Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Bài 39: AI THA THỨ CHO AI

Có một người muốn lăng nhục Phật, để xem Phật có phản ứng gì không, và thế là anh liền nhổ một bãi nước bọt lên mặt Phật.
Phật lau mặt rồi hỏi anh ta: “Anh còn có điều gì muốn nói nữa không? Dường như anh đã nói rồi phải không?” Người này bị làm cho lú lẫn, bởi vì anh ta không ngờ lại có câu trả lời như vậy. Anh ta không nói gì rồi bỏ đi. Tối đến, anh ta bị mất ngủ, dần dần anh ta cảm thấy việc mình làm là hoàn toàn sai trái và cảm thấy tội lỗi. Sáng hôm sau anh ta đến, quỳ dưới chân Phật và nói: “Xin hãy tha lỗi cho con”.
Phật cười: “Bây giờ ai tha lỗi cho anh? Người bị anh nhổ bọt không ở đây, mà người nhổ bọt cũng không ở đây. Hai người đều là pháp vô thường, quá khứ đã mất rồi, vị lai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, nhưng hiện tại anh có lỗi gì với Phật mà xin sám hối. Hãy quên chuyện đó đi. Hiện tại anh không có làm gì cả. Hai người đó đều đã chết, tất cả đã kết thúc. Phật và anh là con người mới hoàn toàn”.
(Những mẩu chuyện về đời sống của đức Phật Thích Ca Mâu Ni).

BÀI LÀM
1- Đại ý:
Bài này chỉ rõ các pháp đều vô thường: có gì đúng, có gì sai, có gì tốt, có gì xấu, có gì trắng, có gì đen, có gì phải, có gì trái? Tất cả đúng, sai, tốt, xấu, phải, trái, trắng, đen đều do con người không hiểu sự vô thường của nó, nên cố chấp dính mắc tạo thành một cuộc sống khổ đau.
2- Phân đoạn:
Bài này có 6 đoạn:
1- Có một người muốn lăng nhục Phật, để xem Phật có phản ứng gì không, và thế là anh liền nhổ một bãi nước bọt lên mặt Phật.
2- Phật lau mặt rồi hỏi anh ta: “Anh còn có điều gì muốn nói nữa không? Dường như anh đã nói rồi phải không?”.
3- Người này bị làm cho lú lẫn, bởi vì anh ta không ngờ lại có câu trả lời như vậy. Anh ta không nói gì rồi bỏ đi.
4- Tối đến anh ta bị mất ngủ, dần dần anh ta cảm thấy việc mình làm là hoàn toàn sai trái và cảm thấy tội lỗi.
5- Sáng hôm sau anh ta đến, quỳ dưới chân Phật và nói: “Xin hãy tha lỗi cho con”.
6- Phật cười: “Bây giờ ai tha lỗi cho anh? Người bị anh nhổ bọt không ở đây, mà người nhổ bọt cũng không ở đây. Hai người đều là pháp vô thường, quá khứ đã mất rồi, vị lai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, nhưng hiện tại anh có lỗi gì với Phật mà xin sám hối. Hãy quên chuyện đó đi. Hiện tại anh không có làm gì cả. Hai người đó đều đã chết, tất cả đã kết thúc. Phật và anh là con người mới hoàn toàn”.
3- Đáp án:
Bài này có 6 đức:
1- Nhân quả đời trước thiếu đức cẩn thận hiếu sinh ý hành, thân hành.
2- Đức bình tĩnh nhẫn nhục hiếu sinh thân hành, khẩu hành.
3- Đức xấu hổ hiếu sinh ý hành.
4- Đức hối hận hiếu sinh ý hành.
5- Đức sám hối hiếu sinh thân hành, khẩu hành.
6- Đức tri kiến các pháp vô thường buông xả khẩu hành.
4- Giải trình:
ĐỨC THỨ NHẤT NHÂN QUẢ ĐỜI TRƯỚC THIẾU ĐỨC CẨN THẬN HIẾU SINH Ý HÀNH, THÂN HÀNH
Người thông hiểu luật nhân quả nhìn cuộc sống hiện tại sẽ biết nhân quả quá khứ đã làm gì, và cũng từ cuộc sống hiện tại sẽ biết tương lai hưởng quả báo gì. Khi hiểu biết được như vậy, thì ngay trong hiện tại chúng ta phải chọn lấy con đường sống toàn thiện. Có sống toàn thiện thì quá khứ và vị lai sẽ hưởng quả an vui và hạnh phúc.
Do nhân quả quá khứ trong một kiếp đã qua, đức Phật đã phạm phải một lỗi là nhổ nước bọt vào mặt một con vật nào đó, nên hiện kiếp phải trả quả báo. Theo gương này, chúng ta phải ý tứ cẩn thận khi khạc nhổ, phải tránh không được khạc nhổ lên mình chúng sinh. Muốn tránh các duyên vô tình giậm đạp, khạc nhổ hay tiêu tiểu lên chúng sinh, thì chúng ta nên tập tĩnh giác hằng ngày, nhờ tập tĩnh giác hằng ngày mà trở thành một thói quen tĩnh giác. Có tĩnh giác thì đức cẩn thận mới hiện tiền. Đức cẩn thận hiện tiền thì không có ác pháp nào qua mắt chúng ta được.
Khi thông suốt và hiểu biết luật nhân quả rõ ràng thì thời gian hiện tại rất quan trọng cho đời sống của mọi người. Cho nên đức Phật dạy trong bài kệ “NHẤT DẠ HIỀN” (Một đêm sống trong hiện tại làm thánh hiền):
Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng
Quá khứ đã đi qua
Vị lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây”
Bởi vậy, chỉ có sống trong hiện tại với tri kiến diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, chứ không phải sống trong hiện tại là sống theo kiểu triết học hiện sinh của Krisnamurti, hay theo kiểu sống hiện sinh của thiền tông “Chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền”.
Phật giáo cũng sống trong hiện tại, nhưng lại “tuệ quán” để ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp. Đó là những cái sai biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác trên hành tinh này.
Do nhân quả đời trước mà kiếp hiện tại đức Phật phải trả quả bị người khác nhổ vào mặt một bãi nước bọt, nhưng đức Phật là người tu chứng, nên Ngài mới thản nhiên và đã thốt ra lời nói có một giá trị xả tâm rất tuyệt vời: “Anh còn có điều gì muốn nói nữa không?”.
Sau những ngày bị lương tâm cắn rứt, anh ta đến xin sám hối với Phật. Nhưng đức Phật lại xác định cho anh thấy rõ các pháp vô thường:
“Bây giờ ai tha lỗi cho anh? Người bị anh nhổ bọt không ở đây, mà người nhổ bọt cũng không ở đây. Hai người đều là pháp vô thường, quá khứ đã mất rồi, vị lai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, nhưng hiện tại anh có lỗi gì với Phật mà xin sám hối. Hãy quên chuyện đó đi. Hiện tại anh không có làm gì cả. Hai người đó đều đã chết, tất cả đã kết thúc. Phật và anh là con người mới hoàn toàn”.
Lời xác định này khiến cho mọi người giựt mình, vì từ xưa đến nay ít ai nghĩ đến nghĩa lý này. Có nhiều người đã đọc bài kệ “NHẤT DẠ HIỀN”, nhưng mấy ai đã tư duy quán xét được lý vô thường của các pháp trong ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại rất thâm sâu như vậy.
Sự tư duy quán xét của đức Phật rất tuyệt vời, nếu chúng ta ai cũng tư duy quán xét hiểu như vậy thì thế gian này không bao giờ có sự xung đột và chiến tranh.
ĐỨC THỨ HAI ĐỨC BÌNH TĨNH NHẪN NHỤC HIẾU SINH THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH
Đức bình tĩnh nhẫn nhục là một đức hạnh tuyệt vời. Nhờ thấu suốt lý nhân quả nên đức Phật đã bình tĩnh, thản nhiên lau mặt và ôn tồn hỏi: “Anh còn có điều gì muốn nói nữa không?”. Đúng là lời nói của một bậc giải thoát nên tâm rất bình tĩnh và ôn tồn, nhã nhặn khó có ai làm được.
Theo gương hạnh này, chúng ta nên học đức bình tĩnh nhẫn nhục hiếu sinh tuỳ thuận để luôn luôn ứng phó với các ác pháp đang vây quanh chúng ta từng giây, từng phút; đang dẫn dắt chúng ta vào cõi địa ngục từng khắc, từng giờ.
Quý vị có biết không? Đức bình tĩnh nhẫn nhục hiếu sinh rất cần thiết cho đời sống của mọi người để đem lại sự bình an, yên vui. Nếu chúng ta không học đức bình tĩnh nhẫn nhục hiếu sinh thì cuộc sống của chúng ta sẽ không bao giờ thoát khổ. Và như vậy cuộc đời chúng ta sẽ sống trong màn đêm u tối và chẳng biết ngày mai sẽ ra sao.
Người sống với đức bình tĩnh nhẫn nhục hiếu sinh tùy thuận trong hiện tại thì biết rất rõ ngày hôm nay và ngày mai là những ngày bình an, yêu vui và hạnh phúc.
Nhìn mọi người đang sống quanh ta, họ đang ở trong địa ngục, nhưng nào họ có biết họ đang ở trong địa ngục đâu. Sống trong địa ngục mà cứ ngỡ mình ở cõi thiên đàng đang vui chơi và ham thích như trẻ con, thật là tội nghiệp. Chính vì họ vô minh không sống với đức bình tĩnh, nhẫn nhục, hiếu sinh, tùy thuận hiện tại, mà phải chịu lấy một đời khổ đau, một đời sống trong địa ngục.
Người ta mê muội và mờ mịt không biết con người sinh ra để làm gì? Tại sao lại phải chịu khổ đau trước cảnh sinh ly tử biệt? Tại sao lại chịu biết bao bệnh khổ? Tại sao lại dễ giận hờn thương ghét, sợ hãi lo toan? Tại sao con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu? Trong con người có linh hồn hay không? Và linh hồn là cái gì? Và tại sao? Tại sao? Biết bao nhiêu câu hỏi mà không có câu trả lời thiết thực, cụ thể. Hiện nay người ta vẫn còn mờ mịt chưa giải đáp án được những câu hỏi này. 
Chúng tôi xin lần lượt sẽ trả lời từng câu hỏi trên đây để quý vị hiểu biết và thấy rằng những hành động sống hằng ngày thiện ác của quý vị là nhân, là duyên để hợp duyên tứ đại: đất, nước, gió, lửa sinh ra con người và vạn vật trên hành tinh này. Rồi một thời gian ngắn ngủi con người và vạn vật trên hành tinh này theo luật vô thường tứ đại trả về cho tứ đại, chứ không có con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu. Quý vị có nhận hiểu quy luật sinh diệt này chưa? Có dịp chúng tôi sẽ trả lời tiếp những điều gì quý vị cần nên biết. 
Còn bây giờ xin nhắc lại:
Những gì cần thiết cho cuộc sống ngày hôm nay và ngày mai này được an vui và hạnh phúc thì ĐỨC BÌNH TĨNH NHẪN NHỤC HIẾU SINH TÙY THUẬN quý vị phải thực hiện ngay, đừng hẹn ngày mai, ngày mốt, vì thời gian không chờ đợi quý vị.
Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tấc bóng thời gian khó hỏi han”
Thời gian quý báu vô cùng lắm quý vị ạ! Tuổi đời quý vị không còn bao lâu nữa, phải cố gắng, cố gắng lên tu tập, không ai cố gắng tu tập giúp cho quý vị được, mà chính quý vị phải tự cứu mình thoát ra khỏi biển nghiệp khổ đau.
ĐỨC THỨ BA ĐỨC XẤU HỔ HIẾU SINH Ý HÀNH
Người biết xấu hổ là người biết sửa sai. Người biết sửa sai là người biết khắc phục mình để trở thành người tốt, người toàn thiện, người không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.
Đó là người biết tiến bộ trên đường đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo.
Bởi vậy, đức xấu hổ hiếu sinh là một đức hạnh sửa mình tuyệt vời. Trên đời này nếu ai làm khổ người, khổ mình và làm khổ tất cả chúng sinh mà biết xấu hổ, tự khắc phục sửa sai thì xã hội loài người sẽ không còn khổ đau nữa.
Chỉ vì trên đời này hầu hết mọi làm khổ mình, khổ người và chúng sinh mà không biết xấu hổ sửa sai, lại còn viện cớ này, lý lẽ kia, lý lẽ khác để chống chế, che dấu những sự sai lầm của mình. Thật là đáng chê trách. Vì thế, thiếu sự thành thật với mình, với người nên cuộc đời này là địa ngục khổ đau. Bởi vậy, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển. Đó là một sự thật từ ngàn xưa cho đến ngày nay, chưa có ai biết cách làm thay đổi sự đau khổ này được. Tuy rằng đạo Phật ra đời đã có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả thiết thực, cụ thể làm lợi ích cho loài người và muôn loài vạn vật, nhưng chẳng mấy ai hiểu biết và quan tâm triển khai nền đạo đức ấy. Vì thế nền đạo đức ấy bị mai một, chôn vùi dưới nhiều lớp giáo lý của ngoại đạo tà sư.
Hiện giờ, khi người ta nghe nói đến đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, thì họ rất ngạc nhiên. Vì đây là lần đầu tiên nền đạo đức này được xem mới xuất hiện trong thế kỷ thứ XXI.
Đúng vậy, nó mới xuất hiện trong thế kỷ này, nhưng nó đã có từ khi loài người có mặt trên hành tinh này.
Cách đây 2552 năm, có một người đã triển khai nền đạo đức này lần đầu tiên, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người Ấn Độ tại đất nước Nepal. Từ đó cho đến ngày nay, nền đạo đức này người ta được biết đến qua giáo lý của đạo Phật, có tên là “NGŨ GIỚI và THẬP THIỆN”.
Hôm nay, trên đất nước Việt Nam vào thế kỷ thứ XXI, có một người Việt Nam sống tại tỉnh Tây Ninh dựng lại và chuyển đổi nền đạo đức văn hóa của Ấn Độ trở thành nền đạo đức văn hóa của dân tộc Việt Nam, nên mới có tên “ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ TẤT CẢ CHÚNG SINH”.
Đức xấu hổ hiếu sinh là một đức hạnh trong muôn ngàn đức hạnh của nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Vì thế, một người làm sai có lỗi lầm mà biết xấu hổ sửa sai là một người có đạo đức hiếu sinh biết thương mình. Người biết thương mình là người biết làm cho mình tốt hơn, biết chuyển hóa cuộc đời của mình ngày một bình an, yên vui hơn.
Nhờ biết sống trong đức xấu hổ sửa sai những lỗi lầm của mình để không còn lầm lỗi nữa. Không còn lầm lỗi nữa có hai sự lợi ích lớn:
1- Trong hiện tại cuộc sống được yên vui và hạnh phúc.
2- Trong tương lai ít có tai nạn, bệnh tật xảy ra.
Nghe nói Phật là một bậc tu giải thoát, không còn sân giận phiền não, nên anh muốn tìm hiểu sự tu hành của Phật có đúng như vậy không? Do muốn tìm hiểu, anh đã dùng một hành động cực ác, đó là nhổ lên mặt Phật một bãi nước bọt, nhưng anh không ngờ sức bình tĩnh nhẫn nhục và lòng yêu thương của Phật tuyệt vời. Sau khi lau mặt xong, đức Phật hỏi: “Anh còn muốn nói gì nữa không?”. Do câu hỏi này mà anh xấu hổ bỏ ra đi.
Biết xấu hổ bỏ đi nên anh rất hối hận vì một hành động quá tội lỗi đối với Phật. Vì thế người biết xấu hổ thì tội nặng thành nhẹ, và biết sám hối sửa sai thì tội lỗi sẽ không còn nữa.
Bởi vậy đức xấu hổ hiếu sinh là một đức hạnh làm chuyển đổi nhân quả ác thành nhân quả thiện. Và như vậy chúng ta nên khắc ghi trong lòng đừng quên, để sống một đời đạo đức nhân bản và rất hãnh diện mình làm người xứng đáng làm người.
ĐỨC THỨ TƯ ĐỨC HỐI HẬN HIẾU SINH Ý HÀNH
Làm một điều gì hay nói một lời nào khiến cho người khác hoặc cha mẹ, vợ con buồn phiền khổ đau thì hối hận ăn năn, tâm thường hối hận ăn năn là trăn trở trong lòng. Người biết hối hận ăn năn là người có đức hối hận.
Đức hối hận là một đức hạnh giúp cho mọi người khắc phục giữ gìn sửa sai những lỗi lầm thường mọi người vô tình hay làm sai trái mà không biết. Tránh tình trạng vô tình sống thiếu đạo đức thì nên cắp sách đến trường lớp tại tu viện Chơn Như học đạo đức nhân bản - nhân quả thì sẽ không còn vô tình làm khổ mình, khổ người và tất cả chúng sinh.
Người đời ít ai biết hối hận những việc làm sai trái của mình, vì thế cứ mãi làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh mà xem như chuyện bình thường, chuyện sống rất tự nhiên.
Ví dụ: Những người sát hại và ăn thịt chúng sinh, họ không biết đó là những việc làm ác nên cứ thản nhiên hằng ngày gây bao tội lỗi. Trong số những người này lại có những người biết đó là những việc làm ác, làm khổ đau loài vật và gây ra bệnh tật cho mình, nhưng thói nào tật ấy không chừa bỏ được, cứ mãi tiếp diễn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh từ đời này sang đời khác.
Do nhân quả ác giết hại và ăn thịt chúng sinh, những người dân làm nghề chài lưới, đánh cá câu tôm trên sông biển họ có hạnh phúc yên vui bao giờ đâu. Mỗi lần ra sông, ra biển để bắt cá tôm là cả gia đình họ đều lo lắng không yên, đến khi trở về nhà còn sống mới hết lo sợ. Thiên tai lũ lụt, sóng thần đều cuốn trôi nhà cửa tài sản của những người dân làm nghề ác độc này. Quý vị có thấy không? Những điều này xảy ra năm nào cũng có, không nước này thì nước khác, mà dân chài lưới thì lãnh đủ.
Tử thần cứ lăm le đến thăm họ, sự sống chết của họ như chỉ mành treo chuông, nhưng nào họ có biết. Họ sống khổ đau, sống trong ác pháp như thế mà họ không biết hối hận ăn năn với những việc làm ác đức tội lỗi. Hằng ngày họ giết hàng trăm vạn sinh linh vô tội; hằng ngày họ nhai nuốt biết bao nhiêu loài vật trên dao dưới thớt của họ, cơ thể của họ là nghĩa địa, là gò mả, là mồ chôn xác chúng sinh. Tất cả cá, tôm, gà, vịt, heo, dê, bò, trâu, ngựa, chó, mèo, rắn, rít, v.v.. đều chôn tại chỗ đó. Họ đã biến cơ thể của họ trở thành một nơi tội lỗi giết hại biết bao nhiêu sinh vật vô tội. Với việc làm đầy tội lỗi này mà pháp luật các nước trên thế giới không thể bắt tội họ được. Vì từ xưa đến nay, tổ tiên ông bà của chúng ta đã sống một đời sống động vật, nhân tính mất, nên họ giết hại và ăn thịt các loài động vật, có khi ăn thịt luôn cả người nữa, rồi truyền thừa lại con cháu về sau nhiều đời nhiều kiếp cũng sống như vậy. Hiện giờ có một số bộ lạc ở trên những vùng cao nguyên trong rừng sâu đang ăn thịt người. Gần đây có một vài nước văn minh, các đại gia đang tìm thịt trẻ con mới sinh, 5, 10 tháng tuổi để làm món ăn thượng hạng.
Đạo đức nhân bản - nhân quả hiếu sinh, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì chưa ai biết, nên mọi người thường giết hại và ăn thịt những loài động vật khác đã trở thành một nếp sống, một thói quen ăn uống ác độc, nếu bữa ăn không có thịt chúng sinh thì họ ăn uống không ngon. Từ đó cha truyền con nối cứ tiếp tục giết hại và ăn thịt chúng sinh một cách tự nhiên.
Một truyền thừa nếp sống ác đức, đầy tội lỗi nhưng có mấy ai lưu ý; có mấy ai hiểu rằng nhân nào quả nấy; có mấy ai hiểu rằng luật nhân quả chạy đâu tránh khỏi, dù cho bay lên trời hay chui xuống biển cũng không sao tránh khỏi.
Những quả báo khi thời tiết nhân duyên đã đến dù có chư Phật, Bồ Tát cũng đành bó tay.
Luật pháp nhân quả sẽ không tha thứ cho một người nào làm ác, dù người đó là vua quan cũng không trốn khỏi. Cho nên người nào giết hại và ăn thịt chúng sinh thì cơ thể không bệnh đau thế này thì cũng bệnh đau thế khác. Già trẻ lớn bé đều không thoát khỏi bệnh tật là do ăn thịt chúng sinh. Cho nên làm người ai cũng nuôi mạng sống bằng xương máu chúng sinh thì bệnh tật là do nghiệp ác đó. Muốn thoát khỏi bệnh tật chỉ có những người sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì cơ thể sẽ không bệnh tật; thì gia đình sẽ không tai nạn, mọi người đều sống được bình an, yên vui và hạnh phúc.
Thường người ta thấy ai bệnh tật hiểm nghèo thì bảo: “Trời kêu ai nấy dạ”. Người ta không hiểu nhân quả nên nói có luật trời, chứ không có luật trời nào cả, mà chỉ có luật nhân quả. Vì luật nhân quả xử phạt rất công minh và chính trực không sai một li hào nào cả. Chính hành động ác như giết hại và ăn thịt chúng sinh thì trả quả là cơ thể phải bị bệnh đau nhức khổ sở như trên chúng tôi đã nói và thường nhắc đi nhắc lại.
Quý vị có nhớ không? Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại, vì hằng ngày quý vị nuôi thân mạng bằng sự đau khổ chết chóc của chúng sinh thì thân mạng của quý vị phải bệnh tật khổ đau là đúng luật. Cho nên quý vị giết hại và ăn thịt chúng sinh thì đừng mong thân mạng quý vị không đau bệnh.
Vì thế, gốc bệnh tật khổ đau là do giết hại và ăn thịt chúng sinh. Hễ ai làm một việc tàn ác cướp lấy mạng sống của loài vật khác để nuôi mạng sống thân mình, đó là hành động bất bình đẳng, đáng chê trách, không xứng đáng làm con người. Vì con người phải sống có đạo đức nhân bản của con người, nên không bao giờ giết hại và ăn thịt chúng sinh. Nuôi mạng sống của mình bằng xương máu của các loài vật khác, những người sống như vậy thật đáng cho chúng ta sợ hãi và nên tránh xa.
Xưa nay chỉ có loài thú vật mới ăn thịt nhau, chứ con người thì không thể ăn thịt nhau như vậy. Con người thật con người khi làm một điều ác, làm một điều đau khổ cho bất cứ một loài vật nào tâm cũng cảm thấy xấu hổ, nghĩ mình không xứng đáng làm người. Chỉ có những người mất nhân tính, tâm còn là thú vật nên sự cảm thấy làm khổ người và làm khổ loài vật khác thì thích thú, vui cười hớn hở trên sự đau khổ của người và các loài vật khác.
Hành động nhổ bãi nước bọt vào mặt Phật là một hành động lăng nhục Phật. Khi nhận ra hành động ác độc này, anh ta rất hối hận, suốt đêm không ngủ và cảm thấy việc làm của mình quá sai trái và tội lỗi.
Con người này còn chút nhân tính khi làm một hành động quá ác đối với Phật, anh ta biết hối hận và suốt đêm không ngủ. Bởi vậy đức hối hận ăn năn sẽ giúp con người từ ác trở thành thiện; con người từ xấu trở thành tốt. Cho nên làm người luôn luôn phải biết hối hận ăn năn khi chúng ta làm một điều gì mà có sự buồn phiền hay khổ đau cho mọi người và mọi loài động vật, dù con vật nhỏ như con kiến, con sâu, con bọ, v.v.. lỡ chúng ta vô tình giậm đạp làm hại chúng thì phải hối hận ăn năn, khi đi, đứng, nằm hay ngồi đều phải cẩn thận tránh làm sao không làm đau khổ chúng nữa.
Một cậu bé đi học trễ chỉ vì một đêm mưa gió, loài sâu ra khỏi hang bò ngổn ngang trên lề đường. Thấy những con vật đáng thương này cậu mới đem chúng bỏ vào hang, để chúng tránh khỏi sự giậm đạp của người khác. Người mẹ đang buồn phiền con đi học trễ, nhưng khi nghe xong lời thuật lại lòng nhân ái của con, người mẹ ôm con vào lòng với hai giòng nước mắt thương yêu.
Nếu đem so sánh đức hiếu sinh của cậu bé 7 tuổi đã thực hiện lòng nhân từ tuyệt vời, đôi khi người lớn vô tình không làm được hành động hiếu sinh như vậy. Phải không quý vị? Nếu chúng ta không biết hối hận thì không làm sao sửa sai những lỗi lầm. Trên đời này không ai toàn thiện, cho nên sự lỗi lầm làm sao không xảy ra, nhưng xảy ra mà biết hối hận sửa sai là một hành động đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho muôn loài chúng sinh.
Vậy quý vị nên ghi nhớ những lời dạy đạo đức hối hận hiếu sinh này, để mãi mãi cuộc sống loài người và muôn loài vạn vật trên hành tinh là Thiên Đàng, Cực Lạc. Nơi đây không còn thấy sự đau khổ giết hại và ăn thịt chúng sinh nữa, nơi đây không còn thấy sự xung đột và chiến tranh tàn khốc nữa.
Đức hối hận hiếu sinh là một đức hạnh rất cần thiết cho cuộc sống con người, vì nó sẽ đem lại sự bình an, yên vui cho hành tinh này.
ĐỨC THỨ NĂM ĐỨC SÁM HỐI HIẾU SINH THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH
Sám hối là một đức hạnh biết tự nguyện, tự giác, đầy đủ can đảm nói ra sự thật những lỗi lầm của mình đã vi phạm trong giới luật đức hạnh của Phật, thường vi phạm những lỗi lầm trong giới luật đức hạnh của Phật là làm khổ mình, làm khổ người và khổ các loài vật.
Ví dụ: Từ ngày thọ Tam Quy, Ngũ Giới đến nay, người phật tử vẫn còn giết hại và ăn thịt cá, tôm, gà, vịt, heo, dê, v.v.. thì hãy đến trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni hay một vị thầy giới luật nghiêm chỉnh mà xin phát lồ sám hối như sau: 
“Con pháp danh Thích Minh Hiền xin sám hối trước Thầy, vì từ khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới, con không giữ gìn trọn vẹn, đến nay vẫn còn ăn thịt chúng sinh. Vậy cúi mong Thầy chứng minh cho con, từ nay về sau con quyết tâm không giết hại và ăn thịt chúng sinh nữa, một lòng quyết giữ gìn giới luật thanh tịnh”.
Khi nào làm một điều gì hay to tiếng nói lời thô lỗ, hỗn hào dữ tợn hoặc nói nặng lời mắng người như: “Anh sao ngu quá! Đồ ngu! Đồ điên!...” Nếu có lỡ lời nói hay có hành động làm buồn phiền người khác thì hãy quỳ trước một vị thầy có đức độ xin sám hối: 
“Kính thưa thầy, vừa rồi con không dằn được lòng sân nóng nảy, con đã nặng lời mạ nhục chửi mắng anh ấy hay chị ấy đồ ngu, đồ mất dạy, đồ vô đạo đức... Nên nay con đến đây xin thầy nhủ lòng thương xót, chứng minh cho con thành tâm sám hối những gì con đã làm khổ người, khổ mình. Kể từ đây con không còn tái phạm những lỗi lầm ấy nữa.
Con kính mong thầy chứng minh để con đảnh lễ được tiêu trừ lời nói ác”.
Bất cứ làm hay nói một điều gì mà biết mình làm hay nói là sai trái thì nên đến xin lỗi với người mình đã làm phiền, tức là sám hối để từ đây về sau mình không còn tái phạm nữa, nhất là hiện tại trong tâm mình được nhẹ nhàng thư thái, không còn day dứt dày vò.
Ở câu chuyện trên đây cũng vậy: “Tối đến anh ta bị mất ngủ, dần dần anh ta cảm thấy việc mình làm là hoàn toàn sai trái và cảm thấy tội lỗi”. Anh rất hối hận với việc làm thô lỗ kém văn hóa nên đến xin Phật tha lỗi. Hành động đến xin lỗi Phật là hành động biết sám hối, ăn năn chừa bỏ những lỗi lầm sai trái của mình.
Bởi vậy, đức sám hối là một đức hạnh giúp mình trở thành những con người tốt, những người thiện không làm khổ mình, khổ người và chúng sinh. Con người sinh ra ở đời chắc ai cũng có những lỗi lầm, nhưng có lỗi lầm mà biết sám hối sửa sai thì sẽ trở thành người tốt. Đó là một điều xác quyết chắc chắn không sai.
ĐỨC THỨ SÁU ĐỨC BUÔNG XẢ BẰNG TRI KIẾN CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG KHẨU HÀNH, Ý HÀNH
Đức buông xả bằng tri kiến giải thoát là phải thông suốt các pháp vô thường. Muốn thông suốt các pháp vô thường là phải có đức hạnh minh mẫn. Có đức hạnh minh mẫn mới thấy rõ ràng các pháp vô thường như thật.
Mọi người trên hành tinh này còn đang bị một lớp màn vô minh che mờ ý thức, nên không thấy các pháp vô thường như thật. Vì không thấy các pháp vô thường như thật nên lầm chấp các pháp trong thế gian này là thật có: Của cải, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, châu báu, ngọc ngà là những pháp có thật. Rồi đến thân tâm mình cũng cho là có thật, dù có chết đi nhưng tâm này vẫn còn mãi mãi không chết. Do vô minh hiểu một cách lệch lạc như vậy nên tâm sinh ra tham đắm, dính mắc không xả ly được. Do tâm tham dính mắc, không buông xả ly được nên tâm sinh ra ngũ triền cái. Ngũ triền cái gồm có: Tham, sân, si, mạn, nghi. Chính năm cái màn ngăn che này mà con người vốn mê mờ nay lại càng mê mờ hơn nữa. Càng mê mờ hơn nữa thì lại càng khổ đau.
Khi anh ta hối hận việc làm vô cùng tội lỗi với một vị tu hành nghiêm chỉnh như Gotama, càng suy ngẫm anh ta thấy tội lỗi càng nặng hơn. Gotama là một người sinh ra trong giai cấp vua chúa (Xá đế lị), bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ là một việc làm ít ai làm được, vậy mà anh có những hành động vô lễ hết sức. Khi nghĩ như vậy anh đến xin lỗi, đức Phật cười và khuyên:
“Anh hãy quên chuyện đó đi. Hiện tại anh không có làm gì cả. Hai người đó đều đã chết, tất cả đã kết thúc trong quá khứ. Phật và anh là con người mới hoàn toàn”.
Lời dạy này rất tuyệt vời: “Quá khứ thì đã qua, vị lai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại”.
Chỉ có pháp hiện tại, hiện tại sống thiện thì tương lai thiện và quá khứ cũng thiện. Tất cả ba thời gian đều thiện thì cuộc đời là Thiên Đàng, loài người không còn xung đột và chiến tranh nữa.
Như vậy thời gian “HIỆN TẠI” rất cần thiết cho đời sống của chúng ta. Khi chúng ta am tường Phật giáo thì nên lấy mốc thời gian “HIỆN TẠI” làm cuộc sống cho mình, cho người và cho chúng sinh. Tức là chúng ta không làm khổ cho mình, cho người và cũng không làm khổ cho tất cả các loài chúng sinh.
Không làm khổ tức là chúng ta đã buông xả sạch, buông xả sạch tức là ly dục ly ác pháp, hay nói đúng hơn là chúng ta đang tu tập trên pháp môn Tứ Chánh Cần từng phút giây ngăn ác, diệt ác pháp, và luôn luôn nhớ kỹ lúc nào cũng ở trong tâm bất động thanh thản, an vui và vô sự, đó là sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp.
Cái thấy ở các pháp thiện trong hiện tại là cái thấy đúng không sai, cái thấy đem lại sự bình an cho mình, cho người, cho muôn loài vạn vật.
Cái thấy này thật là tuyệt vời, không còn có cái thấy nào hơn nữa được, tức là cái thấy diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác. Chính nhờ cái thấy này mà người tu sĩ Phật giáo mới làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người, nếu không có cái thấy này thì người tu sĩ Phật giáo dù có tu tập bao nhiêu pháp môn cũng không bao giờ chứng quả A La Hán. Cái thấy ấy chính là tri kiến giải thoát của Phật giáo. Xin quý vị hãy nhớ lấy lời dạy này.
Lời dạy bằng tâm huyết của đức Phật, vì thương chúng sinh như thương con một của mình.
Còn cái tánh thấy của Thiền tông và Đại thừa, cái tánh thấy của ảo tưởng (Phật tánh). Cái thấy này không làm chủ sinh, già, bệnh, chết được. Xin quý vị đừng tin theo.

_____


Trưởng lão Thích Thông Lạc, Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tập 1. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét