Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Bài học thứ 3:NỖI ĐAU SAU MỘT VỤ TAI NẠN

Nhìn bé Chu Nguyễn Cẩm Tiên (sn 1994) nằm bất động trên nền phòng trọ như con búp bê, hỏi gì cũng không biết, ánh mắt vô hồn cứ nhìn trân trân lên trần nhà, khiến ai tới thăm cũng nhói lòng. Ngồi cạnh em là người mẹ tội nghiệp Nguyễn Thị Út Hoa, người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, khuôn mặt phờ phạc, rã rời. Gần một năm qua, mỗi khi có ai hỏi thăm đến con mình, lòng chị lại nhói đau, nước mắt không ngừng tuôn rơi. Chị không thể quên được cái buổi sáng hôm ấy, khi chị đón nhận một hung tin.
Khoảng 9 giờ ngày 16/3/2006, bé Tiên đang đi bộ trên quốc lộ 1A gần nhà trọ ở khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, thì Trần Thế Văn (sn 1985, ngụ khu phố 8, phường Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai) lái chiếc xe tải nhẹ BS: 60M-0047, trên đường do thiếu quan sát đã đụng vào bé Tiên làm em té đập đầu xuống đất, bị thương rất nặng. Sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, em xuất viện về nhà với thương tật vĩnh viễn 84%, não bộ bị liệt gần như hoàn toàn, giờ chỉ còn sống đời sống thực vật. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố cho tại ngoại bị can Trần Thế Văn về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Mặc dù đã về nhà, nhưng tháng nào bé Tiên cũng phải tái khám. Thuốc men chi phí lên đến hơn hai triệu đồng/tháng, trong khi hoàn cảnh của chị Hoa rất khó khăn. Từ Cần Thơ, lên thành phố kiếm sống rồi lấy chồng, ly hôn, một mình chị dắt hai đứa con rời khỏi nhà chồng đi thuê phòng trọ, làm lụng nuôi con. Cuộc sống của 3 mẹ con rau cháo qua ngày, chị mong từng giờ các con của mình lớn lên được học hành, đi làm để sớm có đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng mong mỏi đó của chị được hoàn toàn sụp đổ khi bé Tiên bị tai nạn giao thông. Phía gây tai nạn đã có những bồi thường trong quá trình bé Tiên nằm viện, nhưng kể từ khi cháu về nhà, gần một năm nay họ không ngó ngàng tới. Toàn bộ tài sản còm cõi của mẹ con đã bán sạch để lo thuốc thang cho Tiên, nhưng tình trạng của bé ngày càng xấu đi. Mặt khác, từ ngày con gặp nạn, chị Hoa phải ở nhà chăm sóc cho con, không đi làm được, nguồn thu nhập vì thế cũng mất. Hiện mẹ con chị Hoa đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó vụ án vẫn chưa được cơ quan bảo vệ pháp luật quận Bình Tân đưa ra xét xử để có những phán quyết về đền bù dân sự.
Sức khoẻ bé Tiên ngày một suy sụp vì phải sống trong điều kiện thiếu thốn cả về thuốc men lẫn ăn uống. Chị Hoa đã xoay sở mọi cách, vay mượn khắp nơi nhưng cũng đành bất lực, không thể kiếm thêm tiền chạy chữa cho con. Ngồi buồn bã trong căn phòng trọ ở số 396 quốc lộ 1, khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, nhìn đứa con gái vốn hiếu động, học giỏi mà giờ nằm bất động, khiến chị Hoa không cầm nổi nước mắt. Năm hết Tết đến, nhìn người ta đua nhau đi sắm Tết lòng chị lại càng nặng trĩu nỗi buồn tủi. Trong khi chờ đợi sự phán quyết của pháp luật, chúng tôi mong mỏi lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa hãy giúp mẹ con chị Hoa vượt qua cơn khốn khó.
                                                                        Tấn Chính
ĐẠI Ý:
Tai nạn giao thông đã để lại một nỗi đau thương cho gia đình cháu Cẩm Tiên, đó chính là: “THIẾU ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN GIAO THÔNG”.
PHÂN ĐOẠN:
Bài này có 9 đoạn.
ĐOẠN 1: “Nhìn bé Chu Nguyễn Cẩm Tiên (sn 1994) nằm bất động trên nền phòng trọ như con búp bê, hỏi gì cũng không biết, ánh mắt vô hồn cứ nhìn trân trân lên trần nhà, khiến ai tới thăm cũng nhói lòng”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Nhân Quả Nghiệp Báo Tiền Kiếp.
 GIẢI TRÌNH ÁN: Nhìn cháu bé Chu Nguyễn Cẩm Tiên ai mà không đau lòng. Phải không hỡi quý vị? Một cháu bé hiền lành ngoan ngoãn, thế mà tai nạn giao thông đã biến cháu thành cây cỏ thực vật, chỉ có đời sống mà chẳng còn biết điều chi xảy ra xung quanh. Thật là thương tâm.
Nhân quả sao khắc nghiệt quá vậy? Sao lại nhắm vào một gia đình bất hạnh nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chỉ có một người mẹ lao động chính, phải quần quật suốt ngày để nuôi con. Vậy mà tai nạn giao thông không tha thứ, lại mang đến cho gia đình này một tai họa thảm khốc? Không đâu quý vị ạ! Nó không khắc nghiệt đâu quý vị! Nhân quả là một đạo luật rất công bằng và công lý, nó thuộc về toà án lương tâm, vì vậy quý vị làm những điều ác nào mà lương tâm quý vị lại không biết? Luật nhân quả thi hành bản án là không sai một li hào nào, tức là xử phạt không oan ức một vụ án nào cả. Bởi vậy biết bao nhiêu sự vô tình của chúng ta đã gây thương tật và sự chết chóc cho tất cả những loài chúng sinh đang sống quanh ta. Nhiều khi chúng ta hành động bằng tay, chân, làm việc, bước đi, cầm nắm thiếu tĩnh giác, vô tình gây đau khổ và chết chóc chúng sinh mà không hay biết, nhưng luật nhân quả đều ghi chép tất cả những điều ác đó, để đến khi ngày giờ trả quả, tức là ngày giờ kêu án thì quý vị thọ án, nặng hay nhẹ đều theo hành động ác nhiều hay ác ít của mỗi cá nhân con người.
Ví dụ: Vô tình chúng ta đi không lưu ý dưới bước chân của mình là chúng ta cũng làm điều ác đó. Khi vô tình bước đi chúng ta không để ý là sẽ gây ra biết bao nhiêu sự đau khổ của các loài côn trùng, kiến, bọ, sâu rầy đang sống trên mặt đất, trong cỏ cây, trong hoa lá dưới chân chúng ta.
Đây chỉ là sự vô ý đã làm cho chúng sinh đau khổ theo từng bước chân đi của chúng ta. Vì vậy đức Phật dạy chúng ta phải tĩnh giác từng niệm bước đi để ngăn ác và diệt ác pháp, tức là chúng ta luôn luôn tĩnh giác tránh vô tình làm hại chúng sinh.
Bởi vậy chúng ta hãy tập luyện cho thành thói quen khi đi, đứng, khi nằm, ngồi đều phải tĩnh giác, tránh không làm mất sự an vui hạnh phúc của các loài chúng sinh đang sống quanh ta. Bởi vậy pháp tĩnh giác là một phương pháp tạo sức cẩn thận kỹ lưỡng để phá tan sự vô tình mà chúng ta thường mắc phải. Cho nên cố gắng tu tập tĩnh giác là khởi lòng thương yêu, không làm đau khổ chúng sinh nữa, huống là mọi người hữu tình cố ý giết hại chúng sinh để ăn thịt. Thật là đau lòng, phải không quý vị? Mọi người đều có sự sống bình đẳng như nhau sao lại nỡ nhẫn tâm làm những điều đau khổ và giết hại chúng sinh cho đành. Ôi! Thật là khủng khiếp! Cầm dao cắt cổ con gà máu tuôn xối xả, đập đầu con cá giãy giụa lăn lộn mà chẳng chút thương tâm. Ôi! Thật là ác đức! Ghê gớm thay! Trong Phật giáo có dạy chúng ta một phương pháp đi kinh hành tĩnh giác, gọi là pháp môn Tĩnh Giác Chánh Niệm, đó là pháp môn tu tập để tâm được bình tĩnh luôn luôn quan sát tất cả các pháp, khi chúng muốn tác động vào thân tâm ta là chúng ta hiểu biết rất rõ ràng sự tác dụng của chúng gây ra nhân quả như thế nào vào ý hành, thân hành và khẩu hành. Nhờ có sức tĩnh giác các pháp như vậy nên chúng ta liền ngăn và diệt ác pháp dưới bước chân đi, trước khi chúng tác dụng vào thân tâm của chúng ta.
Đó là một phương pháp để tránh đi sự vô tình làm tổn thương đến loài vật nhỏ nhít như côn trùng, kiến, ruồi, muỗi, sâu bọ, thiêu thân, gián, ốc sên v.v..; đó cũng là dạy chúng ta làm thiện, làm cho giảm bớt sự khổ đau của muôn loài vạn vật; đó cũng là dạy chúng ta chuyển quả khổ thành quả an vui cho chính mình và các loài chúng sinh.
Bước vào đạo Phật theo các pháp tu hành chúng ta phải biết giai đoạn đầu là giai đoạn tu tập đi KINH HÀNH TĨNH GIÁC, chứ không phải tu tập đi KINH HÀNH TỈNH THỨC. Vì tĩnh giác không giống tỉnh thức. Người tu tĩnh giác trên bước đi còn niệm khởi, nhờ có niệm khởi nên quán xét từng niệm đó rồi tác ý xả bỏ, còn tu tập tỉnh thức trên bước đi là nhiếp tâm trên bước đi nên không còn niệm khởi. Tĩnh giác từng bước đi cốt ý là để tránh giậm đạp lên chúng sinh, tức là tránh làm những điều ác để thực hiện những điều lành.
Cháu Chu Nguyễn Cẩm Tiên gieo nhân vô tình giẫm đạp làm chúng sinh đau khổ trong tiền kiếp, cộng với ác nghiệp của mẹ Cẩm Tiên thiếu đức hiếu sinh bố thí nên kiếp này hai mẹ con cộng nghiệp lại. Vì thế cháu Cẩm Tiên phải trả quả sống như cây cỏ thảo mộc, sống chỉ có sống chẳng còn biết gì chung quanh mình nữa, ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn ngó như người không hồn không vía. Còn mẹ Cẩm Tiên trả quả thì đau khổ sầu muộn lo toan mọi thứ. Thật là tội nghiệp vô cùng. Nhân quả tiền kiếp ai mà biết được. Phải không các con? Thế mà kiếp này phải trả thật là khủng khiếp.
Bởi vậy trong cuộc sống hiện tại là phải sống như thế nào hỡi các con? Nếu sống làm mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sinh khổ thì làm sao các con tránh khỏi kiếp sau phải trả nghiệp khổ đau như hai mẹ con Chu Nguyễn Cẩm Tiên.
Muốn giúp cho loài người thoát khổ nên đức Phật ra đời dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả giúp cho mọi người sống trên hành tinh này không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả muôn loài chúng sinh. Nhờ loài người sống được như vậy nên thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc, đâu còn ai làm khổ ai nữa. Phải không các con? Đứng trước hoàn cảnh gia đình cháu Cẩm Tiên chúng ta tự hỏi: “Ai đã làm ra cảnh đau lòng đứt ruột này?”. Đó là những người THIẾU ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN TĨNH GIÁC.
Chính vì họ không biết thương mình, thương mọi người và thương mọi vật nên lái xe thiếu đức cẩn thận tĩnh giác giao thông. Thiếu đức hiếu sinh cẩn thận tĩnh giác giao thông thì tai nạn giao thông làm sao không xảy ra. Do mọi người sử dụng đường bộ không học ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN TĨNH GIÁC GIAO THÔNG nên hằng ngày tai nạn giao thông xảy ra khắp nơi trong nước, người chết, của cải tài sản hư hao không biết bao nhiêu kể sao cho hết.
 Cho nên làm người có ba đức cần phải học tập:
1- Đức hiếu sinh
2- Đức cẩn thận
3- Đức tĩnh giác
Ba đức này rất cần thiết cho bản thân, gia đình và xã hội. Đối với bản thân, đức hiếu sinh là đức thương mình. Vậy thương mình là thương như thế nào? Và phải thương làm sao? Thương mình là phải cẩn thận tĩnh giác từng bước đi, từng hành động chân tay, từng việc làm để tránh không gây thương tật hoặc chết chóc cho tất cả các loài vật sống quanh ta; thương mình là tạo mọi sự an vui hạnh phúc của chúng sinh và không để bị mất mát sự an vui đó; thương mình là đừng để mình làm điều ác và luôn luôn tạo điều kiện để mình làm điều lành, nhất là luôn luôn thương người và tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác. Nhờ đó tâm mới được thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu ai biết sống như vậy, đó chính là mình biết thương mình. Tóm lại, thương mình tức là thương mọi người và thương tất cả chúng sinh không còn làm cho mọi người và tất cả chúng sinh đau khổ một chút xíu nào nữa cả.
Tĩnh Giác Chánh Niệm trong đó có đầy đủ đức cẩn thận còn gọi là đức thận trọng. Người có đức cẩn thận khi đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong chánh niệm tĩnh giác. Chánh niệm tĩnh giác là ý tứ từng hành động thân, miệng, ý của mình, có nghĩa là tĩnh giác từng hành động đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, cúi, ngước, nhìn, ngó, liếc, háy và làm tất cả những công việc gì đều phải cẩn thận tĩnh giác thì việc làm không bị thất bại và còn tránh không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh.

Chánh Niệm Tĩnh Giác là một phương pháp dạy đức cẩn thận ý tứ từng hành động thân, miệng và ý để tập làm chủ thân tâm. Một người tu theo Phật giáo sẽ được hướng dẫn rất kỹ trong phương pháp này, vì phương pháp này rất quan trọng trong giai đoạn tu tập thứ nhứt về giới luật và đức hạnh. Phương pháp này có công năng giữ gìn và bảo vệ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, cho nên nó không phải là một pháp môn tỉnh thức tầm thường mà các con hiểu lầm nhiếp tâm tịnh chỉ ý hành để thâm nhập vào các loại thiền định.
Pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác là một phương pháp tu tập tĩnh giác để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi tuyệt vời trong pháp môn QUÁN VÔ LẬU. Khi tu tập pháp này xả tâm có hiệu quả hơn tất cả các pháp khác. Ở đây các con phải hiểu: “Pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác gồm có ĐỨC CẨN THẬN và ĐỨC THẬN TRỌNG, nhờ sống với đức cẩn thận và thận trọng nên không bao giờ chúng ta vô tình làm điều ác; làm những điều đau khổ cho mình và cho người khác”.
Thầy xin nhắc lại một lần nữa: Pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác gồm có ĐỨC HIẾU SINH CẨN TRỌNG TRONG CHÁNH NIỆM thân hành, miệng hành và ý hành của mình.
Trên đời này, nếu mọi người ai cũng sống với đức hiếu sinh cẩn thận trong chánh niệm thì làm sao có những hành động làm ác. Không có những hành động làm ác thì làm sao có những nhân quả cay nghiệt. Vì vô tình làm mọi việc thiếu đức hiếu sinh cẩn thẩn trong chánh niệm nên thường làm điều ác, do nhân làm điều ác mà quả phải gặt lấy những khổ đau. Cho nên thường xảy ra tai nạn như: tai nạn giao thông, cướp của giết người, bệnh tật nan y và còn vô vàn những tai nạn khác nữa. Những tai nạn xảy ra thường làm mình khổ, người khác khổ và muôn vạn vật khác cùng khổ đau.
Hôm nay cháu Cẩm Tiên sống như vậy cũng chỉ là một nghiệp báo nhân quả của mẹ cháu phải trả vay trong kiếp trước, chứ còn riêng cháu Cẩm Tiên sống như đã chết rồi còn biết đau khổ là gì đâu nữa mà gọi là trả nghiệp.
Chính trả nghiệp là mẹ của cháu Cẩm Tiên.
Chừng nào mẹ của cháu Cẩm Tiên trả nghiệp xong thì cháu Cẩm Tiên mới xuôi tay đi vào lòng đất lạnh.
Luật nhân quả ghê gớm lắm! Các con hãy cố gắng học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh thì các con mới không trả quả nghiệp báo đời sau. Biết rõ như vậy các con phải cố gắng ngăn ác, diệt ác pháp và luôn mãi sống với thiện pháp, đừng để ác pháp xen vào hành động thân, miệng, ý mà phải trả quả khổ đau, các con ạ! Nhờ sống thiện pháp các con mới chuyển được quả khổ đau của kiếp làm ngườiPhải cố gắng lên các con ạ! Con đường nhân quả không có ai đi thay cho ai được, mà chính các con phải tự đi lấy. Ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi...”. Đó là ý này vậy.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG: Nói đến nhân quả ai ai cũng sợ hãi vì nhân ác trong kiếp quá khứ mà kiếp hiện tại phải gặt lấy quả đau khổ.
Muốn chấm dứt những quả khổ đau của kiếp làm người không gì hơn là các con nên sống đạo đức nhân bản - nhân quả, tức là sống trong những hành động thân, miệng, ý thiện thì không có quả khổ nào đem đến cho các con được. Như các con đã biết, sống trong đạo đức nhân quả là các con sống trong 10 điều lành:
 Về thân gồm có 3 điều thiện:
1- Thân không giết hại, ăn thịt chúng sinh
2- Thân không lấy đồ vật không cho
3- Thân không tà dâm
Về khẩu gồm có 4 điều thiện:
1- Miệng không nói dối
2- Miệng không nói lời hung dữ
3- Miệng không nói xấu người khác
4- Miệng không nói lật lọng
Về ý gồm có 3 điều thiện:
1- Ý không tham danh, tham lợi
2- Ý không sân hận
3- Ý không si mê
Nếu biết nhân quả nghiệp báo khắc nghiệt thì chúng ta nên hằng ngày phải cảnh giác tâm mình, luôn luôn bảo vệ tâm sống đúng 10 điều lành của nhân quả thì cuộc đời này sẽ chấm dứt khổ đau.
 ĐOẠN 2: “Ngồi cạnh em là người mẹ tội nghiệp Nguyễn Thị Út Hoa, người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, khuôn mặt phờ phạc, rã rời. Gần một năm qua, mỗi khi có ai hỏi thăm đến con mình, lòng chị lại nhói đau, nước mắt không ngừng tuôn rơi. Chị không thể quên được cái buổi sáng hôm ấy, khi chị đón nhận một hung tin”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Hiếu Sinh Nghiệp Báo Nhân Quả Ý Hành.
 GIẢI TRÌNH ÁN: Nhân quả có ba phần phải trả:
1- Một là chính bản thân làm ác rồi chính bản thân phải trả quả.
 2- Hai là chính bản thân làm ác mà mọi người thân đều trả quả.
 3- Ba là chính bản thân làm ác mà mọi người không phân biệt thân sơ đều trả quả.
Trường hợp như cháu Cẩm Tiên trên đây, người lái xe gây tai nạn giao thông, cháu Cẩm Tiên và mẹ trả quả, rồi cả những người thân trong gia đình người lái xe, công an, tòa án và phóng viên báo chí, tất cả mọi đều có chung một nhân quả trả vay nhiều ít. Nhưng người trả quả nặng nhất chính là bản thân cháu Cẩm Tiên và người kế đó là mẹ của Cẩm Tiên. Thật là đáng thương tâm vô cùng.
Đứng trước cảnh nhân quả như thế này là một điều nhắc nhở các con phải tu tập tĩnh giác, để lúc nào cũng đề cao đức hiếu sinh cẩn thận tránh mọi việc làm vô tình gây ra bao nhiêu điều tội khổ cho nhau.
Đức hiếu sinh cẩn thận giao thông rất cần thiết cho những người lái xe. Nếu bắt đầu từ những người đi bộ cho đến những người lái xe đều biết giữ gìn đức hiếu sinh cẩn thận giao thông thì việc thi hành luật lệ giao thông sẽ được nghiêm chỉnh hơn, nhờ đó tai nạn giao thông sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tai nạn giao thông không xảy ra là một hạnh phúc rất lớn cho biết bao nhiêu người. Có đúng như vậy không các con? Nếu ai đến bệnh viện Chợ Rẫy đều thấy h àng chữ đỏ thống kê số vụ tai nạn giao thông trên tấm bảng ngoài cổng bệnh viện vẫn chạy đều như một lời cảnh báo. “Tính từ tháng 1/2003 đến tháng 3/2006 có 4.926 người chết, 88.771 người bị tai nạn giao thông”. Con số đáng báo động nhưng vẫn không ăn nhập gì với những người say cảm giác mạnh, hàng đêm thích phóng xe bạt mạng trên đường phố gần như bất chấp hậu quả.
Hằng ngày tai nạn giao thông đã cướp mất một số lượng người rất lớn, chết một cách thê thảm và có còn sống thì bị thương tật suốt đời.
Đó là một nỗi đau thương của mọi người trong khắp đất nước, không của riêng ai. Trước những mất mát đau thương như vậy, sao mọi người lại nỡ đành tâm làm ngơ trước cảnh thương tâm này. Ai có người thân chết vì tai nạn giao thông mới thấy cảnh xót dạ đau lòng tận cùng. Để tránh mọi tai nạn giao thông xảy ra, khi bước chân ra đường, dù đi bộ, xe đạp, xe gắn máy hay xe ôtô hay bất cứ một phương tiện di chuyển nào, mọi người đều lấy ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN GIAO THÔNG làm sự sống cho mình, cho người thì chắc chắn sẽ không bao giờ có cảnh thương tâm và đau lòng xảy ra nữa. Có đúng như vậy không quý vị?
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG: Chúng ta ai cũng biết nhân quả nghiệp báo là một điều đáng sợ, vì vô tình chúng ta tạo ra nghiệp báo ác thì phải lãnh chịu nghiệp báo khổ đau mà không làm sao thoát khỏi. Muốn ra khỏi nghiệp báo khổ đau thì chỉ có áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống hàng ngày, nhờ vậy mới luôn luôn tạo nhân quả nghiệp báo thiện. Có sống trong nghiệp báo thiện thì cuộc sống mới tìm thấy được sự an vui hạnh phúc. Vậy các con nên nhớ, phải luôn luôn sống với lòng yêu thương và tha thứ mỗi lỗi lầm của người khác để biết chắc mình không làm khổ mình, khổ người. Thì đó là sự giải thoát của đạo Phật.
ĐOẠN 3:“Khoảng 9 giờ ngày 16/3/2006, bé Tiên đang đi bộ trên quốc lộ 1A gần nhà trọ ở khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân thì Trần Thế Văn (sn 1985, ngụ khu phố 8, phường Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai) lùi chiếc xe tải nhẹ BS: 60M-0047, trên đường do thiếu quan sát đã đụng vào bé Tiên làm em té đập đầu xuống đất, bị thương rất nặng”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận Ý Hành, Thân Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN: Do thiếu đức hiếu sinh cẩn thận giao thông, bác tài xế Trần Thế Văn đã đụng cháu bé Cẩm Tiên té đập đầu xuống đất, bị thương nặng.
Do thiếu đức hiếu sinh cẩn thận giao thông, bác tài xế Trần Thế Văn gây ra một hậu quả thảm khốc vô cùng to lớn cho gia đình cháu bé Cẩm Tiên. Rồi đây cuộc sống họ sẽ ra sao? Tai nạn giao thông sẽ còn tiếp tục gây tai họa cho nhiều gia đình khác nữa, chứ không phải chỉ có một gia đình của cháu Cẩm Tiên mà thôi.
Cho nên chúng ta cần phải khắc phục và xóa sạch tai nạn giao thông trong cả nước bằng cách những người lãnh đạo đất nước bắt buộc toàn dân từ già chí trẻ đều phải học tập đức hiếu sinh cẩn thận giao thông.
Như chúng ta ai cũng biết, khắp đất nước từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau không có ngày nào là không có tai nạn giao thông, không chỗ này xảy ra thì chỗ khác. Sự mất mát quá lớn đối với một đất nước đang mở cửa hội nhập nền kinh tế thế giới, làm cho dân giàu nước mạnh thì phương tiện giao thông đường bộ rất cần thiết, nhưng nó cũng mang đến cho chúng ta những hậu quả mất mát kinh khủng. Vậy chúng ta phải làm sao? Không lẽ trố mắt đứng nhìn trước cảnh đau thương này chăng? Vì vậy cần phải được khắc phục những tai nạn giao thông. Vậy muốn khắc phục được những tai nạn giao thông như thế nào? Muốn khắc phục những tai nạn giao thông thì điều duy nhất chỉ có hai việc cần phải làm:
- Một là Bộ Giáo Dục cho biên soạn bộ môn ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN GIAO THÔNG, bắt buộc từ những người đi bộ, đi xe đạp cho đến những người lái xe 2 bánh, 4 bánh, 10 bánh, v.v.. đều phải học đạo đức này.
 - Hai là cho phổ biến đạo đức này khắp nơi trong nước, từ thành thị tới nông thôn, và trong các trường học bắt buộc mỗi công dân đều phải học tập.
Bộ sách nói trên cần phải được ra đời sớm chừng nào tốt chừng nấy, vì nó khắc phục được những tai nạn giao thông, đem lại sự bình an, yên vui cho toàn dân. Nhất là trong các trường học: Tiểu học, Trung học và Đại học, bộ môn này được xem là môn học chính trong chương trình giáo dục đào tạo của Bộ giáo dục. Nó cần phải được áp dụng ngay liền, gây phong trào xóa tai nạn giao thông đường bộ, mở ra những lớp học bình dân đức hiếu sinh cẩn thận giao thông đường bộ khắp nước, bắt buộc mọi công dân phải đi học, từ người đi bộ đến người lái xe có vận tốc cao.
 Sau khi đã học xong được cấp giấy chứng chỉ. Nếu người nào ra đường dù đi bộ, đi xe đạp hay lái xe gắn máy, ô tô, v.v.. không giữ gìn đức hiếu sinh cẩn thận giao thông đường bộ, mà còn vi phạm luật lệ giao thông thì phạt tiền, và còn cưỡng bức cải tạo học tập cho thấm nhuần đạo đức hiếu sinh cẩn thận giao thông đường bộ mới được trả tự do và cho hòa nhập với cộng đồng mọi người. Có như vậy tai nạn giao thông mới chấm dứt.
 KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Hầu hết tất cả những tai nạn giao thông xảy ra đều do thiếu đức hiếu sinh cẩn thận giao thông nên mới có sự mất mát đau thương như thế này, Nếu trên đường giao thông ai ai cũng giữ gìn đức hiếu sinh cẩn thận giao thông thì tai nạn giao thông sẽ chấm dứt. Đạo đức gắn liền với trách nhiệm và bổn phận. Một khi con người đã hiểu biết đạo đức thì ai cũng thấy trách nhiệm và bổn phận của mình. Vì không sử dụng đường giao thông thì thôi, chứ một khi đã sử dụng đường giao thông thì luôn luôn khởi lòng yêu thương mình, yêu thương người nên rất cẩn thận, khi đi hoặc băng qua đường đều ra dấu hiệu để mọi người sử dụng giao thông chú ý nên tai nạn giao thông không bao giờ xảy ra. Và vì vậy sinh mạng của mọi người, mọi loài vật đang đi trên đường chúng ta đều tránh không xảy những sự đáng tiếc và thương tâm.
 Hiện nay phương tiện giao thông chạy xe với tốc độ cao thì đức hiếu sinh cẩn thận giao thông rất cần thiết cho mọi người dân trong một nước phải được học tập thông suốt, đó là một việc bức xúc cần phải làm ngay liền. Vậy muốn cho những tai nạn giao thông không xảy ra trên đất nước và những nỗi mất mát thương đau không còn nữa, thì chúng tôi yêu cầu các Nhà lãnh đạo có thẩm quyền cần nên lưu ý nền đạo đức nhân bản hiếu sinh cẩn thận giao thông.
 Nếu nói về đức cẩn thận thì không những cẩn thận giao thông trên đường bộ mà còn cẩn thận trong mọi công việc làm. Khi người nào biết giữ gìn đức cẩn thận trong công việc thì việc làm dễ thành công trên đường đời. Làm việc gì cẩn thận thì dù việc nhỏ hay việc lớn đều đạt được kết quả tốt đẹp. Cho nên đức cẩn thận rất cần thiết cho mọi người ở đời. Vậy các con nên ghi nhớ những lời dạy này.
ĐOẠN 4:
“Sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, em xuất viện về nhà với thương tật vĩnh viễn 84%, não bộ bị liệt gần như hoàn toàn, giờ chỉ còn sống đời sống thực vật”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Nhân Quả Nghiệp Báo Do Thiếu Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận Tĩnh Giác Ý Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN:
Cháu bé Cẩm Tiên sống mà như chết. Thật đáng thương tâm. Trong quá khứ cháu Cẩm Tiên đã sống thiếu đức hiếu sinh cẩn thận tĩnh giác nên thường vô tình tạo ra nhiều điều khổ đau cho chúng sinh, nên kiếp này cháu phải trả quả. Trả quả một cách thật là cay nghiệt, nằm tại chỗ sống mà chẳng biết gì cả. Thật là tội nghiệp vô cùng, nhất là mẹ cháu phải chăm sóc ăn uống và vệ sinh hằng ngày.
 Thật sự, sống như cháu Cẩm Tiên chết còn sướng hơn, nhất là mẹ cháu, làm sao bỏ con được, phải chăm lo như thế rồi lấy tiền đâu mà sống.
Nhìn cảnh sống nghiệp báo này, chúng ta phải cảnh giác bản thân mình, phải sống như thế nào để bản thân khỏi phải thọ nghiệp báo cay nghiệt như vậy? Muốn sống một đời sống được bình an yên lành thì không gì khác hơn là phải hằng ngày sống biết ngăn và diệt từng tâm niệm ác của mình. Vậy muốn làm được việc này thì phải làm sao? Hằng ngày chúng ta nên tập luyện CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC theo từng hành động thân, miệng, ý của mình, tức là sử dụng ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN từng hành động. Khi muốn làm một việc gì, muốn nói một điều gì, muốn suy nghĩ một điều gì đều phải suy nghĩ kỹ càng rồi mới làm, mới nói, không được nói đại, làm đại, nhưng khi làm hay nói đều phải cẩn thận từng lời nói, từng hành động. Nhất là tránh những hành động thiếu tĩnh giác, vì những hành động thiếu tĩnh giác vô tình làm khổ đau hay đem lại sự chết cho chúng sinh. Ví dụ khi bước đi thiếu tĩnh giác giậm đạp lên chúng sinh khiến chúng chết hoặc bị thương gãy chân, tay một cách khổ đau và thảm thương. Nhưng những nhân quả vô tình ấy chúng ta cũng không tránh khỏi nghiệp vô tình. Như cháu Cẩm Tiên, người lái xe vô tình chứ đâu cố ý. Chỉ vì người lái xe thiếu đức hiếu sinh cẩn thận giao thông, không tập luyện tĩnh giác, không học đạo đức hiếu sinh cẩn thận giao thông, nên vô tình đem đến cho gia đình cháu Cẩm Tiên một tai họa đau khổ khôn lường.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta hãy lập đức hiếu sinh cẩn thận, tức là lấy đức hiếu sinh cẩn thận làm cuộc sống của mình, vì là cuộc sống nên phải luôn luôn cẩn thận trong mọi việc làm, trong mọi bước đi, trong mọi lời nói. Vì chúng sinh đang sống quanh ta rất nhỏ nhít, nếu không tĩnh giác, thiếu cẩn thận vô tình chúng ta cũng có thể làm chết, gây thương tích làm chúng đau khổ.
 Bản thân có tĩnh giác thì đức hiếu sinh cẩn thận lúc nào cũng có, do đó chúng ta thường sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh. Thường người ta hay làm khổ cho nhau là vì thiếu đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận.
 Đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận thường mang đến sự bình an cho cá nhân mình và đem lại hạnh phúc yên vui cho mọi người trong gia đình, nhất là tai nạn giao thông sẽ không bao giờ xảy ra.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Nhân nào quả nấy, mẹ và cháu Cẩm Tiên phải chịu trả quả một cách cay đắng rất đáng thương. Nhìn cảnh này chúng ta phải đề cao cảnh giác tất cả những việc làm, cẩn thận tránh sao không làm những điều đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả muôn loài vật khác. Đấy là chúng ta đã gieo nhân thiện thì phải gặt lấy những quả an vui, do đó cuộc đời chúng ta không bao giờ có những tai nạn này hay tai nạn khác xảy ra. Còn nếu chúng ta không cảnh giác cẩn thận, vô tình làm những điều ác không hay thì phải trả những quả đau khổ trong hiện kiếp và còn những kiếp ở tương lai nữa.
ĐOẠN 5: “Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố cho tại ngoại bị can Trần Thế Văn về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Thiếu Đức Hiếu Sinh Tĩnh Giác Cẩn Thận Giao Thông Ý Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN:Hằng ngày tai nạn giao thông thường xảy ra gây bao đau thương mất mát quá lớn cho con người. Các Nhà lãnh đạo đất nước tìm mọi cách để chặn đứng, nhưng chặn đứng không được, tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra. Cảnh sát giao thông đường bộ rất vất vả, nhưng tai nạn không bao giờ chấm dứt.
 Khi con người văn minh tiến bộ thì phương tiện giao thông đi lại tiện lợi hơn nhiều, tốc độ nhanh chóng tiết kiệm được nhiều thời gian thì tai họa lại ập xuống đầu con người. Nếu con người không tìm ra nguyên nhân của nó để khắc phục thì hậu quả tai nạn giao thông sẽ xảy ra, người chết và thương tật suốt đời không lường được.
 Ở đây chúng ta nên biết: Nguyên nhân tai nạn giao thông là do mọi người sử dụng đường bộ THIẾU ĐỨC TĨNH GIÁC HIẾU SINH CẨN THẬN GIAO THÔNG.
 Lượng xe cộ mỗi ngày gia tăng, đường xá mỗi ngày được xây dựng rộng lớn, vì thế tốc độ xe chạy quá nhanh mà đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận giao thông không được Nhà nước trang bị cho toàn dân học tập, thì không làm sao tránh khỏi tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày. Đó là điều chắc chắn ai cũng biết.
 Tai nạn giao thông là một nỗi đau không của riêng ai, nó là của chung của đất nước, vì vậy trách nhiệm của mỗi công dân trong nước khi sử dụng giao thông đường bộ thì phải cẩn thận. Dù là đi bộ cũng phải đi đúng luật giao thông, khi muốn băng qua đường phải làm dấu hiệu đưa tay, chứ không được chạy ẩu băng qua đường đại mà phải cẩn thận. Còn những người lái xe phải thấy trách nhiệm và bổn phận của mình là phải sống với đức hiếu sinh cẩn thận giao thông đường bộ, không được chạy lạng lách, không được vượt mặt chạy ẩu, không được chạy quá tốc độ làm chủ, không được uống rượu lái xe, v.v... Có giữ gìn đức hiếu sinh cẩn thận giao thông thì mới không đem tai họa cho mình, cho người; thì mới bảo vệ sự sống cho nhau.
 KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Đức cẩn thận là một đức hạnh cần thiết cho mọi người, nếu ai sống với đức cẩn thận thì sẽ được bình an yên vui. Đức cẩn thận ai cũng nói được, nhưng phải được tập luyện cho thành thói quen, muốn thành thói quen thì hằng ngày phải tập luyện Chánh Niệm Tĩnh Giác, nếu không tập luyện Chánh Niệm Tĩnh Giác thì rất khó trở thành thói quen cẩn thận. Bản chất con người vội vàng, vụt chạt, v.v... Chỉ nhìn cách đi đứng là biết ngay người có đức cẩn thận hay không một cách dễ dàng.
 Các con nên lưu ý, trong Chánh Niệm Tĩnh Giác có đầy đủ Đức Cẩn Thận, nên chỉ cần tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác là có đủ.
ĐOẠN 6: “Mặc dù đã về nhà, nhưng tháng nào bé Tiên cũng phải tái khám. Thuốc men chi phí lên đến hơn hai triệu đồng/tháng, trong khi hoàn cảnh của chị Hoa rất khó khăn. Từ Cần Thơ, lên thành phố kiếm sống rồi lấy chồng, ly hôn, một mình chị dắt hai đứa con rời khỏi nhà chồng đi thuê phòng trọ, làm lụng nuôi con.
 Cuộc sống của 3 mẹ con rau cháo qua ngày, chị mong từng giờ các con của mình lớn lên được học hành, đi làm để sớm có đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng mong mỏi đó của chị hoàn toàn sụp đổ khi bé Tiên bị tai nạn giao thông”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Nghiệp Báo Nhân Quả Khắc Nghiệt, Kiếp Trước Gieo Nhân Nào Thì Kiếp Này Phải Trả Quả Nấy.
GIẢI TRÌNH ÁN: 
Sinh ra làm người không ai muốn mình phải trả quả khổ như thế này. Phải không quý vị? Sinh ra từ nhân quả, được nuôi sống trong nhân quả, lớn lên cũng từ nhân quả và chết đi cũng theo nhân quả mà tái sanh. Như vậy nhân quả muốn chúng ta khổ là chúng ta khổ, muốn chúng ta sướng là chúng ta sướng. Vì thế khổ vui của đời người chỉ trong vòng nhân quả, chúng ta chỉ là hình nộm hay con rối của nhân quả mà thôi, cho nên xét cho cùng chúng ta chẳng có cái gì là của chúng ta cả. Vậy mà mọi người mê muội, vô minh cố chấp cho các pháp thường còn, thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nên quan trọng mọi việc, hễ có xảy ra việc gì thì ăn thua đủ, quyết tâm bảo vệ cái TA, cái CỦA TA. Do đó làm mọi việc ác mà không biết, làm tay sai cho nhân quả mà không hay. Từ chỗ làm điều ác mà chịu quả khổ đau vô cùng, vô tận; từ chỗ làm việc ác là làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Chính chỗ ăn thua đủ với mọi người để bảo vệ cái ta, cái của ta là chỗ nhân quả điều khiển chúng ta đi vào trong ác pháp. Chính chỗ chúng ta muốn hơn người là chỗ nhân quả sai khiến chúng ta, biến chúng ta thành tên nô lệ của chúng. Chính chỗ chúng ta giận hờn, thương, ghét, sợ hãi, lo toan, rầu rĩ, buồn khổ là đã làm tay sai cho nhân quả. Chính chỗ chúng ta phiền não thân bị bệnh tật, ốm đau, tai nạn này, tai nạn khác là chúng ta đang bị nhân quả làm chủ tâm ta. Chính chỗ chúng ta đang khởi niệm lăng xăng là nơi tiếp tục tái sanh, sinh tử luân hồi.
 Còn ngược lại, tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; tâm thanh thản, an lạc và vô sự là nơi chấm dứt tái sanh luân hồi.
 Muốn thoát ra khỏi vòng tay nhân quả, điều duy nhất chúng ta phải bảo vệ và giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn lúc nào cũng phải giữ gìn trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nơi đó là nơi không bao giờ có nhân quả và nhân quả cũng không bao giờ dám bén mảng đến nơi đó được.
 Cho nên chỗ không nhân, không quả là chỗ chúng ta về. Chỗ giải thoát hoàn toàn tức là Niết bàn. Chỗ không nhân, không quả là chỗ bất động tâm trước ác pháp, chứ không phải chỗ không niệm thiện, niệm ác (không vọng tưởng).
 Chỗ không niệm thiện, niệm ác là chỗ tưởng giải của Thiền tông và kinh sách phát triển của Bà La Môn. Kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “Chẳng niệm thiện, niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”, kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.
 Trong kinh sách Nguyên Thủy, Phật dạy tâm BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP thì các tổ lại hiểu thành tâm “không niệm thiện, niệm ác”, hiểu như vậy làm sao đúng nghĩa được. Phải không quý vị? Vì hiểu nghĩa sai nên từ xưa cho đến nay quý thầy tổ không có ai tu chứng quả A La Hán được.
 Chúng ta thường hiểu một cách sai lệch chỗ không niệm khởi là Phật tánh, là bản lai diện mục. Chỗ không niệm của Thiền tông và kinh sách Đại thừa là chỗ ức chế tâm vô niệm theo phương pháp Niệm Khởi Liền Buông. Niệm khởi liền buông là một phương pháp tu tập thiền của Thiền tông Trung Hoa. Nó tu theo kiểu ức chế tâm và cũng giống như phương pháp niệm Lục Tự Di Đà nhất tâm bất loạn của Tịnh Độ tông. Những phương pháp này do các tổ tưởng giải sinh ra, vì cho rằng chỗ tâm không khởi niệm thiện, niệm ác là Phật tánh, là cõi Cực Lạc, v.v...
 Chỗ tâm BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP của Phật dạy trong kinh Nguyên thủy Nikaya thì phải tu tập bằng những phương pháp xả tâm như: Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Niệm Hơi Thở. Bốn loại định này hỗ trợ cho pháp môn TỨ CHÁNH CẦN để ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp bằng tri kiến giới luật đức hạnh. Cho nên người tu tập không bị ức chế tâm mà đạt được tâm bất động một cách rất tự nhiên, vì xả tâm bằng sự hiểu biết của tri kiến nên tâm luôn luôn ở trong trạng thái bất động.
Bất động do tâm tham, sân, si, mạn, nghi đã được quét sạch thì tâm tự nhiên không niệm ác.
Tâm tự nhiên không niệm ác, từ đó chúng ta mới ở trên TỨ NIỆM XỨ mà tu tập để quét sạch những gốc dục vi tế, khi gốc dục vi tế được quét sạch thì BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI xuất hiện, tức là TỨ THẦN TÚC đầy đủ. Do đó chúng mới đủ nội lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết và tự tại trong sinh tử luân hồi, chừng đó muốn sống, muốn chết hồi nào cũng dễ dàng.
Lúc bấy giờ nhân quả nghiệp báo không còn tác động vào chúng ta được nữa. Chúng ta tự tại đi trong bão tố của nhân quả. Nhưng nhân quả không làm động sợi tóc, chân lông của chúng ta được.
Phật pháp vi diệu như vậy, nếu chúng ta nhiệt tâm quyết chí tu hành, tâm không còn dính mắc danh, lợi thế gian; không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, và chúng ta không còn cho cuộc đời này thật có, là của ta thì nhân quả không còn chỗ sai khiến chúng ta được nữa. Không còn sai khiến chúng ta được nữa thì con đường làm chủ sinh, già, bệnh, chết mở rộng thênh thang cho chúng ta bước đi một cách thung dung, thong thả, tự tại, vô ngại, v.v... và cuối cùng chẳng còn lo sợ nghiệp báo luân hồi tái sinh gì cả.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Luật nhân quả rất công bằng, nó sẽ không tha thứ cho một ai nếu chúng ta làm ác. Vì thế các con phải nhớ sống đúng đạo đức nhân quả 10 điều thiện và nên tránh xa 10 điều ác. Có làm được như vậy các con mới thoát ra mọi sự khổ đau của nhân quả.
ĐOẠN 7: “Phía gây tai nạn đã có những bồi thường trong quá trình bé Tiên nằm viện, nhưng kể từ khi cháu về nhà, gần một năm nay họ không ngó ngàng tới. Toàn bộ tài sản còm cõi của mẹ con đã bán sạch để lo thuốc thang cho Cẩm Tiên, nhưng tình trạng của bé ngày càng xấu đi. Mặt khác, từ ngày con gặp nạn, chị Hoa phải ở nhà chăm sóc cho con, không đi làm được, nguồn thu nhập vì thế cũng mất. Hiện mẹ con chị Hoa đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó vụ án vẫn chưa được cơ quan bảo vệ pháp luật quận Bình Tân đưa ra xét xử để có những phán quyết về đền bù dân sự”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN:Đức Hiếu Sinh Ý Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN:
Tai nạn giao thông đã để lại một sự mất mát rất lớn mà không có một vật gì bù đắp cho gia đình người gặp tai nạn. Dù là pháp luật xét xử bồi thường, nhưng làm sao bồi thường được những gì đã mất cho những người bị tai nạn giao thông. Trường hợp như cháu Cẩm Tiên, tai nạn xảy ra đã cướp mất con người bình thường của cháu, để lại cho cháu một con người loạn trí, đâu còn biết gì nữa, sống như loài thực vật. Cháu Cẩm Tiên sống mà như người chết. Vậy có tiền bạc nào bồi thường cho cháu được không? Nhìn hoàn cảnh của cháu Cẩm Tiên thì mọi người lái xe nghĩ sao? Muốn tiện lợi cho sự đi lại nhanh chóng thì không có người nào không biết lái xe. Như vậy trong một đất nước có bao nhiêu người dân là có bao nhiêu lái xe, không có một người dân nào không biết lái xe. Vì thế trách nhiệm bổn phận của mỗi người dân từ già chí trẻ, khi ra đường đi bộ hay lái xe đều phải thuộc và thi hành đúng luật lệ giao thông đường bộ. Như vậy chưa đủ, mà còn phải học đạo đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận giao thông.
Muốn cho mọi người dân trong nước đều thông suốt luật lệ giao thông đường bộ thì luật lệ này phải trở thành một môn học như các môn học khác trong chương trình giáo dục.
Học luật lệ giao thông đường bộ chưa đủ để tai nạn giao thông chấm dứt. Muốn tai nạn giao thông chấm dứt thì mỗi người dân trong nước không những thông suốt luật lệ giao thông mà còn phải học đạo đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận giao thông. Vì đạo đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận giao thông mới là vấn đề quan trọng trong việc đi lại, nhờ đó tai nạn giao thông không xảy ra.
Khi ra đường, vì thiếu cẩn thận mà người lái xe chạy ẩu quá tốc độ, chạy lạng lách, chạy sai luật lệ giao thông, v.v... Nhất là người lái xe không nên uống rượu, khi uống rượu say con người không còn trí sáng suốt, mất tĩnh giác, luôn luôn sống trong bản ngã của loài động vật nên đạo đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận giao thông không có, còn luật lệ giao thông đường bộ chẳng còn biết là gì. Một con người như loài động vật mà lái xe là nguy hiểm cho mọi người, tai nạn giao thông thường xảy ra là do những người uống rượu say. Người uống rượu say không được lái xe dù bất cứ một loại xe nào.
 Người uống rượu say đi bộ vẫn gây ra tai nạn giao thông. Cho nên người uống rượu say không được tham gia giao thông trên đường, họ chỉ nằm nghỉ, khi nào hết say mới cho phép di chuyển trên đường.
Tai nạn giao thông xảy ra là mang đến cho con người mất mát rất lớn không lấy gì bù đắp cho được, vì thế chúng ta nên cẩn thận, khi đi bộ hay lái xe phải hết sức cẩn thận để tránh bất cứ một tai nạn nào xảy ra.
 Ở đây vấn đề quan trọng là sinh mạng con người, mọi người cần phải xem trọng mạng sống con người. Cho nên bất cứ vì điều gì, chúng ta là người thì phải bảo vệ mạng sống của con người, chứ không thể xem thường mạng sống của người khác.
 Muốn bảo vệ mạng sống của mình, của người khác và của tất cả chúng sinh, thì tốt hơn hết là phải sống với đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận, lúc nào cũng phải tĩnh giác cẩn thận trong từng ý nghĩ, từng lời nói và từng hành động tay chân, khi bước đi, khi cầm nắm. Tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận là một đức hạnh bảo vệ sự sống của mình, của người khi lưu thông trên đường bộ, nhờ đó tai nạn giao thông chấm dứt, xin quý vị lưu ý cho.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Chỉ có đức hiếu sinh thì các con mới giữ gìn trọn vẹn 10 điều thiện, ngoài đức hiếu sinh mà đi tìm 10 điều thiện như mò kim đáy biển, các con có nhớ chưa? Có đức hiếu sinh thì phải có đức cẩn thận, có đức cẩn thận thì mới giữ gìn luật giao thông đường bộ trọn vẹn, nhờ đó tai nạn giao thông sẽ chấm dứt.
 Mỗi khi bước ra đường đều nên nhớ bổn phận và trách nhiệm là phải sống đúng ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH CẨN THẬN GIAO THÔNG .
 Đó là một hành động sống đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho cả hai.
ĐOẠN 8: “Sức khoẻ bé Tiên ngày một suy sụp, vì phải sống trong điều kiện thiếu thốn cả về thuốc men lẫn ăn uống. Chị Hoa đã xoay xở mọi cách, vay mượn khắp nơi nhưng cũng đành bất lực, không thể kiếm thêm tiền chạy chữa cho con. Ngồi buồn bã trong căn phòng trọ ở số 396 quốc lộ 1, khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, nhìn đứa con gái vốn hiếu động, học giỏi mà giờ nằm bất động khiến chị Hoa không cầm nổi nước mắt. Năm hết Tết đến, nhìn người ta đua nhau đi sắm Tết lòng chị lại càng nặng trĩu nỗi buồn tủi”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Nhân Quả Nghiệp Báo Hiện Kiếp Trả Vay.
GIẢI TRÌNH ÁN: Hỡi các lái xe! Hãy nhìn hoàn cảnh của chị Hoa trong bài báo này. Thật đáng thương phải không quý vị? Ai đã gây ra thảm cảnh này quý vị có biết không? Lái xe Trần Thế Văn ư? Không phải đâu quý vị ạ! Trần Thế Văn lái xe do thiếu Đức Tĩnh Giác Hiếu Sinh Cẩn Thận Giao Thông mới gây ra tai nạn thảm khốc cho gia đình chị Hoa. Trần Thế Văn không bao giờ muốn xảy ra tai nạn này, nhất là đối với gia đình của chị Hoa thì lại càng không muốn. Phải không bác tài Trần Thế Văn? Chỉ tội nghiệp cho bác tài Trần Thế Văn kể từ tuổi còn bé thơ cắp sách đến trường, cho đến khi bác trở thành một tài xế lái xe chưa bao giờ từng được học tập và rèn luyện Đức Tĩnh Giác Hiếu Sinh Cẩn Thận Giao Thông, nên tai nạn giao thông làm sao tránh khỏi. Phải không bác Thế Văn? Cho nên người lái xe thường thiếu đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận thì tai nạn giao thông mới xảy ra, mang đến mọi sự mất mát to lớn là một nỗi đau buồn thê thảm cho mình và mọi người.
 Bởi vậy nếu nhà nước muốn chấm dứt tai nạn giao thông trên toàn quốc, thì chương trình giáo dục xóa tai nạn giao thông phải được phổ biến lớp học đạo đức tĩnh giác hiếu sinh cẩn thận lái xe đường bộ từ thôn quê, xóm, ấp đến thị xã, thị trấn, thành phố đô thị, vv...
 Có tổ chức học tập như vậy thì tai nạn giao thông mới chấm dứt. Và nhờ đó cả nước nhân dân đều sống an vui, không còn lo lắng, sợ hãi khi bước chân ra đường.
 Chúng tôi ước mong sao các Nhà lãnh đạo đất nước vì sự sống bình an của nhân dân mà hãy mau mau mở những lớp học đạo đức nhân bản - nhân quả, thì trên các trục lộ giao thông sẽ không còn tai nạn giao thông xảy ra nữa và nạn ách tắc xe cộ cũng sẽ chấm dứt.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Nhân quả thì không thể trốn thoát, dù trốn bất cứ nơi đâu, bay lên trời hay chui xuống biển cũng không thoát khỏi khi đã làm 10 điều ác. Làm 10 điều ác thì trả quả ngay liền trong kiếp này và còn tiếp tục trong kiếp khác nữa. Các con nên lưu ý vấn đề này là vấn đề nhân quả nghiệp báo, vì thế suốt đời nên thực hiện 10 điều lành. Chính 10 điều lành này mà cuộc đời các con mới có sự an vui chân thật.
ĐOẠN 9:“Trong khi chờ đợi sự phán quyết của pháp luật, chúng tôi mong mỏi lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa hãy giúp mẹ con chị Hoa vượt qua cơn khốn khó”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Hiếu Sinh Kêu Gọi Lòng Hảo Tâm Khẩu Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN: Đứng trước cảnh đau lòng này, tác giả bài báo kêu gọi đọc giả bốn phương hãy mở rộng lòng thương yêu, kẻ ít người nhiều cứu giúp chị Hoa trong lúc cuộc sống quá bi đát gần như kiệt quệ, nếu đi làm thì không ai chăm sóc cho bé Cẩm Tiên, mà chăm sóc cho bé Cẩm Tiên thì lấy gì mà sống, vả lại tiền thuốc thang và ăn uống cho cháu Cẩm Tiên làm sao có để chi trả. Bỏ cháu Cẩm Tiên thì mẹ cháu bỏ con sao đành, mà ôm nuôi thì lấy đâu ra để sống cho hai mẹ con, thật là tội nghiệp vô cùng. Đứng trước cảnh này ai mà không đau xót. Phải không các con? Nhân quả nghiệp báo sao mà khắc nghiệt quá vậy, nhân nào thì phải trả quả nấy, nhưng biết làm sao đây bây giờ? Kính thưa quý vị! Nhân quả không khắc nghiệt, nhân nào quả nấy thì phải trả vay, đó là quy luật công bằng đối với vạn vật trong vũ trụ.
Đứng trước hoàn cảnh gia đình của cháu Cẩm Tiên ,chúng ta lấy đó làm một bài học nhân quả cho đời mình. Ngay từ bây giờ chúng ta phải tập sống năm đức căn bản của loài người và mười điều lành nhân quả của thập thiện thì mới mong chuyển đổi nhân quả nghiệp báo ác của đời mình thành nhân quả nghiệp báo thiện, nhờ đó cuộc sống của chúng ta mới được bình an và vô sự.
 Trước khi muốn sống với năm đức nhân bản và mười hạnh nhân quả thiện thì chúng ta phải tu tập và rèn luyện Chánh Niệm Tĩnh giác, nhờ có Chánh Niệm Tĩnh Giác chúng ta mới sống trọn vẹn với năm đức, mười hạnh. Năm đức và mười hạnh mới làm thay đổi cuộc đời, mới đem lại sự bình an cho loài người.
 Người tu theo Phật giáo mà không giữ gìn đúng những giới luật cơ bản mang đầy đủ đúng năm đức, mười hạnh này thì không thể nào chuyển hóa được nhân quả nghiệp báo. Không chuyển hóa được nhân quả nghiệp báo thì con đường tu hành chẳng có ích lợi gì cho bản thân, mà còn phí công vô ích của mình. Suốt cuộc đời mang tiếng tu hành nhưng tu hành chẳng tìm thấy sự giải thoát chân thật, toàn là ảo giác.
 Nói NĂM ĐỨC, MƯỜI HẠNH của Phật giáo người ta rất xem thường, vì cho nó là Ngũ Giới và Thập Thiện, nhưng nó rất cơ bản cho con đường giải thoát của Phật giáo. Quý vị đừng đi tìm những pháp cao siêu mầu nhiệm, vì những pháp cao siêu mầu nhiệm là những pháp tưởng mà những người sống trong mơ mộng dựng lên để tự lừa đảo mình và mọi người.
 Nói về tôn giáo hay bất cứ một giáo pháp nào, người ta đều chọn pháp môn thiền định, cho là một pháp môn tối tôn, tối thượng. Cho nên người ta nói về thiền định rất nhiều, nhưng người ta không biết cách thức tu tập thiền định như thế nào đúng, như thế nào sai. Vì thế người ta đã tu tập sai pháp, không đúng chánh thiền định nên không có ai nhập được chánh thiền, chánh định, chỉ toàn nhập vào định tưởng. Và cuối cùng người ta nói thiền định rất nhiều nhưng chẳng ai biết thiền là gì cả.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Lòng hảo tâm có nghĩa là lòng tốt, tức là đức bố thí. Người bố thí là người biết thương người bất hạnh trong xã hội. Đức bố thí rất cần thiết cho mọi người, nó giúp mọi người xả tâm bỏn xẻn ích kỷ rất dễ dàng.
 Ngày xưa đức Phật đi xin ăn là mục đích tạo duyên bố thí cho mọi người, để cơm ăn áo mặc của họ không thiếu hụt và có thể trở thành giàu sang phú quý, nhất là gặp được chánh pháp giải thoát. Bởi vậy làm người chúng ta nên sống với đức bố thí, trong đức bố thí nó đầy đủ tình thương yêu chân thật. Bố thí mà không có lòng yêu thương chân thật thì bố thí đó chỉ là hình thức để lừa đảo mọi người làm danh, làm lợi, v.v... mà thôi.
 Đức bố thí thật sự phải mang đầy đủ đức hiếu sinh. Ở đâu có đức hiếu sinh thì ở đó có đức bố thí chân thật.
 Ở đây chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa bố thí. Bố thí là phải vì lòng yêu thương người bất hạnh, vì thấy cảnh khổ của người khác mà đem đến chia sẻ sự bình an với họ; chia sẻ tiền của, cơm ăn, áo mặc; chia sẻ công sức giúp nhau; chia sẻ những lời an ủi; chia sẻ những hành động yêu thương, v.v...
Đức bố thí bao giờ cũng đi đôi với đức hiếu sinh, cho nên gọi là ĐỨC HIẾU SINH BỐ THÍ.
Con người nói thương nhau thì phải qua những hành động bố thí, nếu không có hành động bố thí thì nói thương nhau chỉ là lời nói suông mà thôi.
_________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. Giáo án rèn nhân cách Lớp ngũ giới: ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH, Nxb. Tôn Giáo, 2012)
Link: https://mega.co.nz/#!TcMTBYzT!_wb3sGFMdjxS2MyWmzAmMCxmtINmGN6jY77WUUl9JXE