Ngày 14 tháng 4 năm 1912, trong hành trình lần đầu tiên đến châu Mỹ, con tàu chở khách sang trọng Titanic mang số hiệu “Con tàu không bao giờ chìm” đã va vào một tảng băng trôi và thân tàu dần chìm xuống.
Trên tàu, hơn 2.200 hành khách bắt đầu nhốn nháo trong nỗi kinh hoàng, thuyền cứu hộ chỉ cứu được rất ít người, ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em. Lúc này, một phụ nữ trung niên gào lên nói với đội cứu sinh trên chiếc thuyền đã đầy ắp người: “Có ai có thể cho tôi một vị trí không? Hai con tôi đang ở trên đó”.
Có người trả lời: “Không còn chỗ nữa, phải lên, phải lên bớt người, thuyền cứu hộ chìm mất!”.
“Mẹ!”. Hai đứa trẻ khóc òa lên, người phụ nữ thấy trong lòng đau như dao cắt.
Một cô gái lạ ngồi bên cạnh hai đứa trẻ từ từ đứng lên, rời khỏi thuyền cứu hộ trở lại con tàu đang bị chìm, nói với người mẹ đang đau khổ tuyệt vọng: “Bây giờ bên các con chị có một chỗ trống, chị mau sang bên đó đi. Tôi chưa kết hôn, chưa có con!”.
Sau hai giờ, tàu Titanic chìm xuống, cô gái lạ đã không may gặp nạn cùng với hơn 1.500 người. Không có ai hiểu nhiều, chỉ nghe cô ấy gọi: “Evin, tự mình ngồi trên tàu, chuẩn bị về ngôi nhà đầy sóng vỗ, bố sẽ đón con”.
(Phan Thanh Anh - biên soạn 149 câu chuyện thấm đậm tình người, trang 88, bài 45 - Sự Hy Sinh Cao Cả)
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Ngày 14 tháng 4 năm 1912, trong hành trình lần đầu tiên đến châu Mỹ, con tàu chở khách sang trọng Titanic mang số hiệu “Con tàu không bao giờ chìm” đã va vào một tảng băng trôi và thân tàu dần dần chìm xuống”. Câu nói về duyên tan cộng nghiệp nhân quả của con tàu Titanic.
2- “Trên tàu, hơn 2.200 hành khách bắt đần nhốn nháo trong nỗi kinh hoàng, thuyền cứu hộ chỉ cứu được rất ít người, ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em. Lúc này, một phụ nữ trung niên gào lên nói với đội cứu sinh trên chiếc thuyền đã đầy ắp người: “Có ai có thể cho tôi một vị trí không? Hai con tôi đang ở trên đó”. Câu này nói về nghiệp báo nhân quả của 2.200 hành khách trên tàu.
3- “Có người trả lời: “Không còn chỗ nữa, phải lên, phải lên bớt người, thuyền cứu hộ chìm mất!”.
“Mẹ!”. Hai đứa trẻ khóc òa lên, người phụ nữ thấy trong lòng đau như dao cắt”. Câu này chỉ cảnh địa ngục trần gian.
4- “Một cô gái lạ ngồi bên cạnh hai đứa trẻ từ từ đứng lên, rời khỏi thuyền cứu hộ trở lại con tàu đang bị chìm, nói với người mẹ đang đau khổ tuyệt vọng: “Bây giờ bên các con chị có một chỗ trống, chị mau sang bên đó đi. Tôi chưa kết hôn, chưa có con!”. Câu này dạy đức hiếu sinh cứu người một hướng khẩu hành, thân hành tuyệt vời.
5- “Sau hai giờ, tàu Titanic chìm xuống, cô gái lạ đã không may gặp nạn cùng với hơn 1.500 người. Không có ai hiểu nhiều, chỉ nghe cô ấy gọi: “Evin, tự mình ngồi trên tàu, chuẩn bị về ngôi nhà đầy sóng vỗ, bố sẽ đón con”. Câu này dạy đức hy sinh hiếu sinh một hướng thật tuyệt vời.
Đây là đạo đức hiếu sinh một hướng tuyệt vời, cô Evin đã biết hy sinh mình để cho hai cháu bé không mất mẹ. Một hành động cao thượng đáng ca ngợi và đáng khâm phục.
Ở đây, chúng ta đang học đức hiếu sinh từ một hướng đến nhiều hướng, để biết phân biệt rõ ràng.
Đạo đức hiếu sinh một hướng thường có sự hy sinh bản thân thân mình để đem lại sự an vui cho người khác. Đó là nhân quả nghiệp báo đời trước.
Cho nên cô Evin tuy hy sinh mình chết theo con tàu Titanic cho hai em bé không mất mẹ, nhưng trước khi chết cô nhớ thương bố cô lắm! Cô gọi bố đón cô. Có lẽ bố cô đã ra người thiên cổ.
Câu chuyện hy sinh sự sống của mình để cho người khác sống thật là cao cả, khiến mọi người đều xúc động. Từ câu chuyện Vết Thẹo người mẹ hy sinh cứu con mình, đến chuyện con chim ưng hy sinh mình để cứu chủ - Thành Cát Tư Hãn, rồi cô gái Evin hy sinh mình để hai em bé không mồ côi mẹ. Những hy sinh ấy thật là cao cả, nhưng nó là đức hiếu sinh một hướng của nhân quả quá nghiệt ngã.
Vì thế đạo Phật ra đời xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả với đức hiếu sinh nhiều hướng để chuyển hóa, làm thay đổi nhân quả nghiệt ngã, để đưa con người ra khỏi mọi sự khổ đau.
Hỡi các tu sinh! Đây chỉ là một đạo lộ duy nhất để làm thay đổi nhân quả, nếu không đi con đường này thì chẳng còn có con đường nào khác nữa.
Con đường này không ai đi thay thế cho ai được, mọi người phải tự đi cho mình. Dù như cha mẹ có thương con, có hy sinh cho con bằng cả sinh mạng của mình, cũng không giúp ích gì cho con được, mà chính người con phải tự đi cho mình.
Vì thế đức Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi...”. Đó là con đường đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, nên nhân quả nghiệp báo đã chuyển hóa từ quả ác khổ đau chuyển thành quả thiện an vui, thì làm sao còn có cảnh hy sinh trong tình thương cao cả bằng nước mắt chia ly kẻ ở, người đi.
Đúng, đạo Phật rất tuyệt vời, đem lại tình thương trong an lạc, chứ không phải đem lại tình thương trong nước mắt! Hiểu được như vậy, chúng tôi mong rằng tất cả tu sinh hãy nỗ lực sống với đức hiếu sinh, lấy đức hiếu sinh làm sự sống cho mình.
___________________
Trưởng lão Thích Thông Lạc, Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tập 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét