Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Bài học thứ 29: LÒNG GANH GHÉT CỦA NGOẠI ĐẠO

Xưa có một ông vua tên là Cấm Mỵ, sinh được một người con gái tên là Ma Lê Ni. Khi tuổi đã lớn, nàng thường cúng dường 500 vị Bà La Môn. Không ngày nào quên lãng. Lúc bấy giờ, đức Phật đang ở một khu rừng gần đó. Công chúa thường hay đi dạo chơi, nhưng mỗi khi muốn đến khu rừng ấy thì các người theo hầu đón lại không để vào. Nàng liền hỏi rằng:
- Rừng nào tôi cũng vào chơi được, tại sao khu rừng này lại vào chơi không được? Mà còn phải tránh xa?
Vị hầu cận thưa:
- Rừng này chỉ có ông Sa Môn trọc đầu, tên gọi là Thích Ca Mâu Ni. Công chúa không nên xem làm gì.
Nghe nói thế, công chúa lại còn tò mò muốn biết hơn, nên nàng đi vào xem cho biết.
Đến nơi, nàng thấy sắc tướng oai nghi của đức Phật, từ trường thiện phủ trùm khu rừng khiến cho cỏ cây xanh tươi mát mẻ, thanh tịnh an trụ một cách kỳ lạ, nàng liền sinh lòng ái kính quỳ lạy đức Phật. Sau khi nghe Phật thuyết bốn chân lý, nàng xin thọ Tam quy, Ngũ giới, làm đệ tử Phật.
Nàng lễ tạ Phật ra về. Khi hiểu được Tam quy, Ngũ giới, nàng mới hiểu rằng: “Các vị Bà La Môn không phải là ruộng phước chân chánh, không nên cúng dường làm gì, nên để cúng dường Phật”.
Lúc bấy giờ, các Bà La Môn nghe tin nàng Ma Lê Ni làm đệ tử của đức Phật, lại đem các món quý báu cúng dường đức Phật, nên sanh lòng ganh ghét tức tối.
Một hôm, vua Cấm Mỵ nằm ngủ thấy 11 điều mộng, trong lòng lo sợ, liền triệu quần thần đến đoán. Quần thần tâu xin hỏi các vị Bà La Môn. Các vị Bà La Môn tâu rằng:
- Mộng này là điềm chẳng lành, một là mất nước, hai là bị hại đến tánh mệnh, chỉ có cách là đem trâu, dê, ngựa và nàng Ma Lê Ni cùng 500 người hầu hạ nàng, trong 7 ngày thời bắt ra các ngả đường mà giết để tế trời thì khỏi các tai nạn.
Vua liền làm theo, kêu nàng Ma Lê Ni nói rõ ý định của vua và cho phép nàng trong 6 ngày tiếp, có muốn điều gì thời được tự do đòi hỏi. Nàng thưa rằng:
- Con nay xin vua cha vui lòng tùy thuận con. Chỉ xin nguyện ngày thứ nhất cho phép tất cả nam nữ ở trong thành được đến chỗ Phật ở, lãnh thọ Tam quy, Ngũ giới; ngày thứ hai cho phép tất cả quần thần đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ ba cho phép tất cả con trai vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ tư cho phép tất cả con gái vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ năm cho phép tất cả các phu nhân thể nữ của vua đến chỗ Phật ở, và ngày thứ sáu, cuối cùng xin vua cũng đến chỗ Phật ở.
Những lời thỉnh cầu của nàng vua đều ưng thuận. Và trong sáu ngày ấy, tất cả vua quan dân chúng ở trong thành đều được lễ Phật, nghe pháp thọ lãnh Tam quy, Ngũ giới. Vua đem những điềm mộng bạch với đức Phật.
Đức Phật giải cho vua rõ tất cả điềm mộng đó không ứng về hiện tại, mà thuộc về các kiếp sau. Không can hệ gì đến vua cả. Vua hiểu ngay ý Phật dạy, liền truyền bãi bỏ tất cả sự giết hại chúng sanh để tế tự, phát nguyện dầu có phải hủy bỏ thân mạng cũng không bao giờ giết hại một ai cả.
(Trích Luật Sa Di)
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Xưa có một ông vua tên là Cấm Mỵ, sinh được một người con gái tên là Ma Lê Ni. Khi tuổi đã lớn, nàng thường cúng dường 500 vị Bà La Môn. Không ngày nào quên lãng”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 2: “Lúc bấy giờ, đức Phật đang ở một khu rừng gần đó. Công chúa thường hay đi dạo chơi, nhưng mỗi khi muốn đến khu rừng ấy thì các người theo hầu đón lại không để vào”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 3: Nàng liền hỏi rằng: “Rừng nào tôi cũng vào chơi được, tại sao khu rừng này lại vào chơi không được? Mà còn phải tránh xa?”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 4: Vị hầu cận thưa: “Rừng này chỉ có ông Sa Môn trọc đầu, tên gọi là Thích Ca Mâu Ni. Công chúa không nên xem làm gì”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 5: “Nghe nói thế, công chúa lại còn tò mò muốn biết hơn, nên nàng đi vào xem cho biết. Đến nơi, nàng thấy sắc tướng oai nghi của đức Phật, từ trường thiện phủ trùm khu rừng khiến cho cỏ cây xanh tươi mát mẻ, thanh tịnh an trụ một cách kỳ lạ, nàng liền sinh lòng ái kính quỳ lạy đức Phật”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 6: “Sau khi nghe Phật thuyết bốn chân lý, nàng xin thọ Tam quy, Ngũ giới, làm đệ tử Phật”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 7: Nàng lễ tạ Phật ra về. Khi hiểu được Tam quy, Ngũ giới, nàng mới hiểu rằng: “Các vị Bà La Môn không phải là ruộng phước chân chánh, không nên cúng dường làm gì, nên để cúng dường Phật”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 8: “Lúc bấy giờ, các Bà La Môn nghe tin nàng Ma Lê Ni làm đệ tử của đức Phật, lại đem các món quý báu cúng dường đức Phật, nên sanh lòng ganh ghét tức tối”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 9: “Một hôm, vua Cấm Mỵ nằm ngủ thấy 11 điều mộng, trong lòng lo sợ, liền triệu quần thần đến đoán. Quần thần tâu xin hỏi các vị Bà La Môn. Các vị Bà La Môn tâu rằng: Mộng này là điềm chẳng lành, một là mất nước, hai là bị hại đến tánh mệnh, chỉ có cách là đem trâu, dê, ngựa và nàng Ma Lê Ni cùng 500 người hầu hạ nàng, trong 7 ngày thời bắt ra các ngả đường mà giết để tế trời thì khỏi các tai nạn”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 10: “Vua liền làm theo, kêu nàng Ma Lê Ni nói rõ ý định của vua và cho phép nàng trong 6 ngày tiếp, có muốn điều gì thời được tự do đòi hỏi”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 11: Nàng thưa rằng: “Con nay xin vua cha vui lòng tùy thuận con. Chỉ xin nguyện ngày thứ nhất cho phép tất cả nam nữ ở trong thành được đến chỗ Phật ở, lãnh thọ Tam quy, Ngũ giới; ngày thứ hai cho phép tất cả quần thần đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ ba cho phép tất cả con trai vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ tư cho phép tất cả con gái vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ năm cho phép tất cả các phu nhân thể nữ của vua đến chỗ Phật ở, và ngày thứ sáu, cuối cùng xin vua cũng đến chỗ Phật ở”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 12: “Những lời thỉnh cầu của nàng vua đều ưng thuận. Và trong sáu ngày ấy, tất cả vua quan dân chúng ở trong thành đều được lễ Phật, nghe pháp thọ lãnh Tam quy, Ngũ giới. Vua đem những điềm mộng bạch với đức Phật. Đức Phật giải cho vua rõ tất cả điềm mộng đó không ứng về hiện tại, mà thuộc về các kiếp sau. Không can hệ gì đến vua cả. Vua hiểu ngay ý Phật dạy”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 13: “Liền truyền bãi bỏ tất cả sự giết hại chúng sanh để tế tự, phát nguyện dầu có phải hủy bỏ thân mạng cũng không bao giờ giết hại một ai cả”. Câu này dạy đạo đức nhân quả gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
Xưa có một ông vua tên là Cấm Mỵ, sinh được một người con gái tên là Ma Lê Ni. Khi tuổi đã trưởng thành, nàng thường cúng dường 500 vị Ba La Môn. Không ngày nào quên lãng”.
Câu này dạy ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Cúng dường và bố thí đều có nghĩa là đem cho: cho cơm ăn, cho áo mặc, cho tiền, cho của cải, v.v.. nhưng chữ cúng dường có nghĩa là đem cho với lòng tôn kính, tôn trọng. Còn bố thí là đem cho, nhưng không có vẻ tôn kính và trịnh trọng như cúng dường. Người ta đem bố thí cho ăn mày, cho những người nghèo khó, nhưng người ta cúng dường chư Phật, chư Hiền Thánh Tăng, cho những bậc tu hành chân chánh.
Từ xưa, trong kinh sách thường dạy chúng ta cúng dường và bố thí thì được phước báu và công đức vô lượng. Cho nên mọi người đều làm theo lời dạy này. Lời dạy này đã thành một phong tục tốt đẹp, một phong tục đầy đủ đức hiếu sinh, biết thương người nghèo khó.
Cúng dường cũng là cứu giúp cho những bậc chân tu, vì họ đã bỏ hết cuộc đời, chỉ còn sống ngày một bữa đi xin ăn mà thôi. Vì thế sự cúng dường và bố thí đã trở thành một phong tục đạo đức thương người tốt đẹp như trên đã nói. Do tình thương người mới biết cứu giúp mọi người trong cơn hoạn nạn, lá lành đùm lá rách. Nhờ phong tục tốt đẹp đó, đã in sâu vào lòng người từ xưa đến nay.
Công chúa Ma Lê Ni cũng chịu ảnh hưởng này, nên hằng ngày thường cúng dường cho 500 vị Bà La Môn. Với một số lượng người đông như vậy thì phải tốn hao một số tiền rất lớn, mà công chúa vẫn bỏ ra mà không tiếc, thật là đại bố thí! Khi cúng dường là xả tâm ích kỷ, nhỏ hẹp của mình do đức bố thí hiếu sinh, tức là lòng thương yêu đến với những người tu hành, vì họ là những người đã bỏ hết cuộc đời đi tu, nên chẳng còn có gì nữa.
Người cúng dường với số lượng ăn uống tiền bạc cho 500 người như vậy thì làm sao các vị Ba La Môn không quý trọng. Họ xem công chúa Ma Lê Ni là một đại thí chủ.
Hành động của công chúa làm được việc này là ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Một đức hạnh thương người, xả lòng ích kỷ bỏn xẻn tuyệt vời.
Nàng có phước được sinh ra trong dòng vua chúa, mà lại có lòng cúng dường bố thí lớn lao như vậy, thật là trên đời rất hiếm có một cô gái tín ngưỡng tôn trọng những người tu hành như vậy.
Trả lời câu hỏi 2:
Lúc bấy giờ, đức Phật đang ở một khu rừng gần đó. Công chúa thường hay đi dạo chơi, nhưng mỗi khi muốn đến khu rừng ấy thì các người theo hầu đón lại không để vào”. 
Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU SINH DUNG HÒA THÂN HÀNH.
Con người vì sợ mất danh, mất lợi nên tìm bằng mọi cách chia rẽ, li gián, ngăn chặn không cho công chúa Ma Lê Ni vào gặp Phật.
Vì họ biết rằng gặp Phật trong trường hợp này là họ sẽ mất một nguồn lợi rất lớn.
Khi ngăn cản như vậy đã làm cho công chúa nghi ngờ, đã nghi ngờ thì phải khám phá cho bằng được. Do đó công chúa đã thành công.
Một hành động ngăn cản như vậy là một hành động sợ hãi đối phương (đức Phật), có nghĩa là các vị Bà La Môn này rất sợ đức Phật. Vì giới luật đức hạnh của đức Phật quá tinh nghiêm, còn các ông không sánh kịp, nhất là pháp môn tu hành quá thiết thực và cụ thể mà các ông không bao giờ có. Pháp của các ông chỉ có tụng niệm cúng bái, tế tự, cầu siêu, cầu an, bói toán, nói chuyện quá khứ vị lai để lừa đảo người khác. Cho nên các ông sợ công chúa đến đó gặp Phật sẽ thay đổi và không còn cúng dường cho các ông nữa.
Đúng vậy, khi gặp Phật, được nghe Phật thuyết pháp về giới luật đức hạnh, thì các pháp của ngoại đạo sẽ lộ tẩy là pháp lừa đảo nên không còn lừa được ai nữa. Cho nên các vị Bà La Môn đối với đức Phật là một cây gai trong mắt.
Cuộc đời hoằng hóa độ sinh của đức Phật gặp rất nhiều gian khổ, Ngài gặp biết bao nhiêu sự hãm hại của ngoại đạo Bà La Môn.
Nào là vu khống nói xấu Ngài đủ điều; nào là gán cho Ngài tội hiếp dâm giết người; nào là lấy người có thai; nào là cho voi say hoặc tên Vô Não giết Ngài, v.v... Cuối cùng Ngài cũng vượt qua tất cả và để lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người. Thật là vẻ vang! Một bậc vĩ nhân hiếm có.
Trả lời câu hỏi 3:
Nàng liền hỏi rằng: “Rừng nào tôi cũng vào chơi được, tại sao khu rừng này lại vào chơi không được? Mà còn phải tránh xa?”. Lời ngăn cản này nói lên tính ganh tỵ, THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH. Các Bà La Môn hèn nhát, tỏ lộ tính khiếp đảm và sợ hãi đức Phật quá rõ rệt.
Người có tính hơn thua ganh tỵ, không dám cho người khác nghiên cứu suy tầm giới luật đức hạnh và giáo pháp của người khác, đó là tính ích kỷ hẹp hòi.
Ngày xưa đức Phật không cấm mọi người theo các tôn giáo khác, Ngài chỉ nhắc nhở:
Đừng có tin! Đừng có tin bất cứ giáo pháp nào, chỉ nên tin pháp nào thiện, pháp nào làm lợi ích cho mình, cho người thì nên tin, còn pháp nào không làm lợi ích cho mình, cho người thì đừng nên tin theo.
Sự ngăn cản của các Bà La Môn là nói lên sự hèn nhát, sự kém thua xa về đức hạnh giới luật và sự tu hành của đức Phật. Họ biết chắc chắn giáo pháp của họ chỉ là những giáo pháp lừa đảo mọi người, chứ tu hành cũng chẳng đi đến đâu được cả, nhưng vì sự sống và danh dự của họ, nên họ chưa dám buông bỏ.
Có những ngoại đạo cấm và đốt cả những bộ giới luật đức hạnh của Phật giáo. Đó là hành động để bưng bít lối sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới của những vị tu sĩ Bà La Môn này; để không cho phật tử tín đồ thấy biết họ sai phạm. Và muốn chắc chắn hơn, họ soạn thảo bộ Bồ Tát Giới cấm không cho tín đồ đọc và học tu những bộ sách Nguyên Thủy của Phật giáo, mà chúng gọi là Tiểu thừa.
Những bộ sách nguyên thủy này chỉ thẳng pháp nào tu đúng, pháp nào tu sai của Phật giáo. Nhờ có đọc những kinh sách như vậy, mọi người mới biết đường tu hành đúng chánh pháp của Phật.
Thời đức Phật, công chúa Ma Lê Ni cũng bị cản ngăn không cho gặp Phật. Nàng gan dạ vào gặp Phật nghe pháp và xin làm đệ tử của Người, thì chẳng bao lâu sau nàng bị kêu án tử hình, chỉ trong 7 ngày nữa phải bị chặt đầu tế thần linh.
Công chúa là con vua, nhưng chỉ cần gặp Phật một chút, mà vẫn phải mang án tử hình. Quý vị nên biết uy quyền của giáo sĩ Bà La Môn dựa vào thần thánh lúc bấy giờ thật ghê gớm. Chỉ cần một lời nói giết người, ngay cả công chúa cũng phải bị giết huống là các loài vật. Họ giết người và vật để tế thần linh không gớm tay, không xót thương chút nào cả. Những Bà La Môn này chỉ còn biết quyền lợi của mình trên hết, còn làm những tội lỗi thì các vị chẳng hề biết đến. Nếu công chúa không khôn ngoan, không nhờ Tam quy, Ngũ giới của Phật thì không sao tránh khỏi cái chết mà các Bà La Môn đã khéo xếp đặt.
Trả lời câu hỏi 4:
Vị hầu cận thưa: “Rừng này chỉ có ông Sa Môn trọc đầu, tên gọi là Thích Ca Mâu Ni. Công chúa không nên vào xem làm gì”. 
Câu này dạy THIẾU ĐỨC ÁI NGỮ HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Hai chữ Sa Môn “trọc đầu”, đó là ngôn ngữ kém lễ độ, lịch sự, văn hóa mà những vị Bà La Môn dùng chỉ cho đức Phật.
Lòng đố kỵ của những Bà La Môn đối với đức Phật thật kinh khiếp, ngăn chặn mọi mặt không cho mọi người đến với đạo Phật.
Tuy câu chuyện ngắn ngủi, nhưng nói lên sự truyền đạo của đức Phật đâu có dễ dàng. May mắn đức Phật có đầy đủ phước báu, nên ngoại đạo không làm gì và không hại Ngài được.
Khi đức Phật nhập Niết Bàn xong, là chúng khéo léo len lỏi vào tăng đoàn của Phật, phân hóa chia rẽ Phật giáo ngay liền.
Chúng chia năm xẻ bảy Phật giáo ra làm nhiều hệ phái khác để làm suy yếu Phật giáo một cách rõ rệt. Điều quan trọng nhất là một mưu lược diệt Phật giáo kinh khủng mà không ai biết. Đó là một thủ đoạn gian xảo kinh hồn. Họ biết rất rõ giới luật đức hạnh của Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, nên khi đức Phật nằm xuống là chúng tìm cách diệt ngay liền bằng cách: “BỎ NHỮNG GIỚI NHỎ NHẶT”. Tất cả kinh sách Phật bị lần lượt thay đổi mà mọi người không hay biết. Chúng dựng lại giáo pháp của Bà La Môn thay thế vào giáo pháp của Phật bằng cái tên kinh sách phát triển. Còn kinh sách Phật chúng gọi là kinh sách ngoại đạo Tiểu thừa, cấm không cho tín đồ phật tử đọc và tu tập (Bồ tát giới).
Thấy tình hình danh lợi và âm mưu của các hệ phái Phật giáo đương thời có thể làm mất giáo lý của Phật, nên lúc bấy giờ hệ phái Thượng Tọa Bộ ôm toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy đi về phương Nam để giữ gìn lời dạy gốc nguyên thủy của Phật. Hôm nay chúng ta còn những lời Phật dạy nguyên gốc là phải biết ơn hệ phái Thượng Tọa Bộ.
Tất cả tu sĩ Nam tông hiện giờ tuy họ kiến giải, tưởng giải viết ra rất nhiều sách, nào là Thiền Minh Sát Tuệ, Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Phật, v.v.. nhưng họ không bao giờ dám sửa hay thêm bớt trong tạng kinh sách nguyên thủy của Phật.
Giới luật của Phật là pháp môn tu hành, thì các sư thầy, tổ lại biên soạn theo pháp luật, biến giới luật đức hạnh của Phật giáo thành giới cấm. Chúng ta xét thấy trong giới kinh đức Phật dạy giới luật thứ nhất gọi là: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”; còn các sư thầy Bà La Môn sửa lại: “CẤM SÁT SINH”; giới thứ hai đức Phật dạy: “TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO”; Bà La Môn dạy: “CẤM TRỘM CẮP”, v.v.. BÁT CHÁNH ĐẠO là tám lớp dạy đạo đức của Phật giáo, Bà La Môn lại chuyển thành một bài thuyết pháp BÁT CHÁNH ĐẠO.
Nàng công chúa Ma Lê Ni gan thật. Trước sự ngăn chặn của ngoại đạo như vậy, nếu là một người thường dân chắc không ai dám đến khu rừng đó, nhưng nàng nghĩ mình là con vua, ai dám làm gì mình, vì thế nàng mới đi vào thăm Phật và sau đó không cúng dường cho 500 vị Bà La Môn nữa. Do sự chấm dứt không cúng dường khiến chúng càng căm hờn, chờ ngày diệt trừ công chúa. Riêng công chúa đâu ngờ ngày ấy đến.
Trả lời câu hỏi 5:
Nghe nói thế, công chúa lại còn tò mò muốn biết hơn, nên nàng đi vào xem cho biết. Đến nơi, nàng thấy sắc tướng oai nghi của đức Phật, từ trường thiện phủ trùm khu rừng khiến cho cỏ cây xanh tươi mát mẻ, thanh tịnh an trụ một cách kỳ lạ, nàng liền sinh lòng ái kính quỳ lạy đức Phật”. 
Câu này dạy ĐỨC TƯỚNG PHƯỚC ĐIỀN HIẾU SINH THÂN, KHẨU, Ý HÀNH của Phật.
Công chúa tò mò muốn biết đức Phật Thích Ca như thế nào, mà mọi người bảo nhau là một Sa Môn đầu trọc ghê gớm lắm như một ác quỷ? Khi tận mắt công chúa thấy đức Phật chỉ là một người hành hiền lành, oai nghi tế hạnh đoan trang, dường như nàng cảm nhận được lòng yêu thương rộng lớn của đức Phật đang phủ trùm cả khu rừng tạo nên một sự sống bình an cho mọi người, mọi loài đang sống trên hành tinh này.
Nàng đến bên và đảnh lễ Người mà lòng mừng vô hạn. Nàng không ngờ trên cõi đời này lại có một người hiền đức khó ai sánh bì được.
Đức tướng phước điền hiếu sinh của Phật thật là vi diệu vô cùng. Vì đức Phật là đức hạnh, là giới luật nghiêm chỉnh. Nó khiến cho mọi người nhìn thấy là đã bị nhiếp phục với lòng thương kính đức hiếu sinh đó. Vì thế khi ngồi chơi, khi ngồi thọ thực, khi đi kinh hành, khi ngồi thiền kiết già hay bán già, quý tu sinh hãy ăn mặc nghiêm chỉnh, đừng cởi trần, đừng mặc quần ngắn, mà phải mặc áo tràng và vận y vấn hẳn hoi.
Chính vì ăn mặc nghiêm chỉnh trong khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng là nói lên lòng tôn kính giới luật đức hạnh. Trên đời này có gì quý hơn là đức hạnh giới luật, ngoài giới luật đức hạnh không có vật gì sánh bằng được. Do thế, muốn tỏ lòng tôn kính giới luật đức hạnh thì lúc nào cũng phải ăn mặc nghiêm trang, tề chỉnh. Còn những người ăn mặc lôi thôi mà đi học đạo đức giới luật thì đó là phỉ báng đạo đức giới luật.
Hỡi các tu sinh! Đừng vì một lý do gì? Hay một thói quen sống như người nông dân, quanh năm suốt tháng chỉ mặc chiếc quần ngắn, ở trần trùng trục như một loài động vật. Chúng ta là con người đều hiểu biết cơ thể con người dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời tiết. Nếu chúng ta ăn mặc nghiêm trang kín đáo, cơ thể sẽ thích nghi dễ dàng và chúng ta cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu, còn nếu ở trần như con nhộng thì cơ thể cũng thành thói quen và như vậy con người giống như con thú vật. Cho nên người tu hành theo Phật giáo không có thời gian chơi như người phàm phu. Ngồi chơi của người tu sĩ Phật giáo là ngồi chơi trong oai nghi tế hạnh đức hạnh giới luật của những bậc Thánh Hiền, chứ không phải ngồi chơi theo kiểu phàm phu tục tử, theo người thế gian. Ngồi chơi theo bậc Thánh Hiền thì thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Vì thế oai nghi tế hạnh phải được thể hiện rõ ràng bằng những đức hạnh hiếu sinh, ly tham cụ thể rõ ràng.
Trả lời câu hỏi 6:
Sau khi nghe Phật thuyết bốn chân lý, nàng xin thọ Tam quy, Ngũ giới, làm đệ tử Phật”. 
Câu này dạy ĐỨC TÍN TÂM HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Ai đã được nghe bài thuyết giảng TỨ DIỆU ĐẾ của Phật giáo thì không có một người nào mà không muốn đến với đạo Phật. Bài thuyết giảng Tứ Diệu Đế là một bài kinh rất tuyệt vời. Chúng ta từ lâu sống trong mê mờ tăm tối, chưa biết cuộc sống chúng ta là gì? Ra sao? Nhưng khi nghe xong bài pháp Tứ Diệu Đế, làm cho chúng ta sáng suốt nhận định rõ ràng đời sống con người không có gì là hạnh phúc, an vui. Đời sống chỉ là những chuỗi ngày dài đau khổ.
Cho nên khi nói đến KHỔ ĐẾ, TẬP ĐẾ là nói những điều không ai chối cãi và không dám phủ nhận trong cuộc đời này là không khổ đau. Cuộc đời của con người là một sự khổ đau bất tận. Nhưng khi nghe nói đến DIỆT ĐẾ và ĐẠO ĐẾ thì ai cũng muốn xuất gia tu hành theo Phật, những người còn gia duyên chưa thể xuất gia thì ai cũng muốn thọ TAM QUY, NGŨ GIỚI.
Nàng công chúa Ma Lê Ni cũng vậy, khi thọ Tam quy, Ngũ giới là nàng đã hiểu rõ giáo pháp của Bà La Môn là những pháp môn lừa đảo, lường gạt người.
Do hiểu Phật pháp nên nàng thẳng thắn cắt đứt sự cúng dường. Không ngờ tai họa sẽ giáng lên đầu nàng “TỬ HÌNH”. Nhờ là con vua nên nàng được một đặc ân sống thêm sáu ngày và ước muốn điều gì vua sẽ bằng lòng chấp thuận. Nhờ đó mà nàng thoát chết trong gang tấc.
Phật pháp rất vi diệu, khi thọ Tam quy và Ngũ giới xong, nàng chưa sống trọn vẹn với những đức giới này nhưng nó vẫn chuyển hóa được nhân quả khiến nàng thoát chết. Khi nghe Phật thuyết giảng Tam quy và Ngũ đức giới, lòng nàng cũng đã giảm rất nhiều những hành động ác, và nhờ giảm rất nhiều hành động ác nên chuyển đổi được nhân quả.
Vả lại không riêng gì phước báu của nàng mà nàng thoát chết. Nàng thoát chết cũng nhờ nhiều phước báu hợp lại. Một là phước báu của chính nàng; hai là phước báu của vua; ba là phước báu của thần dân trong nước; bốn là phước của anh, chị, em cùng chung cha mẹ; năm là phước báu của tam cung lục viện. Tất cả đều có duyên với chánh pháp của Phật.
Nếu không duyên với chánh pháp của Phật thì nàng đã bị tử hình. Nhưng dù sao, đây cũng chính nhờ ở thiện pháp nơi lòng nàng, đó là lòng yêu chân thật của nàng đối với vua cha và thần dân khắp đất nước.
Nếu vua và thần dân trong nước này không đủ phước báu thì nàng bị giết không thể nào thoát khỏi, với âm mưu thâm độc của các giáo sĩ Bà La Môn thật là ghê gớm.
Đức tín tâm hiếu sinh ý hành giúp chúng ta chuyển đổi được nhân quả. Do đó chúng ta sống với lòng yêu thương và tha thứ mỗi lỗi lầm của kẻ khác thì tất cả ác pháp không tác động làm chúng ta khổ đau. Đó là chúng ta đã chuyển đổi nhân quả ngay liền.
Trả lời câu hỏi 7:
Nàng lễ tạ Phật ra về, khi hiểu được Tam quy, Ngũ giới, nàng mới hiểu rằng: “Các vị Bà La Môn không phải là ruộng phước chân chánh, không nên cúng dường làm gì, chỉ để cúng dường Phật”. 
Câu này dạy ĐỨC SÁNG SUỐT HIẾU SINH Ý HÀNH.
Khi nàng Ma Lê Ni nhận ra được chánh pháp của Phật, nàng hiểu rõ Tam quy, Ngũ giới là đức hạnh nhân bản - nhân quả. Cho nên ai làm thiện sẽ hưởng được phước báu, còn ai làm ác sẽ gặt lấy quả khổ đau. Phước báu do chính mình tạo ra, chớ không ai ban cho mình được, cũng như tai họa không ai mang đến cho mình mà chính mình, do chính những hành động ác của mình.
Những người tu hành mà giới luật đức hạnh sống không nghiêm chỉnh thì không bao giờ làm ruộng phước cho ai được, nếu cúng dường cho những người tu sĩ này càng thêm tội, làm hại Phật giáo. Cũng như bố thí cho những người nghèo lương thiện, chứ không bố thí cho những người nghèo làm ác.
Người nghèo do làm ác thì không nên bố thí, bố thí cho người làm ác thì cũng như xúi họ làm ác thêm. Bố thí cho người làm ác thì có tội thêm chứ không có phước.
Cho nên khi cúng dường và bố thí thì phải cẩn thận, đừng ham danh làm nhà “Từ Thiện” mà tai họa cho mình. Thường có những đoàn từ thiện đi làm phước nhưng phước đâu không thấy, mà chỉ thấy tai họa thảm sầu đến với mình và gia đình. Tai nạn giao thông đã cướp đi biết bao sinh mệnh của những đoàn làm từ thiện, các tu sinh có biết không? Những người được cứu trợ là những người làm ác, làm ác thì phải trả nhân quả tan cửa, nát nhà, chết người. Thế mà có một số người không hiểu luật nhân quả cho nên kê vai gánh chịu những nhân quả của người khác, thì tai nạn giao thông xảy đến để cảnh báo những người làm từ thiện. Làm từ thiện không được phước mà gặp họa, đó là làm từ thiện không đúng chánh pháp, như đức Phật dạy: Cúng dường, bố thí cho cá nhân hay tập thể là phải chọn người làm thiện thì mới được hưởng phước báu, còn ngược lại không được phước mà còn lãnh tai họa.
Vì thế nàng Ma Lê Ni chấm dứt không cúng dường cho 500 vị Bà La Môn để trở thành đệ tử của Phật. Do tâm nguyện sống đúng Tam quy, Ngũ giới và cúng dường Phật mà sau này nàng thoát chết.
Trả lời câu hỏi 8:
Lúc bấy giờ các Bà La Môn nghe tin nàng Ma Lê Ni làm đệ tử của đức Phật, lại đem các món quý báu cúng dường đức Phật, nên sanh lòng ganh ghét tức tối”. 
Câu này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC LY THAM HIẾU SINH Ý HÀNH.
Lòng tham đã làm mờ mắt các vị Bà La Môn, khi không được cúng dường thì các vị sinh lòng căm tức ganh ghét nàng Ma Lê Ni, tìm mọi cách để giết hại nàng.
Một hành động ganh ghét, ghen tức, tỵ hiềm là một hành động hèn hạ, nhỏ hẹp ích kỷ. Người ở đời thường hay có lòng ganh tỵ, hẹp hòi ích kỷ, thấy ai hơn mình thì sinh lòng ganh tỵ; thấy ai kém hơn mình thì khinh chê, đó là tính rất xấu, nó đánh mất đức hiếu sinh. Một người có đức hiếu sinh thì không bao giờ có lòng ganh tỵ hơn thua.
Làm người chúng ta phải tránh xa và từ bỏ lòng ganh tỵ. Lòng ganh tỵ sẽ đưa chúng ta đến chỗ tàn ác, làm đau khổ người hoặc có khi giết người. Lòng ganh tỵ của các Bà La Môn tìm cách giết công chúa, nhưng không phải giết có một mình công chúa, mà giết cả những người theo hầu công chúa; không những giết những người hầu công chúa, mà còn giết bao nhiêu gia súc, ngựa, bò, heo, dê, cừu, gà, vịt, v.v...
Lòng ganh tức chỉ có một mình công chúa mà phải tâu vua xin giết hại bao nhiêu sinh linh, thì đủ biết lòng ganh tỵ sẽ tạo ra nhiều tội lỗi: tội nói dối, tội giết người, giết vật, v.v.. là những tội ác rất nặng.
Tục ngữ có câu: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan trên đầu”.
Những người Bà La Môn này cũng vậy, họ căm tức chờ có dịp trả thù cho hả cơn tức giận.
Ở đời người ta cũng vậy, hễ ghét ai, không ưa ai thì nói xấu người ta đủ điều, đủ chuyện; chuyện có nói không, chuyện không nói có; chuyện ít xít ra nhiều, thường hay thổi phồng câu chuyện để hạ người khác cho thân bại danh liệt, cho ngóc đầu không lên, hoặc có khi dùng mọi thủ đoạn gian ác giết người, giết vật.
Tóm lại, lòng ganh tức là một ác pháp, nó sẽ giết chết lòng yêu thương của chúng ta.
Cho nên chúng ta phải từ bỏ và xa lìa, đừng để nó trong tâm chúng ta trong giây phút nào cả. Khi thấy bóng dáng nó hiện lên trong tâm thì phải dẹp ngay liền. Muốn diệt nó thì có Lòng Yêu Thương mới diệt nó nổi. Các tu sinh hãy nhớ những lời này, để thực hiện đức hiếu sinh cho trọn vẹn.
Trả lời câu hỏi 9:
Một hôm, vua Cấm Mỵ nằm ngủ thấy 11 điều mộng, trong lòng lo sợ, liền triệu quần thần đến đoán. Quần thần tâu xin hỏi các vị Bà La Môn. Các vị Bà La Môn tâu rằng:
- Mộng này là điềm chẳng lành, một là mất nước, hai là bị hại đến tánh mệnh, chỉ có cách là đem trâu, dê, ngựa và nàng Ma Lê Ni cùng 500 người hầu hạ nàng, trong 7 ngày thời bắt ra các ngả đường mà giết để tế trời thì khỏi các tai nạn”. 
Câu này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Giấc mộng của nhà vua là một cơ hội để trả thù công chúa. Các vị Bà La Môn lợi dụng lòng tin thần thánh của nhà vua mới bày vẽ gạt vua để giết công chúa: “Mộng này là điềm chẳng lành, một là mất nước, hai là bị hại đến tánh mệnh, chỉ có cách là đem trâu, dê, ngựa và nàng Ma Lê Ni cùng 500 người hầu hạ nàng, trong 7 ngày thời bắt ra các ngả đường mà giết để tế trời thì khỏi các tai nạn”. Nhà vua nghe theo, truyền lệnh 7 ngày nữa sẽ đem công chúa và mọi người ra giết để tế trời.
Đó là một hành động hết sức hèn hạ, nhỏ mọn, ti tiện của những giáo sĩ Bà La Môn, khi không được cúng dường sinh tâm ganh ghét. Nhưng qui luật nhân quả không bao giờ tha thứ cho những kẻ làm ác. Chỉ còn có thời gian họ sẽ phải trả quả đích đáng. Những vị Bà La Môn này không tránh khỏi tội ác lừa đảo nhà vua để giết người.
Đọc đoạn kinh này chúng ta xác định các vị Bà La Môn dùng uy quyền thần thánh ghê gớm thật, dám tâu giết công chúa mà nhà vua vẫn nghe theo thì biết lòng tín ngưỡng thần thánh mù quáng trong thời bấy giờ rất mạnh. Ngày xưa người ta chỉ cần mượn danh thần thánh, từ vua chí dân đều rất sợ hãi.
Ngày nay chúng ta cho đó là mê tín và lạc hậu. Đúng vậy, tất cả những tư tưởng thần thánh, quỷ ma, yêu quái, linh hồn người chết, v.v.. là những điều mê tín lạc hậu từ ngày xưa còn lưu lại đến ngày nay, rất khó bỏ.
Vì mê tín, lạc hậu, nếu không có đức Phật thì công chúa, nhiều người và nhiều loài vật bị giết hại một cách rất oan uổng. Cho nên sự mê tín lạc hậu là một tai hại rất lớn cho loài người. Chúng ta cần phải cẩn thận, khi nghe nói đến thần thánh, quỷ ma, v.v.. thì chẳng nên tin. Người nào tin có thần thánh, quỷ ma, yêu quái là mê tín, là mù quáng.
Trả lời câu hỏi 10:
Vua liền làm theo, kêu nàng Ma Lê Ni nói rõ ý định của vua và cho phép nàng trong 6 ngày tiếp, có muốn điều gì thời được tự do đòi hỏi”. 
Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Bản án tử hình công chúa đã đưa ra và tuyên bố cho tất cả thần dân trong cả nước đều biết, thì không thể thu hồi được, nhất là lệnh vua đã truyền ban xuống thì công chúa phải chết, nhưng nhà vua lại cho một đặc ân chỉ còn sống 6 ngày và muốn điều gì thì vua đều chấp thuận.
Người làm lành không thể nào gặt quả dữ. Công chúa là người hiền lương, tấm lòng rộng rãi, kính trọng những người tu hành, nên thường cúng dường cho 500 vị Bà La Môn. Do các vị Bà La Môn tà giáo dạy người làm ác thường giết hại chúng sinh để cúng tế thần linh nên phước không có, mà công chúa gặp tai nạn.
Vì vậy, cúng dường không đúng chánh pháp là cúng cho những người làm ác, nên công chúa không được phước mà còn thêm tội. Sự cúng dường không đúng chánh pháp của công chúa là một hành động sai, giúp cho người làm ác lại làm ác hơn. Chúng ta nên tránh xa những sự cúng dường như vậy.
Qua câu chuyện trên đây, cho chúng ta một bài học và nên lấy gương của công chúa cúng dường cho tập thể ác mà soi lại mình, để từ bỏ những việc làm thiện không đúng chánh pháp.
Những đoàn từ thiện đi cứu trợ những người bị cơn bão số 6 năm 2006. Tai nạn giao thông xảy ra, toàn cả xe có 13 người thì chỉ có một người sống sót, còn tất cả đều tan nát.
Có người đầu cổ, tay chân đều đứt lìa, ruột gan đều văng tứ tung, chết một cách thê thảm. Đó là làm từ thiện không đúng chánh pháp.
Làm từ thiện không đúng chánh pháp thì không thiện chút nào, cũng giống như công chúa làm thiện cúng dường cho năm trăm vị Bà La Môn mà phải lãnh án tử hình.
Cho nên muốn làm việc thiện thì hãy xem coi người nhận của cúng dường có phải là những bậc tu hành chân chánh hay không? Hay là những người mượn tôn giáo lừa đảo người. Người mượn tôn giáo lừa đảo người thì đừng cúng dường, vì cúng dường không được phước mà thêm tai họa vào thân. Gương công chúa còn đó, hãy lấy đó mà soi lại mình.
Các vị đi làm từ thiện mang của cải đến giúp đỡ người nghèo khó thì phải xem xét những người nghèo khó này có phải là những người hiền không? Nếu người hiền lương thì nên cứu trợ, còn họ không phải là người hiền lương thì chúng ta đừng cứu trợ, vì cứu trợ cho họ chúng ta sẽ lãnh mọi sự khổ đau của họ về mình. Luật nhân quả rất công bằng, kẻ nào làm ác phải chịu lấy quả khổ đau, còn người làm thiện không đúng đối tượng thì cũng giống như người tiếp tay cho kẻ khác làm ác thêm. Do đó mà người làm thiện phải tan xương nát thịt như những xe đi làm từ thiện.
Theo chúng tôi thiển nghĩ, làm từ thiện là đứng trước cảnh khổ của mọi người, chúng ta đến giúp đỡ và an ủi họ, chứ chúng ta không phân biệt họ làm thiện làm ác. Họ làm thiện hay làm ác chúng ta không cần biết đến.
Chúng ta làm từ thiện bằng tiền của mồ hôi nước mắt của chúng ta làm ra. Có nhiều người mượn danh làm từ thiện mà lại ăn xài tiêu phí trên tiền bạc từ thiện của những người khác. Chính đó mới gây ra tai họa cho mình. Cho nên các nhà làm từ thiện coi chừng, tiêu phí tiền của từ thiện cho cá nhân gia đình mình thì tai họa xảy đến không lường được.
Trả lời câu hỏi 11:
Nàng thưa rằng: “Con nay xin vua cha vui lòng tùy thuận con. Chỉ xin nguyện ngày thứ nhất cho phép tất cả nam nữ ở trong thành được đến chỗ Phật ở, lãnh thọ Tam quy, Ngũ giới; ngày thứ hai cho phép tất cả quần thần đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ ba cho phép tất cả con trai vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ tư cho phép tất cả con gái vua đều đến chỗ Phật ở; ngày thứ năm cho phép tất cả các phu nhân thể nữ của vua đến chỗ Phật ở, và ngày thứ sáu, cuối cùng xin vua cũng đến chỗ Phật ở”. 
Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH tuyệt vời!
Khi hiểu được Phật pháp là một pháp bảo chân chánh, nó đem lại lợi ích thiết thật cho mọi người, nàng biết rõ nó là nền đạo đức nhân bản - nhân quả dạy mọi người sống không làm khổ mình, khổ người, nên khi biết mình còn sống chỉ có 6 ngày nữa, nhưng lòng yêu thương của công chúa quá lớn, nàng muốn cho mọi người đều hưởng được phước báu. Vì thế nàng chỉ xin vua cha ngày thứ nhất cho phép tất cả nam nữ ở trong thành được đến chỗ Phật ở, lãnh thọ Tam quy, Ngũ giới.
Cả dân chúng trong thành đều được thọ Tam quy, Ngũ giới. Khi thọ Tam quy, Ngũ giới xong, thì họ phải sống một đời sống đức hạnh thiện pháp. Khi dân trong thành sống đức hạnh thiện pháp như vậy thì làm thay đổi cả thành là một cảnh giới Thiên Đàng.
Yêu cầu thứ hai của công chúa xin vua cha cho tất cả quần thần đều đến chỗ Phật ở. Khi đến nơi Phật ở, những vị quan này đều được nghe những bài thuyết pháp về đức hạnh nhân bản của con người, nên khi làm quan đối với dân như thế nào? Làm cho tất cả quần thần giúp vua trị nước bằng đức hiếu sinh, thương dân như thương con của mình.
Yêu cầu thứ ba của công chúa xin vua cha cho phép tất cả con trai vua đều đến chỗ Phật ở. Khi đến chỗ đức Phật ở, đều được nghe Phật thuyết giảng Tam quy, Ngũ giới về đức hạnh làm người sống biết thương yêu nhau, không làm khổ cho nhau, biết tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau trong năm đức hạnh:
Đức Hiếu Sinh; Đức Ly Tham từ bỏ lấy của không cho; Đức Chung Thủy vợ chồng phải thương yêu chia sẻ ngọt bùi cay đắng có nhau, đừng ông ăn chả bà ăn nem thì gia đình tan nát; Đức Thành Thật không nói lời dối trá, không nói thêu dệt, thường nói lời thành thật; Đức Minh Mẫn không nghiện ngập rượu chè say xỉn, cờ gian bạc lận.
Yêu cầu thứ tư của công chúa xin vua cha cho phép tất cả con gái vua đều đến chỗ Phật ở. Được Phật dạy về năm đức công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ trong năm giới này, khiến cho những người con gái con vua trở thành những người con gái nết hạnh trang nghiêm thanh tịnh.
Yêu cầu thứ năm của công chúa xin vua cha cho phép tất cả các phu nhân thể nữ của vua đến chỗ Phật ở. Khi đến chỗ Phật ở, tất cả các phu nhân thể nữ của vua được nghe Phật thuyết pháp và thọ Tam quy, Ngũ giới, nhờ đó họ đều thay đổi tâm tính trở thành những người hiền lương, những người tốt, có đức hạnh không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh.
Và yêu cầu cuối cùng của công chúa là xin vua cha hãy đến chỗ Phật ở. Vua cha vui lòng chấp nhận những yêu cầu của công chúa, để trước khi chết công chúa không oán hận vua cha. Vì vua cha tin có trời định số mệnh, còn các vị Bà La Môn là những người thay trời hành đạo mới dạy vua cúng tế như vậy, thì trăm họ mới bình an và đất nước mới thịnh vượng.
Vua cha chấp nhận những yêu cầu của công chúa, để công chúa mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời, không có gì oán trách vua cha sao nhẫn tâm giết con trẻ.
Khi gặp Phật và đã được nghe Phật thuyết Tam quy, Ngũ giới, công chúa biết rằng chỉ có giáo pháp đức hạnh này mới đem lại sự bình an cho muôn người, muôn vật. Vì thế, công chúa quyết định làm cho cả đất nước được thay đổi theo đường lối đạo đức nhân bản - nhân quả trị dân, trị nước, lấy dân làm gốc, giúp vua cha hoàn thành được đường lối cai trị TỀ GIA TRỊ NƯỚC BÌNH THIÊN HẠ, giúp cho dân sống có đạo đức biết thương mình, thương người và thương muôn loài sự sống trên hành tinh này, thì dù nàng có chết nàng cũng vui là đền đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ và ơn đất đai thủy tổ đã sinh ra nàng. Nàng chấp nhận cái chết trong niềm hân hoan sung sướng là vì đất nước nàng toàn dân được sống trong nền giáo dục đức hạnh nhân bản tuyệt vời của Phật giáo.
Trả lời câu hỏi 12:
Những lời thỉnh cầu của nàng vua đều ưng thuận. Và trong sáu ngày ấy, tất cả vua quan dân chúng ở trong thành đều được lễ Phật, nghe pháp thọ lãnh Tam quy, Ngũ giới. Vua đem những điềm mộng bạch với đức Phật. Đức Phật giải cho vua rõ tất cả điềm mộng đó không ứng về hiện tại, mà thuộc ve các kiếp sau. Không can hệ gì đến vua cả. Vua hiểu ngay ý Phật dạy”
Câu này dạy ĐỨC THÔNG MINH HIẾU SINH Ý HÀNH.
Trong 6 ngày, từ vua quan đến thứ dân trong tam cung lục viện đều nghe pháp thọ lãnh Tam quy, Ngũ giới. Tất cả mọi người đều có một sự thay đổi rất lớn, nhất là nhà vua sáng suốt nhận định được lời Phật dạy là những lời quý hơn vàng ngọc. Còn những lời của các vị Bà La Môn là mỵ vua, dối gạt để giết một đứa con hiếu hạnh và giết cả bao nhiêu người, và còn giết các loài chúng sinh vô tội. Nếu không nghe theo lời yêu cầu của của công chúa thì giờ này vua cha đã tạo tội lớn như rừng, như biển.
Công chúa đã cứu vua cha thoát khỏi một tội lỗi rất to lớn, cứu mình, cứu 500 người theo hầu mình và cứu tất cả chúng sinh sắp bị giết để tế trời. Công ơn nàng rất lớn. Bởi vậy, đem chánh pháp đến với mọi người là phước báu vô lượng.
Trả lời câu hỏi 13:
Liền truyền bãi bỏ tất cả sự giết hại chúng sanh để tế tự, phát nguyện dầu có phải hủy bỏ thân mạng cũng không bao giờ giết hại một ai cả”. 
Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Sau khi nghe Phật pháp với những lời dạy đạo đức hiếu sinh tuyệt vời, nên nhà vua nói: “Dầu có phải hủy bỏ thân mạng cũng không bao giờ giết hại một ai cả”. Từ một ông vua hung ác có thể giết con mình mà không thương xót, còn giết người và các loài vật hằng loạt mà không gớm tay. Thế mà khi học được Phật pháp, liền trở thành một người hiền lương tuyệt vời, mới nói ra một lời ái ngữ rất hay: “Dầu có phải hủy bỏ thân mạng cũng không bao giờ giết hại một ai cả”.
Chánh pháp của Phật đã cảm hóa và làm thay đổi lòng người tuyệt vời! Làm thay đổi cả một đất nước.
Bởi vậy Phật pháp rất tuyệt vời, nghe pháp xong là thay đổi tâm tánh ngay liền.
Còn người thời nay khó quá, thầy cho dạy đạo đức hiếu sinh như vậy mà đến giờ này chưa có ai thực hiện rốt ráo, thật đáng thương thay! Công chúa là một trong những người giống như các tu sinh của lớp học chúng ta. Khi học đạo đức hiếu sinh xong, cảm nghĩ của các tu sinh liền ước muốn cho những nhà lãnh đạo đất nước sáng suốt đem những bài học này vào các trường học và khắp nơi trong dân gian từ hang cùng ngõ cụt, nơi nào cũng được truyền bá đạo đức này. Nhưng làm sao được hỡi các tu sinh? Công chúa làm được là nhờ tâm nguyện thương chúng sinh quá lớn, lấy mạng sống của mình thế chấp trong vòng 6 ngày để cho mọi người được học đạo đức. Công chúa thật là vĩ đại. Lấy thân mình làm lệnh truyền của vua đem đức hạnh đến với mọi người. Còn chúng ta bây giờ không ai làm được phải không các tu sinh? Nếu giáo pháp của Phật không phải là đạo đức hiếu sinh thì liệu công chúa có thoát chết được hay không? Hay bị chém đầu treo nơi ngã ba, ngã tư đường phố người qua, kẻ lại!!! Đọc đoạn kinh này giúp chúng ta nhận xét: Khi nghe vua cha kêu án công chúa tử hình, nhưng công chúa vẫn thản nhiên, tâm không hề giao động, sợ hãi. Được tâm bất động như vậy là nàng nhờ đã giác ngộ những điều Phật dạy: “Các pháp vô thường, khổ, vô ngã, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta”, nên nàng bình tĩnh trước cái chết của mình, mà xin vua cha cho phép tất cả mọi người đều đến chỗ Phật ở.
Bản tính nàng từ lúc sinh ra đến khi lớn lên nàng rất cung kính và tôn trọng những người tu hành, nên sẵn sàng cúng dường không một vật gì nàng tiếc, luôn luôn nuôi 500 chúng Bà La Môn. Đến khi học Phật pháp, nàng đã biết mình cúng dường sai lầm, nên nàng chấm dứt không cúng dường nữa.
Nàng đã làm một điều tốt thiện, nhưng những người thọ dụng của cúng dường không tốt thiện. Họ là những người xấu ác, bằng chứng khi nàng không cúng dường nữa là họ tìm cách giết nàng. Ghê thật lòng người! Từ ân thành oán không mấy khó khăn. Phải không các tu sinh? Đây cũng là một bài học cho những phật tử cúng dường không sáng suốt, bị lừa đảo không được phước mà còn làm thêm tội là nối giáo diệt Phật giáo. Tội đó cũng không nhẹ.
Quý phật tử đã từng thấy các nhà làm từ thiện, từ lâu họ đã bị cảnh cáo cho biết làm thiện không đúng chánh pháp là những tai họa vào thân. Cách đây hơn một năm, một chiếc xe đi làm từ thiện, trong xe toàn là những sư cô đã rơi xuống đèo chết một cách không toàn thây. Và vừa rồi là đoàn cứu trợ đồng bào bị cơn bão số 6 miền Trung. Tai nạn giao thông xảy ra, 13 người đi làm từ thiện chỉ còn sống sót một người. Xe đụng như thế nào mà cơ thể của họ tan nát, đầu cổ, tay chân đều bị cán đứt thành khúc, ruột gan đổ ra lênh láng trông ghê gớm giống như những thớt thịt heo bán ở chợ Bến Thành.
Bởi vậy, làm từ thiện mà không thiện chút nào; làm từ thiện mà chết một cách thảm thương, chết một cách khổ đau khiến cho những người thân nhìn thấy cơ thể nát tan phải chết lên, chết xuống. Hình ảnh cái chết của những nhà làm từ thiện cần phải suy ngẫm, đừng nghĩ rằng làm từ thiện là được phước báu, điều đó là sai. Làm từ thiện là thấy người ta khổ mà mình giúp đỡ, chứ không cầu danh, cầu lợi, cầu phước. Muốn làm từ thiện thì hãy lắng nghe lời Phật dạy:
“Muốn bố thí cúng dường đúng chánh pháp thì cá nhân và tập thể nhận của bố thí cúng dường phải thanh tịnh giới luật, đức hạnh nghiêm túc”.
Tóm lại, công chúa đã làm một việc từ thiện đúng chánh pháp, nên nàng thoát chết và còn giúp biết bao nhiêu người và vật thoát chết. Đúng là lấy thiện chuyển ác pháp. Cho nên công chúa lại còn giúp vua cha hồi tỉnh không còn mê tín, nhất là quan, dân trong thành đều sống toàn thiện. Công ơn của công chúa thật là vĩ đại, mọi người sẽ mãi mãi nhớ ơn. Chúng ta hãy noi theo gương hạnh của công chúa tự giác, giác tha, giác hạnh.
Mình được lợi ích thì cầu mong mọi người khác cũng đều được lợi ích như mình. Thật là cao thượng tuyệt vời, không có gì cao thượng hơn! Đức hiếu sinh của công chúa cao vòi vọi tận trời xanh.
________________
Trưởng lão Thích Thông Lạc, Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tập 2. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét