Buổi trưa mùa hè năm đó, tôi đang chơi trong sân nhà bỗng nghe tiếng xích sắt kêu xủng xoẻng sau lưng. Tôi ngoái đầu lại nhìn và không thể nào rời mắt khỏi cảnh tượng kỳ lạ ấy. Hai hàng người mặc đồng phục kẻ xọc xanh trắng rộng thùng thình đang đi trên đường, gương mặt của họ đầy bụi bậm lẫn mồ hôi. Nhìn mọi người rất mệt mỏi đã vậy chân còn bị buộc với nhau bằng sợi xích sắt đen to tướng và kéo theo những hòn bi sắt trông rất nặng nề. Canh giữ họ là hai người lính cầm súng sẵn sàng trên tay.
Tôi chỉ biết đứng ngây người, nhìn đoàn người tù tội nghiệp ấy lê bước đến dưới bóng râm của tàn cây duy nhất bên đường. Bỗng một người lính tiến về phía tôi. Đi ngang qua tôi anh khẽ gật đầu chào rồi thẳng tới gõ cửa nhà tôi. Mẹ tôi xuất hiện tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng anh lính xin phép mẹ tôi lấy nước ở vòi nước trước sân cho đoàn người tù uống. Mẹ tôi đồng ý, nhưng tôi thấy vẻ mặt của mẹ tôi khá lo lắng và gọi tôi vào nhà.
Đứng sau cửa sổ, tôi dán mắt nhìn những người tù lê bước tới chỗ vòi nước.
Trong cái nắng như thiêu, như đốt, họ xếp thành một hàng dài, chờ người đứng trước uống xong rồi mới được nhích lên đến chỗ vòi nước, hứng đầy nước vào một cái ca nhỏ, rồi hấp tấp uống cạn trong sự giám sát của hai người lính. Lần lượt từng người như thế nên một lúc lâu sau, đoàn người tù cùng hai anh lính mới trở lại núp dưới bóng râm hiếm hoi của tàn cây bên kia đường.
Tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi trong bếp. Tôi chạy đến và thấy mẹ mở tủ lạnh lấy ra hết các hộp cá mồi, bơ bánh mì, vốn là bữa ăn tối của gia đình tôi - cùng hai bình nước chanh đã pha xong. Mẹ nhanh nhẹn sắp các thức ăn ấy vào chiếc khay lớn. Mẹ đưa cho tôi một bình bảo cầm lấy rồi đi theo mẹ . Còn mẹ một tay cầm khay, một tay cầm chiếc bình còn lại đi ra cửa.
Hai mẹ con tôi tiến tới chỗ hai người lính và mẹ tôi nói:
Nhà tôi có sẵn một chút thức ăn cho bữa trưa anh cho phép chúng tôi được san sẻ với hai anh và những người này nữa nhé!
Hai người lính nhìn sững mẹ con tôi trong giây lát rồi gật đầu cám ơn. Mẹ chia thứa ăn cho hai người lính xong và đi đến chỗ tù nhân. Mẹ rót cho họ những cốc nước chanh thật đầy và đưa từng miếng bánh mì đến tận tay của mỗi người .
Không khí rất lặng lẽ, trừ vài tiếng “cám ơn” rất khẽ khàng và tiếng xích va vào nhau kêu lẻng xẻng. Chẳng bao lâu hai mẹ con tôi đi tới người tù nhân cuối cùng. Ánh mắt của mẹ dịu dàng nhìn người đó và mỉm cười. Người cuối cùng rất cao to có làn da đen sậm và trông rất bẩn do mồ hôi, cát bụi bám vào, đưa tay nhận miếng bánh của mẹ tôi, gương mặt của ông giãn ra, đôi môi nở nụ cười biết ơn. Ông ta nói :
Thưa bà ! Trong cuộc đời của tôi, tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới được gặp thiên thần? Cho đến buổi trưa hôm nay, tôi biết mình đã có diễm phúc đó . Xin cảm ơn bà!
Một lần nữa mẹ tôi mỉm cười với người tù đó và nhẹ nhàng đáp:
- Rất hoan nghênh các anh ghé đến xóm nhỏ của chúng tôi. Cầu mong mọi người luôn được bình an!
Sau khi chia hết chỗ thức ăn, hai mẹ con tôi trở về nhà với chiếc khay và bình nước chanh trống rỗng.
Sau đó những người tù lại lên đường, từ đó đến nay tôi không hề gặp lại họ.
Nhưng tôi vẫn còn nhớ lại lời mẹ giải thích vào ngày hôm ấy, rằng: “Trong cuộc sống, chúng ta nên luôn chia sẻ và giúp đỡ người khác, vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”.
Mẹ tôi kết thúc câu chuyện bằng nụ cười dịu dàng rồi đi làm việc nhà như mọi ngày. Tôi không nhớ tối hôm đó mình ăn những gì, nhưng chỉ biết đã có một thiên thần dọn bữa cho gia đình tôi. (Hạt giống tâm hồn “Mãi mãi là yêu thương, trang 83)
Bích Thủy
Theo Entertaining Angels
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Buổi trưa mùa hè năm đó, tôi đang chơi trong sân nhà bỗng nghe tiếng xích sắt kêu xủng xoẻng sau lưng. Tôi ngoái đầu lại nhìn và không thể nào rời mắt khỏi cảnh tượng kỳ lạ ấy. Hai hàng người mặc đồng phục kẻ xọc xanh trắng rộng thùng thình đang đi trên đường, gương mặt của họ đầy bụi bậm lẫn mồ hôi. Nhìn mọi người rất mệt mỏi đã vậy chân còn bị buộc với nhau bằng sợi xích sắt đen to tướng và kéo theo những hòn bi sắt trông rất nặng nề. Canh giữ họ là hai người lính cầm súng sẵn sàng trên tay.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
2- “Tôi chỉ biết đứng ngay người, nhìn đoàn người tù tội nghiệp ấy lê bước đến dưới bóng râm của tàn cây duy nhất bên đường. Bỗng một người lính tiến về phía tôi.
Đi ngang qua tôi anh khẽ gật đầu chào rồi thẳng tới gõ cửa nhà tôi. Mẹ tôi xuất hiện tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng anh lính xin phép mẹ tôi lấy nước ở vòi nước trước sân cho đoàn người tù uống. Mẹ tôi đồng ý, nhưng tôi thấy vẽ mặt của mẹ tôi khá lo lắng và gọi tôi vào nhà ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
3- “Đứng sau cửa sổ, tôi dán mắt nhìn những người tù lê bước tới chỗ vòi nước.
Trong cái nắng như thiêu, như đốt, họ xếp thành một hàng dài, chờ người đứng trước uống xong rồi mới được nhích lên đến chỗ vòi nước, hứng đầy nước vào một cái ca nhỏ, rồi hấp tấp uống cạn trong sự giám sát của hai người lính. Lần lượt từng người như thế nên một lúc lâu sau, đoàn người tù cùng hai anh lính mới trở lại núp dưới bóng râm hiếm hoi của tàn cây bên kia đường ”. Câu này dạy đạo đức gì? 4- “Tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi trong bếp. Tôi chạy đến và thấy mẹ mở tủ lạnh lấy ra hết các hộp cá m ồi, bơ bánh mì, vốn là bữa ăn tối của gia đình tôi - cùng hai bình nước chanh đã pha xong. Mẹ nhanh nhẹn sắp các thức ăn ấy vào chiếc khay lớn. mẹ đưa cho tôi một bình bảo cầm lấy rồi đi theo mẹ. Còn mẹ một tay cầm khay, một tay cầm chiếc bình còn lại đi ra cửa ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Hai mẹ con tôi tiến tới chỗ hai người lính và mẹ tôi nói:
Nhà tôi có sẵn một chút thức ăn cho bữa trưa anh cho phép chúng tôi được san sẻ với hai anh và những người này nữa nhé! ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
6- “Hai người lính nhìn sững mẹ con tôi trong giây lát rồi gật đầu cám ơn. Mẹ chia thức ăn cho hai người lính xong và đi đến chỗ tù nhân. Mẹ rót cho họ những cốc nước chanh thật đầy và đưa từng miếng bánh mì đến tận tay của mỗi người ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
7- Không khí rất lặng lẽ, trừ vài tiếng “cám ơn” rất khẽ khàng và tiếng xích va vào nhau kêu lẻng xẻng. Chẳng bao lâu hai mẹ con tôi đi tới người tù nhân cuối cùng.
Ánh mắt của mẹ dịu dàng nhìn người đó và m ỉm cười. Người cuối cùng rất cao to có làn da đen sậm và trông rất bẩn do mồ hôi, cát bụi bám vào, đưa tay nhận miếng bánh của mẹ tôi, gương mặt của ông giãn ra, đôi môi nở nụ cười biết ơn. Ông ta nói :
Thưa bà! Trong cuộc đời của tôi, tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới được gặp thiên thần? Cho đến buổi trưa hôm nay, tôi biết mình đã có diễm phúc đó. Xin cảm ơn bà! ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
8- “Một lần nữa mẹ tôi mỉm cười với người tù đó và nhẹ nhàng đáp:
- Rất hoan nghênh các anh ghé đến xóm nhỏ của chúng tôi. Cầu mong mọi người luôn được bình an! ”.
Sau khi chia hết chỗ thức ăn, hai mẹ con tôi trở về nhà với chiếc khay và bình nước chanh trống rỗng.
Câu này dạy đạo đức gì?.
9- Sau đó những người tù lại lên đường, từ đó đến nay tôi không hề gặp lại họ.
Nhưng tôi vẫn còn nhớ lại lời mẹ giải thích vào ngày hôm ấy, rằng: “Trong cuộc sống, chúng ta nên luôn chia sẻ và giúp đỡ người khác, vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”.
Câu này dạy đạo đức gì?
10- “Mẹ tôi kết thúc câu chuyện bằng nụ cười dịu dàng rồi đi làm việc nhà như mọi ngày. Tôi không nhớ tối hôm đó mình ăn những gì, nhưng chỉ biết đã có một thiên thần dọn bữa cho gia đình tôi ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
1- “Buổi trưa mùa hè năm đó, tôi đang chơi trong sân nhà bỗng nghe tiếng xích sắt kêu xủng xoẻng sau lưng. Tôi ngoái đầu lại nhìn và không thể nào rời mắt khỏi cảnh tượng kỳ lạ ấy. Hai hàng người mặc đồng phục kẻ xọc xanh trắng rộng thùng thình đang đi trên đường, gương mặt của họ đầy bụi bậm lẫn mồ hôi. Nhìn mọi người rất mệt mỏi đã vậy chân còn bị buộc với nhau bằng sợi xích sắt đen to tướng và kéo theo những hòn bi sắt trông rất nặng nề. Canh giữ họ là hai người lính cầm súng sẵn sàng trên tay ”.
Đoạn này dạy đạo đức gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này học viên phải đọc cho kỹ và lưu ý những từ: “xích sắt kêu xủng xoẻng, gương mặt của họ đầy bụi bậm lẫn mồ hôi. Mọi người rất mệt mỏi đã vậy chân còn bị buộc với nhau bằng sợi xích sắt đen to tướng và kéo theo những hòn bi sắt trong rất nặng nề”. Khi đọc những từ này chúng ta biết đây là những người thọ quả khổ, quả khổ của tù tội. Quả khổ tù tội là do những hành động cướp giựt, trộm cắp của người khác hoặc giết người được cảnh sát, công an bắt giam giữ. Như vậy chúng ta biết đây là NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO THÂN HÀNH của những người tù này đã tạo ra. Do đó câu này phải trả lời: Đoạn này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Những người tham lam trộm cắp cướp giựt của cải tiền bạc của người khác là những người xấu ác, là những con người mặt người mà lòng thú vật nên chỉ biết cướp giựt của cải tài sản của người khác để ăn, để phục vụ vui chơi cá nhân của mình là những người không đáng sống trong xã hội loài người .
Khi xã hội loài người bất cứ một nước nào trên thế giới, nếu thấy có xuất hiện những hạng người tham lam, trộm cắp, cướp giựt, móc túi, tiêu cực, ăn lo hối lộ thì nên xem xét lại những sự kiện sau đây:
* Thứ nhất là nên xem xét lại vua quan sống có đúng tiêu chuẩn đạo đức nhân bản – nhân quả hay không?
* Thứ hai là xem xét về vấn đề giáo dục đào tạo có lấy môn học đạo đức nhân bản – nhân quả làm cơ sở xây dựng con người không?
* Thứ ba là xem xét sự phát triển kinh tế khoa học, kỹ nghệ phục vụ đời sống con người có đúng tiêu chuẩn đạo đức nhân bản - nhân quả hay không?
* Thứ tư là xem xét sự phát triển thương mại có đúng tiêu chuẩn đạo đức nhân bản - nhân quả hay không?
Nếu bốn điều xem xét trên đây mà được đem ra áp dụng giáo dục đào tạo đầy đủ cho nhân dân thì trong đất nước ấy sẽ không có người tham lam, trộm cắp, cướp giựt, giết người nữa.
Một đất nước không có tù nhân là một đất nước không có người tham lam, trộm cắp, cướp giựt, móc túi, giết người v.v… Một đất nước mà mọi người dân đều biết sống với đức ly tham thì đất nước ấy nhà ngủ không đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai lượm. Bởi vậy sự giáo dục đào tạo đức ly tham là điều cần thiết cho tất cả các nước trên hành tinh này. Mỗi con người sinh ra đều phải được giáo dục đức ly tham cho thấm nhuần, cho thuần thục thì thế giới không có chiến tranh, mỗi đất nước đều có trật tự, an ninh, phồn vinh, thịnh trị, mỗi gia đình người người đều chia sẻ ngọt bùi cay đắng, họ đều ban tình thương chan hòa cho nhau, mỗi cá nhân thì tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự, sống với một niềm vui bất tận.
2- “Tôi chỉ biết đứng ngây người, nhìn đoàn người tù tội nghiệp ấy lê bước đến dưới bóng râm của tàn cây duy nhất bên đường. Bỗng một người lính tiến về phía tôi. Đi ngang qua tôi anh khẽ gật đầu chào rồi thẳng tới gõ cửa nhà tôi. Mẹ tôi xuất hiện tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng anh lính xin phép mẹ tôi lấy nước ở vòi nước trước sân cho đoàn người tù uống. Mẹ tôi đồng ý, nhưng tôi thấy vẻ mặt của mẹ tôi khá lo lắng và gọi tôi vào nhà”.
Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH BỐ THÍ THÂN HÀNH.
Hai người lính này làm nhiệm vụ đưa tù về trại, nhưng họ đều là những người sống có tình thương yêu, vì thấy những người tù khát nước, nên họ đi xin nước cho những người tù tội này đỡ khát. Một hành động hiếu sinh thật đáng khen. Tuy những người này có tội, nhưng họ vẫn là con người thì chúng ta phải đối xử với họ như những người khác. Vì thế đối với họ phải có một tình thương yêu rộng lớn vô bờ bến để khiến cho họ biết được là không ai ghét bỏ họ, đang đối xử với họ một tình thương yêu chân thật từ trong trái tim.
3- “Đứng sau cửa sổ, tôi dán mắt nhìn những người tù lê bước tới chỗ vòi nước. Trong cái nắng như thiêu, như đốt, họ xếp thành một hàng dài, chờ người đứng trước uống xong rồi mới được nhích lên đến chỗ vòi nước, hứng đầy nước vào một cái ca nhỏ, rồi hấp tấp uống cạn trong sự giám sát của hai người lính. Lần lượt từng người như thế nên một lúc lâu sau, đoàn người tù cùng hai anh lính mới trở lại núp dưới bóng râm hiếm hoi của tàn cây bên kia đường”.
Câu này dạy ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
Do lòng tham lam trộm cắp, cướp của, giết người nên mới bị tù tội như thế này.
Chân bị xiềng xích đi phải kéo lê hòn bi sắt nặng, uống nước phải xếp hàng, chứ không được tự do chạy nhảy như những người vô tội. Trông thật là tội nghiệp, nhưng biết làm sao hơn, vì chính họ là những người tạo ra những nhân quả ác thì phải gặt lấy những quả tù tội khổ sở như thế này.
Không ai làm khổ cho ai bằng chính mình đã tự làm khổ mình. Nếu không do lòng tham lam trộm cắp, cướp của, giết người thì làm gì họ phải chịu tù tội và khổ sở như thế này.
Cho nên, nhân nào quả nấy không ai có thể tránh khỏi qui luật nhân quả, vì thế chúng tôi có lời khuyên quý vị đừng xem thường luật nhân quả mà phải gánh hậu quả khó lường Luật nhân quả tuy không có tòa án, không có người thi hành luật, nhưng bản án nó không hề sai sót, không hề xử oan ức cho một người nào cả. Lưới trời lồng lộng nhưng không ai trốn thoát khỏi luật này.
Trong cuộc đời này mọi chuyện xảy ra không có sự ngẫu nhiên, mà mọi việc xảy ra đều do qui luật nhân quả điều khiển và sắp xếp hẳn hoi. Nó là tòa án lương tâm của quý vị. Cho nên quý vị làm một điều ác gì thì cũng không che dấu nó được, dù chuyện đó chỉ có một mình quý vị biết mà thôi, nó chẳng bao giờ điều tra quý vị, nhưng khi thi hành bảng án của quý vị thì nó thi hành chẳng bao giờ sai, thi hành án đúng người đúng tội không bao giờ sai một li hào nào cả. Luật nhân quả rất công bằng và công minh mà mọi người trên hành tinh thường gọi là luật trời.
Cho nên quý vị coi chừng không qua mặt luật nhân quả được đâu, không tránh né nó được đâu, nó luôn ở trong tâm quý vị buồn vui, sầu khổ, phiền não , tức giận v.v…đó là trạng thái của nhân quả. Chửi mắng, đánh đập, tham lam, uống rượu, bài bạc, nói dối, giết hại chúng sinh v.v…đều là nhân quả cả. Bởi vậy nhân quả luôn có mặt ở mọi nơi, mọi hướng, mọi thời gian, mọi hành động. Một hành động ác coi chừng nó sẽ mang đến hậu quả khổ đau, còn một hành động thiện nó sẽ mang đến an vui cho mình, cho người.
Những người tù đang thọ quả khổ là làm thân tù tội bị buộc dây xích đi, đứng khó khăn hiện giờ, nhưng chính trước kia đã làm những hành động nhân quả ác, gây tai họa cho người, nên nay mới thành những người tù tội, đi đứng không còn tự do, muốn theo ý mình không thể được nữa. Cho nên thấy ai thọ khổ hay hưởng phước báu an vui đều biết ngay là nhân quả nghiệp báo. Một con người đang sống là còn đang trong vòng tay của nhân quả. Thân tâm khổ hay vui cũng đều trong vòng của nhân quả. Người không có trí thì không thấy được điều này. Không thấy được điều này nên họ sống rất bình thường, họ sống tới đâu hay đến đó, khổ thì rên la kêu khóc, than thở, trách móc; còn vui thì cười nói hân hoan. Còn nếu ai thấy biết rõ điều này thì rất sợ hãi, vì chính mình cũng đang ở trong lưới rập của nhân quả, ở trong vòng vây hay lọt ổ phục kích của nhân quả, nếu không mau chân thì chắc chắn phải chết trong đau khổ mà không những một kiếp mà nhiều kiếp khác nữa.
4- “Tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi trong bếp. Tôi chạy đến và thấy mẹ mở tủ lạnh lấy ra hết các hộp cá m ồi, bơ bánh mì, vốn là bữa ăn tối của gia đình tôi - cùng hai bình nước chanh đã pha xong. Mẹ nhanh nhẹn sắp các thức ăn ấy vào chiếc khay lớn. Mẹ đưa cho tôi một bình bảo cầm lấy rồi đi theo mẹ. Còn mẹ một tay cầm khay, một tay cầm chiếc bình còn lại đi ra cửa”.
Câu này dạy ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Đây là một hành động đạo đức bố thí hiếu sinh thân hành tuyệt vời. Mặc dù bà biết rất rõ những người tù tội là những người làm ác, tham lam, trộm cắp, cướp giựt, giết người v.v…nhưng trước cảnh đói khát mệt nhọc khổ sở của họ, bà không thể làm ngơ trước cảnh đói khát của những người khác, họ cũng chỉ là những con người như mọi người khác. Cho nên, chúng ta không có quyền làm ngơ bỏ mặc họ, mà phải làm những gì an ủi họ, giúp họ trở về nhân tính con người. Dù họ có làm tội ác nhưng họ vẫn là những con người đáng được yêu thương như bao nhiêu người khác.
Hành động mang thực phẩm và nước chanh cho những người tù đang cơn đói khát để họ lót dạ đỡ lòng là một hành động đạo đức bố thí với lòng yêu thương chân thật không phân biệt người có tội hay không có tội thật là tuyệt vời. Ở đây chúng ta chỉ thấy những người đang khổ là chúng ta giúp mà thôi. Còn tất cả những gì họ làm là họ phải trả vay theo luật định của nhân quả.
Những trận động đất, thủy tai, sóng thần, bão tố, lũ lụt, núi lửa hoặc là chiến tranh v.v… Làm hư hại nhà cửa tan nát như đống gạch vụn, người chết nằm ngổn ngang. Đó là những hiện tượng nhân quả trả vay của những người làm ác, nếu không làm ác thì sao lại có những hiện tượng này xảy ra? Một trận bão tố đi qua một vùng nào để lại một sự đổ nát người vật chết ngổn ngang là do những người ở vùng ấy sống gian ác hung dữ thường săn bắn thú rừng, thường chài lưới câu tôm, bắt cá giết hại và ăn thịt chúng sinh, vì thế biết bao nhiêu sinh mạng của chúng sinh chết trong bàn tay của họ. Do sống ác như vậy nên người chết nằm ngổn ngang lớp lớp, của cải tài sản tan nát, còn người sống thì màn trời chiếu đất, sống nhờ tình thương của người khác. Đó là vay trả theo luật nhân quả, làm ác thì phải gặt lấy quả khổ, không thể ai tránh khỏi.
Trước cảnh đó chúng ta biết rất rõ, họ là những người làm ác, nên phải gặt lấy những quả khổ đau như vậy, nhưng là con người dù họ làm ác tạo bao cảnh khổ cho muôn loài vật, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước cảnh khổ đau của họ. Cho nên khi gặp cảnh ngộ của kẻ khác chúng ta sẵn sàng giúp đỡ với một tình thương yêu chân thành từ trái tim, chứ không phải giúp đỡ họ để cầu danh, để dựa vào từ thiện đó, lợi dụng sự bố thí để làm nghề nghiệp bất chánh.
Chúng tôi có nghe những đoàn đi làm từ thiện miền Trung do những trận bão vừa qua. Đoàn đi cứu trợ trước cảnh nhà tan cửa nát người chết, thế mà đoàn cứu trợ vui chơi ca hát trên xe được. Như vậy họ làm từ thiện có đúng nghĩa không? Vui chơi trên sự đau khổ của người khác. Đấy cũng là một hành động ác, quý vị ạ!
Vì làm từ thiện theo phong trào kêu gọi của Nhà nước, chứ không phải xuất phát do lòng yêu thương chân thật của mình từ trong trái tim biết thương người bất hạnh.
Cho nên làm từ thiện mà không gặp từ thiện mà lại gặp toàn ác pháp, mà lại gặp tai nạn giao thông người chết tay chân gẫy vụn như những thớt thịt bán ngoài chợ Bến Thành, thật là thảm thương. Đi cứu trợ mà xe bay xuống đèo chết một cách rất là khổ đau.
Ở đây chúng ta thấy người mẹ này với lòng thương yêu chân thật từ trong trái tim của người. Không ai kêu gọi người, tự người chứng kiến cảnh đói khát của những người tù, rồi tự người mang thức ăn và nước uống đến và tự trao tận tay cho mỗi người với cái nhìn và hành động nhẹ nhàng trân trọng đối với mọi người tràn đầy lòng yêu thương.
Đây mới thật sự là đức bố thí hiếu sinh thân hành, còn phần vật chất thực phẩm và nước uống chỉ là tượng trưng cho lòng yêu thương ấy. Người mẹ này tuyệt vời, thật đúng là một thiên thần.
Chúng ta hãy bố thí lòng yêu thương như bà mẹ này, bố thí như vậy mới thật sự là đức bố thí ly tham hiếu sinh thân hành. Hiện nay chúng ta đang theo học lớp rèn luyện nhân cách đạo đức ly tham hiếu sinh thân, khẩu, ý hành này. Nếu người nào học tập và hoàn thành được lớp học đạo đức này thì sẽ mang lại hạnh phúc và sự an vui cho mình, cho mọi người và cho tất cả những loài chúng sinh.
5- “Hai mẹ con tôi tiến tới chỗ hai người lính và mẹ tôi nói:
Nhà tôi có sẵn một chút thức ăn cho bữa trưa anh cho phép chúng tôi được san sẻ với hai anh và những người này nữa nhé!”
Câu này dạy ĐỨC LỄ ĐỘ BỐ THÍ HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Đem bố thí cho người khác mà lời nói rất lễ độ, đầy vẻ cung kính và tôn trọng người khác. Thật là tuyệt vời. Chúng ta nên noi theo gương hạnh của người mẹ này khi muốn bố thí cho ai một món gì thì chúng ta nên nhớ: Phải cho bằng tình thương yêu chân thật từ trong trái tim của mình với những hành động nhẹ nhàng, ánh mắt, nụ cười thân thương.
Qua bài học này chúng ta học được đức ly tham bằng những hành động bố thí, bằng đức hiếu sinh, thân hành, khẩu hành và ý hành rất tuyệt vời của người mẹ.
Một hành động bố thí mà mang đầy đủ ba đức rất cụ thể rõ ràng như:
1- Đức ly tham
2- Đức bố thí.
3- Đức hiếu sinh.
Do lòng yêu thương (Đức hiếu sinh) nên bà đem thực phẩm và nước uống cho những tù nhân (Đức bố thí), do lòng không bỏn xẻn ích kỷ tiếc của nên bà đem cho (đức ly tham). Cho nên học đạo đức chúng ta phải lưu ý và xem xét cho thật kỹ. Khi áp dụng một đức hạnh vào đời sống bằng một hành động đạo đức nào là chúng ta đã thực hiện nhiều đức hạnh khác.
Một hành động của bà mẹ đem thực phẩm và nước uống cho tù nhân đúng thời điểm, đúng đối tượng, nên nó mang đầy đủ ba đức trong người mẹ này, như trên đã nói, quý vị có thấy không? Hành động bố thí như bà mẹ này mà Thiên Chúa Giáo cho bà là thiên thần. Như vậy thiên thần trong Thiên Chúa Giáo đâu nghĩa là những vị thần thánh siêu hình có cánh bay như chim, mà thiên thần là những con người sống có đức hiếu sinh, có đức bố thí và có đức ly tham. Có đúng như vậy không thưa quý vị? Tóm lại, con người rất cần rèn luyện cho mình những đức hạnh cao thượng như trên: Đức hiếu sinh, đức hạnh ly tham và đức bố thí để cuộc sống hằng ngày không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; để cuộc sống hằng ngày với tâm bất động và thanh thản, an lạc và vô sự tuyệt vời tràn đầy hạnh phúc.
6- “Hai người lính nhìn sững mẹ con tôi trong giây lát rồi gật đầu cám ơn. Mẹ chia thức ăn cho hai người lính xong và đi đến chỗ tù nhân. Mẹ rót cho họ những cốc nước chanh thật đầy và đưa từng miếng bánh mì đến tận tay của mỗi người”. Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH, LY THAM BỐ THÍ tuyệt vời.
Một hành động trao bánh và rót từng cốc nước chanh giống như người mẹ chăm sóc những đứa con thơ dại, một hành động yêu thương tuyệt vời, một hành động ban tình thương đến mọi người; một hành động gồm ba đức như trên đã nói: Hiếu sinh, bố thí, ly tham nên mới làm được như vậy.
Chúng ta là những người tu theo Phật giáo phải cố gắng sống với đức ly tham, vì trong đức ly tham sẽ có đầy đủ các đức khác như đức hiếu sinh, đức bố thí v.v… Đức ly tham làm gốc, có đức ly tham thì mới có lòng yêu thương chân thật; có lòng yêu thương chân thật thì mới có lòng bố thí. Nhưng muốn thực hiện được đời sống đức ly tham thì phải sử dụng đức hiếu sinh và đức bố thí. Đức hiếu sinh và đức bố thí là những pháp môn tu tập và rèn luyện đức ly tham.
Cho nên, đức ly tham rất quan trọng trong sự tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết.
vì vậy trước mắt chúng ta đều thấy các pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã. Có như vậy chúng mới buông xả sạch, tâm mới bất động hoàn toàn trước các ác pháp.
Tóm lại trong cuộc sống hằng ngày chúng ta phải luôn sống với lòng yêu thương đối với mọi người, mọi loài bằng những hành động ban cho từ sự tư duy tốt đẹp ở người khác, không nên nghĩ xấu người khác mà hãy nghĩ người khác tốt, hiền, thánh thiện như ông Phú Lâu Na đã nghĩ: “Người ta còn thương con”. Về lời nói luôn phải dùng lời ái ngữ, nói lời êm dịu, nhẹ nhàng, nói tốt cho người, chứ không nói xấu người. Về hành động thì nên bố thí san sẻ với những người bất hạnh, với những người già yếu neo đơn tật nguyền, với những người đang cần sự giúp đỡ. Chúng ta hãy hỗ trợ khi gặp người nghèo khó. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” và “Thương người như thể thương thân”. Đó là những lời khuyên dạy của người xưa, chúng ta hãy nhớ, đừng quên.
7- Không khí rất lặng lẽ, trừ vài tiếng “cám ơn” rất khẽ khàng và tiếng xích va vào nhau kêu lẻng xẻng. Chẳng bao lâu hai mẹ con tôi đi tới người tù nhân cuối cùng.
Ánh mắt của mẹ dịu dàng nhìn người đó và mỉm cười. Người cuối cùng rất cao to có làn da đen sậm và trông rất bẩn do mồ hôi, cát bụi bám vào, đưa tay nhận miếng bánh của mẹ tôi, gương mặt của ông giãn ra, đôi môi nở nụ cười biết ơn. Ông ta nói :
- Thưa bà! Trong cuộc đời của tôi, tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới được gặp thiên thần? Cho đến buổi trưa hôm nay, tôi biết mình đã có diễm phúc đó. Xin cảm ơn bà!” Câu này dạy ĐỨC HOAN HỶ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Trong cảnh tù tội tưởng chừng như mọi người ai cũng xa lánh và chán ghét, vì những người này có hành động trộm cắp, cướp của giết người hoặc hiếp dâm làm ô nhục phụ nữ, làm tan nát nhà cửa, gia đình mình, gia đình người khác v.v… Nhưng cuộc đời không phải vậy, có những người rất tốt , họ luôn nghĩ đến mọi người đều là những người tốt, họ không bao giờ dám nghĩ những người khác xấu ác.
Thứ nhất: Những người xấu ác là những người bị rơi vào hoàn cảnh xấu ác, chỉ vì họ gặp những hoàn cảnh quá khắc nghiệt, quá phũ phàng, khiến họ không lối thoát buộc họ phải làm những hành động ác đó, để vươn lên cuộc sống của chính mình. Những người này chúng ta hãy thương yêu và tha thứ, họ là những người rất tội nghiệp . Vì hoàn cảnh buộc họ phải trở thành người xấu ác hoặc vì những âm mưu của kẻ khác hãm hại mà họ phải chịu thân tù tội. Cho nên những người tù đâu phải là những người xấu hết sao?
Thứ hai: Vì nền giáo dục của Đất nước đó không quan tâm đến môn học đạo đức, nên mọi người dân xứ đó không hiểu biết đạo đức mới có những hành động vô đạo đức tham lam, trộm cắp, cướp của giết người, hiếp dâm…Đó là lỗi của gia đình và xã hội, chứ mọi người đều đáng thương.
Thứ ba: Vì gia đình không lưu ý dạy đạo đức cho con cái, cứ giao phó cho nhà trường, bỏ mặc con cái sống chạy theo dục lạc đồi trụy như thế nào cũng được. Trong khi đạo đức xã hội trên đà xuống cấp trầm trọng, lôi theo những thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ vào con đường tội ác. Đó là lỗi của gia đình và xã hội, chứ các em thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ đáng thương, đáng giúp đỡ và đáng dạy bảo.
Hôm nay ngày càng có nhiều người trộm cắp, cướp của giết người, càng có nhiều người hiếp dâm làm ô nhục phụ nữ, càng có nhiều người rượu chè say xỉn vũ phu đánh chửi vợ con thì chúng ta nên xét lại nền giáo dục đạo đức các trường học của quê hương, xứ sở và nền giáo dục đạo đức của gia đình.
Đạo đức đem lại sự sống bình an của mỗi cá nhân con người; đạo đức đem lại mỗi gia đình hòa thuận, an vui và hạnh phúc; đạo đức đem lại cho đất nước trật tự, an ninh phồn vinh và thịnh trị. Vì vậy đạo đức rất cần thiết cho đời sống cá nhân, đời sống tập thể gia đình và đời sống tập thể cộng đồng xã hội.
8- “Một lần nữa mẹ tôi mỉm cười với người tù đó và nhẹ nhàng đáp:
- Rất hoan nghênh các anh ghé đến xóm nhỏ của chúng tôi. Cầu mong mọi người luôn được bình an!.
- Sau khi chia hết chỗ thức ăn, hai mẹ con tôi trở về nhà với chiếc khay và bình nước chanh trống rỗng.
Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Một nụ cười mỉm mến thương và một lời nói thân ái thể hiện đức hiếu sinh với những người đang đau khổ của mẹ tôi đúng lúc, đúng đối tượng thật là tuyệt vời. Nếu trên cuộc đời này ai ai cũng biết thể hiện lòng yêu thương như vậy thì làm gì có những sự trái ý nghịch lòng; thì làm gì có những chướng ngại trong tâm của mình và của mọi người Bố thí lòng yêu thương nào cũng không bằng bố thí lời nói ái ngữ, hành động êm dịu nhẹ nhàng, ánh mắt hiền hòa, nụ cười thân thương. Muốn được vậy điều cần thiết là chúng ta phải tu tập đức bình tĩnh. Có bình tĩnh trước các ác pháp thì chúng ta mới sáng suốt, có sáng suốt chúng ta mới có lòng tha thứ mỗi lỗi lầm của kẻ khác, mới thật lòng yêu thương họ, có lòng yêu thương họ thì mới có lòng bố thí lời nói ngọt ngào êm dịu, hành động nhẹ nhàng âu yếm, thì mới có ánh mắt nụ cười thân thương.
Toàn bộ những hành động trên đây là những pháp hành để tu tập tâm ly tham trọn vẹn. Bởi vậy con người lìa được tâm tham là lìa cả năm ngũ triền cái tức là lìa THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI. Một khi đã lìa được tâm tham, sân, si, mạn, nghi, là chúng ta làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Chúng ta tu học giới luật đức hạnh cho nghiêm túc sẽ có nhiều lợi ích.
Lợi ích thứ nhất của giới luật đức hạnh là giúp cho chúng ta trở thành con người có một tâm hồn cao thượng luôn lúc nào cũng biết thương người , chứ không bao giờ biết ghét ai cả, biết ly tham, biết bố thí với mọi sự bố thí đúng pháp.
Lợi ích thứ hai của giới luật là tâm không có tham lam, không có lấy của người khác, dù cây kim sợi chỉ hay bất cứ một vật gì của người khác. Cuộc đời tu hành theo Phật giáo chỉ biết lấy đức thiểu dục tri túc làm sự sống, vì thế tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Một trạng thái Niết Bàn vô lậu khinh an hỷ lạc tuyệt vời.
Lợi ích thứ ba của giới luật là làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Cho nên tâm không còn sợ sệt trước các đối tượng ác; không còn sợ sệt tuổi già sức yếu; không còn sợ sệt bệnh tật; không còn sợ sệt trước cái chết . Khi tâm không còn sợ sệt thì tâm đã bất động.
Tâm bất động đó là mục đích của Phật giáo đã đạt được.
Như vậy sự tu tập của chúng ta chỉ cần giữ gìn cho được đức ly tham. Nếu đức ly tham luôn ngự trị ở trong tâm ta thì trên đời này không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta nữa. Đó là chúng ta đã diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp hoàn toàn.
Thành tựu viên mãn con đường tu tập đến nơi đến chốn Niết Bàn vĩnh cữu. Phật pháp tu tập đến đây là xong việc, từ đây về sau chỉ ngồi chơi còn duyên độ chúng sinh, hết duyên thì nhập Niết Bàn. Cuộc đời này có gì mà phải tiếc, phải dính mắc, phải tham đắm; cuộc đời này có gì mà cám dỗ được tâm chúng ta nữa đâu. Phải không các tu sinh?
9- Sau đó những người tù lại lên đường, từ đó đến nay tôi không hề gặp lại họ. Nhưng tôi vẫn còn nhớ lại lời mẹ giải thích vào ngày hôm ấy, rằng: “Trong cuộc sống, chúng ta nên luôn chia sẻ và giúp đỡ người khác, vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”.
Câu này dạy ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH Ý HÀNH.
Bố thí trong lòng yêu thương chân thật (Đức hiếu sinh) như người mẹ đã nói:
“Trong cuộc sống, chúng ta nên luôn chia sẻ và giúp đỡ người khác, vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”. Chính vì lòng yêu những người bất hạnh mà chúng ta đến giúp đỡ và an ủi họ bằng những vật chất, quà bánh biếu tặng hoặc bằng lời nói âu yếm, nụ cười thân thương hoặc bằng những hành động nhẹ nhàng xoa dịu vết thương đau tinh thần cũng như vật chất cơ thể.
Một người đang sân giận dữ tợn chửi mắng mạ lị mạt sát, nói xấu ta, nhưng ta không tức giận, không chửi mắng, nói xấu lại họ. Ngược lại ta mở rộng lòng thương yêu và tha thứ cho họ, đó là ta đã biết bố thí đức hiếu sinh cho kẻ bất hạnh.
Cho nên đứng trước các ác pháp mà biết bố thí đức hiếu sinh thì đó là chúng ta đã ly tham bản ngã, ly tham bản ngã tức là diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, quý vị có biết không? Đức ly tham rất cần thiết cho sự tu tập thiền định của Phật giáo vì mục đích của nó là ly dục ly ác để nhập Sơ Thiền, nên những người tu tập theo thiền của Phật giáo mà giới đức ly tham không có, thì không bao giờ tu tập đúng thiền của Phật giáo. Cho nên người tu thiền thời nay cần nên cảnh giác tà thiền ngoại đạo đang lẫn lộn trong kinh sách Phật giáo.
Thiền mà không giới luật làm gốc thì đó là thiền ngoại đạo, thiền định đó tu hành chẳng có lợi ích gì chỉ phí công sức và nhiều khi còn tai hại làm rối loạn thần kinh sinh ra bệnh tật điên khùng loạn trí rất nguy hiểm.Một loại thiền tưởng mà các sư các thầy tu tập hiện giờ thường dẫn đến bệnh tật tưởng là mình đắc thiền, đắc định, rồi thấy Phật thấy Tổ, thấy ánh sáng hào quang, nghe chư thiên nói chuyện, thấy biết chuyện quá khứ vị lai, nhưng lại không làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Thật là khổ đau vô cùng vô tận !
10- “Mẹ tôi kết thúc câu chuyện bằng nụ cười dịu dàng rồi đi làm việc nhà như mọi ngày. Tôi không nhớ tối hôm đó mình ăn những gì, nhưng chỉ biết đã có một thiên thần dọn bữa cho gia đình tôi”. Câu này dạy ĐỨC HOAN HỶ HIẾU SINH Ý HÀNH.
Khi sống với đức bố thí hiếu sinh thì lòng chúng ta vui sướng biết bao! Sự sung sướng ấy đó chính là thiên thần trong ta.
Một người sống đúng giới luật đức hạnh hiếu sinh, đức hạnh bố thì và đức hạnh ly tham thì tâm người đó đã được giải thoát hoàn toàn thật là hạnh phúc vô biên.
Người mẹ tốt bụng đem những thực phẩm ăn chiều của gia đình mình cho những người khác đang đói khổ hơn mình.Một hành động tuy nhỏ như vậy nhưng cũng nói lên đức hy sinh tuyệt vời. Người mẹ và các con của bà đều vui mừng. Vui mừng vì cái vui của người khác.
Trên đời này cái vui cho mình chưa bao giờ là cái vui trọn vẹn, còn cái vui của mình, của người và của tất cả chúng sinh là cái vui vĩnh viễn . Cái vui vĩnh viễn là cái vui trong đạo đức ly tham, đạo đức hiếu sinh và đạo đức bố thí.Trong ba đạo đức này chúng ta chỉ cần sống trong một đạo đức cũng đủ đem lại niềm vui cho mình cho người và cho tất cả các loài chúng sinh.
Đạo đức lợi ích như vậy, cho nên chúng ta hãy cố gắng tu tập để đem lại cho thế gian một sự bình an như cõi Cực Lạc Thiên Đàng. Chỉ có con người mới tô đắp nền đạo đức này trên hành tinh, mới làm cho hành tinh sống của chúng ta ngày một tươi đẹp hơn, sáng sủa hơn.
Nền đạo đức của Phật giáo rất tuyệt vời, bình đẳng gần gũi với đời sống con người, rất thực tế và cụ thể chứ không mơ hồ trừu tuợng, không giáo điều khắt khe, không cám dỗ lôi cuốn ai cả, chỉ có người nào thấy đúng là lợi ích cho mình cho người thì tự giác tự nguyện với những đức hạnh này. Cho nên nền đạo đức của Phật giáo là nền đạo đức tự nguyện. Tự nguyện sống đời đức hạnh để đem mình thoát ra bao thứ đau khổ sinh, già, bệnh, chết mà đời người không ai tránh khỏi.
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét