Ngày xưa, ở trong vùng nông thôn xa xôi, có hai anh em nhà kia trẻ tuổi đáng yêu. Họ cũng giống như bất cứ chàng trai trẻ nào mà bạn có thể bắt gặp hôm nay.
Tuy nhiên tính khí của hai anh em rất ngỗ nghịch. Và mọi việc trở nên nghiêm trọng khi hai anh em bắt đầu đi ăn trộm cừu của những nông dân trong vùng - một hành vi bị coi là trọng tội. Một lần nọ cả hai anh em bị bắt quả tang. Dân làng quyết định trừng phạt bằng cách thích lên trán họ “ST” (tên trộm cừu) như một dấu ấn tội lỗi sẽ theo họ mãi mãi suốt đời.
Một trong hai anh em vì quá xấu hổ, nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Kể từ đó, chẳng còn ai biết được tin tức gì về anh ta.
Còn người thứ hai, vô cùng ân hận, đã ở lại làng và cố gắng hết sức để bù đắp lại những lỗi lầm của mình. Lúc đầu, mọi người đều e dè và chẳng muốn dính líu gì với anh ta. Tuy nhiên anh vẫn quyết tâm quán cải.
Hễ trong làng có ai đau yếu anh đều tìm đến ân cần chăm sóc và lo lắng. Bất cứ ai có việc gì nặng nhọc, anh đều tới giúp đỡ hết mình, chẳng cần biết đó là ai, giàu hay nghèo. Cứ như thế anh luôn sống vì người khác mà chẳng hề đòi ban thưởng hay trả công.
Nhiều năm trôi qua, một bữa nọ, có một vị khách bộ hành đi ngang qua ngôi làng.
Trong lúc ngồi ở trong quán nước bên đường, ông trông thấy một ông lão, trên trán có khắc một dấu khác lạ ngồi gần đó. Bất kỳ ai trong làng đi ngang qua cũng đều dừng lại kính cẩn chào hỏi cụ; đám trẻ con chơi xong cũng chạy đến sà vào lòng cụ. Tất cả mọi người đều kính trọng ông lão.
Thấy ngạc nhiên, người khách lại hỏi thăm vị chủ quán:
- Hai ký tự trên trán ông cụ có nghĩa là gì thế? - Tôi cũng không rõ nữa. Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi - Người chủ quán đáp: Sau đó, ông ngừng lại một chút suy nghĩ rồi nói – nhưng theo tôi chắc nó có nghĩa là “Thánh nhân”.
“TS” có hai nghĩa theo tiếng Anh: “Sheep Thief” là tên trộm cừu và “Saint” là Thánh nhân.
Trích trong Hạt Giống Tâm Hồn tập 2 trang 63).
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Ngày xưa, ở trong vùng nông thôn xa xôi, có hai anh em nhà kia trẻ tuổi đáng yêu. Họ cũng giống như bất cứ chàng trai trẻ nào mà bạn có thể bắt gặp hôm nay.
Tuy nhiên tính khí của hai anh em rất ngỗ nghịch. Và mọi việc trở nên nghiêm trọng khi hai anh em bắt đầu đi ăn trộm cừu của những nông dân trong vùng - một hành vi bị coi là trọng tội”.
Câu này dạy đạo đức gì?
2- “Một lần nọ cả hai anh em bị bắt quả tang. Dân làng quyết định trừng phạt bằng cách thích lên trán họ “ST” (tên trộm cừu) như một dấu ấn tội lỗi sẽ theo họ mãi mãi suốt đời”. Câu này dạy đạo đức gì? 3- “Một trong hai anh em vì quá xấu hổ, nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Kể từ đó, chẳng còn ai biết được tin tức gì về anh ta”.
Câu này dạy đạo đức gì?
4- “Còn người thứ hai, vô cùng ân hận, đã ở lại làng và cố gắng hết sức để bù đắp lại những lỗi lầm của mình. Lúc đầu, mọi người đều e dè và chẳng muốn dính líu gì với anh ta. Tuy nhiên anh vẫn quyết tâm quán cải ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Hễ trong làng có ai đau yếu anh đều tìm đến ân cần chăm sóc và lo lắng. Bất cứ ai có việc gì nặng nhọc, anh đều tới giúp đỡ hết mình, chẳng cần biết đó là ai, giàu hay nghèo. Cứ như thế anh luôn sống vì người khác mà chẳng hề đòi ban thưởng hay trả công”.
Câu này dạy đạo đức gì?
6- “Nhiều năm trôi qua, một bữa nọ, có một vị khách bộ hành đi ngang qua ngôi làng. Trong lúc ngồi ở trong quán nước bên đường, ông trông thấy một ông lão, trên trán có khắc một dấu khác lạ ngồi gần đó. Bất kỳ ai trong làng đi ngang qua cũng đều dừng lại kính cẩn chào hỏi cụ; đám trẻ con chơi xong cũng chạy đến sà vào lòng cụ. Tất cả mọi người đều kính trọng ông lão”.
Câu này dạy đạo đức gì?
7- “Thấy ngạc nhiên, người khách lại hỏi thăm vị chủ quán:
- Hai ký tự trên trán ông cụ có nghĩa là gì thế? - Tôi cũng không rõ nữa. Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi - Người chủ quán đáp: Sau đó, ông ngừng lại một chút suy nghĩ rồi nói – nhưng theo tôi chắc nó có nghĩa là “Thánh nhân”.
“TS” có hai nghĩa theo tiếng Anh: “Sheep Thief” là tên trộm cừu và “Saint” là Thánh nhân ”.
Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
1- “Ngày xưa, ở trong vùng nông thôn xa xôi, có hai anh em nhà kia trẻ tuổi đáng yêu. Họ cũng giống như bất cứ chàng trai trẻ nào mà bạn có thể bắt gặp hôm nay.
Tuy nhiên tính khí của hai anh em rất ngỗ nghịch. Và mọi việc trở nên nghiêm trọng khi hai anh em bắt đầu đi ăn trộm cừu của những nông dân trong vùng - một hành vi bị coi là trọng tội”.
Câu này dạy THIẾU ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Con người sinh ra vốn có bản chất tham. Tại sao bản chất tham lại có sẵn trong mỗi người như vậy? Bản chất tham có sẵn trong mỗi con người là do duyên sắc dục làm chất xúc tác cho năm duyên: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại, cho nên con người sinh ra đều do gốc sắc dục mà sắc dục là lòng tham muốn trong thân ngũ uẩn tạo tác thành qui luật nhân quả. Qui luật nhân quả tạo tác thành nghiệp báo, khi nói đến qui luật nhân quả là nói đến hành động thiện ác tác thành nghiệp báo. Nói đến hành động thiện ác tác thành nghiệp báo là biết ngay do lòng tham muốn của mỗi người làm gốc thúc đẩy. Từ lòng tham muốn của con người mà sinh ra vô vàn sự đau khổ, vì thế hôm nay chúng ta tu học và rèn luyện nhân cách đức ly tham để chấm dứt tham dục. Chấm dứt tham dục thì mọi sự khổ đau và tái sinh luân hồi chấm dứt.
Muốn biết tâm có tham hay không có tham là chúng ta phải có thời gian sống một mình, có sống một mình mới thấy được tâm mình, nhờ có sống độc cư trầm lặng một mình, khi mỗi niệm khởi lên là không qua khỏi mắt ý thức quan sát của chúng ta. Khi có niệm khởi lên là chúng ta thấy biết niệm có tham hay không tham, niệm có tham là ác pháp là chúng ta liền tác ý ly tham: “Đây là niệm tham mày hãy đi đi! Ở đây không có chỗ cho mày ở hãy đi khỏi nơi này”. Cứ mỗi niệm tham khởi lên là bị đuổi đi liền, đó là phương pháp tu tập để tạo thành đức ly tham. Tu tập như vậy cho đến khi đức ly tham hiện tiền luôn luôn có mặt trong chúng ta thì tâm tham đã bị diệt trừ. Tâm tham đã bị diệt trừ thì đức ly tham hiện tiền và như vậy con đường giải thoát tu tập đến đây đã hoàn mãn.
2- “Một lần nọ cả hai anh em bị bắt quả tang. Dân làng quyết định trừng phạt bằng cách thích lên trán họ “ST” (tên trộm cừu) như một dấu ấn tội lỗi sẽ theo họ mãi mãi suốt đời”.
Câu này dạy BẢN ÁN THIẾU ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Khắc lên trán người lấy trộm hay người cướp giựt hai chữ “Ăn trộm” hay “Ăn cướp” là một hình phạt quá nặng. Theo chúng tôi thiển nghĩ: Không nên phạt như vậy mà hãy thương yêu họ. Họ là những người đáng thương hại. Vì không được học đạo đức ly tham, nên mới sinh ra những hành động lấy của không cho, trộm cắp, cướp giựt, móc túi v.v…Nếu họ biết đó là những hành động xấu xa, tệ hại, hèn hạ, đê tiện, mất nhân tính phẩm chất con người, đó là một hành động vô đạo đức làm khổ mình, khổ người và còn làm mất trật tự an ninh xã hội trong xóm, làng, thị trấn, thị xã, thành phố, thủ đô v.v….
Nếu Nhà nước bắt những người trộm, cướp, móc túi, hiếp dâm, mãi dâm thì nên đem cải tạo cho họ dự vào các lớp học đạo đức nhân bản - nhân quả. Sau khi mãn những khóa học đạo đức này, người nào thi tốt nghiệp đậu sẽ cho về, còn người nào thi rớt cho ở lại học tiếp, chừng nào tốt nghiệp những lớp đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và không khổ tất cả chúng sinh này xong thì cho họ trở về hòa nhập vào cuộc sống với mọi người, chứ đừng bắt họ kêu án tù tội một tháng, hai tháng, ba tháng đến một năm, hai năm, ba năm thì rất tội nghiệp cho họ, cho cha mẹ họ, cho gia đình họ. Và nhất là họ mang tiếng suốt đời là người trộm, cắp, móc túi, tham lam, hiếp dâm, mãi dâm rất là tội nghiệp. Những hình phạt trộm, cắp, cướp, giựt, móc túi, tham lam, hiếp dâm, mãi dâm kêu án tù tội một tháng, một năm hay nhiều hơn nữa v.v…thì không còn hợp với thời đại khoa học công kỹ nghệ hiện đại hóa tiến bộ của loài người. Những hình phạt này đến giờ chưa thay đổi e lỗi thời, không hợp với thời đại.
Còn có nhiều nước bắt được trộm cắp, cướp, giựt, móc túi, tham lam, hiếp dâm, mãi dâm mà hình phạt khắc chữ vào trán như: Trộm thì khắc chữ “T”, còn cướp giựt thì khắc chữ “C”. Móc túi thì chặt ngón tay. Hiếp dâm thì thiến. Mãi dâm thì khắc chữ lên trán “MD”. Những hình phạt này rất tội nghiệp và rất thương tâm.
Đạo đức hiếu sinh không cho phép chúng ta xử phạt như vậy, xin tất cả những nhà lãnh đạo mỗi đất nước trên thế giới cần xét lại, nên lấy đạo đức hiếu sinh mà trị dân thì hay biết mấy. Pháp luật và hình phạt phải theo đạo đức mà lập luật, lập pháp thì nhân bản con người không bị chà đạp. Chính vì chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả chưa có, chưa được giáo dục đạo đức toàn dân nên họ không biết vì thế họ mới làm nên tội lỗi, xin những người lãnh đạo đất nước trên hành tinh này hãy suy xét lại.
3- “Một trong hai anh em vì quá xấu hổ, nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Kể từ đó, chẳng còn ai biết được tin tức gì về anh ta”. Câu này dạy ĐỨC LY THAM TÀM QUÝ Ý HÀNH, THÂN HÀNH.
Trên đời này không ai mà không lầm lỗi, nhưng lầm lỗi mà biết xấu hổ, biết cố gắng khắc phục sửa sai, đừng làm lầm lỗi nữa. Xấu hổ là một đức ly tham tuyệt vời. Có xấu hổ người ta mới lìa được tâm tham của mình, có xấu hổ người ta mới trở thành con người tốt được.
Vì quá xấu hổ nên người anh mới bỏ làng ra đi, và đi không trở về, còn mặt mũi nào nữa mà trở về làng. Phải không quý vị? Dù bất cứ ở đâu, người anh biết xấu hổ sẽ không bao giờ làm việc trộm cắp ấy nữa, người xấu hổ là người biết phục thiện. Chỉ có những người tham lam, trộm cắp, cướp giựt của cải tài sản của người khác; những người móc túi, hiếp dâm, mãi dâm không biết xấu hổ thì những người đó là những người vô đạo đức, những người đáng chê trách, đáng để mọi người cần phải có những biện pháp cưỡng chế giúp đỡ cho học đạo đức, để trở thành người tốt.
Muốn được vậy, thứ nhất là để bảo vệ xã hội an ninh, trật tự; thứ hai là xây dựng con người tốt, làm việc tốt, thì những người đầu trộm đuôi cướp đều bị cưỡng chế bắt buộc phải đi học đạo đức nhân bản – nhân quả, do ngành Công An giữ gìn an ninh trật tự xã hội đảm trách giảng huấn.
4- “Còn người thứ hai, vô cùng ân hận, đã ở lại làng và cố gắng hết sức để bù đắp lại những lỗi lầm của mình. Lúc đầu, mọi người đều e dè và chẳng muốn dính líu gì với anh ta. Tuy nhiên anh vẫn quyết tâm quán cải ”. Câu này dạy ĐỨC LY THAM QUÁN CẢI THÂN HÀNH.
Làm người ai cũng có những sự lầm lỗi, nhưng biết ăn năn hối cải chừa bỏ, biết sửa đổi là một điều tốt, là một điều đáng khen, như người em ở lại cố gắng khắc phục để trở thành người tốt. Muốn khắc phục tính tham lam trộm cắp cướp giựt thì chỉ có đức bố thí. Người có đức bố thí thì tính tham lam sẽ bị triệt tiêu. Đức bố thí có nhiều cách :
1- Đức bố thí lời nói an ủi, khuyên lơn, khen tặng.
2- Đức bố thí hành động, việc làm giúp đỡ.
3- Đức bố thí của cải tiền tài vật chất, cơm ăn áo mặc.
Những đức bố thí này giúp cho con người ly tham, nhờ đó không còn tham lam trộm cắp cướp giựt tài sản của người khác.
Biết được nhân quả làm thay đổi con người, từ con người xấu ác thành con người lương thiện, nên đạo Phật ra đời. Ra đời xác định và chỉ rõ bốn chân lí của loài người.
Đó là KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO. Làm con người không ai không ở trong bốn chân lí này. Khi đã hiểu rõ bốn chân lí, thì mỗi người phải tự xây dựng cho mình một cuộc sống đạo đức, một cuộc sống thiện, một cuộc sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là một sự làm thay đổi cả thế gian này biến cuộc sống trên thế gian này thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
ĐẠO ĐẾ là một chân lí, nó không phải là một bài pháp BÁT CHÁNH ĐẠO dạy suông, lý luận thường như các bài kinh khác. Những giảng sư Đại Thừa Bắc Tông và những giảng sư Nguyên Thủy Nam Tông lấy TỨ DIỆU ĐẾ thuyết giảng như một bài pháp chung chung, như những bài kinh trong kinh sách Nguyên Thủy.
ĐẠO ĐẾ là một chương trình giáo dục đào tạo con người có GIỚI LUẬT (đạo đức) sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh trên hành tinh theo phương hướng GIỚI, ĐỊNH, TUỆ . Phương hướng GIỚI, ĐỊNH, TUỆ gồm có: SƠ THIỆN, TRUNG THIỆN, HẬU THIỆN.
* GIỚI nói về đức hạnh của thân hành, ý hành và khẩu hành trong tám lớp học (Bát Chách Đạo) rèn nhân cách. Những giới luật đức hạnh này là ở giai đoạn SƠ THIỆN.
* ĐỊNH nói về sự bình tĩnh, tĩnh giác. Bình tĩnh, tĩnh giác có bốn giai đoạn:
1- Tĩnh giác lúc còn sống
2- Tĩnh giác lúc sắp chết
3- Tĩnh giác lúc đã chết
4- Tĩnh giác lúc xuất thai.
Trên đây là bốn phương pháp thực hành TĨNH GIÁC trong tám lớp học (Bát Chánh Đạo) để đạt được định tĩnh trên Tứ Niệm Xứ, ở giai đoạn TRUNG THIỆN.
* TUỆ là trí tuệ Tam Minh. Trí tuệ Tam Minh là một trí tuệ siêu việt phi không gian và thời gian, một trí tuệ hiểu biết các pháp trong vũ trụ này, không một pháp nào che dấu trí tuệ ấy được. Một trí tuệ mà ngoại đạo gọi là thần thông. Còn riêng đạo Phật gọi nó là giới luật đức hạnh trong giai đoạn HẬU THIỆN.
Căn cứ vào qui luật nhân quả lấy thiện chuyển ác nên đạo Phật mới có chương trình giáo dục đào tạo như vậy. Nhờ có chương trình giáo dục đào tạo nên ĐẠO ĐẾ mới được gọi là chân lí. Do chỗ này chúng ta chịu khó suy luận thêm một chút là thấy ngay kinh sách của Đại Thừa và kinh sách của các sư THERAVÃDA là kinh sách phát theo kiến tưởng giải mà kết tập và biên soạn ra bằng tiếng Pali, chứ không phải chính thức là lời Phật dạy.
Nhờ căn cứ vào BÁT CHÁNH ĐẠO chúng ta mới biết toàn bộ những kinh sách này là những kinh sách phát triển của những người tu chưa chứng quả A La Hán kết tập, họ chỉ dựa vào kiến thức học hiểu của nhiều kiến thức triết học và nhiều tư tưởng giáo điều của ngoại đạo rồi biên soạn thành kinh sách Phật giáo, nhưng kinh sách này tu hành chẳng ai tu tập được giải thoát, làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Cho nên nó chỉ còn có cái tên là PHẬT GIÁO, còn giáo lý và giới luật là của ngoại đạo. Kinh sách này nó đã làm mất chương trình giáo dục đào tạo giới luật đức hạnh của Phật giáo.
Để chứng minh chúng tôi nói những điều này đúng hay sai thì quý vị cứ xem xét:
Từ khi kinh sách phát triển Bắc Tông và Nam Tông ra đời cho đến nay đã có người nào tu hành chứng quả A La Hán chưa? Có ai tu chứng đạt chân lí chưa? Có ai tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết chưa? Có ai tu tập chứng Tam Minh chưa? Và có ai triển khai BÁT CHÁNH ĐẠO lập thành chương trình giáo dục đào tạo những bậc chứng quả A La Hán chưa? Qua những câu hỏi trên đây sẽ khẳng định Phật giáo hiện tại dù là Nam Tông hay Bắc Tông đều là Phật giáo Bà La Môn (Phật giáo phát triển).
5- “Hễ trong làng có ai đau yếu anh đều tìm đến ân cần chăm sóc và lo lắng. Bất cứ ai có việc gì nặng nhọc, anh đều tới giúp đỡ hết mình, chẳng cần biết đó là ai, giàu hay nghèo. Cứ như thế anh luôn sống vì người khác mà chẳng hề đòi ban thưởng hay trả công”. Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH THI ÂN BẤT CẦU BÁO THÂN HÀNH.
Sau khi gây ra tội lấy của không cho của người khác (trộm trừu), mọi người đều biết mặt, hai anh em quá xấu hổ và hối hận, nên người anh bỏ làng đi nơi khác, còn người em ở lại nhưng quyết tâm sửa đổi để trở thành người lương thiện, người tốt. Vì thế người em tìm mọi cách để thể hiện những đức hạnh bố thí. Đức hạnh bố thí là đức hạnh dùng để đối trị tâm tham lam trộm cắp cướp giựt, đức hạnh này gồm có ba hành động bố thí:
1- Bố thí của cải tài sản như đem cho tiền bạc, cơm gạo, thực phẩm, bánh, trái cây v.v…giúp vốn làm ăn, cho ruộng đất cày cấy.
2- Bố thí khẩu hành là dùng lời nói khuyên lơn, an ủi, cản ngăn không cho tranh cãi v.v…khiến cho mọi người được an tâm không còn lo sợ, buồn phiền…
3- Bố thí thân hành là ra công làm cái này hoặc làm cái kia để giúp đỡ những sự nặng nhọc của người khác, như trên đã nói Người thực hiện đức ly tham là phải biết làm từ thiện tức là biết bố thí, nhưng bố thí phải đúng chánh pháp.
Muốn bố thí đúng chánh pháp là chúng ta phải làm như thế nào? Phải hiểu ra sao để bố thí mà không bị lường gạt , để hạt giống bố thí đem lại lợi ích cho người, cho mình, chứ không phải đem công sức của cải tiền bạc ném bỏ vào chỗ ác pháp tức là chỗ cá nhân và tập thể bất thiện thì còn có nghĩa lý gì là bố thí, bố thí như vậy cũng giống như đem hạt tốt gieo trên đất khô cằn . Muốn bố thí đúng nghĩa chánh pháp của Phật thì điều đó chúng ta cần phải học hiểu và nghe đức Phật dạy: “Muốn bố thí và cúng dường đúng chánh pháp thì phải chọn người có đức hạnh, người tu hành giới luật phải nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, còn ngoài ra thì không nên bố thí cúng dường, vì bố thí cúng dường giống như đem hạt giống gieo trồng trên đất khô cằn cỏi thì chẳng có ích lợi gì”.
Lời Phật dạy như vậy, nhưng chúng tôi có đọc kinh Đại Thừa thấy dạy BỐ THÍ BA LA MẬT.
Có một hoàng tử Tu Đại Noa nước Diệp Ba Phát tâm bố thí Ba La Mật có nghĩa là cho cả thân mạng, vợ lẫn con trong khi vợ con than khóc cũng mặc kệ chỉ biết có “KHÔNG”. Không của ba la mật là phi đạo đức nhân bản – nhân quả. Khi hoàng tử trói hai đứa con của mình giao cho người Bà La Môn và người Bà La Môn còn dùng roi đánh đập con mình nhừ tử mà hoàng tử vẫn trơ trơ như đá, mặc kệ hai con kêu trời than khóc:
“Thần linh ôi! Hỡi thần linh ôi!
Hoan hỷ mách giùm mẹ chúng tôi.
Xét dạ con đi sầu chất chứa.
Đau lòng mẹ ở lụy quên thôi.
Chạnh tình nuôi dưỡng chưa thù đáp.
Đoái nghĩa cưu mang chẳng đắp bồi.
Ở biết bao giờ cho rảnh nghiệp?
Cuộc đời thiết tưởng bạc hơn vôi”
Xin quý vị hãy đọc truyện cổ Phật giáo bài “BỐ THÍ BẤT NGHỊCH Ý” trang 19 tập I sẽ thấy kinh sách Đại Thừa dạy phương pháp tu hành phi đạo đức mà các nhà Đại Thừa gọi là pháp BỐ THÍ BA LA MẬT BẤT Tư NGHÌ.
Khi chúng tôi đọc bài kệ của hai đứa bé, chúng không còn trông cậy vào sự che chỡ của cha và đang mong chờ bàn tay âu yếm của mẹ đã làm chúng ta xúc động, còn hoàng tử tu hành thành chánh giác nên trơ trơ như đá, như cây gỗ, không còn nhân tính con người.
Tu hành mà trở thành cây đá thì tu hành làm gì, nếu đức Phật tu đã trở thành cây đá thì làm gì hôm nay chúng ta có Bốn chân lí, có Tứ vô lượng tâm, có Tứ chánh cần, có pháp Như lý tác ý, có đạo đức nhân bản - nhân quả. Cho nên chúng ta cần phải xem xét lại kinh sách Đại Thừa và kinh sách Nam Tông tu hành chưa đến đâu mà viết kinh sách là giết người như trường hợp hoàng tử Tu Đại Noa.
6- “Nhiều năm trôi qua, một bữa nọ, có một vị khách bộ hành đi ngang qua ngôi làng. Trong lúc ngồi ở trong quán nước bên đường, ông trông thấy một ông lão, trên trán có khắc một dấu khác lạ ngồi gần đó. Bất kỳ ai trong làng đi ngang qua cũng đều dừng lại kính cẩn chào hỏi cụ; đám trẻ con chơi xong cũng chạy đến sà vào lòng cụ. Tất cả mọi người đều kính trọng ông lão”. Câu này dạy ĐỨC KÍNH TRỌNG HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Sau nhiều năm thực hiện đức bố thí người em đã chiếm trọn lòng tin yêu của mọi người, bấy giờ họ không còn xem ông là người ăn trộm cừu nữa mà xem ông như một ông Thánh. Bố thí là một hành động của đức ly tham, nhưng bố thí cũng chính do từ đức hiếu sinh mới thật sự đức bố thí đúng chánh pháp. Bởi vậy có lòng thương yêu chân thật thì mới có sự bố thí chân chánh, chứ không phải bố thí theo phong trào.
Từ một người ăn trộm trở thành một thánh nhân chỉ có khác nhau ở hành động và tâm tính mà thôi, chứ thánh nhân và con người chỉ là một người. Khi tham lam đi bắt trộm cừu là người ăn trộm, nhưng từ bỏ lòng tham lam và lìa xa những hành động đi ăn trộm, ăn cắp đổi lại hành động bố thí thương yêu mọi người là thánh nhân.
Theo Phật giáo chúng ta không cần làm thánh, làm thiên thần mà chỉ cần làm con người đúng nghĩa của con người là sống không làm khổ mình , khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Bởi vậy, một người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, ai muốn gọi họ thánh hay phàm hay gì gì cũng được, nhưng chính bản thân của họ, họ phải biết hơn ai hết . Họ biết họ bây giờ tâm tham, sân, si, mạn, nghi không còn, tâm họ bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, tâm họ lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, ngồi đâu tỉnh táo, không bao giờ bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, tâm luôn luôn tĩnh giác quán sát trên Tứ niệm xứ, không bao giờ phóng dật.
Một người tu theo Phật giáo không thích những điều kỳ lạ, không đắm mê những thần thông phép thuật, không thích cõi này, cõi kia, nhưng cũng không mong cầu tu hành thành Thần, Thánh, Tiên, Phật hoặc cầu những bậc này gia hộ cứu rỗi cho mình mà chỉ chính mình biết vươn lên, biết khắc phục và chế ngự thân tâm mình không làm những điều xấu ác, mà còn biết làm những điều lành để không làm khổ mình , khổ người và khổ muôn loài chúng sinh. Đó là ước nguyện của người tu theo Phật giáo, vì thế họ rất vui lòng sống với đức hiếu sinh, sống với đức ly tham. Họ rất sung sướng khi họ đã sống với những đức hạnh này để họ được giải thoát mà người khác cũng được an vui và hạnh phúc.
7- “Thấy ngạc nhiên, người khách lại hỏi thăm vị chủ quán:
- Hai ký tự trên trán ông cụ có nghĩa là gì thế? - Tôi cũng không rõ nữa. Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi - Người chủ quán đáp: Sau đó, ông ngừng lại một chút suy nghĩ rồi nói – nhưng theo tôi chắc nó có nghĩa là “Thánh nhân”.
“TS” có hai nghĩa theo tiếng Anh: “Sheep Thief” là tên trộm cừu và “Saint” là Thánh nhân”. Câu này dạy ĐỨC CHUYỂN ĐỔI NHÂN QUẢ LY THAM.
Từ một người ăn trộm cừu để chuyển đổi thành một thánh nhân đâu phải khó khăn. Phải không quý vị? Muốn được vậy chỉ có sống trong giới luật đức hạnh của Phật. Người ăn trộm cừu chỉ biết ăn năn hối cãi bằng cách sống với đức bố thí mà người ta còn gọi là thánh nhân huống là chúng ta sống đúng 5 giới luật đức hạnh của Phật trong NGŨ GIỚI thì họ sẽ xem chúng ta là những bậc vĩ đại như thế nào? Giới luật đức hạnh của Phật giáo giúp cho con người sống không làm khổ cho nhau nữa; giúp cho con người sống làm chủ những sự khổ đau của chính thân tâm mình và chấm dứt sự tái sinh luân hồi trong đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Đạo Phật rất thực tế rất đời thường, nhưng rất đạo đức cao thượng. Vì thế đạo Phật rất tuyệt vời, sống trong thế gian mà vượt ra ngoài thế gian, xứng đáng làm người là con người.
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét