- Chị ơi, xin lỗi chị, chị có thể đổi lại cho em hộp kem loại năm ngàn được không ạ? Cô chủ quán lộ vẻ khó chịu khi đang định đặt hộp kem loại 10 ngàn xuống cho vị khách nhỏ.
Như không để ý đến ánh mắt xem thường của cô gái, chỉ sau một loáng, cậu bé đã ăn hết hộp kem. Tiến đến quầy trả tiền với tờ mười ngàn duy nhất trên tay, cậu bé nói nhỏ với cô gái:
- Chị vui lòng gởi phần tiền còn lại cho bác có đứa con nhỏ đang đứng trước cửa quán giúp em nhé! Cậu bé quay lưng đi, cô gái chợt lặng người.
Người đàn ông mù cầm cây đàn đang đứng cạnh đứa con gái bé nhỏ mà ít phút trước đó đã bị cô mời ra khỏi quán.
First New
BÀI LÀM
1- Đại ý:
Đại ý bài này nói về đức hiếu sinh của một cậu bé giành một nửa hộp kem của mình cho một cụ già và em bé ăn xin. Hành động một cậu bé làm được như vậy thật là tuyệt vời, chỉ có những tâm hồn cao thượng.
2- Phân đoạn:
Bài này có 4 đoạn:
1- Chị ơi, xin lỗi chị, chị có thể đổi lại cho em hộp kem loại năm ngàn được không ạ?
2- Cô chủ quán lộ vẻ khó chịu, khi đang định đặt hộp kem loại 10 ngàn xuống cho vị khách nhỏ.
3- Như không để ý đến ánh mắt xem thường của cô gái, chỉ sau một loáng, cậu bé đã ăn hết hộp kem. Tiến đến quầy trả tiền với tờ mười ngàn duy nhất trên tay, cậu bé nói nhỏ với cô gái:
- Chị vui lòng gởi phần tiền còn lại cho bác có đứa con nhỏ đang đứng trước cửa quán giúp em nhé!
4- Cậu bé quay lưng đi, cô gái chợt lặng người. Người đàn ông mù cầm cây đàn đang đứng cạnh đứa con gái bé nhỏ mà ít phút trước đó đã bị cô mời ra khỏi quán.
3- Đáp án:
Bài này có 4 đức:
1- Đức lễ.
2- Thiếu đức bằng lòng.
3- Đức hiếu sinh bố thí.
4- Đức hối hận.
4- Giải trình án:
ĐỨC THỨ NHẤT ĐỨC LỄ
Đạo đức giao tiếp và đối xử nhau duy chỉ có đức lễ là những hành động đẹp đẽ nhất của con người. Cậu bé trước tiên muốn đổi lại một hộp kem 10 đồng bằng hộp kem 5 đồng, cậu nói: “Chị ơi, xin lỗi chị...”. Lời nói rất lịch sự, nghe ngọt ngào dễ thương, v.v.. đó là đức lễ.
Đức lễ là một hành động khẩu hành, lời nói rất êm dịu, ngọt ngào, lịch sự. Cho nên lời nói về đức lễ có rất nhiều như:
1- Lời nói xin lỗi.
2- Lời nói cảm ơn.
3- Thưa chú! Thưa bác!
4- Kính thưa quý vị!
5- Kính thưa các vị đại biểu!
6- Kính thưa chánh quyền các cấp!
7- Cháu vui lòng giúp bác một việc làm này được không?
8- Cảm ơn cháu đã giúp bác.
9- Ba mẹ cháu có mạnh khoẻ không?
10- Chị ơi! Xin lỗi chị…
11- Mà chuyện gì xảy ra ở trường vậy con?
12- Thưa ba, thưa mẹ ăn cơm.
13- Xin mời bác xơi nước, v.v...
Tất cả những hành động trên đây thuộc về đức lễ. Người sống với đức lễ khiến cho chúng ta trở thành người lịch sự, có đạo đức biết tôn trọng và cung kính mọi người.
Đức lễ là sự tôn kính lẫn nhau, người này biết tôn kính người kia; người kia biết tôn kính người này. Chính sự tôn kính như vậy tức là tôn kính sự sống của nhau. Vì sự sống của mọi người và mọi loài vật trên hành tinh này đều có quyền sống bình đẳng như nhau, cho nên không có một người nào có quyền cướp sự sống của người khác, loài vật khác. Người biết tôn trọng sự sống của mình thì phải tôn trọng sự sống của người khác và của những loài vật khác.
Trên đời này chỉ vì mọi người không biết tôn trọng sự sống của nhau, nên mới cướp sự sống của người khác và những loài vật khác, do đó không hiểu đạo đức nhân bản - nhân quả sống của muôn loài, nên thường vì sự sống của mình mà mang lại cho nhau những nỗi thống khổ.
Người biết giữ gìn đức lễ không những đem lại sự bình an cho mình, cho người, mà còn có những hành động mà mọi người đều quý mến và kính trọng.
Đức lễ thường mang lại sự an vui, hạnh phúc cho gia đình, vì chồng biết tôn kính vợ và vợ biết tôn kính chồng. Do sự tôn kính ấy, nên chồng không bao giờ đánh hay chửi mắng, nặng nhẹ vợ con. Và vợ cũng vậy, không bao giờ chửi bới, mạt sát chồng.
Bởi vậy, đức lễ rất cần thiết cho cuộc sống gia đình. Vợ hay chồng muốn có an vui, hạnh phúc thì đức lễ không thiếu được. Nó là bùa hộ mạng cho mỗi gia đình.
Đức lễ đối với xã hội rất cần thiết, vì xã hội có trật tự an ninh là do mọi người biết cung kính, tôn trọng lẫn nhau. Mọi người biết cung kính, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội tự nhiên có trật tự an ninh. Vì biết cung kính, tôn trọng lẫn nhau thì không ai làm đau khổ cho ai.
Vì thế đức lễ cần phải được phổ biến rộng rãi đến với mọi người, mọi nơi.
Hai người bắt tay nhau hay chắp tay trước ngực rồi cúi đầu chào nhau, đó là họ đều sử dụng đức lễ. Hai người khi gặp nhau ôm nhau, hôn nhau tỏ lòng thương yêu nhau, đều là thực hiện đức lễ.
Khi đi đâu đều chắp tay cúi đầu và nói:
“Thưa ba mẹ, con đi với bạn con”, hay: “Thưa ba mẹ, chúng con đi Thành phố”, v.v… Khi trở về nhà đến gặp cha hay mẹ đều chắp tay cúi đầu chào và nói: “Thưa ba mẹ chúng con mới về”.
Còn người lớn giữ gìn đức lễ thì sao? Khi cha hay mẹ muốn đi đâu liền đến gặp các con và nói: “Ba mẹ đi thành phố các con ạ!”, hoặc: “Ba đi ra công sở các con ạ!” Khi người chồng muốn đi đâu đều đến gặp vợ và nói: “Anh đi làm em ạ!”, đầu hơi cúi chào vợ. Người vợ cũng vậy: “Em đi chợ anh ạ!”, và cũng hơi cúi đầu chào chồng.
Đó là đức lễ mà mọi người cần phải học tập để trở thành một thói quen rất tốt đẹp của một người có văn hóa đạo đức, nhất là người Việt Nam. Người Á đông chịu ảnh hưởng một nền đạo đức lễ nghĩa của nho giáo rất tuyệt vời, mà không có một dân tộc nào hơn Việt Nam.
Khi có người mang quà biếu cho chúng ta, chúng ta liền nói lời cảm ơn; hoặc có người giúp mình làm công việc gì, khi làm xong chúng ta nói lời cảm ơn. Đó cũng là đức lễ trong lời nói đẹp đẽ, lịch sự, có văn hóa và đạo đức, không còn ai dám chê được.
Khi chúng ta mang quà biếu cho người khác và nói: “Con kính gửi biếu bác bộ sách đạo đức, để có dịp rảnh bác nghiên cứu”, hoặc: “Con xin gửi biếu cô một ít trái cây ăn lấy thảo với ba mẹ con”. Đó cũng là đức lễ trong hành động và lời nói có lịch sự, văn hoá và đạo đức, trong sự cung kính, tôn trọng lẫn nhau.
Nếu làm người mà không thực hiện đức lễ như vậy thì đó là một người kém văn hóa và đạo đức. Người kém văn hóa đạo đức là người thô lỗ, là người ít ai muốn thân cận.
Khi bước chân vào một khu ấp văn hóa mà còn thấy nhiều người mở miệng nói ra những lời chửi thề thô tục, bẩn thỉu, thì biết rằng ấp văn hóa đó chỉ ở trên bảng đề, trên giấy trắng mực đen mà thôi.
Văn hóa và đạo đức phải thực hiện ra hành động và lời nói của mọi người, chứ không thể văn hóa và đạo đức chỉ trên sách vở, bài học hoặc trên bảng đề ẤP VĂN HÓA, mà người dân ở đó có văn hóa được sao? Nói văn hóa, đạo đức là nói đến những người trong ấp đó phải có những hành động biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau.
Về vấn đề văn hóa và đạo đức thì chúng ta không nên đổ lỗi cho gia đình, mà cũng đừng đổ lỗi cho xã hội. Còn gia đình và xã hội phải có trách nhiệm và bổn phận giáo dục mọi người có văn hoá và đạo đức.
Trẻ em còn nhỏ từ 3 đến 8 tuổi thì gia đình chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì tuổi này trẻ em sống gần gũi những người thân trong gia đình nên chịu ảnh hưởng gia đình rất nhiều. Nếu gia đình có văn hóa đạo đức thì các em có văn hóa đạo đức. Nếu gia đình thiếu văn hóa đạo đức thì các em thiếu văn hóa đạo đức. Khi các em từ 8 đến 17 là tuổi học trò, nên học đường chịu trách nhiệm, vì tuổi này các em thường xuyên học tập trong nhà trường, gần gũi bạn bè, thầy cô giáo, nên chịu ảnh hưởng giáo dục của trường học.
Nếu nhà trường dạy văn hóa và đạo đức thì các em trở thành những người có văn hóa và có đạo đức; bằng ngược lại thì các em thiếu văn hoá và đạo đức. Từ 18 tuổi trở lên, các em thường tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, khi đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp hay trong các cơ quan văn phòng. Nếu xã hội có văn hóa, có đạo đức thì các em trở thành những người có văn hóa, có đạo đức. Bằng ngược lại, xã hội mọi người thiếu văn hóa, thiếu đạo đức thì các em sẽ chịu ảnh hưởng xấu đó mà trở thành những người thiếu văn hóa và đạo đức. Cho nên gia đình, học đường và xã hội phải thấy trách nhiệm của mình, chứ không được đổ trút cho gia đình:
“Ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền”, đó là sai. Vì ông bà mẫu mực đối với con cháu từ 3 đến 8 tuổi, đó là tuổi trẻ em còn ở trong gia đình. Còn khi đến trường học, thì đây là trách nhiệm của trường học, vì các em tiếp xúc môi trường mới đó là trường học. Còn các em từ 18 tuổi trở lên thì xã hội chịu trách nhiệm, vì các em thường tiếp xúc với mọi người trong xã hội, nên dễ chịu ảnh hưởng xấu hay tốt của xã hội.
Làm người sống trong xã hội, ai cũng muốn bản thân, gia đình và xã hội đều có văn hóa đạo đức tốt đẹp, để bản thân được yên vui, gia đình được hạnh phúc và xã hội được có trật tự, an ninh.
ĐỨC THỨ HAI THIẾU ĐỨC BẰNG LÒNG
Bằng lòng là một đức hạnh đi sau đức nhẫn nhục và tuỳ thuận. Muốn bằng lòng một điều trái ý nghịch lòng thì phải biết nhẫn nhục, tùy thuận. Nếu không biết nhẫn nhục, tùy thuận, thì không thể bằng lòng được. Không bằng lòng được mọi ác pháp thì sẽ làm khổ mình, khổ người. Thầy giáo Kaplan nói câu nói rất tuyệt vời: “Người nào không biết cách chấp nhận sẽ làm tổn thương đến người khác, cũng như đến chính mình”. Khi nhà trường sa thải, ông rời trường học với một tư cách ung dung, thong dong không có một chút nào sợ hãi và hối tiếc.
Đúng là một vị thầy đầy đủ đức tùy thuận, bằng lòng. Đức tùy thuận, bằng lòng thật là cao thượng, mà thầy Kaplan đã thực hiện. Cô chủ quán bán kem thiếu đức tùy thuận nên lộ vẻ khó chịu khi đặt hộp kem 5 ngàn. Bởi cô chủ quán bán kem thiếu đức tùy thuận, bằng lòng, nên tự làm khổ mình. Tuy sự khổ đau không có gì đáng kể, nhưng không chủ động được tâm mà tạo cho cô những phút giây khó chịu.Đó là một sự vô minh, không sáng suốt thật tội nghiệp. Người không sống với đức tùy thuận, bằng lòng, nên mới chịu lấy những sự khổ đau như vậy, thật đáng thương! Với bản thân người biết sống với đức tùy thuận, bằng lòng, khi đứng trước các ác pháp, các đối tượng bất thiện và các hoàn cảnh nghịch ý, trái lòng, thì người ấy tâm luôn luôn bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Tại sao vậy? Tại vì, nhờ biết sống tùy thuận, bằng lòng, nên tâm mới an vui, thanh thản như vậy. Cho nên đức tùy thuận bằng lòng thật là tuyệt vời, nó luôn luôn đem lại sự bình an, yên vui và hạnh phúc cho mình, cho người.
Đức tùy thuận, bằng lòng rất cần thiết cho mọi người cùng sống chung nhau trong một gia đình, trong một xã hội. Nó thường mang lại cho mọi người một tình thương yêu chan hòa từ người trên đến kẻ dưới; từ người già tuổi cao tác lớn, đến các cháu bé trẻ thơ không bao giờ chống trái nhau; không bao giờ giận hờn chửi mắng nhau. Nó mang lại cho mọi người một cuộc sống chung hòa hợp đoàn kết yêu thương không bao có trái ý nghịch lòng; không bao giờ chia rẽ li gián, ganh tỵ hơn thua. Chỉ cần sống với đức tùy thuận, bằng lòng là chúng ta cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Trong xã hội loài người, nếu ai ai cũng biết sống với đức tùy thuận bằng lòng thì xã hội đó là Thiên Đàng, Cực Lạc, không còn ai tranh hơn, tranh thua nhau nữa.
Vì thế, trên đời này nếu ai ai cũng sống với đức tùy thuận, bằng lòng thì cuộc sống này sẽ được an vui và hạnh phúc, không còn có ai làm khổ cho ai. Có đúng vậy không quý vị? Đức tùy thuận, bằng lòng, nói thì dễ, nhưng làm được thì rất khó, nên ít ai làm được. Muốn sống được với những đức hạnh này thì người ấy phải có đủ sức bình tĩnh; nhờ có đủ sức bình tĩnh chúng ta mới lìa xa những ác pháp trong tâm; nhờ lìa xa những ác pháp trong tâm chúng ta mới tùy thuận, bằng lòng được những chướng ngại pháp xung quanh chúng ta.
Biết tùy thuận, bằng lòng nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp. Muốn hiểu rõ điều này, chúng tôi xin đem một vài ví dụ để quý vị dễ hiểu.
Ví dụ 1: Có một người bạn mời chúng ta uống rượu, nhưng rượu là một chất độc và trong giới luật Phật cấm uống rượu, vì uống rượu rất tai hại cho mình và cho người khác. Nên nếu tùy thuận, bằng lòng uống rượu theo người khác tức là chúng ta bị lôi cuốn trong ác pháp. Trước nghịch cảnh như vậy, chúng ta chọn cách tùy thuận nhưng không bị lôi cuốn trong ác pháp, đó là vui lòng nhận ngồi chung với các bạn, nhưng từ chối uống rượu vì lý do bệnh phải kiêng cữ rượu. Khi chúng ta bảo phải kiêng cữ rượu vì bệnh thì không còn ai mời chúng ta uống nữa.
Phải vậy không quý vị?
Ví dụ 2: Nhà có cúng giỗ ông bà hay ngày tư, ngày Tết, mọi người đều thắp hương cúng và lạy, riêng chúng ta tùy thuận bằng lòng nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp mê tín phí tiền vô ích, bằng cách chúng ta chắp tay và quỳ lạy, nhưng không mua hoa tươi đem cúng, hoặc thắp hương hoặc đốt tiền vàng mã v.v... Đó là việc làm tùy thuận nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp.
Cho nên biết tùy thuận, bằng lòng nhưng không để bị lôi cuốn vào ác pháp, đó là một phương cách sống rất thiện xảo hết sức để giữ gìn những đức hạnh cho trọn vẹn, nhờ đó mới đem lại sự bình an cho mình, cho người; nhờ đó chúng ta mới mong dẫn dắt mọi người vào thiện pháp, mới mong thực hiện đức chấp nhận, tùy thuận, bằng lòng trong muôn vàn ác pháp và những hoàn cảnh khó khăn vô cùng.
ĐỨC THỨ BA ĐỨC HIẾU SINH BỐ THÍ
Bố thí là một đức hiếu sinh thương người, nhưng bố thí có nhiều cách như:
1- Bố thí công sức.
2- Bố thí tiền của.
3- Bố thí thực phẩm.
4- Bố thí lời nói.
5- Bố thí pháp.
Ở đây, cậu bé này bố thí tiền bằng cách nhịn ăn một nửa hộp kem mười ngàn, còn lại năm ngàn để cho ông già và con bé ăn xin. Nhịn ăn để bố thí cho người khác, khi chỉ là một cậu bé tí tẹo thì thật là tuyệt vời.
Dắt một bà cụ đi qua đường cũng là đức hiếu sinh bố thí ra công đưa người qua đường.
Nhường chỗ ngồi trên xe bus cho bà cụ già hay cho một người phụ nữ có con còn nhỏ đều là đức hạnh hiếu sinh bố thí. Nhường phần lợi cho người, nhận phần ít về mình cũng là đức bố thí, như Khổng Dung nhường lê. Nhường đường cho người khác đi cũng là đức bố thí. Dỗ dành một em bé đang khóc, làm cho em không khóc nữa cũng là bố thí tình thương yêu. Giúp người xách hay mang, hoặc gánh những vật nặng đỡ cho người khác cũng đều là đức bố thí. Cho nên bố thí rất nhiều mặt. Cậu bé bố thí bằng lời nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào, khiến cho cô gái bán kem phải lặng người: “Chị ơi! Chị vui lòng gởi phần tiền còn lại cho bác có đứa con nhỏ đang đứng trước cửa quán giúp em nhé!”. Câu nói sao mà lễ độ, nhẹ nhàng êm ái, nghe qua ai mà không nhận ra tình thương của cậu bé đã gửi gắm trọn trong lời nói ấy, khiến nó trở thành một bài học đạo đức cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì cho cô gái bán kem, phải không quý vị? Bố thí có rất nhiều cách, nhưng mỗi cách thức đều mang theo tính chất đạo đức hiếu sinh.
Từ lòng yêu thương chân thật chúng ta mới bố thí tất cả công sức, tiền của, lời khuyên và sự an ủi của mình đến với mọi người.
Đức bố thí giúp chúng ta mở rộng tấm lòng, buông xả vật chất, sống không còn ích kỷ, bỏn xẻn, hà tiện, keo kiệt, v.v...
Đức bố thí giúp chúng ta không còn coi trọng tiền của vật chất, luôn luôn nghĩ đến nỗi bất hạnh của người khác. Do đó thường tăng trưởng lòng yêu thương người khác nhiều hơn nữa. Vì cuộc đời còn nhiều người đau khổ. Đau khổ vì cơm ăn áo mặc; đau khổ vì nhà hư dột nát; đau khổ vì bệnh tật; đau khổ vì thua kém những người khác. Chương trình xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, bố thí giúp vốn cho những người nghèo khó vươn lên để có cuộc sống không còn đói cơm khát nước nữa, đó cũng là nói lên được tình yêu thương lá lành đùm lá rách.
Trong đức bố thí đều có đầy đủ đức hiếu sinh. Chứ nếu không có đức hiếu sinh thì làm việc bố thí chỉ là một thủ đoạn làm danh làm lợi.
Cho nên bố thí phải xuất phát từ lòng thương yêu, ngoài lòng yêu thương mà bố thí thì không có ý nghĩa từ thiện.
Bởi vậy trên thế gian này có rất nhiều nhà từ thiện, mà từ thiện vì lòng yêu thương đối với những người bất hạnh trong xã hội thì đó là việc làm từ thiện tốt, nhưng lại có những nhà làm từ thiện để mưu cầu danh và lợi. Số đó không phải là ít. Cho nên, không phải tất cả những nhà từ thiện đều trong sạch, đều thiện cả.
ĐỨC THỨ TƯ ĐỨC HỐI HẬN
Người làm sai mà biết hối hận là người biết sửa sai, sửa lại những lỗi lầm của mình. Hối hận là một đức hạnh tuyệt vời, nó luôn luôn tự khắc phục những điều làm ác của mình, để trở thành con người không làm những điều ác nữa.
Vì vậy, nó còn được gọi là ĐỨC HẠNH BIẾT SỬA MÌNH.
Người không biết hối hận là người không biết sửa sai những lỗi lầm của mình. Người ấy đã làm cho mình khổ, người khác khổ hoặc những loài vật khác khổ. Người không biết hối hận là người không biết cải thiện đời sống của mình, không biết làm cho đời sống của mình đẹp đẽ và an vui hơn. Muốn biết cụ thể vấn đề này, chúng tôi cho một vài ví dụ thì quý vị sẽ thấy phần đông ít ai quan tâm đến đức hối hận biết sửa mình.
Ví dụ 1: Một người giết hại và ăn thịt chúng sinh, nhưng khi đã học đạo đức hiếu sinh, biết rõ sự sống phải bình đẳng như nhau, không ai có quyền cướp sự sống của nhau. Thế mà cứ vẫn giết hại và ăn thịt chúng sinh, thì đó là người không có đức hối hận. Người không có đức hối hận là người không biết sửa sai những lỗi lầm của mình. Người không biết sửa sai những lỗi lầm của mình thì đời sống của họ lúc nào cũng đen tối và đầy những sự đau khổ.
Ví dụ 2: Một người hay nói dối mà không biết hối hận, sửa sai những lỗi lầm nói dối không thành thật của mình, thì người ấy không bao giờ trở thành người tốt, người thành thật.
Người không thành thật là người không còn ai tin tưởng, lời nói của họ chẳng có giá trị.
Ví dụ 3: Một người hay la lối, to tiếng hung dữ, nói lời kém văn hóa, chửi thề, văng tục... mà không biết hối hận với những lời nói làm khổ mình, khổ người như vậy, thì thật là một người đáng trách. Một người có lời nói kém văn hóa thiếu đạo đức mà không chịu hối hận, khắc phục sửa sai những lỗi lầm ấy thật là người rất tệ, rất đáng thương.
Ví dụ 4: Một người làm sai và có thể đi đến những điều thất bại, khi được người thân chỉ cho biết đó là việc làm sẽ thất bại, nhưng người ấy cố gắng bào chữa sự sai của mình, chớ không chịu hối hận sửa sai. Đó là những người cố chấp. Họ không đáng ghét, chỉ vì tính quá cố chấp nên thật đáng thương.
Trên đời này không ai mà không có lỗi lầm, nhưng có lỗi lầm thì phải biết hối hận; biết hối hận thì phải biết cố gắng khắc phục sửa sai và từ bỏ, không dám làm những điều sai đó nữa, thì người ấy là người tốt, người biết chuyển mình trở thành người có đạo đức và văn hóa tốt đẹp hơn.
Khi lỡ lời nói không thật thì chúng ta phải biết hối hận, vì nói dối là một hành động xấu, là một hành động làm mất lòng tin của mình với những người khác. Người biết hối hận về sự nói dối của mình là người sẽ không bao giờ còn nói dối nữa. Chỉ có những người không biết hối hận nên mới nói dối mãi, và như vậy là những con người ấy không bao giờ tiến bộ trên nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Cuộc đời họ phải chịu muôn vàn sự khổ đau, lời nói của họ không có giá trị, không còn ai tin tưởng nữa.
Người lỡ nói lời thô lỗ, cộc cằn hoặc chửi thề, la lối lớn tiếng với những người khác mà biết hối hận, thì người ấy không còn nói lời thô lỗ, cộc cằn, la lối lớn tiếng, chửi thề nữa. Người ấy sẽ trở thành người có đạo đức tốt, người biết sống không làm khổ mình, khổ người. Người ấy là người thật đáng khen, đáng mến.Vì người ấy là người biết phục thiện để chuyển mình trở thành người tốt, người có đức hạnh. Và như vậy nhờ đức hối hận, người ấy sẽ trở thành người toàn thiện, người sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, còn biết bao nhiêu điều làm cho chúng ta hối hận, nhưng khi biết hối hận là biết sửa sai. Biết sửa sai là biết chuyển mình trở thành người có đạo đức, người tốt. Cho nên hối hận là một đức hạnh rất cần thiết cho mọi người để chấn chỉnh sửa sai, khiến cho gia đình hạnh phúc và xã hội đều được an ninh, trật tự.
Người lỡ nói xấu, vu khống người khác mà biết xấu hổ thì không bao giờ nói xấu hay vu khống người khác nữa, đó là người biết hối hận.
Một người có lòng ganh tị với người khác mà không biết hối hận sửa sai thì người ấy phải chịu khổ đau, đêm nằm không ngủ được.
Một người xả rác làm cho môi trường sống ô nhiễm, gây ra nhiều thứ bệnh khổ cho mọi người mà không biết hối hận sửa sai, cứ ung dung tự tại làm mất vệ sinh như vậy thì thật là con người đáng trách.
Chúng ta hãy nghe câu chuyện của cháu bé gái 6 tuổi đã thực hiện đức vệ sinh tuyệt vời, nó là một bài học sống động cho những ai không biết giữ vệ sinh chung trong môi trường sống của hành tinh, cứ làm sai mà không biết hối hận sửa sai thì thật là xấu hổ. Hình ảnh cháu bé giữ gìn vệ sinh là một bài học cho những ai sống bừa bãi thiếu đức hạnh vệ sinh. Họ nên lấy đó làm một bài học để xấu hổ và hối hận với cháu bé 6 tuổi. Bởi vì mình là người lớn mà không bằng cháu bé. Vả lại, chúng ta là con người chứ không phải là con thú vật, đụng đâu xả rác đó.
Phải vậy không quý vị? Nhất là tu sinh tại tu viện Chơn Như hãy giữ gìn đức vệ sinh môi trường sống xung quanh tu viện, cũng như xung quanh thất của mình ở. Có bọc ni lông, có hộp xốp bằng nhựa, có những bao nhựa đựng xi măng rải tung tóe bừa bãi trông rất dơ bẩn, mất vệ sinh, hãy thu góp nhặt lại có nơi, có chỗ để thiêu đốt, làm cho sạch đẹp môi trường sống thì mới được gọi là nơi tu hành có văn hóa văn minh. Ăn ở thiếu đức vệ sinh thì đâu được gọi là tu sinh của tu viện Chơn Như.
Tu sinh tu viện Chơn Như phải làm gương đức hạnh vệ sinh cho mọi người, chứ đâu xả rác làm dơ bẩn như người ở ngoài đời. Khi về thăm tu viện mà thấy bao bọc ni lông tung tóe khắp nơi thì thầy biết ngay là các con không noi theo gương hạnh của đức Phật. Thật là đáng trách! Đây là câu chuyện đức vệ sinh mà một ông cậu thuật lại đứa cháu gái của mình sống ở Hong Kong, nghỉ hè được về Việt Nam chơi:
Người cậu dắt cháu đi dạo ở trung tâm Sài Gòn và mua cho mấy cái kẹo. Khi bỏ viên kẹo vào miệng rồi, cháu cứ cầm mãi cái vỏ kẹo. Người cậu giục quăng đi, cháu nhìn quanh rồi phụng phịu: “Không thấy thùng rác nào gần đây đâu, cậu ạ!”. Cứ thế, cháu nắm chặt cái vỏ kẹo trong tay, cho đến khi tìm được thùng rác thì bàn tay đã ướt đẫm mồ hôi. Ở nước ta, hình như các lớp mẫu giáo cũng dạy thiếu nhi giữ gìn vệ sinh công cộng, nhưng người lớn xả rác bừa bãi thì trẻ con làm sao noi gương?
Những người xả rác hãy noi theo gương hạnh đạo đức vệ sinh của cháu bé này mà hối hận sửa sai. Thử hỏi quý vị xả rác có bằng cháu bé này không? Chiếc vỏ kẹo cầm trên tay không bao giờ bỏ bậy, chờ đến thùng rác mới chịu bỏ. Một hành động đạo đức vệ sinh của cháu bé thật tuyệt vời! Một bài học sống động cho những ai còn sống xả rác dơ bẩn, thiếu đức vệ sinh giống như con thú vật đụng đâu bài tiết đó.
Bước vào thôn, xóm, ấp, thỉnh thoảng có nơi đề bảng ấp văn hóa to tướng, mà hai bên lề đường và xung quanh nhà dân, ngay cả bảng đề ẤP VĂN HÓA mà bọc ni lông đựng đầy rác bẩn quăng ném tứ tung, trông bẩn thỉu ghê gớm. Vậy mà đăng ký ấp văn hóa là văn hoá ở chỗ nào? Làm sao gọi là ấp văn hóa được phải không, thưa quý vị? Có dịp đi du ngoạn ra bãi biển Long Hải để nghỉ ngơi và tắm biển, hít thở không khí trong lành, nhưng không ngờ, những bọc ni lông đựng thực phẩm ôi thối đã ăn xong lại ném bừa bãi dưới cội phi lao và dọc theo bờ biển, trông rất bẩn thỉu, hết muốn tắm và nghỉ mát nơi đây.
Thời đại văn minh, con người tiến bộ hơn về khoa học công nghệ kỹ thuật, nhưng đạo đức lại xuống cấp, văn hóa đồi trụy đưa con người đi đến chỗ tha hóa hư hỏng. Vì thế trong mỗi gia đình, ai có con cái thì cần phải lưu ý cảnh giác, để giúp cho con cháu mình trở thành người có đạo đức, người tốt. Đừng nên giao phó hết cho nhà trường, cho xã hội, mà phải thấy trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc dạy dỗ con cái.
Khi thấy một việc làm sai, một việc làm khổ mình, khổ người thì phải hối hận, ăn năn chừa bỏ, không nên lập lại những điều sai đó nữa.
Đây là câu chuyện thứ hai:
Về nhà, người cậu khen đứa cháu gái 6 tuổi ngay trước mặt đứa cháu trai 7 tuổi: “Bé là thần tượng của cậu về ý thức bảo vệ môi trường!”. Không ngờ thằng cháu trai không được khen nên giận, không thèm nói chuyện với người chú suốt cả buổi chiều. Sáng hôm sau, thằng cháu vừa gặp chú đã nhe răng cười: “Cháu không ghét chú nữa!”. Người chú hỏi tại sao, không ganh tị nữa à? Thằng cháu lắc đầu:“Ghét chú làm đêm qua cháu khó ngủ quá. Ghét người ta thì mình cũng mệt lắm. Từ nay cháu không ghét ai nữa...”. Thú thật, người chú không thể ngờ lại nhận được hai bài học thấm thía nơi hai đứa cháu nhỏ dại.
Qua lời nói của đứa cháu trai 7 tuổi, chúng ta biết rõ cậu bé nhỏ dại mà còn biết hối hận sửa sai khi sinh tâm ganh tị với đứa em gái 6 tuổi của mình, bởi như vậy là tự làm khổ. Thì chúng ta là những người lớn, chúng ta nghĩ sao? Hay cứ để tự mình làm đau khổ cho mình. Người tự làm mình đau khổ và làm cho người khác đau khổ mà không biết hối hận sửa sai những điều làm đau khổ đó là người quá tệ, quá vô minh, tức là người không sáng suốt. Họ tự làm ra mọi sự khổ đau và phải gánh chịu mọi khổ đau ấy, thật là đáng trách!
___________________
Trưởng lão Thích Thông Lạc, Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tập 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét