Brian là một cậu bé bảy tuổi. Cậu là người hay mơ mộng và luôn làm cho cô giáo của mình tức giận. Cô giáo của cậu lại là một người rất nghiêm khắc.
Một hôm, Brian đến trường trễ một tiếng đồng hồ. Ngay khi cậu vừa đến lớp, cô giáo của cậu vội ra khỏi lớp học, xuống văn phòng trường và gọi điện thoại cho mẹ Brian. “Hôm nay Brian đi học trễ một tiếng đồng hồ”, cô giáo nói. “Tôi gần như hết chịu nổi rồi!”.
Cả ngày hôm ấy, mẹ Brian hết sức lo lắng.
Cuối cùng, Brian cũng về đến nhà.
- Brian, có chuyện gì xảy ra ở trường vậy con? - Con đi học trễ. Cô giáo của con rất giận.
- Mẹ biết rồi. Cô ấy đã gọi điện cho mẹ. Mà chuyện gì đã xảy ra vậy con?
“Dạ”, Brian bắt đầu kể lại câu chuyện của mình: “Chắc trước đó trời có mưa, con thấy có rất nhiều sâu ở hai bên vỉa hè”. Cậu ngưng lại một lúc rồi nói tiếp: “Con biết các em nhỏ sẽ giậm lên chúng, nên con cố đem bỏ chúng lại vào trong những cái lỗ”.
Cậu ngước nhìn mẹ: “Con mất rất nhiều thời gian để làm việc đó, vì chúng không chịu đi mẹ ạ!”.
Người mẹ ôm cậu vào lòng và nói: “Mẹ yêu con lắm, Brian à!”.
Jay O’Callahan
BÀI LÀM
1- Đại ý:
Bài này nói về đức hiếu sinh của cậu bé Brian đối với loài sâu.
2- Phân đoạn:
Bài này chia làm 9 đoạn:
1- “Brian là một cậu bé bảy tuổi. Cậu là người hay mơ mộng và luôn làm cho cô giáo của mình tức giận ”. Câu này dạy đạo đức gì?
2- “Cô giáo của cậu lại là một người rất nghiêm khắc ”. Câu này dạy đạo đức gì? 3- “Một hôm, Brian đến trường trễ một tiếng đồng hồ. Ngay khi cậu vừa đến lớp, cô giáo của cậu vội ra khỏi lớp học, xuống văn phòng trường và gọi điện thoại cho mẹ Brian.
“Hôm nay Brian đi học trễ một tiếng đồng hồ”, cô giáo nói. “Tôi gần như hết chịu nổi rồi! ”. Câu này dạy đạo đức gì?
4- “Cả ngày hôm ấy, mẹ Brian hết sức lo lắng. Cuối cùng, Brian cũng về đến nhà”. Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Brian, có chuyện gì xảy ra ở trường vậy con? ”. Câu này dạy đạo đức gì?
6- “Con đi học trễ. Cô giáo của con rất giận”. Câu này dạy đạo đức gì?
7- “Mẹ biết rồi. Cô ấy đã gọi điện cho mẹ. Mà chuyện gì đã xảy ra vậy con? ”. Câu này dạy đạo đức gì?
8- “Dạ”, Brian bắt đầu kể lại câu chuyện của mình: “Chắc trước đó trời có mưa, con thấy có rất nhiều sâu ở hai bên vỉa hè. Cậu ngưng lại một lúc rồi nói tiếp: “Con biết các em nhỏ sẽ giậm lên chúng, nên con cố đem bỏ chúng lại vào trong những cái lỗ ”. Cậu ngước nhìn mẹ: “Con mất rất nhiều thời gian để làm việc đó, vì chúng không chịu đi, mẹ ạ!”. Câu này dạy đạo đức gì?
9- Người mẹ ôm cậu vào lòng và nói: “Mẹ yêu con lắm, Brian à!”. Câu này dạy đạo đức gì?
3- Đáp án:
Bài này có 9 đức hạnh:
1- Thiếu đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ý hành.
2- Tính nghiêm khắc ý hành.
3- Thiếu đức nhẫn nhục ý hành, khẩu hành.
4- Thiếu đức nhân quả ý hành.
5- Đức điềm tĩnh ý hành.
6- Đức thành thật khẩu hành.
7- Đức tìm hiểu ái ngữ khẩu hành.
8- Đức hiếu sinh đa hướng khẩu hành.
9- Đức cảm thông lòng yêu thương.
4- Giải trình án:
ĐỨC THỨ NHẤT THIẾU ĐỨC NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG Ý HÀNH
Đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ý hành là một đức hạnh nhân bản - nhân quả giúp cho mọi cá nhân con người diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, tức là giúp cho mọi người không còn tức giận phiền muộn; không còn to tiếng la lối chửi mắng người khác; không còn dùng những lời nói tục tĩu, kém văn hóa, chửi thề, mạt sát, mạ lị, v.v.. làm mất ái ngữ đối với những người khác; không còn những hành động thô bạo, hung dữ, múa tay, múa chân, xỉa xói, chỉ vào mặt, v.v.. những người khác.
Đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thường đem lại cho chúng ta một sức bình tĩnh kỳ lạ khi đứng trước những lời mạ nhục, vu khống hoặc nói xấu, v.v.. của những người khác. Bởi đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng giúp tâm chúng ta bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Muốn tâm chúng ta được như vậy là nhờ vào phương pháp như lý tác ý.
Theo phương pháp như lý tác ý, khi chúng ta bị người khác vu khống, nói oan ức, nói lời mạ nhục, chửi mắng, xỉa xói, v.v.. thì chúng ta chỉ cần tác ý: “Tâm bất động như đất, tất cả các pháp xảy ra là do nhân quả thiện ác, đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Vậy ta hãy buông xuống, buông xuống cho thật sạch, chỉ còn tâm thanh thản, an lạc và vô sự mới thật là an vui giải thoát; mới thật sự cuộc sống có ý nghĩa làm người. Ngoài ra trên đời này không có pháp nào có ý nghĩa cao thượng không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, không nên để pháp nào tác động vào tâm chúng ta được. Nếu để tác động vào tâm chúng ta là chúng ta ngu si, mê mờ vô minh, thiếu trí tuệ sáng suốt, thiếu chủ động, làm nô lệ, tay sai cho nhân quả”. Khi tác ý như vậy, tâm chúng ta trở nên bình tĩnh, thản nhiên, không còn tức giận một cách lạ thường. Vì thế không một lời nói ác nào tác động vào tâm ta được. Cho nên chúng ta lúc nào cũng giữ gìn lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng, nhã nhặn đầy ái ngữ tình yêu thương và tha thứ.
Làm người nếu không sống với đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng thì sự khổ đau sẽ không thể nào tránh khỏi, đời sống sẽ trở nên đen tối, thường sống trong cảnh địa ngục trần gian.
Đoạn văn trên đây dùng chữ mơ mộng để chỉ tính tình cậu bé Brian là không đúng. Vì cậu bé này không sống mơ mộng, mà sống bình đẳng với tình thương yêu trong sự sống của muôn loài. Tình yêu thương ấy cậu bé Brian đã thể hiện qua đức hạnh hiếu sinh đa hướng. Vì thế cậu thực hiện tình yêu thương ấy bằng đức dũng cảm. Mặc dù cậu biết rằng đi học trễ sẽ bị cô giáo tức giận, phạt, hay còn bị cô giáo đánh đòn và báo cho mẹ cậu biết, do điều này làm mẹ cậu buồn phiền, nhưng trước cảnh chết chóc của loài sâu, cậu không thể nào làm ngơ trước những con sâu bị các em bé giậm chết. Vì thế, cậu đi lượm từng con sâu bỏ vào trong những chiếc hang của chúng, để chúng khỏi chết. Một cậu bé mà có lòng yêu thương như vậy thì người lớn có sánh kịp chăng? Một cậu bé có lòng yêu thương như vậy không thể cho cậu là một đứa bé sống mơ mộng viển vông.
Lòng yêu thương loài sâu bọ qua hành động của cậu bé Brian đã dạy cho chúng ta một bài học đạo đức hiếu sinh vô giá, không lấy một vật gì so sánh được, khiến cho chúng ta không bao giờ quên. Phải không quý vị? Trong bài học học ấy toát lên được đức dũng cảm gan dạ phi thường, mà chỉ có lòng yêu thương chân thật từ trong trái tim mới dám làm.
Cô giáo là một người tính nóng nảy, thiếu đức trầm tĩnh, nên khi thấy cậu đi học trễ liền gọi điện thoại về báo cho mẹ cậu biết là cậu đi học trễ một giờ. Đó là hành động nông nổi, hấp tấp vội vàng làm phiền lòng người khác. Nếu cô giáo của cậu có đức trầm tĩnh, hỏi han: “Brian, cớ sao em đi học trễ như vậy?”. Khi hiểu ra sự việc, chắc cô giáo sẽ thương yêu người học trò nhỏ có lòng nhân ái mà trong đời này ít có người nào có đức nhân ái như vậy.
Trong đoạn này chúng ta rút ra được những bài học đức hạnh nhân bản - nhân quả rất cụ thể và rõ ràng:
1- Đức trầm tĩnh, không nóng nảy hấp tấp.
2- Đức ái ngữ, lời nói ôn tồn, nhã nhặn, êm dịu.
3- Đức nhân ái, hiền lành, thương yêu và tha thứ.
Nếu mọi người đều biết sống với ba đức này thì xã hội là Thiên Đàng, gia đình là nơi tổ ấm, bản thân đôn hậu sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
ĐỨC THỨ HAI TÍNH NGHIÊM KHẮC Ý HÀNH
Tính nghiêm khắc là một tính hạnh khiến cho người khác không dám xem thường. Vì thế khi nghiêm khắc phải nghiêm khắc với những người đang theo học với mình. Bởi mình phải có trách nhiệm hướng dẫn họ vào đời sống bằng một sự thi hành theo mệnh lệnh, như luật của quân đội để họ không làm sai. Cho nên sự nghiêm khắc luôn luôn làm cho người ta sợ hãi hơn là cởi mở với lòng yêu thương.
Đoạn văn trên đây dùng chữ nghiêm khắc để chỉ cho tính nghiêm khắc của cô giáo rất đúng.
Nhưng chúng ta cũng nên biết, tính nghiêm khắc luôn luôn thiếu lòng yêu thương và tha thứ, vì chữ nghiêm khắc có nghĩa là nghiêm nghị và khắc nghiệt. Người có tính nghiêm khắc là người hay tức giận, thường làm khổ mình, khổ người. Tính nghiêm khắc không bao giờ đi đôi với lòng thương yêu, tha thứ và sự cởi mở, vui vẻ để giúp cho mọi người có thiện cảm, gần gũi với mình nhiều hơn.
Tính nghiêm khắc khiến cho ai cũng cảm thấy có một sự cách biệt giữa người lớn và kẻ nhỏ; giữa giai cấp này và giai cấp khác; giữa người làm quan và kẻ làm dân; giữa người làm thầy và kẻ làm học trò. Tính nghiêm khắc quá độ khiến cho dân và quan cách xa nhau; khiến cho học trò và thầy giáo không gần gũi nhau; khiến cho cha mẹ và con cái có một hàng rào ngăn cách không thể gần gũi trau đổi tình yêu thương chan hòa. Cho nên khi chúng ta sống với tính nghiêm khắc là tự chúng ta làm khổ mình, làm khổ người. Ngược lại, chúng ta sống với đức nghiêm nghị thì lại khác. Người nghiêm nghị không bao giờ nói đùa nói giỡn; không bao giờ cười cợt khiếm nhã; không bao giờ nói lời thô lỗ, hung dữ, cộc cằn; không bao giờ nói lời tục tĩu, chửi thề; không bao giờ to tiếng mắng chửi ai; không bao giờ xưng hô phách lối “mày, tao, mi, tớ...”; không bao giờ múa tay, múa chân, xỉa xói vào mặt người khác, v.v.. như muốn đánh họ.
Người có tính nghiêm nghị luôn luôn mang theo tình thương yêu và tha thứ, vì thế nghiêm nghị nhưng rất cởi mở và hoan hỷ, không cười cợt, nói đùa, nói giễu, nói châm biếm, nói những lời vô ích, v.v...
Người có tính nghiêm nghị luôn luôn nói lời thẳng thắn, chân thật, không bao giờ nói dối, nói lời xảo trá, nói lời khinh bỉ, chê bai hay chỉ trích, nói xấu, nói oan, nói vu khống người khác.
Người có đức nghiêm nghị hoan hỷ thì mới dễ gần gũi mọi người, trong nghiêm nghị vui vẻ giao tiếp với mọi người nhưng lời nói lúc nào cũng chân thật, thẳng thắn, vì thế mọi người dễ cảm thông, nên mến thương nhau nhưng lại kính trọng nhau. Ngược lại, nghiêm nghị nhưng không hoan hỷ là tính nghiêm khắc. Tính nghiêm khắc khiến cho người ta xa nhau.
Người có đức nghiêm nghị nhưng biết lễ nghĩa cung kính tôn trọng mọi người bằng những lời nói khiêm tốn, khiến cho mọi người không thấy mình bị coi rẻ, nhất là những người thân trong gia đình. Do nghiêm nghị mà thiếu đức khiêm tốn thì nghiêm nghị trở thành tính nghiêm khắc và đang tỏ ra bản ngã. Đó là thị hiện bản ngã kẻ trên, người dưới. Còn ngược lại, nghiêm nghị khiêm tốn mới thật là đức nghiêm nghị diệt ngã, xả tâm. Nhờ có đức nghiêm nghị khiêm tốn thì trong xã hội loài người mới có đức lễ cung kính, tôn trọng lẫn nhau bằng sự sống bình đẳng trong cuộc đời này.
Muốn cho mọi người không khinh thường nhau thì phải nghiêm nghị trong lời nói, nhưng rất hoan hỷ tùy thuận trong mọi ý kiến của mọi người, và còn phải biết tỏ ra cung kính, tôn trọng những điều người ta nói thẳng, nói thật.
ĐỨC THỨ BA THIẾU ĐỨC NHẪN NHỤC Ý HÀNH, KHẨU HÀNH
Đức nhẫn nhục là một đức hạnh giúp cho chúng ta vượt qua những ác pháp, khiến cho tâm chúng ta trở nên yên ổn và an lạc. Cho nên đức nhẫn nhục rất cần thiết cho những người mới tu tập xả tâm ly dục, ly ác. Vì nó khiến tâm chúng ta được bình tĩnh hơn; nhờ có tâm bình tĩnh chúng ta mới nhẫn nhục được trong các nghịch cảnh; nhờ nhẫn nhục được chúng ta mới tư duy quán sát từng ác pháp, nên mới ngăn và diệt được các ác pháp một cách rất dễ dàng; nhờ ngăn và diệt được ác pháp dễ dàng nên tâm chúng ta mới bất động. Nhờ tâm bất động chúng ta mới sống trong chân lí giải thoát của Phật giáo, TÂM THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ. Đó là một trạng thái chân thật của thân tâm giải thoát hoàn toàn các ác pháp, vì thế trong trạng thái chân lí này nhân quả không còn chỗ đất đứng.
Ở đây, cô giáo thiếu đức bình tĩnh nhẫn nhục, nên vừa thấy cậu bé Brian đi học trễ là vội vàng gọi điện thoại báo tin cho mẹ cậu bé biết. Đó là một điều rất dở của cô giáo. Là một cô giáo, người truyền đạt kiến thức văn hóa và đạo đức cho học trò, thì cô giáo phải mang tình thương yêu đến với học trò của mình, giống như tình thương yêu của một người mẹ hiền.
Muốn được vậy thì cô giáo nên tập luyện đức bình tĩnh nhẫn nhục. Nhờ có đức bình tĩnh nhẫn nhục trong tình yêu thương học trò, cô giáo mới để tâm tìm hiểu lý do như thế nào mà cậu bé Brian đi học trễ. Đấy là cô giáo mới thật sự xứng đáng là người dạy học, người truyền đạt tư tưởng văn hóa đạo đức; người trăm năm trồng người.
Khi biết rõ lý do đi học trễ của học trò mình, cô giáo mới khuyến khích hoặc khuyên dạy cậu bé Brian học tập tốt hơn. Trách nhiệm của một cô giáo là phải tìm hiểu người học trò của mình để an ủi và giúp đỡ, chớ không phải chỉ có biết phạt vạ, răn đe khiến cho học sinh mất sự cảm mến và yêu thương thầy cô giáo của mình. Và vì vậy, cô giáo và học trò dễ dàng xa cách, không cảm thông và gần gũi nhau thì khó giáo dục và truyền đạt những gì tốt đẹp cho học trò của mình.
Nhờ cô giáo có tình thương yêu như người mẹ thương con thì học trò và cô giáo rất gần gũi nhau. Nhờ có tình cảm gần gũi như người chị và các em, như người mẹ và các con thì sự truyền đạt văn hóa và đạo đức cho học trò mới dễ dàng tiếp thu, tiếp thu trong sự ham thích học hành của tình yêu thương, nhờ đó các em mới nâng cao trình độ kiến thức văn hóa ngày một tiến lên. Bởi vậy, tình thương của cô giáo với học sinh phải giống như tình thương của cha mẹ thì học sinh mới học hành chăm chỉ, không còn biếng trễ.
Cho nên đức nhẫn nhục rất cần thiết cho mọi người. Nó mang lại cho mọi người một sức bình tĩnh to lớn để cùng nhau sống trong một gia đình, một xã hội mà có trật tự và an vui hạnh phúc và chia sẻ nhau trong những nỗi nhọc nhằn gian khổ của kiếp làm người. Con người sinh ra và lớn lên trong nhân quả, nên thọ chịu biết bao là đau khổ. Nhờ con người biết sống trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả, nên đã chuyển nghiệp sống khổ đau thành nghiệp sống an vui và hạnh phúc. Bởi vậy, đạo đức nhân bản - nhân quả rất cần thiết cho loài người, nhờ đó mà loài người mới sống bình an, yên vui và hạnh phúc, với tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.
Đức nhẫn nhục rất quan trọng như vậy, nếu bản thân nhẫn nhục được thì tâm sẽ dễ dàng bất động, và sự giải thoát của Phật giáo có ngay liền nơi đó.
Trong gia đình mà mọi người biết nhẫn nhục thì gia đình đó sẽ an vui vô cùng vô tận, không bao giờ có bạo lực gia đình. Nhẫn nhục là một đức hạnh rất cần thiết cho mọi người cùng chung sống nhau trong một gia đình. Chính hạnh phúc gia đình có được là nhờ vào đức nhẫn nhục, tùy thuận và vui lòng trước những cảnh trái ý nghịch lòng.
Ngoài xã hội, mọi người biết sống với đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng thì xã hội luôn luôn có trật tự, có sự an ổn và con người không làm khổ cho nhau nữa.
ĐỨC THỨ TƯ THIẾU ĐỨC NHÂN QUẢ Ý HÀNH
Đạo đức nhân quả là mười điều thiện, nếu ai sống đúng mười điều thiện thì làm gì nhân quả tác động được, chỉ vì mọi người chưa sống đúng mười điều lành của nhân quả, nên sân giận, nên lo lắng và sợ hãi.
Khi nghe tin con đi học trễ, cô giáo tức giận, thì người mẹ nào lại không lo lắng cho con, có nhiều bà mẹ còn tức giận con, chờ con về la mắng. Riêng mẹ của cậu bé Brian chỉ lo lắng suốt ngày hôm ấy, vì tình mẹ thương con.
Đọc qua bài này, chúng ta thấy ít có người mẹ nào như mẹ của cậu bé Brian, tuy lo lắng cho con nhưng rất bình tĩnh, không hề tỏ ra một chút giận dữ nào đối với con cả. Bà bình tĩnh khi con về đến nhà, dùng lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng đầy lòng yêu thương và âu yếm.
Trên đời này thật hiếm có người mẹ nào có sự bình tĩnh như thế.
Như chúng ta đã biết, tất cả mọi sự việc trên đời này xảy ra đều do nhân quả, nếu một người am tường đạo đức nhân quả thì không bao giờ sợ hãi hay lo lắng một điều gì cả. Bởi vì mọi vật đều theo qui luật của nhân quả mà đến mà đi, dù cho có lo lắng thì cũng không sao tránh khỏi.
Đứng trước mọi sự việc xảy ra, người được trang bị kiến thức đạo đức nhân quả thì không bao giờ sợ hãi. Dù là bệnh đau hay cái chết trước mắt, tinh thần họ rất dũng cảm, không bao giờ nao núng. Cho nên, sự hiểu biết đạo đức nhân quả cho bản thân của mọi người rất cần thiết, vì đó là một loại kiến thức hiểu biết để trang bị sức bình tĩnh trước các ác pháp.
Người sống trong đạo đức nhân quả luôn luôn biết cung kính, tôn trọng mọi người, nên luôn dùng ái ngữ, lời nói ôn tồn nhã nhặn, từ tốn, khiêm hạ, do đó gia đình rất hạnh phúc yên vui, vì không ai làm nghịch ý, trái lòng nhau.
Người sống đúng đạo đức nhân quả thì chuyển được những tai nạn bệnh tật, những việc tranh tụng thưa kiện, những sự tranh chấp hơn thua, những âm mưu giết hại lẫn nhau, tránh được những tai nạn giao thông và thoát khỏi những kẻ trộm cắp cướp của giết người. Bởi vậy, đạo đức nhân quả rất cần thiết cho cuộc sống mọi người trong cộng đồng xã hội.
Chúng ta là những tu sĩ Phật giáo luôn luôn phải giữ gìn và sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả, thì tâm chúng ta sẽ bất động trước các pháp ác và các cảm thọ. Đó là sự giải thoát của Phật giáo, chứ không phải còn tu tập pháp môn nào khác nữa, nếu có pháp môn nào tu tập khác nữa đó là pháp môn của ngoại đạo, chứ Phật giáo chỉ khuyên mọi người nên sống với nền đạo đức nhân bản - nhân quả đã có sẵn từ lâu, từ trước khi đức Phật ra đời.
ĐỨC THỨ NĂM ĐỨC ĐIỀM TĨNH ÁI NGỮ KHẨU HÀNH
Người nào biết sống với đức điềm tĩnh ái ngữ thì không bao giờ làm khổ người khác, vì lời nói nhẹ nhàng, êm dịu, ngọt ngào. Mẹ của cậu bé Brian thật là đầy đủ đức điềm tĩnh nên hỏi con một cách ngọt ngào. Lời nói đầy ái ngữ của bà với một tình yêu thương con trọn vẹn, rất xứng đáng là một người mẹ hiền nhân hậu: “Brian, có chuyện gì xảy ra ở trường vậy con?”. Chúng ta chỉ đọc câu hỏi này đã nhận thấy toát ra một tình yêu thương từ trong trái tim của người mẹ hiền nhân ái.
Trên đời này, nếu có ai làm sai một điều gì, hoặc làm chướng ngại tâm chúng ta, thì chúng ta nên luôn luôn giữ gìn đức điềm tĩnh ái ngữ, thì những đối tượng của chúng ta sẽ chuyển biến thay đổi những ác pháp khiến cho mọi người sẽ gần gũi và yêu thương nhau hơn. Do đó trong xã hội này đâu có ai sân giận chửi mắng, đánh nhau. Phải không quý vị? Không còn có ai sân hận chửi mắng, đánh nhau thì xã hội sẽ có trật tự an ninh, người trên kính nhường kẻ dưới, kẻ dưới cung kính tôn trọng người trên. Và như vậy trong một xã hội con người biết tôn trọng cung kính lẫn nhau thì xã hội ấy là cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Lúc bấy giờ thế gian là cảnh giới Cực Lạc, Thiên Đàng, thì còn ai niệm Phật cầu vãng sinh nữa.
Nếu trong gia đình mọi người ai ai cũng đều giữ gìn đức điềm tĩnh ái ngữ thì làm sao có bạo lực gia đình; thì làm sao có cơm không lành canh không ngọt; thì làm sao có vợ chồng chửi mắng, đánh nhau, li dị nhau. Mọi người đều sống với đức điềm tĩnh ái ngữ thì gia đình bình an và hạnh phúc biết bao.
Về phần cá nhân mọi người phải siêng năng tập sống với đức điềm tĩnh ái ngữ, thì lời nói sẽ không làm khổ mình, khổ người, luôn luôn đem lại sự bình an cho mình, cho người. Bởi vậy, đức điềm tĩnh ái ngữ khẩu hành rất cần thiết cho mọi người. Làm người chúng ta nên quyết tâm sống cho bằng được với những đức hạnh này.
Một đức hạnh rất tuyệt vời, đem lại sự sống chung nhau an lành trên hành tinh này. Một tình thương yêu hòa chan trong từng trái tim của mọi người.
ĐỨC THỨ SÁU ĐỨC THÀNH THẬT KHẨU HÀNH
Trên đời này, người thành thật không bao giờ dối trá với một người nào hết, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, có làm lỗi thì thành thật nói lỗi mình ra. Nói lỗi mình ra đừng sợ ai cười chê. Người biết nói lỗi để sửa lỗi là người biết cầu tiến trên đường đạo đức để trở thành người toàn thiện. Người dám nói lỗi mình ra là người gan dạ, có đầy đủ dũng cảm. Người như vậy được mọi người đều quý trọng, thương yêu.
Khi nghe mẹ hỏi, cậu bé Brian thành thật nói cho mẹ biết, không giấu diếm tội lỗi của mình chút nào: “Con đi học trễ, cô giáo con tức giận”. Lời nói quá thành thật, khiến cho người mẹ càng thương con mà không tức giận. Bởi vậy lời nói thành thật, không dối trá là lời vàng, lời ngọc. Chính lời nói chân thật làm cho mọi người đặt trọn lòng tin nơi mình hơn, nếu mình nói không thật thì còn ai tin mình nữa, phải không? Đức thành thật khiến mọi người không nghi ngờ. Vợ hay chồng nghi ngờ nhau nên mới có sự ghen tuông. Nếu tin nhau thì làm sao có ghen tuông? Do đối xử nhau không thật nên có dấu hiệu gì là nghi ngờ nhau. Từ chỗ nghi ngờ, vợ hay chồng dễ đi đến chỗ cãi cọ đánh nhau, rồi ra tòa xin li dị không mấy khó khăn. Bởi vậy nói dối là một điều rất xấu xa, đem đến những sự đau khổ mãi mãi cho mình, cho người.
Đức thành thật là một đức hạnh luôn luôn bảo vệ gia đình, đem lại sự bình an cho mình và cho mọi người thân trong gia đình.
Đức Phật dạy: Một người không thành thật thì không một điều ác nào họ không làm được.
Cho nên ngay từ lúc bây giờ, chúng ta nên giữ gìn đức thành thật, vì có thành thật thì không đánh mất giá trị con người.
Đức thành thật quan trọng như vậy đối với con người, nếu có thành thật thì mới tin tưởng nhau, còn không thành thật thì không tin tưởng nhau. Khi không tin tưởng nhau mà sống chung nhau là cảnh sống địa ngục.
Một người dối trá là tự mình không tin nơi mình là người tốt. Không tin nơi mình là người tốt nên bất cứ điều ác nào mình cũng làm được.
Vì thế mình không bao giờ chịu sửa những điều sai, do đó sự đau khổ ngày càng chồng chất cao lên ngút ngàn.
ĐỨC THỨ BẢY ĐỨC TÌM HIỂU ÁI NGỮ KHẨU HÀNH
Người có đạo đức muốn tìm hiểu một điều gì thì cần nên dùng những câu hỏi mang tính ái ngữ giống như lời hỏi thăm, chứ không nên dùng lời cật vấn hăm dọa đòi đánh, đòi đá, đòi đạp như các điều tra viên, thường hỏi vặn, hỏi vẹo để bắt bí người khác. Khi cật vấn điều tra hỏi han như vậy làm cho người khác sợ hãi, thì đó không còn là đạo đức ái ngữ tìm hiểu, mà là ác ngữ thiếu đạo đức. Trên cuộc sống chung nhau trong thế gian này, chúng ta nên dùng đức ái ngữ tìm hiểu để thực hiện tình người, tình yêu thương con người với con người. Vì chính con người sinh ra trên đời này không ai là không đau khổ, muốn làm giảm sự khổ đau ấy thì chỉ có đức hiếu sinh, mà đức hiếu sinh thì trong ấy có đức tìm hiểu ái ngữ để hiểu nhau trong tình yêu thương, chứ không tìm hiểu nhau trong trong ác pháp, trong đau khổ. Cuộc đời vốn đau khổ mà lại làm gia tăng sự khổ đau, thay vì chúng ta nên làm giảm bớt sự đau khổ để đời sống được tươi đẹp hơn; được hạnh phúc, an vui hơn.
Để so sánh hai câu hỏi tìm hiểu. Một câu ác ngữ và một câu ái ngữ. Trên đây là câu nói của bà mẹ trong bài học đạo đức này mới thật chính là đức ái ngữ tìm hiểu: “Mà chuyện gì đã xảy ra vậy con?”. Câu hỏi tìm hiểu bằng lời nói ái ngữ nghe êm dịu và ngọt ngào làm sao, với lòng yêu thương và đầy tha thứ của một người mẹ dạy con. Nếu trên đời này ai cũng giống như bà mẹ của cậu bé Brian thì thế gian này là Thiên Đàng. Phải không quý vị?
Câu hỏi để tìm hiểu của bà mẹ Brian nghe sao mà chứa chan tình yêu thương mẹ con, thấm thía làm sao! Câu hỏi tìm hiểu nhưng chứa chan tình người, mang đầy đủ tính chất tình cảm với nhau thật là tuyệt vời. Nhờ câu hỏi ái ngữ tìm hiểu mà con người gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Chính nhờ đó mà cuộc sống tràn đầy niềm vui.
Ngược lại, câu hỏi tìm hiểu sau đây là ác ngữ: “Tại sao mầy đi học trễ?”. Câu hỏi nghe không ngọt ngào, mà phách lối, cay cú, hung dữ; không có tình người, mà thiếu đức hiếu sinh. Câu hỏi tìm hiểu này làm cho người ta rất sợ hãi. Vì thế, người không dối trá khi nghe câu hỏi này cũng sinh ra dối trá.
Đức ái ngữ tìm hiểu là một đạo đức làm cho mọi người ngày ngày trở nên đạo đức tốt đẹp hơn, trở nên những người tốt cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Đạo đức ái ngữ tìm hiểu rất quan trọng cho đời sống con người. Vì con người cần phải tìm hiểu nhau. Tìm hiểu nhau mà không biết dùng đức ái ngữ tìm hiểu thì cuộc sống của mọi người làm sao tin tưởng nhau được.
Tìm hiểu nhau được mới cảm thông nhau, mới yêu thương nhau chân thật, mới chia sẻ nhau những cay đắng ngọt bùi trên cuộc đời này. Người mẹ của Brian đã tìm hiểu được con mình nên bà không buồn phiền con, mà lại thương con nhiều hơn. Việc đi học trễ là một lỗi lầm rất lớn của các em học sinh, thế mà cậu bé Brian vì lòng thương yêu cao thượng giúp cho loài sâu thoát chết mà phạm lỗi đi trễ học. Lỗi đi học trễ để cứu loài sâu có đáng cho chúng ta phạt cậu bé Brian này không, thưa quý vị?
ĐỨC THỨ TÁM ĐỨC HIẾU SINH ĐA HƯỚNG KHẨU HÀNH
Cậu bé Brian thành thật trả lời cho mẹ biết tại sao mình đi học trễ, cậu bé không nói mình thương yêu loài sâu bọ, nhưng nói lên những hành động cậu đi bắt từng con sâu bỏ vào hang của chúng, để tránh các em bé khác đi giẫm lên, sẽ làm những con sâu phải chết. Những hành động nói lên lòng yêu thương loài vật tuyệt vời của một cậu bé mới bảy tuổi. Lòng yêu thương ấy đối với chúng ta, là những người lớn, mà so sánh đức hiếu sinh với cậu bé này thì không thể nào chúng ta hơn được. Khi hiểu biết rõ như vậy chúng ta phải cố gắng hơn, luôn luôn sống với tình yêu thương rộng lớn với mọi người, mọi loài vật. Và nhờ vậy tình yêu thương của chúng ta sẽ không thua kém chú bé Brian.
Chính cậu bé Brian đã dạy cho chúng ta một bài học đạo đức hiếu sinh về loài vật có một giá trị tình thương yêu cao thượng, nhất là cậu can đảm dám bỏ một giờ học, để làm một việc cao cả cứu sống biết bao nhiêu là con sâu. Tuy cậu biết rằng sẽ bị cô đánh hay bị phạt, và bị cô báo cho mẹ biết. Biết vậy, nhưng cậu không nỡ bỏ mặc cho những con sâu phải chết một cách thảm thương dưới bước chân của các em bé. Thật là một tình thương cao cả, gan dạ, dám hy sinh mình cứu chúng sinh. Thật là tuyệt vời, không có lòng yêu thương nào hơn được! Nghe cậu bé Brian thuật lại những hành động giúp đỡ loài sâu thoát chết cho mẹ nghe, làm chúng ta rất xúc động và tự nghĩ lòng thương yêu của mình còn kém xa đối với cậu bé này.
Hiện chúng ta còn giết hại và ăn thịt chúng sinh, không một chút lòng thương xót khi loài vật giãy giụa trên dao dưới thớt. So sánh như vậy, đức hiếu sinh chúng ta có bằng cậu bé này không? Với những con sâu nhỏ bé như vậy cậu còn thương yêu thay, huống là với những loài vật khác. Phải không quý vị? Trên cuộc đời này, chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự hòa bình cho loài người. Những điều trước mắt chúng ta biết đức hiếu sinh sẽ đem lại sự bình an cho mình, cho mọi người và cho mọi loài vật trên hành tinh này. Ngoài đức hiếu sinh ra, không còn có đức hạnh nào hơn được. Chúng ta là con người thì phải lấy đức hiếu sinh làm đầu trong cuộc sống. Vì cuộc sống có bình yên, an vui và hạnh phúc đều nhờ vào đức hiếu sinh cả. Cho nên đức hiếu sinh rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của con người đối với con người, và con người đối với các loài vật.
ĐỨC THỨ CHÍN ĐỨC CẢM THÔNG LÒNG YÊU THƯƠNG KHẨU HÀNH, THÂN HÀNH
Có một đứa con biết thương yêu loài vật như vậy, làm sao người mẹ không ôm con vào lòng, tỏ ra một lòng yêu thương vô bờ bến. Con đi học trễ chỉ vì thực hiện lòng yêu thương, thì làm sao lại có người mẹ nào mắng con hay đánh con cho đành. Nếu cô giáo có đức điềm tĩnh, cặn kẽ hỏi cậu bé Brian; “Sao hôm nay em đi học trễ như vậy?”. Thì chắn chắc cô sẽ ngạc nhiên vô cùng. Khi đứng trước lòng từ ái yêu thương của cậu học trò mình, mới bảy tuổi mà thể hiện lòng yêu như vậy khó có ai nghĩ đến.
Hiểu được lòng yêu thương ấy thì cô giáo làm sao phạt hay rầy mắng người học trò thân thương của mình được. Phải không quý vị? Bởi vậy, trên đời này đức cảm thông hiếu sinh rất cần thiết cho mọi người. Vì có cảm thông sự khổ đau của người khác, cho nên chúng ta mới thương yêu và tha thứ. Có thương yêu và tha thứ mà không có sự cảm thông thì sự thương yêu tha thứ ấy không thành thật. Cho nên đức cảm thông hiếu sinh rất cần thiết cho mọi người. Vì có thương yêu, cảm thông những nỗi đau khổ của người khác, thì chúng ta mới buông xả những điều chướng ngại trong tâm mình.
Có cảm thông những người thân trong gia đình thì gia đình mới có hạnh phúc và sự an vui chân thật. Không cảm thông nhau thì gia đình là địa ngục.
Trong xã hội, mọi người đều cảm thông nhau thì tệ nạn xã hội không có. Vì có cảm thông nhau chúng ta mới giúp đỡ tận tình. Giúp đỡ nhau tận tình bằng cách xóa đói giảm nghèo thì những tệ nạn xã hội đâu còn nữa. Vì thế, trong xã hội mọi người đều cảm thông nhau thì cuộc sống sẽ chan hòa tình yêu thương nhau, lá lành đùm bọc lá rách.
_____
Trưởng lão Thích Thông Lạc, Giáo án rèn nhân cách - Đức Hiếu Sinh, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tập 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét