Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

BÀI HỌC THỨ 11: THÊM VỐN VÀO ĐỜI

Chuyện do mẹ tôi kể lại
Chị là một chủ cửa hàng bách hóa khá lớn ở ngay trước cổng chợ xã quê tôi. Hôm đó, có một bà mẹ trạc bốn lăm, năm mươi tuổi vào cửa hàng chị vờ mua hàng, cốt chỉ để đánh cắp cho được một chiếc quần vải ú đen. Khách đông hàng đắc, nhưng chị vẫn phát hiện được việc bà mẹ ấy đã bỏ chiếc quần, bà săm soi trước đó vào sâu dưới đáy thúng đồ.
Chị lặng lẽ gọi người nhà lên giúp mình bán hàng, rồi bước ra đường, chị nói thầm vài câu vào tai người đàn bà. Bà thất sắc theo chị ra sau nhà, rồi một lúc sau bước ra với vẻ mặt tươi tĩnh.
Thấy mẹ tôi có vẻ biết chuyện xảy ra, chị lại ghé tai mẹ tôi kể lại sự tình. Thì ra chị không lấy lại chiếc quần ú đen, món hàng vô cùng quý giá với người phụ nữ nông thôn thời bao cấp, mà còn tặng thêm bà mẹ ấy một chiếc áo bởi thấy chiếc áo của bà ta quá cũ sờn. Cũng chỉ vì họ nghèo khó quá. Cũng là cách mình giúp người làm phước mà. Chị nói nhỏ và dặn mẹ tôi kín miệng.
Mẹ tôi đã khuất, nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện ấy như để thêm vốn cho mình trên đường đời. Và khi đọc những mẫu tin được báo đăng mới đây về những gì mà những Thầy cô giáo đã làm với những học sinh trẻ măng của họ, vì nghi các em lấy tiền lớp, tiền bạn, đẩy các em đến những thãm kịch đau lòng. Tôi chỉ còn biết lặng im trong những niềm chua xót. Chị chủ cửa hàng nhân hậu ở quê tôi chỉ mới học qua chữ cái lớp 3 bình dân học vụ. Vậy mà.. tôi lại ngẫm lời của văn hào Victorhugo: “Lương tâm cũng là một thứ tri thức và càng buồn cho những người chưa biết có nặng được cái chữ không mà đã nhẹ cái tâm” .
Huỳnh Văn Mỹ Báo Tuổi Trẻ ngày 22-4-2007 chủ nhật


NHỮNG CÂU HỎI
1- “Chị là một chủ cửa hàng bách hóa khá lớn ở ngay trước cổng chợ xã quê tôi.
Hôm đó có một bà mẹ trạc bốn lăm, năm mươi tuổi vào cửa hàng chị vờ mua hàng cốt chỉ để đánh cắp cho được một chiếc quần vải ú đen ”. Câu này dạy đạo đức gì?
2- “Khách đông hàng đắc nhưng chị vẫn phát hiện được việc bà mẹ ấy đã bỏ chiếc quần bà săm soi trước đó vào sâu dưới đáy thúng đồ ”. Câu này dạy đạo đức gì?
3- “Chị lặng lẽ gọi người nhà lên giúp mình bán hàng, rồi bước ra đường, chị nói thầm vài câu vào tai người đàn bà. Bà thất sắc theo chị ra sau nhà, rồi một lúc sau bước ra với vẽ mặt tươi tĩnh ”. Câu này dạy đạo đức gì?
4- “ Thấy mẹ tôi có vẻ biết chuyện xảy ra, chị lại ghé tai mẹ tôi kể lại sự tình. Thì ra chị lại không lấy lại chiếc quần ú đen, món hàng vô cùng quý giá với người phụ nữ nông thôn thời bao cấp, mà còn tặng thêm bà mẹ ấy một chiếc áo bởi thấy chiếc áo của bà ta quá cũ sờn. Cũng chỉ vì họ khó quá. Cũng là cách mình giúp người làm phước mà. Chị nói nhỏ và dặn mẹ tôi kín miệng .. ”. Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Mẹ tôi đã khuất nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện ấy như để thêm vốn cho mình trên đường đời ”. Câu này dạy đạo đức gì?
6- “ Và khi đọc những mẫu tin được báo đăng mới đây về những gì mà những Thầy cô giáo đã làm với những học sinh trẻ măng của họ, vì nghi các em lấy tiền lớp, tiền bạn, đẩy các em đến những th ảm kịch đau lòng. Tôi chỉ còn biết lặng im trong những nhiềm chua xót ”. Câu này dạy đạo đức gì?
7- “Chị chủ cửa hàng nhân hậu ở quê tôi chỉ mới học qua những chữ cái lớp 3 bình dân học vụ. Vậy mà.. tôi lại ngẫm lời cửa văn hào Victorhugo: “Lương tâm cũng là một thứ tri thức và càng buồn cho những người chưa biết có nặng được cái chữ không mà đã nhẹ cái tâm ”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
1- “Chị là một chủ cửa hàng bách hóa khá lớn ở ngay trước cổng chợ xã quê tôi. Hôm đó có một bà mẹ trạc bốn lăm, năm mươi tuổi vào cửa hàng chị vờ mau hàng cốt chỉ để đánh cắp cho được một chiếc quần vải ú đen”. Câu này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Phần đông người nghèo thường trộm cắp. Vì thế tục ngữ có câu : “Đói cho sạch rách cho thơm”. Tuy tục ngữ dạy rất hay nhưng thói quen trộm cắp khó bỏ, cho nên ngựa quen đường cũ, thói nào tật nấy.
Xét theo luật nhân quả thì người nghèo do đời trước thiếu đức bố thí, tính tình keo kiệt, ích kỷ, hẹp hòi, bỏn xẻn, thường gian tham nghĩ mưu nầy thế kia để cướp giựt tiền bạc của cải của người khác làm của cải tài sản của mình. Đó là những thói quen tật xấu nhất mà những người trên thế gian này ít ai tránh khỏi.
Trong cuộc đời này người không ham muốn là không có, nhưng ham muốn tốt và ham muốn xấu; ham muốn tốt là lấy sức lực của mình làm ra của cải , tài sản; còn ham muốn xấu là muốn ngồi trong mát ăn bát vàng hoặc làm ít hoặc không làm mà có nhiều tiền bạc của cải, nên sinh ra gian tham trộm cắp, cướp giựt, cờ gian bạc lận. Do lòng gian tham, trộm cắp, cướp giựt, ích kỷ, bỏn xẻn, hẹp hòi v.v…Do nhân quả như vậy nên đời nào sinh ra cũng chịu cảnh nghèo khổ, bần cùng, có khi còn đói rét, cơm không có ăn, áo không có mặc, phải đi xin ăn hoặc bươi móc trong thùng rác bẩn.
Cứ nhìn xét đời sống nhân quả hiện tại của mọi người thì biết đời sống kiếp trước và biết đời sống tương lai của họ. Cho nên bà già nhà quê nghèo ăn cắp chiếc quần ú là điều hẳn nhiên của qui luật nhân quả, nhưng cũng rất tội nghiệp vì bà đâu có học đạo đức nhân bản - nhân quả ly tham nên càng ăn cắp thì lại càng nghèo khổ hơn nữa.
Nhưng may mắn bà được học một bài học đạo đức hiếu sinh tuyệt vời của một người phụ nữ chủ cửa hàng. Bài học ấy muôn đời khó quên. Bài học ly tham bố thí cao thượng đẹp đẽ vô cùng. Phải không quý tu sinh? Một hành động tham lam là một hành động chuyển từ cái có đi đến cái không.
Người ở đời thường không biết luật nhân quả vô thường thay đổi liên tục, nên cứ tạo ra những hành động tham lam trộm cắp, cướp giựt của cải người khác. Đó là tạo cho mình có một cuộc sống nghèo đói, khổ sở thiếu hụt và nhiều tai nạn, bệnh tật xảy ra khiến cho gia đình sầu khổ nhiều hơn nữa.
Từ một người nghèo mà học đạo đức nhân bản - nhân quả và thấm nhuần được đạo đức này liền từ bỏ lấy của không cho luôn luôn sống với đức ly tham thì cuộc đời sẽ có ngày sáng sủa hơn, giàu có hơn. Từ chỗ nghèo không có của cải tài sản, nhưng nhất định thà chết chớ không bao giờ lấy của không cho, dù cây kim sợi chỉ là những vật nhỏ mọn không có giá trị gì, nhưng quyết định không bao giờ lấy. Từ chỗ quyết tâm như vậy thì cuộc đời sẽ chuyển đổi từ nghèo đói cùng cực trở nên giàu sang ngay trong kiếp hiện tại này.
Từ chỗ nghèo đi đến chỗ sang giàu không mấy khó khăn, không mấy cực nhọc và đời sống sẽ được đầy đủ hơn. Bởi vậy, xin quý vị nên lưu ý điều này: “PHẢI HẰNG NGÀY SỐNG VỚI ĐỨC LY THAM, DÙ CÓ CHẾT ĐÓI, NHẤT ĐỊNH CŨNG KHÔNG LÌA XA ĐỨC HẠNH LY THAM NÀY THÌ SỰ SANG GIÀU Ở TRƯỚC MẮT”.
2- “Khách đông hàng đắt nhưng chị vẫn phát hiện được việc bà mẹ ấy đã bỏ chiếc quần bà săm soi trước đó vào sâu dưới đáy thúng đồ”. Câu này dạy ĐỨC CẨN TRỌNG Ý HÀNH.
Làm một việc gì chúng ta đều phải cẩn trọng xem xét cho kỹ càng, vì trước mắt chúng ta mọi người đều có lòng tham muốn, chính lòng tham muốn đó sẽ dẫn dắt người ta đi đến chỗ tham lam, trộm cắp, cướp giựt, giết người một cách dễ dàng, nên hãy cẩn trọng, đừng thờ ơ xem thường mà tai họa sẽ đến không ngờ.
Bởi vậy người nghèo cũng như người giàu có, người nào cũng vẫn còn lòng ham muốn. Từ lòng ham muốn sẽ dẫn đến tâm tham lam. Cho nên trước mặt chúng ta mọi người đều không nên tin ai cả, nếu chúng ta thiếu cẩn trọng thì sẽ bị họ đánh cắp đồ đạc.
Chị bán cửa hàng tạp hóa rất cẩn trọng, vì thế mọi khách hàng không qua mắt chị được, vì thế hành động bà nhà quê đã bị chị phát hiện ăn cắp chiếc quần vải ú đen.
Đức cẩn trọng rất cần thiết cho chúng ta, khi tiếp xúc với mọi người. Vì giai đoạn xã hội đạo đức đang xuống cấp trầm trọng. Cho nên khi đi đường cũng phải cẩn trọng quan sát kỹ càng trước sau rồi mới đi, khi đi cũng phải cẩn trong quan sát xem có ai theo dõi mình không? Nhất là trong người có mang theo tiền bạc. Còn ở trong nhà phải đề phòng bạn bè người làm công. Ban đêm cũng như ban ngày trước khi mở cửa phải nhìn người đến nhà thuộc loại người nào, khi người vào nhà phải đề phòng, nhất là nhà có một mình thì cần phải cảnh giác hơn nhiều. Đời sống thiếu đạo đức, khi tiếp xúc với mọi người đều phải cẩn trọng dè dặt là điều tốt nhất. Trong giai đoạn này chúng ta không nên tin một ai hết và không nên xem thường mọi người vì họ có thể giất chúng ta cướp của. Vô ý thì tai họa sẽ mang lấy vào thân mà không ai cứu mình kịp.
3- “Chị lặng lẽ gọingười nhà lên giúp mình bán hàng, rồi bước ra đường, chị nói thầm vài câu vào tai người đàn bà. Bà thất sắc theo chị ra sau nhà, rồi một lúc sau bước ra với vẻ mặt tươi tĩnh”. Câu này dạy ĐỨC THƯƠNG YÊU THA THỨ HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Biết người ăn cắp đồ vật của mình, nhưng chị rất thương người nông dân nghèo khó, nên không kêu la “ăn cắp” để mọi người bắt, chị âm thầm đến bên bà nhà quê mời vào nhà. Chị chủ cửa hàng có những hành động rất tế nhị, đầy lòng yêu thương. Đức hiếu sinh của chị rộng lớn vô cùng. Chị sợ làm ồn sẽ làm mất danh dự của bà nhà quê tội nghiệp. Chỉ một hành động này cũng đủ làm chúng ta đáng khâm phục đức hiếu sinh của chị chủ cửa hàng, biết thương người thật tuyệt vời.
Đoạn này chị thực hiện đức hiếu sinh cao thượng, bắt người ăn cắp mà không làm mất danh dự người ăn cắp, biến người ăn cắp trở thành người không ăn cắp và suốt đời không bao giờ quên những hành động cao thượng này. Chị chủ cửa hàng không vì của cải, vật chất mà vì tình người, tình yêu thương người.
Chúng ta tuy học đạo đức hiếu sinh, nhưng cách đối xử với huynh đệ anh chị em trong lớp học còn kém lắm hãy cố gắng hơn nữa, quý tu sinh ạ! Đạo đức hiếu sinh tuyệt vời, quý tu sinh có thấy gương hạnh hiếu sinh của chị chủ hàng chăng? Quý tu sinh hãy lấy gương đó mà ly tâm chấp ngã để cùng chia sẻ những sự khó khăn trong lớp học thì lòng yêu thương mới chan hòa cùng nhau. Mọi người nhìn vào lớp học sẽ không đánh giá trị chúng ta học đạo đức chỉ biết nói đạo đức, chứ kỳ thực chúng ta chẳng khác gì như những người chưa học đạo đức.
Quý tu sinh hãy ghi nhớ lời Phật dạy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Việc sinh tử là việc trọng đại, thân vô thường nay còn mai mất không thể lường trước được, vì vậy hãy lo cứu mình ra khỏi bốn sự khổ đau của kiếp người thì mới thật thương mình.
Người học đạo đức hiếu sinh mà không sống với đức hiếu sinh thì không che dấu được ai. Như quý tu sinh đều biết hiếu sinh có ba nơi xuất phát, đó là thân hành, khẩu hành và ý hành. Do ba chỗ này người ta nhận xét các tu sinh học đạo đức có áp dụng đạo đức hay không là người ta biết liền. Lên lớp phát biểu ý kiến đạo đức của bài học để thấu suốt đạo đức, chứ không phải lên lớp vạch lỗi của người khác, coi chừng mình là người vô đạo đức đấy. Trong những bài học đạo đức đã chỉ dạy từng hành động đạo đức rõ ràng, có đâu quý tu sinh lại vạch lỗi nhau, làm cho xa cách nhau, mất hết lòng yêu thương. Mỗi người ai cũng tìm cầu sự giải thoát cho riêng mình thì phải lo cứu mình, phải tìm thấy lỗi mình để sửa mình cho ngày một tốt hơn, chứ sao tìm lỗi người để có ích lợi gì cho mình, mà người ta còn thấy mình là những người thiếu đạo đức hiếu sinh.
Khi vạch lỗi người mình tu tập như vậy có đúng lời Phật dạy không? Có bằng đạo đức của chị chủ cửa hàng không?Học đạo đức hiếu sinh mà không biết thương nhau chỉ biết hơn thua tìm cách hại nhau là xấu lắm. Bắt được ăn cắp mà không la lên cho mọi người biết, chị chủ cửa hàng thật là đức hạnh thương người tuyệt vời, biết áp dụng đức hiếu sinh , đức bố thí thương người đúng người, đúng thời điểm tuyệt vời, Đây là bà nhà quê nghèo đáng thương và đáng bố thí. Những gương hạnh này mọi người cần phải học. Còn những người du đãng cướp giựt thì phải mau mau báo cho Công an bắt họ để giữ gìn trật tự an ninh.
Người chưa học đạo đức mà không thương nhau thì không đáng trách, còn quý tu sinh đã học đạo đức hiếu sinh mà không thương nhau, không thấy đạo đức hiếu sinh là từ tâm sao? Không thấy tình huynh đệ như thủ túc, tình thầy trò như cha con, phải biết thương nhau và giúp đỡ nhau, chị ngã em nâng, có đâu Thầy trò bạn bè cùng học một lớp lại không thương nhau, kẻ biết thì giúp cho người không biết. Cớ sao trong lớp học chúng ta lại tìm cái trái nhau. Trái nhau để làm gì hỡi quý tu sinh? Chúng ta cùng nhau tu học một thầy như con một cha, nếu chúng ta chỉ có một ngày sống chung nhau trong một mái chùa, cũng là một kỷ niệm khó quên, chúng ta làm sao quên nhau được. Phải không quý tu sinh? Đọc đoạn này chúng ta thấy đức hiếu sinh cao thượng của người phụ nữ Việt Nam thật tuyệt vời. Tại sao một chị chủ cửa hàng bình thường, không có học thức cao, không có học đạo đức hiếu sinh mà lại sống có những hành động đạo đức hiếu sinh rất cao thượng, khó có ai nghĩ ra, nhưng có thật. Tuy đạo đức xuống cấp, đời nào cũng có những tâm hồn cao thượng. Phải không quý tu sinh? Chúng ta cần phải học hỏi những tấm gương cao thượng này để làm hành trang cho cuộc đời.
4- “Thấy mẹ tôi có vẻ biết chuyện xảy ra, chị lại ghé tai mẹ tôi kể lại sự tình. Thì ra chị lại không lấy lại chiếc quần ú đen, món hàng vô cùng quý giá với người phụ nữ nông thôn thời bao cấp, mà còn tặng thêm bà mẹ ấy một chiếc áo bởi thấy chiếc áo của bà ta quá cũ sờn. Cũng chỉ vì họ khó quá. Cũng là cách mình giúp người làm phước mà. Chị nói nhỏ và dặn mẹ tôi kín miệng ..”. Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH CAO THƯỢNG KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH TUYỆT VỜI.
Thấy người bạn tò mò theo dõi hành động của mình nên chị chủa cửa hàng nói thật, nhưng lại dặn người bạn đừng nói cho ai biết để bảo toàn danh dự cho bà nhà quê .
Đây là một hành động đạo đức hiếu sinh cao thượng đa hướng tuyệt vời.
Chị chủ cửa hàng ở nhà quê chưa bao giờ học đạo đức bố thí hiếu sinh đa hướng như đã nói ở trên, thế mà lại sống có đạo đức bố thí hiếu sinh đa hướng. Xét qua việc làm này chúng ta mới thấy đạo đức do từ tâm sinh, nếu tâm có đức ly tham thì đức hiếu sinh hiện tiền tại đó. Đức hiếu sinh có thì trí thông minh có. Đức hiếu sinh xuất phát từ lòng thương yêu chân thật, nên chị chủ cửa hàng rất thông minh, ban tình thương đa hướng đến với bà nhà quê rất tuyệt vời .
Xét qua hành động đạo đức của chị chủ cửa hàng nhà quê thì chúng ta là những người học đạo đức hiếu sinh cũng khó sánh kịp. Tuy học đạo đức hiếu sinh ly tham nhưng chúng ta chưa sống với đức hiếu sinh ly tham, chưa thành đức hiếu sinh, chỉ vì tâm chúng ta chưa ly tham thật sự, nếu tâm chúng ta chưa ly tham hoàn toàn thì tất cả đạo đức chỉ còn trên đầu môi chót lưỡi mà thôi, chứ chúng ta chưa thật sự thương ai cả, chính bản thân chúng ta cũng còn chưa thương. Chưa có đức hiếu sinh ly tham thì luôn luôn còn làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
5- “Mẹ tôi đã khuất nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện ấy như để thêm vốn cho mình trên đường đời”. Câu này dạy TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH ĐA HƯỚNG LY THAM THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH.
Gương đức hạnh hiếu sinh của chị chủ cửa hàng nhà quê làm sao chúng ta quên được. Bắt tận tay người ăn cắp, không lấy lại đồ vật mà còn cho thêm một chiếc áo mới thật là tuyệt vời, trên đời rất hy hữu có người nào làm được như vậy.
Tác giả bài này tuy nói đơn giản, nhưng đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống làm người:
“Mẹ tôi đã khuất nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện ấy như để thêm vốn cho mình trên đường đời”. Vốn của tác giả là một bài học đạo đức sâu sắc của đời người.
Hôm nay chúng ta học đạo đức ly tham mà được học bài này chúng ta cảm nhận rất thấm thía ý nghĩa THA THỨ, BỐ THÍ VÀ YÊU THƯƠNG. Chính bài này dạy chúng ta đức tha thứ và thương yêu mọi người bằng thân hành, khẩu hành.
Bài học tuy ngắn gọn nhưng gương đức hạnh của chị chủ cửa hàng mang đầy đủ năm đức: đức tha thứ, đức ly tham, đức hiếu sinh, đức bố thí và đức không nói điều xấu người khác. Với những đức hạnh như vậy làm sao chúng ta quên được. Phải không quý tu sinh? Hỡi quý tu sinh! Chúng ta là những người học đạo đức nhân bản - nhân quả, chúng ta hãy nhớ câu chuyện này, một hành động của người chủ cửa hàng mà mang năm đức hạnh cùng một lượt, thật là tuyệt vời, một gương hạnh mà những ai khi đọc câu chuyện này cũng sẽ nhớ mãi khó quên.
6- “Và khi đọc những mẫu tin được báo đăng mới đây về những gì mà những Thầy, cô giáo đã làm cho những học sinh trẻ măng của họ, vì nghi các em lấy tiền lớp, tiền bạn, đẩy các em đến những thảm kịch đau lòng. Tôi chỉ còn biết lặng im trong những niềm chua xót”. Câu này dạy NHỮNG NHÀ GIÁO CÓ HỌC THỨC MÀ THIẾU ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH ĐƯA HỌC TRÕ BÉ NHỎ CỦA MÌNH VÀO THẢM KỊCH ĐAU LÕNG.
Đạo đức từ tâm con người, chứ không phải từ những người có trình độ học thức cao. Nhiều người có trình độ học thức cao nhưng lại thiếu đạo đức. trường hợp vừa rồi báo chí đăng tin tức Hiệu trưởng, thầy và cô giáo nghi cho một cháu gái học sinh lấy tiền lớp và tiền bạn dùng mọi cách điều tra và còn hăm dọa cháu như thế nào làm cháu ngơ ngơ như người mất hồn và lúc nào cũng rất sợ hãi.
Hiệu trưởng, thầy, cô giáo đều là những người có học thức mà lại là người thầy truyền đạt văn hóa và tư tưởng đạo đức cho các cháu học sinh như cha, như mẹ. Sao thầy cô giáo lại nỡ nhẫn tâm không thương xót các cháu, đem cháu bé điều tra hăm dọa làm ám ảnh đầu óc non nớt của cháu bé không chút lòng yêu thương. Và như vậy có xứng đáng người thầy, cô giáo của các cháu nữa không? Câu chuyện báo chí đăng tin tức xảy ra trên đây đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng đạo đức nhân bản đang xuống cấp từ trong học đường đến cuộc sống hằng ngày của từng mọi người trong xã hội.
7- “Chị chủ cửa hàng nhân hậu ở quê tôi chỉ mới học qua những chữ cái lớp 3 bình dân học vụ. Vậy mà.. tôi lại ngẫm lời của văn hào Victorhugo: “Lương tâm cũng là một thứ tri thức và càng buồn cho những người chưa biết có nặng được cái chữ không mà đã nhẹ cái tâm”. Câu này dạy TÂM CON NGƯỜI LÀ ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH.
Thường người sống với tâm mình là sống đạo đức hiếu sinh, cho nên cụ Nguyễn Du nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dù người có tài mà không có tâm tức là không có đức thì cái tài cũng không dùng vào đâu được cả.
Chị chủ cửa hàng chỉ biết đọc, biết viết, trình độ học thức rất kém, nhưng chị biết sống với cái tâm đức hạnh của mình mà chính cha mẹ chị đã để lại cho chị cái gia tài đạo đức vĩ đại. “Để đức không sức mà ăn”, lời ông cha chúng ta nói rất đúng. Nhìn cửa hàng buôn bán của chị người ra vào buôn bán tấp nập thì đủ biết phước báu của chị dường nào. Vả lại chị sống biết thương người thương mình nên chị đối xử với mọi thật là đầy tình yêu thương và tha thứ. Chị đúng là một tấm gương sáng để mọi người noi theo gương, được sống như chị, một đời sống đầy lòng yêu thương vô bờ bến.
Hỡi quý tu sinh hãy lấy gương hạnh chị chủ cửa hàng mà sống, sống thương mình và thương các huynh đệ của mình cùng học chung nhau trong một lớp, mọi người đều phải có quyết tâm sống với đức hiếu sinh, mang lại tình thương cho nhau, chan hòa tình thương khắp mọi loài, chứ đừng bới móc những lỗi lầm của nhau trong giới luật, vì giới luật đức hạnh của Phật trùng trùng, điệp điệp chứ đâu phải chỉ có 250 giới tỳ kheo tăng và 348 giới tỳ kheo ni, giới luật Phật là thiện pháp làm sao kể ra cho hết được. Là con người phàm phu nếu nói vi phạm thì chắc ai cũng vi phạm, vi phạm nhiều hay vi phạm ít mà thôi, chúng ta là những người đang tu học thì làm sao tránh khỏi. Bởi vì nó là một cuộc sống thánh thiện của một con người toàn thiện, vì thế nó có nhiều cấp độ, chúng ta tu học giới luật đức hạnh ở mức độ nào thì giữ gìn ở mức độ ấy. Như đức hiếu sinh thì phải áp dụng đúng hiếu sinh vào đời sống cho trọn vẹn tình thương yêu của chúng ta đối với mọi người, mọi vật, nhưng phải khéo léo áp dụng đúng thời, đừng phi thời. Bởi chúng ta tu học để tìm cầu sự giải thoát, ra khỏi nhà sinh tử nên nó có bốn giai đoạn:
1- Giai đoạn tu học giới luật đức hạnh, diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp (có đối tượng, giữ hạnh độc cư giai đoạn I).
2- Giai đoạn tu học Chánh Niệm Tĩnh Giác, tự quán xét tâm mình xả trừ những tâm tham, sân, si, mạn, nghi vi tế theo từng tâm niệm khởi (không đối tượng, giữ hạnh độc cư giai đoạn II).
3- Giai đoạn tu học Định Niệm Hơi Thở với 19 đề mục nhiếp tâm và an trú tâm để đẩy lui các chướng ngại pháp và các cảm thọ (giữ gìn hạnh độc cư ở giai đoạn III).
4- Giai đoạn tu học Tứ Niệm Xứ, trên thân quán thân để nhiếp phục tâm tham ưu vi tế ở đời (giữ gìn hạnh độc cư ở giai đoạn IV) .
Như vậy giới luật hộ trì các căn thì phải đúng theo giới luật hiện hành của nó có giới hạn, có từng giai đoạn tu tập, chứ không phải muốn tu như thế nào là tu như thế nấy. Coi chừng tu sai, sống giữ gìn giới luật sai vẫn bị ức chế tâm và đó là cũng tự làm khổ mình, không bao giờ tu tập đi đến đâu cả.
Cho nên khi tu hành đừng vội vàng mà hãy sống cho được với hai đức hiếu sinh và đức ly tham thì con đường giải thoát của Phật giáo sẽ hiện ra rất rõ ràng, ngay trước mặt quý tu sinh.
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét