Đặc san báo CATP số ra ngày 11-12-2004 có đưa tin về vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Với hành vi tàn độc cùng sự chuẩn bị khá chu đáo của hung thủ đã cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.
Khoảng 22 giờ ngày 8-12- 2004 quốc lộ 57 thuộc địa bàn xã Tân Phong lúc này đã chìm hẳng trong màn đêm tĩnh mịch. Hai bóng đen đang ngồi thì thầm to nhỏ thì bất chợt xa một ánh đèn xe máy quét đến khiến cả hai mừng thầm trong bụng. Khi xe đến gần, một trong hai thanh niên vẫy tay xin được quá giang. Nhìn cả hai đáng tuổi con cháu mình, đang đêm lại lỡ đường. Người đàn ông dừng xe cho hai kẻ lạ mặt đi nhờ mà không một chút đắn đo. Được một đoạn khoảng chừng 500m, chúng nhờ chở vào đoạn đường rẽ liên ấp thuộc ấp Qui Đức, xã Quới Điền. Đến một nơi vắng vẻ, hai bên là một ruộng lúa cách quốc lộ 57 chừng 80 mét (gần chân cầu Dương Văn Ngươn) lúc này cả hai kẻ quá giang xe lộ nguyên hình là hai tên cướp hung ác. Vừa bước xuống xe, một tên cầm dao Thái lan loại lưỡi xếp, tên kia dùng gậy đâm và đánh cho tới khi nạn nhân bất động, cả hai khiên xác nạn nhân quăng xuống ruộng lúa. Lục được trong túi quần, áo nạn nhân 103 ngàn đồng, chúng cướp chiếc xe máy chạy về hướng phà Hàm Luông.
Khi đến gần bến phà, sợ phát hiện những vết máu và bùn dính trên người (do vật lộn trong lúc bị nạn nhân chống cự), cả hai vào nhà một người dân gần đấy xin được … tắm nhờ. Nhận thấy điều bất thường ở 2 vị khách lạ này, chủ nhà với tinh thần cảnh giác cao, một mặt giả vờ cho chúng tắm, một mặt sai người nhà đi báo Công An và lực lượng bảo vệ phà. Vừa tắm xong cả hai đã thất kinh hồn vía khi thấy lực lượng Công An xã đã đợi chúng tự bao giờ.
Ngay khi đưa cả hai đối tượng cùng chiếc xe máy về trụ sở, bọn chúng khai nhận tên là Trần Quốc Quy, sinh năm 1987 và Nguyễn Văn Hoà, SN 1988, cùng ngụ ấp Phủ, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú. Mờ sáng hôm sau nguồn tin về một vụ cướp của giết người lan nhanh trong huyện gây sự tò mò trong người dân. Thông tin về l ai lịch nạn nhân cũng nhanh chống được xác định. Ông tên Mai Văn Hóa, SN 1965 (nguyên là một dược sĩ đã nghĩ việc) ngụ ấp 7 thị trấn Thạnh Phú. Buổi chiều hôm ấy, ông Hoá trên đường đi thăm người thân về nhà thì bị bọn cướp giết .
Tại cơ quan Công An, Quy và Hoà khai nhận, để chuẩn bị cho phi vụ làm ăn này, trước đó cả hai đã lên chợ thị xã mua một biển số xe giả nhằm thay vào biển số thật.
Nếu thành công chúng cùng nhau lên thành phố bán xe lấy tiền tiêu xài thỏa thích. Đêm ấy cùng với những vật dụng cần thiết như: Dao, gậy, khẩu trang mang sẵn trong người cả hai cùng ra đón xe khoảng chừng 30 phút thì ông Hoá chạy tới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Hòa vừa nghỉ học được vài ngày, còn Quy đi làm thuê ở Đồng Tháp mới về. Mặc dù chưa có tiền án, tiền sự nhưng theo cán bộ xã Quới Điền và Tân Phong thì gần đây hiện tượng thanh thiếu niên kết bè phái gây gỗ đánh nhau đang xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Quy và Hòa tập tành bước vào thế giới phạm pháp ấy. Nhiều lần những đối tượng này đã ngang nhiên phá phách nhà người khác giữa ban ngày, nhưng vì sợ chúng trả thù nên ít ai dám tố cáo. Hiện vụ việc đang được Công An tỉnh Bến Tre tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên cho dù vì lý do gì đi nữa, hành vi mất hết tính người của Quy và Hòa sẽ phải bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Nguyễn Minh - Phan Long
Báo Công An thứ năm ngày 1-3-2007
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Khoảng 22 giờ ngày 8-12- 2004 quốc lộ 57 thuộc địa bàng xã Tân Phong lúc này đã chìm hẳng trong màn đêm tĩnh mịch. Hai bóng đen đang ngồi thì thầm to nhỏ thì bất chợt xa một ánh mắt đèn xe máy quét đến khiến cả hai mừng thầm trong bụng. Khi xe đến gần, một trong hai thanh niên vẫy tay xin được quá giang. Nhìn cả hai đáng tuổi con cháu mình, đang đêm lại lỡ đường. Người đàn ông dừng xe cho hai kẻ lạ mặt đi nhờ mà không một chút đắn đo”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
2- “Được một đoạn khoảng chừng 500m, chúng nhờ chở vào đoạn đường rẽ liên ấp thuộc ấp Qui Đức, xã Quới Điền”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
3- “Đến một nơi vắng vẻ, hai bên là một ruộng lúa cách quốc lộ 57 chừng 80 mét (gần chân cầu Dương văn Ngươn) lúc này cả hai kẻ quá giang xe lộ nguyên hình là hai tên cướp hung ác. Vừa bước xuống xe, một tên cầm dao Thái lan loại lưỡi xếp, tên kia dùng gậy đâm và đánh cho tới khi nạn nhân bất động, cả hai khiêng xác nạn nhân quăng xuống ruộng lúa. Lục được trong túi quần, áo nạn nhân 103 ngàn đồng, chúng cướp chiếc xe máy chạy về hướng phà Hàm Luông ”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
4- “Khi đến gần bến phà, sợ phát hiện những vết máu và bùn dính trên người (do vật lộn trong lúc bị nạn nhân chống cự), cả hai vào nhà một người dân gần đấy xin được… tắm nhờ. Nhận thấy điều bất thường ở 2 vị khách lạ này, chủ nhà với tinh thần cảnh giác cao, một mặt giả vờ cho chúng tắm, một mặt sai người nhà đi báo Công An và lực lượng bảo vệ phà. Vừa tắm xong cả hai đã thất kinh hồn vía khi thấy lực lượng Công An xã đã đợi chúng tự bao giờ ”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?.
5- “Ngay khi đưa cả hai đối tượng cùng chiếc xe máy về trụ sở, bọn chúng khai nhận tên là Trần Quốc Quy, sinh năm 1987 và Nguyễn Văn Hoà, SN 1988, cùng ngụ ấp Phủ, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú. Mờ sáng hôm sau nguồn tin về một vụ cướp của giết người lan nhanh trong huyện gây sự tò mò trong người dân. Thông tin về lai lịch nạn nhân cũng nhanh chống được xác định. Ông tên Mai Văn Hóa, SN 1965 (nguyên là một dược sĩ đã nghỉ việc) ngụ ấp 7 thị trấn Thạnh Phú. B uổi chiều hôm ấy, ông Hoá trên đường đi thăm người thân về nhà thì bị bọn cướp giết ”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
1- “Khoảng 22 giờ ngày 8-12- 2004 quốc lộ 57 thuộc địa bàng xã Tân Phong lúc này đã chìm hẳng trong màn đêm tĩnh mịch. Hai bóng đen đang ngồi thì thầm to nhỏ thì bất chợt xa một ánh mắt đèn xe máy quét đến khiến cả hai mừng thầm trong bụng. Khi xe đến gần, một trong hai thanh niên vẫy tay xin được quá giang. Nhìn cả hai đáng tuổi con cháu mình, đang đêm lại lỡ đường. Người đàn ông dừng xe cho hai kẻ lạ mặt đi nhờ mà không một chút đắn đo ”.
Đoạn này dạy THIẾU ĐỨC CẢNH GIÁC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Như chúng ta đều biết, từ khi đức Phật ra đời cho đến ngày nay đã hơn 2.500 năm, Ngài đã đem lại cho loài người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh. Thế mà một thời gian quá dài hơn 2.500 năm, nhưng con người từ Đông sang Tây chẳng có ai biết đến nền đạo đức này là gì nữa. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến cái tên, thì làm sao biết được những hành động đạo đức đó. Thậm chí ngay đến cả chương trình giáo dục đào tạo tám lớp học đạo đức nhân bản – nhân quả đó, con người cũng không biết. Do không biết đạo đức này nên con người chạy theo lòng dục vọng tham tham. Tất cả các nước trên hành tinh này không có nước nào không có trộm cắp, cướp giựt của cải, giết người. Vì lòng tham lam cho nên, thế giới lúc nào cũng có chiến tranh, không nước này thì nước khác. Ngày nào trên thế giới không nước này thì nước kia cũng xảy ra nạn gian tham trộm cắp, cướp giựt, cờ bạc, cá cược, hiếp dâm, mãi dâm v.v…Vì thế, ban đêm nhà nhà đều phải đóng cửa, luôn luôn lo sợ những kẻ gian tham lẻn vào trộm cắp. Còn ra đường thì lo sợ những kẻ móc túi, giựt túi xách. Cho nên, ở trong nhà, cũng như khi ra đường ai cũng đều cảnh giác và nôm nốp lo sợ.
Bởi vậy, con người không học đạo đức ly tham, cho nên tâm còn dẫy đầy tham, sân, si, mạn, nghi nên thấy cái chi cũng tham muốn, thấy cái chi cũng muốn lấy. Từ lòng tham muốn sinh ra muôn ngàn mưu mô thủ đoạn để cướp đoạt công sức, tiền bạc, tài sản, ruộng đất v.v…của người khác.
Trong xã hội loài người, người lãnh đạo đất nước phải sáng suốt bắt buộc toàn dân, từ già chí trẻ, người nào cũng phải đi học ĐỨC LY THAM, có học đức ly tham thì xã hội mới không có người gian tham trộm cắp, cướp giựt v.v… ĐỨC LY THAM rất cần cho mọi công dân trong một nước. Muốn cho xã hội có trật tự an ninh thì mọi người phải học đức ly tham. Nguyên nhân mất trật tự an ninh trong thôn xóm, làng, thị xã, thị trấn, thành phố, thủ đô, chính do lòng tham muốn của con người. Lòng tham muốn mới sinh ra trộm cắp, cướp của giết người; chính lòng tham muốn của con người mà gia đình tan nát, con cái đi kiện thưa cha mẹ, anh em chia lìa, đâm chém giết nhau vì ruộng đất của cải tài sản; chính lòng tham muốn của con người mà thế giới chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Vì thế, chúng ta cần mở một chiến dịch diệt trừ lòng tham muốn, có như vậy thì tệ nạn trộm cắp, cướp giựt mới chấm dứt. Nhờ đó nhà nhà ngủ không đóng cửa, ngoài đường của rơi không ai lượm. Một đất nước muốn nhân dân được bình an, yên ổn, xã hội có trật tự an ninh thì nên tổ chức những lớp học đạo đức ly tham để xóa tệ nạn trộm cắp, cướp của giết người.
Trong một xã hội, đạo đức đang xuống cấp thì mọi người cần phải cảnh giác.
Cảnh giác là một đức hạnh, là một thiện pháp, nó sẽ chuyển được nghiệp báo nhân quả.
Nếu bác Mai Văn Hóa đề cao cảnh giác ban đêm thấy thanh niên nam nữ tuổi trẻ hay người lớn tuổi xin quá giang thì đừng cho.
Thứ nhất chạy xe ban đêm thấy có người đón xe xin quá giang thì tống ga chạy nhanh để tránh tai họa. Đó là cách cứu mình duy nhất trên đường đi lúc ban đêm. Nhiều người thiếu cảnh giác mang lại cái chết đau lòng cho nhiều người, nhất là gia đình.
Thứ hai nếu có cho quá giang thì chở thẳng vào trụ sở Công An nhờ họ giúp đỡ còn mình thì trở về nhà.
Xưa có một Bà La Môn tốt bụng ông đang cưỡi ngựa bổng thấy có một người ôm chân rên la, kêu khóc không đi được. Ông Bà La Môn xuống ngựa, và nhường ngựa cho người bị tai nạn và ông dắt ngựa đi, nhưng người bị nạn kêu đau chân và xin: Ông hãy đưa dây cương ngựa cho tôi thì ngựa đi mới êm được. Nhưng khi nắm được dây cương thì người bị nạn kia ra roi ngựa chạy như bay.
Người Bà La Môn biết mình bị lừa liền gọi người kia dừng và nói đôi lời:
- Này ông bạn! Hành động của ông bạn quý quá, nếu sau này có ai bị nạn chắc không còn ai dám giúp đỡ, vậy ông bạn cứ đi!
Xã hội đầy trộm cướp mà ban đêm cho quá giang là điều thiếu cảnh giác. Một anh xe ôm chỡ hai người khách nhờ cảnh giác, thấy khả nghi, nên khi chạy đến chỗ đông người, liền dừng lại, chạy bỏ xe và tri hô, nhờ đó thoát nạn, quần chúng bắt được hai tên cướp có súng.
Nếu bác Hóa biết cảnh giác thì đâu có xảy ra cái chết rất oan uổng như thế này.
Bác Hóa là một người tốt, xem hai chú thanh niên kia như con cháu, nên sẵn sàng giúp đỡ, thế mà hai cháu thanh niên này có học đạo đức hiếu sinh và đức ly tham bao giờ đâu, nên lòng tham ngút ngàn chỉ còn biết có của cải, tài sản nên nỡ nhẫn tâm giết chết bác Hóa. Vậy tội này về ai? Nếu hai cháu thanh niên này có học đạo đức hiếu sinh và đạo đức ly tham thì đâu có xảy ra một cảnh giết người đau lòng, nát dạ, trước cái chết thảm thương của bác Hóa như thế này. Phải không quý vị? Tình trạng đất nước chúng ta thường xảy ra những tệ nạn xã hội dẫy đầy, ngày một tăng thêm làm cho những người lãnh đạo đất nước đau đầu và người dân sống trong lo âu và sợ hãi.
2- “Được một đoạn khoảng chừng 500m, chúng nhờ chở vào đoạn đường rẽ liên ấp thuộc ấp Qui Đức, xã Quới Điền, đến một nơi vắng vẻ, hai bên là một ruộng lúa cách quốc lộ 57 chừng 80 mét (gần chân cầu Dương văn Ngươn) lúc này cả hai kẻ quá giang xe lộ nguyên hình là hai tên cướp hung ác. Vừa bước xuống xe, một tên cầm dao Thái lan loại lưỡi xếp, tên kia dùng gậy đâm và đánh cho tới khi nạn nhân bất động, cả hai khiên xác nạn nhân quăng xuống ruộng lúa. Lục được trong túi quần, áo nạn nhân 103 ngàn đồng, chúng cướp chiếc xe máy chạy về hướng phà Hàm Luông”.
Đoạn này nói hành động bất lương THIẾU ĐẠO ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Đọc đoạn này chúng ta mới thấy con người quá hung dữ, tàn ác nỡ nhẫn tâm giết người một cách đau thương, cho nên con người hiện giờ độc ác hơn loài thú hung dữ.
Nền đạo đức đang xuống cấp chúng ta hãy đề cao cảnh giác, không nên tin bất cứ một người nào khác. Đức đề cao cảnh giác giúp chúng ta vượt thoát mọi sự khổ đau, thoát ra khỏi những tai nạn hiểm nghèo.
Hiện giờ người nào cũng đầy ắp những tâm tham, sân, si, mạn, nghi, vì thế đức cảnh giác rất cần thiết cho chúng ta trong lúc này. Khi gây gổ với ai, họ có thể giết chúng ta dễ như chơi. Vậy khi thấy ai gây gổ thì nên nhẫn nhịn và tránh xa. Càng nhẫn nhịn tránh xa càng tốt. Phải tập im lặng như Thánh. Ngày xưa ngoại đạo chửi mắng Phật và chúng thánh tăng thậm tệ trước mặt Phật, nhưng Ngài im lặng không hề có tiếng qua tiếng lại. Cho đến khi các đệ tử của Người hỏi lý do như thế nào mà nhẫn nhịn như vậy? Ngài trả lời:
Khen không đúng giới luật là khen sai, chê không đúng giới luật là chê sai. Khen chê không đúng có gì mà phải cãi qua cãi lại với những người hung ác, không biết giới luật, không biết đạo đức.
Cảnh giác để không làm khổ mình, khổ người; cảnh giác để chuyển nhân quả, làm cho những điều ác xa lìa, và làm cho những điều thiện được tăng trưởng.
Học Phật pháp chúng ta biết rất nhiều đức hạnh, vì mỗi hành động của chúng ta là đức hạnh hay không đức hạnh rất dễ nhận xét, khi một hành động mang đến sự khổ đau cho mình, cho người là hành động thiếu đức hạnh, còn ngược lại là hành động có đạo đức. Cho nên đạo đức tới đâu thì sự bình an yên vui đến đó.
Trong cuộc đời của chúng ta có ba nơi xuất phát hành động đạo đức hay không đạo đức chúng ta đều biết rất rõ, đó là thân, miệng, ý. Khi thân, miệng, ý nói, làm hay suy nghĩ một điều gì mà điều đó có sự đau khổ cho mình, cho người hay cho cả hai là chúng ta biết là hành động ác, là hành động thiếu đạo đức, còn ngược lại là chúng ta sống có đạo đức.
Khi xin quá giang đó là khẩu hành lừa đảo gạt người, rồi đến chỗ vắng giết người để cướp của cải xe cộ, thật là tàn ác, những kẻ gian ác mất tính người, thật đáng chê trách, họ chỉ còn là bản chất của loài thú dữ.
Con người mà dám giết con người thì phải có sự huân tập sát hại những loài động vật không biết bao nhiêu con mà kể. Đôi tay họ đã vấy máu ghê gớm và đã hóa thành quen, một nghiệp lực giết hại. Cho nên khi giết người cướp của họ không còn là một con người; họ không còn có một tình người biết thương xót ai cả, họ chỉ còn biết sợ Công An, người thi hành pháp luật của Nhà nước mà thôi.
Giết một người như giết một con vật thì đạo đức hiếu sinh đối với những người này chẳng còn có một chút xíu nào cả, chính họ còn không biết thương họ, họ đã làm khổ họ, họ đã giết chết nhân tính, lòng thương yêu của họ.
3- “Khi đến gần bến phà, sợ phát hiện những vết máu và bùn dính trên người (do vật lộn trong lúc bị nạn nhân chống cự), cả hai vào nhà một người dân gần đấy xin được… tắm nhờ. Nhận thấy điều bất thường ở 2 vị khách lạ này, chủ nhà với tinh thần cảnh giác cao, một mặt giả vờ cho chúng tắm, một mặt sai người nhà đi báo Công An và lực lượng bảo vệ phà. Vừa tắm xong cả hai đã thất kinh hồn vía khi thấy lực lượng Công An xã đã đợi chúng tự bao giờ”.
Đoạn này dạy ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
Nhân nào quả nấy, vừa tạo nhân giết người cướp của xong, thì ngay đó là quả Công An bao vây nhà còng tay đưa về trụ sở. Nhân quả hiện tiền không phải đợi nhiều kiếp chỉ trong một kiếp này. Giết người thì pháp luật sẽ kêu án tù tội chung thân hoặc tử hình.
Hai cháu thanh niên này được xem như cuộc đời tới đây là hết. Nếu tuổi trẻ như hai cháu này được sinh ra, được gặp đạo đức nhân bản – nhân quả, được học lớp đạo đức hiếu sinh, đạo đức ly tham thì hai cháu thanh niên này đâu có rơi vào những tội ác tài trời (giết người cướp của), tội lỗi quá lớn lao. Dù cho hiện giờ hai cháu có ăn năn sám hối thì không còn cách nào cứu chửa, chỉ còn chờ tòa án xét xử, chắc chắn hai cháu phải có người tử hình và phải có người tù tội chung thân, nhưng như vậy chưa xong, luật nhân quả sẽ xử phạt cái chết rùng rợn thảm thương cũng như hiện giờ các cháu đã nỡ tâm ra tay giết hại bác Hóa vậy.
Trong xã hội chúng ta không chỉ có hai cháu này mà còn nhiều cháu nữa. Báo chí hằng ngày thường đăng tin tức xảy ra nhiều vụ án mạng do trộm cắp cướp giựt giết người. Bước chân vào thăm những trại giam khắp nơi trong nước thì số tù nhân trộm cắp, cướp của giết người, hút chích, xì ke ma túy, mãi dâm, hiếp dâm, cờ gian bạc lận đông vô số kể.
Phần đông nam nữ tội phạm đủ các loại tuổi tác, nhất là thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ tuổi còn học trò. Họ không được giáo dục đào tạo theo các lớp đạo đức hiếu sinh, đạo đức ly tham, đạo đức chung thủy, đạo đức thành thật và đạo đức minh mẫn nên thường phạm vào những tội cướp trộm và kế đến là tội giết người. Đứng trước tình trạng thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ phạm vào những tội trộm cắp, cướp của giết người thì thật là đáng thương, nhưng cũng đáng trách gia đình và xã hội chưa làm hết bổn phận trách nhiệm giáo dục con em của mình về đạo đức.
Ngay từ bây giờ chưa phải muộn, chúng ta là những bậc làm cha mẹ, là những bậc lãnh đạo đất nước thì phải xem xét lại vấn đề giáo dục đạo đức nhân bản – nhân quả, trong đó có nhiều đức hạnh như đã nói ở trên: Đức hiếu sinh, đức ly tham, đức chung thủy, đức thành thật và đức minh mẫn. Tất cả thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ cần phải được giáo dục học tập những đạo đức này. Nếu người nào chưa học, bắt buộc phải học. Nhờ có sự tổ chức và bắt buộc học tập đạo đức như vậy thì ngành Công An giữ gìn trật tự an ninh trong nước sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Hiện giờ các cháu thanh niên hay thanh thiếu niên nam nữ hoặc bất cứ một người nào vi phạm tội trộm cắp, cướp của, giết người, hiếp dâm, mãi dâm, xì ke, ma túy, hút xách, cờ bạc v.v… thì cưởng bức cải tạo đi học các lớp đạo đức này, nếu người nào học thi đậu được thả cho về, còn rớt thì ở lại học nữa, đến khi thi đậu mới trả tự do cho hòa nhập với cộng đồng.
Có xây dựng và đào tạo đạo đức như vậy thì xã hội này mới bình an, mới không còn những tệ nạn xã hội, mới không còn cảnh giết người, những cái chết rất oan uổng.
4- “Ngay khi đưa cả hai đối tượng cùng chiếc xe máy về trụ sở, bọn chúng khai nhận tên là Trần Quốc Quy, sinh năm 1987 và Nguyễn Văn Hòa, SN 1988, cùng ngụ ấp Phủ, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú. Mờ sáng hôm sau nguồn tin về một vụ cướp của giết người lan nhanh trong huyện gây sự tò mò trong người dân ”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
Làm một điều ác có thể che dấu mọi người, nhưng không thể nào che dấu được luật nhân quả, nếu người làm ác còn có một chút thiện lành trong lương tâm, còn có những hành động biết thương người, biết giúp đỡ người hoặc cứu giúp yêu thương các loài động vật khác, cho nên làm một điều ác mà còn vẫn tránh được pháp luật được 5, 10 ngày hay một, hai tháng hoặc năm năm, mười năm, hai mươi năm đều do có làm những điều lành, vì thế mới tránh né pháp luật được, chờ khi hết phước thì nghiệp báo phải trả, không còn tránh né đâu khỏi. Làm ác cũng giống như một người sinh ra không thể nào tránh mưa nắng được.
Luật nhân quả rất công bằng và công lý, xử phạt rất nghiêm minh, dù một hành ác nhỏ, một lời nói có hàm ý ác thì vẫn phải trả quả, không trốn đâu khỏi, trả quả ngay liền trong hiện tại, do không hiểu luật nhân quả nên người đời thường gọi nhân quả nghiệp báo là luật trời.
Luật pháp nhân quả như vậy, cho nên chúng ta làm hay nói phải suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới làm hoặc nói, chứ đừng muốn nói sao là nói, muốn làm sao là làm, là không được, luật nhân quả không tha cho một ai cả.
Nhớ làm việc thiện, nói điều thiện chứ đừng nói và làm điều ác. Đó là lời dạy của đức Phật: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.
5- “Thông tin về lai lịch nạn nhân cũng nhanh chống được xác định. Ông tên Mai Văn Hóa, SN 1965 (nguyên là một dược sĩ đã ngh ỉ việc) ngụ ấp 7 thị trấn Thạnh Phú. Buổi chiều hôm ấy, ông Hoá trên đường đi thăm người thân về nhà thì bị bọn cướp giết”.
Đoạn này dạy ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
Nhân quả nghiệp báo rất đáng sợ, sắp xếp giờ khắc không sai một li hào nào. Vào giờ đó ông Hóa đi thăm người thân về, đúng lúc là Quy và Hòa ngồi chờ để cướp xe và giết người, nếu nhân quả ông Hóa không nợ cái chết như vậy thì ông sẽ về sớm hơn hoặc trễ hơn. Cho nên nhân quả cộng nghiệp ông Hóa không thể tránh khỏi.
Bởi vậy đức Phật dạy chúng ta: “ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”, nhờ thế mà nhân quả nghiệp báo không có, nên cuộc sống của chúng ta đều gặp nhiều mai mắn. Người sống thiện không bao giờ lo lắng, sợ hãi; người sống thiện tâm hồn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.
Trong lớp học đạo đức hiếu sinh, đạo đức ly tham, sao các tu sinh lại còn tranh chấp hơn thua từng lời nói để làm gì? Để tự tạo cho mình khổ, người khác cùng khổ theo ư? Sao lại vô minh như vậy? Trên đời các pháp đều là vô thường, có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta đâu, thế sao tu sinh lại hơn thua nhau từng lời nói để rồi kẻ ở người đi. Thật là buồn phải không các tu sinh! Cuộc đời này còn có gì đâu, chỉ toàn là sự khổ đau. Sao chúng ta không biết thương nhau?
Học đạo đức hiếu sinh thì phải thương nhau, phải tha thứ cho nhau, cớ sao lại tranh chấp hơn thua từng lời nói rồi mạt sát lẫn nhau, nói xấu nhau như vậy có lợi ích gì? Hay làm đau khổ mình, đau khổ người và đau khổ cả hai.
Các tu sinh học đạo đức ly tham sao lại không ly để rồi phải bỏ lớp học ra đi. Ra đi quý tu sinh sẽ còn biết tu tập cái gì đây? Quý tu sinh cứ nghĩ rằng còn có những pháp cao siêu hơn, tu để thành Phật, để thành Tiên, tu để có thần thông biến hóa tàng hình.
Đó là các tu sinh sống trong ảo tưởng, trong mơ. Thật sự không còn pháp nào hơn là giới luật đức hạnh để giúp cho loài người thoát khổ. Muốn thoát khổ đau chỉ có pháp duy nhất này mới chuyển đổi nhân quả thiện ác, mới đem lại sự sống bình an cho loài người mà thôi.
Nếu không có giới luật đức hạnh nhân bản - nhân quả, không có pháp như lý tác ý thì cuộc đời sẽ trôi lăn theo dòng nhân quả nghiệp báo thì biết chừng nào con người ra khỏi luân hồi sinh tử; thì biết chừng nào chấm dứt và làm chủ nhân quả sinh, già, bệnh, chết.
Các tu sinh bỏ tu viện ra đi là đi vào bước đường cùng của cuộc đời. Rồi đây sẽ trôi lăn trong lục đạo, khổ đau không cùng tận. Tu là tu có biết bao nhiêu người tu, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, nhưng có ai chuyển được nhân quả làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Tu theo Phật giáo là buông xả, buông xả tất cả phải trái, tốt xấu, trắng đen, danh lợi, vật chất, tiền của, ngay cả chính bản thân còn không giữ được huống lời qua tiếng lại mà không buông xả được hay sao? Sao không tập im lặng như Thánh? Lớp học đạo đức này là lớp học gạn lọc những người có học đạo đức hay không học, những người có áp dụng đạo đức hay không áp dụng, những người nào có đạo đức thì những người đó mới được lên lớp chuyên tu tập thiền định do trực tiếp Thầy hướng dẫn. Khi các tu sinh đến với Thầy chắc không còn bao nhiêu người. Vì các tu sinh phải trải qua những lớp rèn luyện nhân cách đạo đức Tam Quy, Ngũ Giới, Bát Giới và Thập Thiện. Những giới luật được huấn luyện dạy rất kỹ càng giúp cho tu sinh dùng đạo đức làm chủ thân tâm mình.
Nhân quả nghiệp báo thật là kinh khủng, nếu không huấn luyện đạo đức thì con người sẽ luôn luôn chạy theo nhân quả tạo biết bao nhiêu ác pháp rồi cũng từ đó chịu biết bao nhiêu sự khổ đau của nghiệp báo. Nếu cứ để mọi người chạy theo vòng tròn của nhân quả nghiệp báo thì biết chừng nào ra khỏi. Nhân quả nghiệp báo là mê hồn trận, nếu mọi người không theo con đường giới luật của Phật giáo thì không thể nào thoát ra khỏi mê hồn trận này.
Đoạn tin tức trên đây cho chúng ta biết nhân quả nghiệp báo là một đạo luật rất công minh, kẻ làm ác trả quả liền như hai cháu thanh niên trên đây, còn bác Hóa thì trả nhân quả nghiệp báo kiếp trước, từ trong kiếp quá khứ có gieo nhân ác để tạo thành một nền tảng nghiệp báo của kiếp này mới gặp hai cháu thanh niên này. Ngay trong đời sống hiện tại bác Hóa do không từ bỏ giết hại và ăn thịt chúng sinh, vì thế nhân quả không chuyển đổi được nên đến giờ trả quả thì bác Hóa phải chết trong cái chết đau thương, xác được ném xuống ruộng như cá tôm.
Chúng ta là những đệ tử của đức Phật quyết tâm tu học theo những lời Phật dạy để chuyển đổi nhân quả, làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sinh luân hồi, tức là làm chủ nhân quả nghiệp báo. Và nhất định chúng ta sẽ làm được; và làm được trong một đời này, không phải chờ đợi nhiều đời, nhiều kiếp sau nữa. Quyết một lòng giữ gìn đức hạnh và giới luật tu hành đến cùng, chẳng bỏ cuộc. Phải không các tu sinh? Quý tu sinh hãy cố gắng bền chí tu học giới luật đức hạnh cho thông suốt, cho thấm nhuần, để biến giới luật đức hạnh là mình, mình là giới luật đức hạnh.
Học tập và rèn luyện nhân cách về giới luật đức hạnh không phải học để hiểu suông mà học để sống. Học để sống là phải siêng năng bền chí hằng ngày đều tác ý khi gặp phải những đối tác làm mất sự bình tĩnh. Khi tâm mất bình tĩnh thì tất cả ác pháp sẽ tấn công vào tâm và chừng đó đức hạnh không còn nữa, chỉ còn lại một bãi chiến trường đau khổ.
Cho nên, dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chúng ta đều phải nhắc tâm: “Tất cả mọi việc xảy ra trên thế gian này đều là do nhân quả mà nhân quả thì luôn luôn biến đổi, vì vậy mọi vật đều biến đổi thì có vật nào là của ta, thì có việc gì là phải là trái; thì có việc gì là đúng là sai, tất cả là trò diễn kịch của nhân quả theo nghiệp mà tác động tạo ra biết bao nhiêu sự khổ đau cho mình cho người. Vậy chúng ta chỉ còn biết thương yêu chứ không nên ghét ai cả. Vì thế đức Phật dạy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người” Cho nên mỗi khi có điều gì xảy ra chúng ta nên thấy lỗi mình, đó là câu tác ý hay nhất.
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức Ly Tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét