả chúng sinh, thương tất cả sự sống trên môi trường sống của hành tinh này. Vì thế chúng ta không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh nữa, giết hại và ăn thịt chúng sinh rất tội nghiệp, chúng sinh bao giờ cũng tham sống sợ chết như chúng ta vậy.
Câu hỏi 5:
Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách nào?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ phương pháp rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin trả lời câu 5 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 5:
Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến lòng yêu thương chúng sinh (tâm từ, bi). Con người ai cũng có lòng thương yêu, nhưng vì lòng tham, sân, si, mạn, nghi che khuất nên họ chỉ còn biết thương cá nhân họ mà thôi, xem mình trên đời này là trên hết, cho mình là quan trọng nhất. Vì thế mọi sự khổ đau lại đổ trên đầu họ. Muốn thoát ra mọi sự khổ đau trên thế gian này thì phải thực hiện theo những phương pháp sau đây:
1- Muốn thực hiện lòng yêu thương chúng sinh thì phải ly dục ly ác pháp, lìa tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi (ngũ triền cái) của mình.
2- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến nhân quả luôn luôn ngăn ác, diệt ác pháp và sống trong thiện pháp.
3- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến đạo đức nhân bản nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
4- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến về phương pháp tác ý: “Tất cả mọi người, mọi loài vật trên hành tinh này đều có sự sống như nhau, đều sợ chết, sợ khổ đau như nhau. Vậy chúng ta hãy thương yêu tất cả mọi người, mọi loài vật trên hành tinh này như thương yêu chính chúng ta, như người mẹ thương con vậy”.
5- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến tỉnh thức trong mỗi hành động thân, miệng, ý không làm khổ mọi người và tất cả chúng sinh.
6- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến tỉnh thức bằng bốn cách đi kinh hành tỉnh giác đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, nói, nín, v.v... đều không làm những người khác và tất cả chúng sinh khổ đau.
7- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến về hơi thở ra, hơi thở vô tác ý xả tâm ly tham, sân, si, mạn, nghi.
8- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến Tứ Vô Lượng Tâm TỪ, BI, HỶ, XẢ.
Có rèn luyện được lòng yêu thương như vậy ta mới thấy lòng thương yêu là một tâm hồn cao thượng luôn luôn không làm khổ mình, khổ người.
Câu hỏi 6:
Tại sao con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “tại sao con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 6:
Con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót là vì chấp ngã quá to lớn, chỉ biết có mình, còn tất cả các loài vật khác chỉ sinh ra để phục vụ cho con người.
Cho nên người xưa nói: “Vật dưỡng nhân”, đó là một tư tưởng sai lầm thiếu đạo đức hiếu sinh mà người xưa vì quen ăn thịt chúng sinh nên đã gieo sâu vào lòng người những tư tưởng tội lỗi. Vật dưỡng nhân đã thành cội rễ trong tư tưởng, nên con người giết hại và ăn thịt chúng sinh không chút lòng thương xót.
Thật đáng chê trách những tư tưởng sai lầm đánh mất tính thiện của loài người.
Con người giết các loài động vật không chút lòng thương xót vì không hiểu biết quy luật nhân quả thiện ác: Khi giết hại chúng sinh thì phải trả quả khổ đau bệnh tật, tai nạn hoặc bị giết hại lại. Chính những người giết hại và ăn thịt chúng sinh cũng không lưu ý sự khổ đau, sợ chết, tham sống, sợ hãi của chúng sinh như chính bản thân của họ vậy, nên vô tình giết hại chúng sinh mà không thương xót.
Con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót vì không có lòng thương yêu sự sống của những loài động vật khác, vì không có đức hiếu sinh, thiếu lòng từ bi đối với muôn loài vật.
Trong cuộc sống hằng ngày trên thế gian này, con người có lòng yêu thương chân thật thì mới mang lại sự bình an cho trái đất, thiếu lòng thương yêu thì trái đất này sẽ nổi sóng và con người sẽ chịu mọi sự khổ đau tận cùng cho kiếp làm người.
Câu hỏi 7:
Tại sao con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết nhau và ăn thịt nhau?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “tại sao con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết nhau và ăn thịt nhau” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 7:
Con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết hại và ăn thịt nhau là do vô minh, do sự không hiểu biết nên mới giết hại ăn thịt lẫn nhau.
Chính sự vô minh là mầm sinh ra làm nhiều điều ác, vì thế mà phải thọ chịu nhiều sự đau khổ trong sự sống của mỗi cá nhân trên hành tinh này.
Trong vòng tròn mười hai nhân duyên, VÔ MINH là duyên thứ nhất, do VÔ MINH mới có HÀNH ĐỘNG VÔ MINH thiện hay ác, có thiện ác mới gọi là nhân quả; do HÀNH ĐỘNG VÔ MINH mới có THỨC VÔ MINH; do THỨC VÔ MINH mới có DANH SẮC VÔ MINH; do DANH SẮC VÔ MINH mới có LỤC NHẬP VÔ MINH; do LỤC NHẬP VÔ MINH mới có XÚC VÔ MINH; do XÚC VÔ MINH mới có ÁI VÔ MINH; do ÁI VÔ MINH mới có HỮU VÔ MINH; do HỮU VÔ MINH mới có THỦ VÔ MINH; do THỦ VÔ MINH mới có SANH Y VÔ MINH; do SANH Y VÔ MINH mới có ƯU BI, SẦU KHỔ, SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Như vậy, tất cả sự sống trên hành tinh này đều do VÔ MINH chủ động gây ra muôn vàn sự khổ đau và sinh, già, bệnh, chết của chúng sinh, của muôn vật.
Muốn chấm dứt vô minh chỉ có con đường duy nhất là con đường Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người của Phật giáo. Như vậy, quý vị tu thiền theo Phật giáo là quý vị biết phải tu cái gì không? Đó là tu GIỚI LUẬT, trong giới luật thì đức hiếu sinh là đức thứ nhất, tu đức hiếu sinh tức là tu lòng yêu thương. Khi nào quý vị thực hiện được lòng yêu thương ban rải khắp mọi nơi thì chừng đó quý vị chứng tâm vô lậu.
Chứng tâm vô lậu là chứng thiền định của Phật giáo.
Cho nên chỉ có tu tập lòng yêu thương mà quý vị chứng đạo, đâu có gì là khó khăn.
Câu hỏi 8:
Trong môi trường sống chúng ta phải đối xử như thế nào?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “trong môi trường sống chúng ta phải đối xử như thế nào” rất hay, ...
(giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 8:
Trong môi trường sống chúng ta phải đối xử với nhau bằng đức hiếu sinh, bằng tình thương yêu rộng lớn như trời, như biển, lúc nào cũng chỉ biết có yêu thương như mẹ thương con, như tình thương của ông Phú Lâu Na không lấy gì so sánh được. Ông Phú Lâu Na là một vị đại đệ tử của đức Phật, một bậc A La Hán.
Lòng yêu thương của chúng ta là một phương pháp xả tâm tuyệt vời, nếu người nào luôn luôn sống với đức hiếu sinh thì không có một ác pháp nào làm động tâm được. Bởi vậy trong giới luật Phật thì giới không nên giết hại chúng sinh là giới thứ nhất. Đó là dạy chúng ta đức hiếu sinh để chúng ta thoát khổ. Vì thế có thương yêu sự sống của muôn loài thì chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Nhờ lòng thương yêu chúng ta thoát khổ, chính là chúng ta thoát khỏi tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình.
Nhờ lòng thương yêu chúng ta chứng thánh quả A La Hán vô lậu; nhờ lòng thương yêu chúng ta ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp; nhờ lòng thương yêu chúng ta ly dục, ly ác pháp hoàn toàn; nhờ lòng thương yêu chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; nhờ lòng thương yêu chúng ta nhập Tứ Thánh Định; nhờ lòng thương yêu chúng ta có Tứ Thần Túc và thực hiện được Tam Minh không có khó khăn, không có mệt nhọc.
Bởi vậy đức hiếu sinh rất tuyệt vời, chúng ta chỉ cần triển khai, rèn luyện và học tập để lúc nào cũng trưởng dưỡng nó; để lúc nào nó trưởng thành, nó là chúng ta, chúng ta là nó thì thế gian này là Niết Bàn, là Cực Lạc.
Nhờ đó không còn một ác pháp nào và một người nào làm động tâm chúng ta được nữa.
Chính nó là thiền định của Phật giáo.
------
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: Đức hiếu sinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2012)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)